Saturday, November 14, 2009

VIỆT KIỀU và "CHUYỆN GIẤY TỜ" Ở VIỆT NAM

Oái oăm “chuyện giấy tờ”
Tác giả: DNSGCT
Bài đã được xuất bản.: 2 giờ trước (14-11-2009)
http://tuanvietnam.net/2009-11-14-oai-oam-chuyen-giay-to-
Từ lâu, người ta đã hài hước hóa thủ tục hành chính bằng một cách thêm chữ "là" vào giữa chữ "hành chính". Vì thế mới nảy sinh những câu chuyện rất nực cười nhưng nghe xong không thể cười nổi: Một người gốc Việt đã được thể hiện rành rành bằng cái tên lẫn nguyên quán trên giấy tờ của Hoa Kỳ vẫn phải nhờ mấy bà hàng xóm lạ hoắc chứng nhận mình là gốc Việt Nam; hay một người dân phải viết đơn để xác nhận một việc làm của chính quyền!

Chứng minh nguồn gốc Việt: Không dễ!
Anh C., một doanh nhân Việt kiều kể rằng khoảng năm 2007, hồi còn ở Mỹ đã rất phấn khởi khi nghe tin từ nay Việt kiều về Việt Nam không cần visa nữa. Ở Mỹ thì chuyện visa không thành vấn đề, cứ đặt mua vé về Việt Nam là chỗ bán vé nhận xin visa cho khách luôn, thường là không mất tiền, chỉ cần chụp một tấm hình chứ không cần điền mẫu đơn gì cả. Nhưng ở Việt Nam lâu nay thì không như thế, cho nên khi nghe thông tin miễn visa, anh C. vội vàng đến lãnh sự quán hỏi thủ tục, mới biết sự việc rất phức tạp chứ không đơn giản.
Bất ngờ đầu tiên đối với anh C. là không như người ta nói rằng hễ chứng nhận được mình là gốc Việt Nam thì về sau không cần visa nữa, mà sau sáu tháng phải xin visa lại. Anh tặc lưỡi "thôi cũng được". Vì có ý định khi về nước sẽ làm ăn lâu dài nên anh hỏi luôn những thủ tục, giấy phép đầu tư mở công ty cho Việt kiều tại Việt Nam. Anh C. được trả lời phải có giấy chứng nhận là người có gốc Việt Nam. Anh nghe mà lấy làm ngạc nhiên, vì dù định cư ở Mỹ từ trước năm 1975, anh vẫn giữ tên họ Việt. Ở miền Trung nước Mỹ nên mỗi lần đến lãnh sự quán ở San Francisco là một lần khó, bởi vậy anh gắng hỏi thật cặn kẽ xem có cách nào đơn giản hơn, nhưng nhận được câu trả lời là "không". Muốn có giấy chứng nhận này, hoặc anh phải có bản gốc giấy khai sinh, hoặc phải về nơi sinh quán xin giấy chứng nhận, hoặc tìm người bà con bên nội, ngoại xác nhận cho anh từng ở Việt Nam. Anh nói rằng nghe tới đó đã "oải" hết sức, không thể hiểu được vì sao trên passport của mình, chính quyền Mỹ đã chứng nhận anh là người có nguyên quán Việt Nam, mà về nước mình thì lại phải chứng nhận rườm rà như thế.
Quả nhiên, hành trình "chứng nhận gốc Việt" của anh không đơn giản. Anh về quê cũ thì không thể tìm được giấy khai sinh gốc. Theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm... đối phó, anh phải "mượn" hai người hàng xóm làm chứng là đã quen biết mình từ mấy chục năm trước (thật ra, anh cũng mới gặp họ, chứ đã quen biết gì đâu!). Anh kết luận: "Tôi thấy việc này hoàn toàn mang tính thủ tục, chứ chẳng để giải quyết việc gì cả".
Anh C. kể tiếp, mấy tháng sau do có ý định hùn hạp với một người bạn để mở công ty, anh phải xin giấy phép lao động, mà để có giấy phép này thì phải có bằng cấp. Ra trường hơn 20 năm nay, đi làm ở Mỹ qua nhiều công ty nhưng đâu có ai hỏi bằng cấp của anh. Vì thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, muốn biết trình độ của ai chỉ cần gõ tên, trường đã học là có ngay, ra trường năm nào, bằng cấp loại gì... Tất nhiên ở trong nước chưa có thông tin loại này, thế nên anh phải quay về Mỹ, lấy mấy cái bằng được lồng trong khung kính đã quá lâu đến nỗi dù gắng nhẹ nhàng mở ra, nó vẫn bị rách góc để đem về nước.
Tiếp đến, anh photocopy tất cả những bằng cấp ấy đem đến Lãnh sự quán Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh để được xác nhận. Chưa hết, khi Lãnh sự quán xem xong, anh lại phải mang sang Sở Ngoại vụ để chứng con dấu đó đúng là của lãnh sự quán. Do tưởng việc "xem bản gốc" đã xong nên anh để mấy cái bằng ở nhà, nhưng Sở Ngoại vụ không chịu, bắt phải đem mấy cái bằng đến đối chứng. Trong số bằng cấp đó có cái dài đến 80cm, lại cũ kỹ, dễ hư hỏng mà anh cứ phải mang tới mang lui. Sau khi Sở Ngoại vụ chứng xong, anh phải tiếp tục hành trình sang Sở Tư pháp. Cán bộ ở đó nói rằng bằng cấp ấy phải được dịch sang tiếng Việt rồi mới đi chứng thực lại.
Khi đã dịch và xin chứng nhận xong, anh mang bản dịch đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để xin giấy phép lao động. Ở đấy người ta cho anh một cái hẹn, đến ngày anh lên thì được thông báo là chưa thể cấp phép vì trong hồ sơ của anh không thấy thông báo của nhà tuyển dụng đăng báo! Hóa ra, dù làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty sắp thành lập này thì anh vẫn phải đăng báo tuyển dụng chính mình! Anh lại đem hồ sơ về, nhờ cô thư ký của anh đi đăng báo, lấy mẫu đăng báo đó về rồi đi nộp cho đúng thủ tục.
Nộp xong, hôm sau anh đến thì được trả lời là vẫn chưa xong, lý do là "Tại sao về nước làm tư vấn đầu tư về kinh tế mà bằng cấp toàn là thạc sĩ về nghệ thuật và triết học"?! Đó là do họ căn cứ theo bản dịch từ chữ Master of Arts trong bằng cấp của anh. Đến đây thì anh thật sự... chẳng còn biết phải làm sao nữa, đành bỏ cuộc, không nghĩ đến chuyện đi xin giấy phép nữa, vì hết biết đường làm! Chưa kể mỗi chỗ đầu tư anh đều phải có giấy phép lao động riêng... Anh C. tâm sự rằng không biết có Việt kiều nào đủ sức kiên nhẫn làm hết những thủ tục như anh hay không.

Người dân xác nhận việc của chính quyền!
Đó là câu chuyện của doanh nhân từng là tổng giám đốc một công ty nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh. Câu chuyện rất nhỏ, nhưng cũng thấy rõ sự hạch sách, quan liêu thủ tục và điển hình là việc đẻ ra cái chuyện không giống ai.
Chuyện là anh D. quyết định tự mình đi đổi tên thuê bao điện thoại lâu nay đứng tên vợ nay chuyển sang tên anh. Đến bưu điện, cô nhân viên hỏi anh sao không dẫn người cần đổi tên đến. Anh giải thích rằng người đó là vợ anh và đang bị bệnh, không đến được. Cô nhân viên lại hỏi anh có gì để chứng minh hai người ở chung nhà không. Biết thủ tục hành chính phức tạp nên anh chuẩn bị trước và đưa hộ khẩu ra. Lại yêu cầu phải có giấy chứng minh nhân dân. Anh liền đưa giấy chứng minh nhân dân ra. Cô nhân viên vẫn nghi ngờ "làm sao biết chị kia là vợ của anh". Anh chỉ vào hộ khẩu, có tên một người phụ nữ được ghi chú đúng là vợ của anh, cô mới chịu.
Nhưng chưa hết, khi xem hộ khẩu cô nhân viên phát hiện ra số nhà trên hộ khẩu không giống với hồ sơ lưu của bưu điện khi ký hợp đồng thuê bao. Số nhà của anh trước kia là trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, bây giờ đường ấy đổi lại là Bình Qưới. Cô nhân viên không chấp nhận, vì cho là hai số nhà đó khác nhau. Anh giải thích rằng hai số nhà này là một, do Nhà nước đổi tên đường nên phải đổi số nhà. Cô nhân viên lại thắc mắc, sao chủ nhà không thông báo với bưu điện việc đổi số nhà? Anh nói rằng anh là khách hàng, người có trách nhiệm thông báo không phải là anh, mà là phía cung cấp dịch vụ. Cô ấy bảo rằng anh có nhiệm vụ làm thế nào để chứng minh được hai số nhà đó là một thì mới đúng thủ tục để giải quyết tiếp. Anh không ngờ sự việc tưởng chừng đơn giản lại khó khăn đến như thế. Khi đổi số nhà của anh, người ta cũng chỉ đưa một tờ giấy thông báo số nhà mới mà thôi, giờ lấy gì để chứng minh đây.
Thấy tình hình ngày càng "căng" và sắp "bế tắc", càng giải thích càng rối rắm, rõ ràng với tư cách dân thường sẽ không giải quyết được chuyện cỏn con này, anh buộc phải "xài" đến cái "uy" làm quan. Anh D. rút danh thiếp ra, nói với cô nhân viên đó rằng anh là tổng giám đốc một công ty, hôm nay anh rảnh nên tự mình đi làm thủ tục tưởng chừng đơn giản này, mới biết sự việc nó nhiêu khê quá sức, chứ nếu để cho thư ký đi lo thì làm sao biết được bộ máy hành chính của ta quan liêu đến thế. Anh nói thẳng, nếu bưu điện không thể chuyển tên thuê bao điện thoại thì ghi giúp vào một tờ giấy là "không đủ điều kiện để được thay tên điện thoại".
Lúc bấy giờ, nghe tiếng ồn ào, có một người khác xem chừng là lãnh đạo đang ngồi xa xa chạy đến hỏi có chuyện gì. Khi nghe cô nhân viên trình bày lại, người này nói anh D. chỉ cần viết mấy chữ xác nhận số nhà hiện thời và số nhà trước đây là một. Anh nhận xét, đó chỉ là một cách để xuống thang, không phải vì họ ý thức được việc họ đòi hỏi vừa rồi là sai, mà chỉ vì thấy chức vụ trên danh thiếp của anh mà nể nang đó thôi, chứ nếu là dân thường thì không mong gì được giải quyết dễ dàng, phải năm lần bảy lượt lên xuống mà chưa chắc đã xong. Thế là anh viết một tờ xác nhận, đại ý "Tôi chứng nhận rằng chính quyền địa phương quận đã đổi số nhà này thành số nhà này, tôi xác nhận việc đó là sự thật". Chuyện một người dân phải xác nhận một việc do Nhà nước làm là vậy. Một việc làm rất buồn cười và vô lý. Không thể hiểu bộ máy hành chính cồng kềnh sinh ra để làm gì, để giúp hay là để hành dân?!
Theo Thanh An (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)


No comments: