Saturday, November 7, 2009

VÌ SAO BỨC TƯỜNG BERLIN BỊ KÉO SẬP XUỐNG

Vì Sao Bức Tường Bá Linh Bị Kéo Sập Xuống
Trích đoạn của tác giả Romesh Ratnesar
trên Newsweek 9/11/09

Nguyễn Minh Tâm dịch

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20091106_03.htm
SỰ SỤP ĐỔ CỦA BỨC TƯỜNG BÁ LINH ĐẾN THẬT BẤT NGỜ. Trong nhiều tháng trước, nhà cầm quyền chế độ Cộng Sản Đông Đức đã phải bó tay chịu trận, không thể nào trấn áp được làn sóng dân chúng Đông Đức đòi đi ra khỏi nước. Vào tối hôm 9 tháng 11 năm 1989, một viên chức của chính quyền Đông Đức tuyên bố trong cuộc họp báo của nhà nước chính sách mới của chính phủ về vấn đề đi du lịch ra nước ngoài. Ông ta lỡ miệng nói rằng việc đi du lịch sang phương Tây (ám chỉ Tây Bá Linh) được mở cửa “ngay tức khắc” .

Chỉ vài giờ sau khi lời tuyên bố được đưa ra, hàng ngàn người dân Đông Bá Linh đã đứng xếp hàng chờ sẵn ở các cổng kiểm soát biên giới tại Bức Tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh.

Lúc đầu, bọn lính gác muốn kiểm tra xem người đi sang Tây Bá Linh có passport hay không. Nhưng rồi chúng thấy việc kiểm soát này vô ích, với số người đứng chờ lên đến hàng ngàn. Đám đông ùn ùn kéo đến ngày càng đông hơn. Có người còn bung ra, chạy liều sang phía bên kia biên giới. Cùng lúc đó, bên phía Tây Bá Linh, nhiều người đứng chờ sẵn để tiếp đón đồng bào vượt tuyến, họ mừng rỡ, ôm nhau, và khui rượu sâm banh ăn mừng ngày đoàn tụ. Cảnh tượng diễn ra hết sức bất ngờ, làm cho bọn lãnh tụ Cộng Sản phải kinh ngạc sững sờ. Vào đầu mùa thu năm 1989, sự rạn nứt trong khối cộng sản đã bắt đầu manh nha, nhưng không ai có thể ngờ được là Bức Tường Bá Linh bị kéo sập xuống nhanh đến như vậy.

Riêng đối với Tổng Thống Reagan, ông đã tiên liệu việc này xảy ra từ lâu. Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Sam Donaldson của đài truyền hình ABC, ông nói: “Tôi không biết khi nào chuyện đó sẽ xảy ra, song tôi là kẻ suốt đời lạc quan. Tôi tin tưởng hết mình vào tương lai.” . Trước đó hai năm, Tổng Thống Reagan đã đọc một bài diễn văn ở một đám đông khoảng 20,000 người, ngay tại cổng kiểm soát biên giới Brabdenburg của Bức Tường bá Linh. Trong đó, ông thách thức lãnh tụ Liên Bang SôViết hãy cùng ông “Giật xập Bức Tường đó đi”. Vào lúc bấy giờ, ngay cả cố vấn thân cận nhất của ông cũng phải cho rằng ý kiến xoá bỏ Bức Tường ngăn đôi Quốc Cộng là một ý tưởng xa vời, viển vông. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Reagan là ông Frank Carlucci nói: “Câu nói đó là một câu hô hào rất hay trong một bài diễn văn. Tuy nhiên, sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra đâu.”. Đến khi Bức Tường thực sự bị kéo sập xuống, thì từ nay bài diễn văn của tổng thống Reagan trở thành câu chuyện dân gian phổ biến khắp nơi trên nước Mỹ. Ông Ken Duberstein, Cựu Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc vẫn ví von như sau: “Nói đến Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, người ta nói đến ba chữ “It's easy” để nhắc đến thành tích phục hồi kinh tế sau trận Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Nói đến Tổng thống Bill Clinton thì người ta nhớ đến câu thề thốt của ông: “Tôi không hề có quan hệ tình dục với người phụ nữ ấy.” để ám chỉ cái câu chối tội lừng danh của ông ta trong vụ cô bé sinh viên tập sự Monica Lewinski.. Nói đến Tổng Thống Reagan, người ta nhớ đến câu ông thách Tổng Thống Nga: “Ông Gorbachev, ông hãy cùng tôi kéo sập Bức Tường đó đi.”.

Ấy vậy mà, hai mươi năm sau, vai trò của ông Reagan trong việc làm sập bức tường Bá Linh và kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh một cách hòa bình không tốn một viên đạn bị hiểu lầm, xuyên tạc, và diễn dịch sai lạc. Đối với nhiều người hằng ngưỡng mộ lập trường bảo thủ của ông, họ cho rằng nhờ thái độ cứng rắn, không nhượng bộ, nên Tổng Thống Reagan đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản, và thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Nhưng thực tế cho thấy, ông Reagan là một người linh động, uyển chuyển, dễ đáp ứng với tình thế. Khả năng chính trị khiêm tốn của ông thường đưa ông đến chỗ chấp nhận sự tương nhượng, đồng thuận. Ông không phải là mẫu người quá cứng rắn như người hâm mộ, cũng như người chỉ trích ông vẫn thường nghĩ. Ông có thể dùng ngôn từ nặng nề, khi ông gọi Cộng Sản Sô Viết là “Đế Quốc của Qủi”, nhưng ông vẫn sẵn sàng thương thuyết, thảo luận với họ. Trong lúc nhiều người nghĩ rằng thái độ thù nghịch giữa hai siêu cường có vẻ như không thể nào phá vỡ được, song bản thân ông lại hy vọng tâm trạng thù nghịch đó có thể thay đổi được.Cho đến nay, mặc dù nhiều người vẫn đề cao chính sách đối ngoại diều hâu của ông, nhưng thành thực mà nói, những thành tựu lớn nhất của ông Reagan không phải nhờ dùng võ lực, mà dựa vào sự thuyết phục, đối thoại, và chính sách ngoại giao.

Bàn về Bức Tường Bá Linh, ông Reagan vẫn thường công khai chỉ trích: “Đó là một bức tường chẳng nên có, giá đừng bao giờ dựng nó lên thì tốt hơn.”. Ngay từ khi còn là Thống Đốc tiểu bang California, hồi năm 1967, ông nói lẽ ra Hoa Kỳ nên phá bỏ hàng rào kẽm gai ngăn cách Đông và Tây Bá Linh ngay vào lúc phe cộng sản dựng lên bức tường này. Trong một chuyến đi thăm Bá Linh vào năm 1978, ông được nghe câu chuyện về cậu bé Peter Fechter, một thiếu niên Đông Đức bị bắn chết khi cậu ta tìm cách leo tường vượt biên giới trốn sang Tây Bá Linh vào năm 1962. Chính quyền cộng sản cứ để cậu bé bị thương nằm chảy máu cho đến chết, không chịu cấp cứu, hay chăm sóc cho nạn nhân. Phụ tá thân cận của ông tại Đức là ông Peter Hannaford nói: “Ông Reagan nghiến răng lại khi nghe kể câu chuyện này. Hành động đó cho thấy ông nhất quyết sẽ làm một cái gì về vấn đề Bức Tường ngăn đôi Đông và Tây Bá Linh.”.

Tuy nhiên, dù cho ông rất ghét Bức Tường, cũng như hệ thống cai trị độc tài mà Bức Tường đại diện, ông Reagan vẫn ý thức rõ tầm mức nguy hiểm về những hậu qủa có thể xảy ra khi phải đối đầu về quân sự với khối Sôviết. Ông từng tuyên bố vào năm1983 như sau: “Nếu có chiến tranh nguyên tử xảy ra, sẽ không có người chiến thắng. Vì thế, đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nguyên tử cả.”. Trong những năm đầu khi làm tổng thống, ông Reagan đã ngấm ngầm ra chỉ thị riêng cho phụ tá tìm cách mở cuộc nói chuyện với các lãnh tụ Liên Bang Sô Viết, nhưng ông không để lộ sáng kiến này ra ngoài. Với sự xuất hiện của ông Gorbachev vào năm 1985, ông Reagan tìm ra được một người bạn đồng hành có thể giúp ông chấm dứt cuộc thi đua vũ trang- để rồi nhiên hậu sẽ hủy bỏ được vũ khí nguyên tử. Sau lần đầu gặp ông Gorbachev tại hội nghị Geneve, ông Reagan nhận xét: “Ở ông Gorbachev, có những điểm rất dễ mến.”.

Sang đến năm 1987, khi ông Reagan đến thăm Bá Linh, ông và ông Gorbachev đã có những mối liên hệ thân tình, đủ tin tưởng vào nhau để cùng thử thời vận làm một sự thay đổi cho toàn thế giới. Vài tuần lễ trước ngày đọc bài diễn văn, một số cố vấn trong chính phủ tìm cách vận động đòi bỏ câu văn : “kéo sập Bức Tường đó xuống” vì họ cho rằng câu nói đó không thực tế, không có vẻ là câu nói của một tổng thống, và có thể sẽ làm bẽ mặt ông Gorbachev. Nhưng người soạn diễn văn cho tổng thống, và chính cá nhân tổng thống nhất định đòi giữ lại câu này. Đối với tổng thống Reagan, ông cho rằng câu nói đó vừa mang tính chất mời gọi, vừa mang tính chất thách thức ông Gorbachev: Hãy cứ rủ ông ta kéo sập Bức Tường đó đi. Tổng thống Reagan nói với một phụ tá sau chuyến đi Bá Linh trở về: “Nếu ông ta dám làm việc đó, ông ấy sẽ được trao giải Nobel Hoà Bình.”.

Tổng thống Reagan nói đúng. (Năm 1990, ông Gorbachev được trao gỉai Nobel Hoà Bình, và được tuần báo Time chọn làm Nhân Vật Của Thập Kỷ, Man of the Decade.). Đúng ra mà nói, cả ông Reagan lẫn ông Gorbachev đều không phải là người làm cho Bức Tường bị kéo sập xuống. Trái lại, Bức Tường tự sụp đổ vì sức nặng của chính nó. Nhưng bài diễn văn của tổng thống Reagan chỉ định cho thấy Bá Linh chính là điạ điểm để ông Gorbachev thực hiện ý định mở tung cánh cửa của khối cộng sản. Ông Reagan nói với ông Gorbachev tại Bá Linh rằng nếu ông Gorbachev muốn mưu cầu hòa bình, và tìm sự giải phóng đích thực, ông phải cho phép kéo đổ Bức Tường Bá Linh. Cuối cùng thì ông Gorbachev đồng ý với ý định đó, và toàn bộ khối Cộng Sản đằng sau Bức Màn Sắt được hoàn toàn giải phóng. Cho phép thể chế Dân Chủ xuất hiện trên toàn vùng Đông Âu vào năm 1989 chính là một công trình vĩ đại nhất của ông Gorbachev . Trong vở kịch tuyệt vời này, ông Reagan chỉ đóng một vai phụ mà thôi. Tuy vậy, nói theo sử gia SeanWilentz, nhà sử học cấp tiến viết trong năm 2008 rằng: “sự thành công của ông Reagan trong việc chấm dứt Chiến Tranh Lạnh là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của một Tổng Thống Hoa Kỳ – có thể nói đây còn là một kỳ tích hay nhất của thế giới kể từ năm 1945 đến nay.”.

Bài học lịch sử nào để cho Tổng thống Mỹ đương thời có thể rút tỉa ra được từ thành qủa trên? Ngay cả trường hợp ông Barack Obama tìm cách làm hòa với những lãnh tụ Iran hay với những tay kháng chiến quân ở Afghanistan như ông Reagan từng hoà dịu với Liên Xô trước đây, chưa chắc gì ông Obama có thể đem lại thành công. Những đe doạ cho nuớc Mỹ không thể một sớm một chiều quét sạch hết được. Muốn hoá giải những mầm mống đe dọa đó, sẽ cần phải có sự hoà hợp thật khéo giữa sự cương quyết đi tìm một giải pháp, và một chính sách ngoại giao kiên nhẫn, và phải do những chính khách Mỹ thật giỏi liên tiếp làm trong thời kỳ có Chiến Tranh Lạnh. Cái năng khiếu trời cho của ông Reagan là cái tài hùng biện của ông khi thuyết giảng về thực tại chính trị của thời đại, trong lúc ông trình bầy thật sáng sủa, gẫy gọn con đường đi đến một tương lai tươi sáng, đầy lạc quan. Ông linh cảm được khi nào cần phải chấp nhận rủi ro, làm liều để rồi sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Thử thách bây giờ dành cho ông Obama cũng tương tự như vậy.

Trích đoạn của tác giả Romesh Ratnesar
trên Newsweek 9/11/09
Nguyễn Minh Tâm dịch



No comments: