Wednesday, November 25, 2009

TIẾNG THƠ ĐAU ĐỚN của TRẦN VÀNG SAO

Tiếng thơ đau đớn
Uyên Vũ
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Cập nhật: 15:11 GMT - chủ nhật, 22 tháng 11, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/11/091122_tranvangsao_poetry.shtml
Tôi không thể đọc một mạch vài bài liên tiếp của tập thơ này, nỗi uất nghẹn của tác giả, cái tâm trạng ngột ngạt đè nặng trĩu trên tôi, tôi thấy lại một khoảng thời gian trong cuộc đời mình, đôi lúc tôi khóc. Và tôi chỉ đọc từng đoạn rời rạc... Tôi tưởng chừng như có những vệt máu, quyện vệt mồ hôi, nước mắt chảy ròng ròng suốt tập thơ. Những bài thơ buồn quá!

Tập thơ được NXB Giấy Vụn in 'chui'
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/11/22/091122145909_tranvangsao.jpg

...Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi...


Tôi đang nói về tập thơ "Bài thơ của một người yêu nước mình", do Nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản lần đầu tiên. Vậy là chỉ trong vòng hai tháng NXB Giấy Vụn đã cho ra mắt hai thi phẩm tầm cỡ, tập trước là "Bài thơ một vần" của Bùi Chát, còn tập này của Trần Vàng Sao, cũng là tập thơ đầu tiên của tác giả này được ấn hành [tại Việt Nam], dù ông làm thơ đã gần nửa thế kỷ.
Trần Vàng Sao, cái tên có vẻ ít được nhắc trên báo chí, diễn đàn. Thực ra, mãi đến năm 2005 nhiều người mới biết đến ông qua vài bài báo lẻ tẻ đăng "Bài thơ của một người yêu nước mình" và nhất là khi Lữ Phương giới thiệu trên mạng talawas tập hồi ký "Tôi bị bắt" kể về cái tai họa mà Trần Vàng Sao vướng vào khi là một "chiến sĩ cách mạng".
Theo Lữ Phương thì: "Cuốn hồi ký này kể lại cái tai hoạ đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”. Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao...".
Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ làm bút hiệu, ông đã bị đấu tố, bị coi là kẻ phản động, nói xấu lãnh tụ, đả kích chế độ. Ông đã bị trù dập, cô lập, và bị hành hạ đến sống dở chết dở trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, tàn tệ đến mức, như ông kể, ai cũng gọi ông là “hắn” hay “thằng Đính”, chỉ có “một thằng bé bị thần kinh gọi tôi bằng chú”.
Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1942 ở Thừa Thiên, Huế. Năm 1962 ông thi đỗ tú tài rồi dạy học ở Truồi, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Sau tháng 4 năm 1975, Trần Vàng Sao xung phong về quê công tác nhưng ông bị gạt khỏi danh sách như một kẻ “có vấn đề”; ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.
Hiện ông đang sống tại thành phố Huế. Có lẽ vì có một "quá khứ phức tạp" như thế. Dư luận trong nước dù đánh giá rất cao bài thơ "Bài thơ của một người yêu nước mình" cũng dè chừng hoặc làm lơ cuộc đời tác giả.
Với 29 bài thơ in trong tập và 2 bài trong phụ lục, tôi nghĩ có lẽ Trần Vàng Sao sẽ hãnh diện vì thơ của mình đã được ấn hành một cách đàng hoàng, trân trọng như lẽ ra phải được hưởng từ những nhà xuất bản "chính thống".
Như để tưởng niệm những bài thơ đã bị tịch thu hay nói cách khác, tưởng niệm một niềm tin ngây thơ vào lý tưởng của mình đã bị tước bỏ, rải rác trong tập thơ có những trang để trắng và chỉ ghi: "những trang này dành cho bài... đã bị tịch thu ngày 26 tháng 1 năm 1972 tại K65, thị xã Sơn Tây". Theo tôi, những trang "tưởng niệm" ấy có lẽ lại chất chứa nhiều nỗi đau hơn những bài đã được in. Phần phụ lục cũng được trân trọng dành 7 trang cho bài "tau chưởi". Chửi thẳng mặt, không bóng gió, không úp mở như trút hết gan ruột vào bọn "như cú dòm nhà bệnh/ đêm bây mò/ ngày bây rình/ dưới giường/ trên bàn thờ/ trong xó bếp/ bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra/ bây mang bí danh/ anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường...".

Nhà thơ Trần Vàng Sao gặp nhiều trắc trở
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/11/22/091122145906_tvsao226.jpg

Một bài thơ khác đã từng làm ông khổ ải là bài thơ "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình". Theo Nguyễn Miên Thảo - người viết tựa cho tập thơ thì bài thơ trên của ông "được đăng trên Sông Hương, số kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương, nhà thơ Thái Ngọc San – thư kí tòa soạn, người chịu trách nhiệm chọn đăng bài thơ phải rời khỏi tờ báo, và nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục sống với những khó khăn của riêng mình". Người đàn ông 43 tuổi trong thơ chỉ tự sự, chỉ miêu tả rất thật cảnh sống lặng lẽ của mình mà cũng đủ khiến nhiều kẻ quyền hành bất an và ra tay bịt miệng ông.
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón
cuốc rựa trên ghế dưới bàn....


Có phải do "người ta" động lòng vì câu chửi đời nhẹ nhàng "nên thơ" của ông hay vì ông nói thay những người bạn thuộc cả hai phe khi tàn một cuộc chiến?
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất ... tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu có đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa tiền của ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm trở về xách một cái bị lác
mặt cắt không có hột máu...

Hẳn những năm tháng bị trù dập trên miền bắc xã hội chủ nghĩa, nỗi ám ảnh về những cuộc hỏi cung, những bản lý lịch để lại những vết chém hằn sâu trong thơ Trần Vàng Sao, nhiều câu thơ trong tập nói về bản lý lịch tự khai, về tuồng đời - cái sân khấu mà ông tự vẽ mặt xanh đỏ làm hề. Đồng hóa mình với thằng hề mất trí múa may quay cuồng, chơi đùa cùng đám trẻ con, lê la đầu đường, cuối ngõ. Trong khi những kẻ "đồng đội cũ" đã trở thành những đại thần quyền uy đầy ắp tiền bạc, họ dõi cặp mắt khinh miệt lên sân khấu và trở thành phán quan đang xét nét thân phận ông :
tôi đeo mặt nạ vẽ tôi là hề/ rồi thổi kèn nhảy múa một mình tôi/ này bài tuổi thơ tôi Nghi Xuân Tấn Lực những/ ngày lang thang không có cơm ăn/ khóc không ra nước mắt... ... khán giả vỗ tay la ó/ tôi cười thật to
... tôi khóc to như một đứa trẻ mất trí / phía sau sân khấu không có ai hết.../ tôi thổi rống lên/ bốc máu trong mắt/ nghẹn cuống họng/ tiếng tức tối oan ức thù ghét/ những cái mặt ở hàng ghế đầu láng mỡ/ những bữa ăn dư thừa cá thịt/ ... buổi chiều người làm hề buồn bã ngồi trên cái/ giường tre không có vạt vấn thuốc ngó trời/ ruồi bay vù vù trên đống rác...

Thật ghê rợn khi bị lột trần cuộc đời "thê thảm" của mình trước mắt "đồng đội". Cái lý lịch đã bị lột trần truồng, thôi thì hãy cứ ngây ngô, coi như mình là kẻ mất trí mà tự vẽ phẩm màu che bớt khuôn mặt thật, khuôn mặt, tâm hồn của "một người yêu nước mình" nồng nàn, da diết. "Người yêu nước mình" đã luôn đau đáu với số phận của những người thấp cổ bé miệng, những đứa trẻ nhà nghèo, những thân phận dưới đáy xã hội. Ẩn mình dưới lớp mặt nạ, "Người yêu nước mình" đã biến thành "Tên hề mất trí" làm những bài thơ chất chứa đầy nỗi đau nhân thế như bài "lời khai của một thằng hề mất trí" hay bài "bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ hay là sự tích tôi làm hề".
Tôi nhìn vào bức chân dung của ông, có lẽ chụp đã vài năm. Hình ảnh một ông già trán cao, những sợi tóc lưa thưa, bạc gần hết; cặp kính cận to, nặng trĩu, làm khuôn miệng càng thêm móm mém. Chiếc áo thun cũ kỹ, rộng thùng thình trên thân thể còm nhom. Sau lưng ông là những kệ sách và vài bức tranh mực tàu vẽ Bồ Đề Đạt Ma. Cuộc đời một trí thức dám mở miệng bị trả giá đến nỗi này chăng?
Có nhà thơ ở nơi đâu trên thế giới làm thơ về miếng thịt như một ám ảnh, một mơ ước xa vời: "tôi hãy tưởng tượng một hôm tôi được ăn thịt/ tôi vui vẻ nói cười/ miếng thịt có khúc mỡ dày/ chảy tuột qua cuống họng tôi/ hai mắt tôi mở to/ tôi ngồi dưới đất và/ đĩa thịt rất nhiều trước mặt..." [bài "tôi được ăn thịt"], đấy là những câu thơ hiếm hoi bộc lộ niềm vui thật trẻ thơ của ông. Nhưng đó chỉ là trong mơ, "...nửa đêm cả nhà thức dậy thắp đèn bắt muỗi/ thấy máu nghĩ tới bữa ăn lúc tối/ đứa có thịt ăn lại không bị muỗi rệp cắn/ tôi chưởi..." và " ...tôi thèm một miếng mỡ/ miếng mỡ to và dày nằm trong một thứ nước đặc/ đóng váng/ miếng mỡ ở trong miệng tôi/ tôi cắn/ miếng mỡ kêu bụp đứt ngang/ nước chảy giữa hai hàm răng... tôi đứng dậy/ nuốt nước miếng. ". Tôi chưa bao giờ tưởng tượng cái thôn Vỹ Dạ nên thơ của Hàn Mặc Tử ngày xưa [lá trúc che ngang mặt chữ điền], nơi Trần Vàng Sao sinh sống từ ấu thời đến nay lại có một nhà thơ bị ám ảnh "no ấm" đến vậy. Điều gì đã làm cuộc biến đổi dâu bể cho thôn Vỹ Dạ?
Tôi muốn dừng lại ở đây, tôi cố gắng mà không thể đọc thêm. Tôi nghĩ dăm bảy hôm hay nửa tháng nữa tôi mới nguôi xúc động mà đọc tiếp.
Trần Vàng Sao, "Người yêu nước mình" đã viết những bài thơ thật đau đớn.




No comments: