Saturday, November 7, 2009

MỘT CUỘC CÁCH MẠNG ÔN HOÀ TẠI LEOPZIG

Một cuộc cách mạng ôn hoà tại Leipzig

Hai mươi năm nhìn lại: chim báo bão [2] - Cuộc tuần hành Ngày Thứ Hai tại Leipzig
Andrew Cury
Đăng ngày 07/11/2009 lúc 01:55:54 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4292
Ngày 9 tháng 10 là một ngày trọng đại trong lịch sử nước Đức. Cách đây 20 năm, dân cư ở thành phố Leipzig xuống đường với khẩu hiệu « Chúng tôi là Nhân Dân» và khởi động một phong trào phản đối ôn hoà dẫn đến sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh chỉ trong vòng vài tuần lễ sau.
Các vị mục sư Christian Fuehrer và Christoph Wonneberger chưa bao giờ thấy người đông như thế tại nhà thờ Nikolaikirche, một ngồi nhà thờ cổ kính 800 năm ở ngoại ô Leipzig. Đó là ngày 9 tháng 10 năm 1989, và hai vị mục sư trẻ biết họ sắp chứng kiến một biến cố lớn. Mục sư Fuehrer kể lại: «Có khoảng 8.000 người ở trong nhà thờ - không thể chứa nhiều hơn nữa. Khi chúng tôi bước ra khỏi nhà thờ đã có rất nhiều người bày tỏ quan điểm của mình và đòi hỏi phải có tự do».
Đây không phải là một đám đông ngẫu nhiên kết hợp nhanh chóng. Vào hè năm 1989, các phần tử đối lập Đông Đức đã tụ tập tại ngôi thánh đường cổ kính 800 năm Nikolaikirche đã gần mười năm nay để đọc kinh cầu nguyện và bàn luận về chính trị. Có lúc số người tham dự ít hơn một chục người trong nhà thờ, nhưng trong suốt thập niên 1980 những cuộc họp mặt đều đặn diễn ra mỗi Thứ Hai, không sai hẹn. Sau cùng họ thu hút được những lớp người muốn thảo luận về những vấn đề rộng lớn, từ môi trường sinh thái cho đến tự do di chuyển.
Đến cuối thu năm 1989, những buổi họp mặt đọc kinh cầu nguyện đã chuyển biến thành một phong trào rộng lớn cả nước đặt trung tâm tại Leipzig. Và ngày 9 tháng 10, thành phố Leipzig đã tụ họp một cuộc xuống đường phản đối lớn nhất trong lịch sử của Đông Đức: khoảng từ 70.000 cho đến 100.000 người biểu tình ôn hoà bất chấp lời cảnh cáo của công an Stasi đáng sợ, hoặc của công an chìm và hàng ngàn cản sát dã chiến trang bị vũ khí bao quanh trung tâm thành phố. Và cuối cùng, cảnh sát án binh bất động, chuẩn bị cho một cuộc cách mạng ôn hoà trải rộng trên khắp nước Đông Đức.
Ngày Thứ Sáu (09/10) này, Leipzig ăn mừng vai trò then chốt của mình trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản với những buổi ca nhạc hội, triển lãm và ánh đèn màu và một cuộc diễn hành tưởng niệm trình bày những diễn tiến của cuộc xuống đường ngày 9 tháng 10 đã làm lay chuyển Đông Đức và chuẩn bị cho sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh hơn một tháng sau.

‘Thiên hạ muốn đánh liều ở ngoài Bá Linh’

Sự sụp đổ thình lình của Bức Tường Bá Linh có khuynh hướng che khuất những biến cố tại Leipzig vì nó được hàng trăm ký giả chụp hình và quay phim, và được truyền tiếp trên vô tuyến điện khắp thế giới. Leipzig bị bỏ quên. Chỉ có một vài đoạn phim lẻ tẻ ghi lại những cuộc Biểu Tình to lớn ngày Thứ Hai, còn thì ở ngoài nước Đức, người ta có phần lãng quên những đoạn phim này.
Nhưng vào lúc đó, sự kiện Leipzig không nằm vào trọng tâm của ánh đèn lại là hay. Mặc dù các phần tử hoạt động tại Bá Linh có những môi liên hệ tốt đẹp với các ký giả Tây Phương, nhưng ở thủ đô họ luôn bị theo dõi. Peter Claussen, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã từng làm việc tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bá Linh vào cuối thập niên 1980 nói với Spiegel online: “Bá Linh là điểm diện. Tại Bá Linh, mọi người đều thủ cẳng vì e sợ bị đẩy trở vào Karl Max Stadt. Thiên hạ có ý muốn đánh liều ở ngoài Bá Linh nhiều hơn”.
Vào cuối thập niên 1980, thêm một phần những người Đông Đức ấm ức không rời được nước Đức tham gia, những buổi đọc kinh Thứ Hai tại Leipzig đã thu hút hàng trăm và sau đó hàng ngàn người, những buổi hội họp thường kì lớn nhất tại Đức. Người công dân bình thường bắt đầu chú ý. Sở công an Stasi cũng chú ý: một chục người đã bị bỏ tù hàng mấy tuần lễ vì đã tham gia những buổi họp này.
Mục sư Fuehrer và Wonneberger, những đối tượng giám sát và áp lực của công an chìm, đã bị bắt và cuối Tháng Chín và yêu cầu phải ngưng những buổi họp ngày Thứ Hai, nếu không…

“Cũng chưa rõ là sẽ diễn ra một cách ôn hoà”
Đây không phải là một lời đe doạ suông.Vào mùa hè năm 1989, các chính trị gia Đông Đức tán tụng quyết định của Trung Hoa dùng võ lực đàn áp những người sinh hoạt dân chủ bám trụ tại Quảng Trường Thiên An Môn. Tháng Chín và đầu Tháng Mười, cảnh sát Đông Đức đã đàn áp thẳng tay những người biểu tình ở Dresden, ở Bá Linh,và ở Plauen. Những người chống đối xuống đường ở Leipzig ngày 2 tháng 10 đã bị cánh sát đánh đập.
Jens Schoene, một sử gia và tác giả quyển Cuộc cách mạng ôn hoà: Berlin 1989/90 - Con đường dẫn đến thống nhất nước Đức cho biết: “Người dân đã thấy những hình ảnh ở Bắc Kinh. Họ không dám chắc là sẽ diễn ra một cách ôn hoà”.
Ngày Thứ Hai mùng 9 tháng 10, mục sư Fuehrer, Wonneberger và một số người khác tại nhà thờ NikolaiKirche quyết định thực hiện những cuộc biểu tình như đã dự liệu. Tất cả Đông Đức có vẻ như nín thở chờ đợi. Dorothee Fern, lúc đó là một sinh viên tốt nghiệp ở thành phố Halle bên canh, nói: “Chúng tôi rất đỗi lo ngại họ sẽ tràn đến và bắn sả vào mọi người. Suốt ngày hôm đó và ngày trước đó, chúng tôi nổi rùng mình nổi da gà”.
Các thành phần đối lập chuẩn bị cho một tình thế tệ hại nhất. Những cặp vợ chồng có con, phải có một người ở lại để trong nom chúng, trong trường hợp cảnh sát đàn áp. Tin đồn đi khắp thành phố: các bệnh viện đã chuẩn bị những bịch sang máu và giường nằm phụ trội; các sân vận động sẫn sàng để chứa đám đông những người biểu tình. Trên đường từ nhà đi đến nơi làm việc ở Nhà Hát trong trung tâm thành phố, ông Hans Georg Kluge nhớ ngày hôm đó thành phố tràn ngập binh lính và cảnh sát. Ông nói: “Mọi người đều nhận biết chính quyền sẽ dập tắt mọi cuộc biểu tình, một cách thô bạo nếu cần”.

‘Chúng tôi là Nhân Dân’
Vào lúc 5 giờ chiều, hon 8.000 người đổ dồn về nhà thờ Nikolaikirche. Có bốn nhà thờ khác ở Leipzig đã mở cửa đón tiếp thêm hàng ngàn người biểu tình. Sau một giờ hành lễ, mục sư Fuehrer dẫn con chiến đi ra. Công trường Augustusplatz gần đó đầy nghẹt người biểu tình túm tụm với nhau đẻ đốt nến. Các người tên tuổi ở Leipzig – trong đó có Kurt Masur, Nhạc Trưởng dàn hoà tấu Gewandhaus ở Leipzig – đọc lời kêu gọi các người biểu tình và cảnh sát nên giữ ôn hoà.
Từ từ, đám đông bắt đầu đi xuống đường vòng đai của Leipzig, đi ngang qua bộ tổng tham mưu của Stasi và tiến tới nhà ga. Đường sá đông nghẹt người và xe tram bị ngừng. Những người lái xe bỏ xe giữa đường và gia nhập vào đoàn biểu tình. Đằng sau hậu trường, cảnh sát và các viên chức Stasi bấn loạn tìm cách liên lạc với cấp trên ở Bá Linh, nhưng vô hiệu quả.
Đoàn người tiến đến nhà ga cổ xưa trăm năm của thành phổ - được cả ngàn cảnh sát dã chiến hộ tống – tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Nhưng vào lúc quyết định, cảnh sát tránh ra để cho đoàn người biểu tình tiếp tục đi. Mục sư Fuehrer nói: “Họ không tấn công – Họ chẳng có cớ gì để tấn công cả”. Những người tổ chức quyết không tạo nên cớ sự để cảnh sát can thiệp. Họ chỉ cầm nến và biểu ngữ ghi “Chúng tôi là Nhân Dân”. Stasi cài những sĩ quan mặc thường phục vào đám đông để gây rối, nhưng họ nhanh chóng bị phát hiện, bị bao vây và bị đoàn biểu tìnhvô hiệu hoá, hô to “bất bạo động”.
Sử gia Erhard Neubert sau này đặt tên cho đêm đó là “Cách Mạng Tháng Mười” của Đông Đức. Có ít nhất 70.000 người - có thể lên đến 100.000 người – đã xuống đường, họ đã biến ngày 9 tháng Mười là cuộc biểu tình lớn nhất ở Đông Đức từ trước đến nay. Ông Schoene nói: “Người dân xuống đường và đã tỏ ra can đảm”.
Thời buổi của bạo lực đã chấm dứt. Những đoạn phim bí mật quay của cuộc biểu tình hôm đó đã được đưa lên truyền hình của Tây Đức, tạo nên một luồng Biểu Tình Thứ Hai trên khắp Đông Đức vào những tuần lễ sau này. Con số những người tham dự những cuộc biểu tình ở Leipzig gia tăng gấp đôi mỗi tuần, lôi kéo những người phản đối từ khắp Đông Đức tới. Ngày 23 tháng Mười 1989, không đầy hai tuần trước khi Bức Tường sụp đổ, hơn 300.000 người tràn ngập trung tâm thành phố Leipzig, tay cầm nến và biểu ngữ. Từ đây, thành phố Leipzig có biệt danh lả “Heldenstadt” “thành phố anh hùng”.
Không một ai có thể ngờ vào lúc đó những cuộc biểu tình ôn hoà tại Leipzig tạo nên một sức ép không thể ngăn chặn được nhằm cải tổ chế độ Đông Đức – và đã trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của bức tường năm tuần lễ sau. Mục sư Fuehrer nói: “Đây là một công cuộc tự giải phóng. Chúng tôi đã thực hiện được không nhờ vào đồng Mỹ kim hoặc thị trường chứng khoán DAX, không nhờ quân đội Hoa Kỳ hoặc quân đội Nga. Cuộc cách mạng này do chính người dân ở đây thực hiện”.

Nguồn:
Der Spiegel
Nguyễn Gia Thưởng dịch
------------------------------------------
Bài liên quan:
“Kẽ nứt đầu tiên của Bức Tường Bá Linh” . Thông Luận, ngày 10/06/2009.

© Thông Luận 2009



No comments: