Thursday, November 5, 2009

THUỶ ĐỊÊN SỐNG BA XẢ LŨ GÂY LỤT TẠI PHÚ YÊN

Không thể tin được!
Dr. Nikonian’s blog
05/11/2009
http://drnikonian.wordpress.com/2009/11/05/khong-th%E1%BB%83-tin-d%C6%B0%E1%BB%A3c/

Vụ A Vương chưa nguôi, thủy điện Sông Ba Hạ lại xả lũ gây lụt tại Tuy Hòa, Phú Yên

Mới đi xa về, đọc vội loáng thoáng tin ngập lụt chết người ở miền Trung từ iPod ở sân bay, chỉ biết ngậm ngùi trách trời già oan nghiệt. Dân mình sao khốn khổ, đã nghèo còn gặp đủ thứ tai ương.
Sáng nay mắt nhắm mắt mở đi làm, đọc Tuổi Trẻ online mà không tin vào mắt mình: hóa ra là vì thủy điện sông Ba xả lũ, nhấn chìm Tuy Hòa, Phú Yên, Tuy Phước… vào trong biển nước với cả trăm người chết, với bao cảnh tan hoang. Những vùng quê mà tôi yêu mến, đã rong ruổi với máy ảnh nay chỉ là một đống hoang tàn. Tội nghiệt quá sức, khi người ta đã thừa nhận
thế này:
Nhiều chuyên gia cho rằng công trình thủy điện Sông Ba Hạ không hoàn thành nhiệm vụ là điều tiết lũ, cắt lũ đối với hạ lưu?
- Nhận định đó là đúng. Chúng tôi cũng biết rõ điều đó ngay từ khi xây dựng công trình này. Làm sao cắt lũ, điều tiết lũ được khi dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ chỉ 349,7 triệu m3. Ngay từ lúc khảo sát, bên tư vấn đã đặt vấn đề dung tích hồ phải chứa được 1 tỉ m3 nước, ít nhất phải 800-850 triệu m3. Nhưng vấp phải sự phản ứng từ tỉnh Gia Lai ở phía trên. Để tích được 1 tỉ m3 nước thì thêm một phần lớn diện tích đất sản xuất của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai ngập trong lòng hồ.
Nói thẳng ra, ngay từ đầu chúng ta thiếu một nhạc trưởng để điều hành thủy điện bậc thang trên sông Ba. Nhà máy nằm trên đất Phú Yên mà lòng hồ chiếm quá nhiều diện tích trên đất Gia Lai. Họ phản đối và giải pháp xây hồ chứa nước quá nhỏ như hiện tại là sự lựa chọn cuối cùng. Đó là giải pháp bất đắc dĩ. Tôi thừa nhận thủy điện Sông Ba Hạ không thể làm được nhiệm vụ cắt lũ, điều tiết lũ đối với hạ lưu.
Hơn nữa, ngay cả các nhà máy thủy điện trên sông Ba hiện vẫn chưa có sự phối hợp với nhau.
Trên sông Ba hiện có chín công trình thủy điện, đã có năm nhà máy chính thức hoạt động. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được thông báo về kế hoạch xả lũ của họ. Hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ là hồ chứa nước cuối cùng của các công trình bậc thang, trong khi nó quá nhỏ để tích nước cắt lũ mà phía trên thì họ có thể xả bất cứ lúc nào.
* Như vậy, chuyện xả lũ khủng khiếp của thủy điện Sông Ba Hạ trong hai ngày 2 và 3-11 đã làm Phú Yên chìm trong biển nước là tất yếu?
- Sáng 3-11, lũ đổ về quá nhanh, chúng tôi xả lũ 8.000m3/giây, đến trưa đã xả 10.000m3/giây. 18g ngày 3-11, lũ đổ về lòng hồ quá lớn và nhà máy quyết định xả 14.450m3/giây, kéo dài suốt tám giờ. Đến chiều 4-11, vẫn đang xả 9.000m3/giây. Việc xả lũ trong tình hình những ngày vừa qua là giải pháp buộc lựa chọn, bởi đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn, nếu không làm thế chắc chắn thảm họa sẽ khủng khiếp hơn nhiều đối với hàng vạn người dân ở hạ lưu. Nhìn hàng ngàn bà con bị ngập lụt tôi cũng xót xa lắm chứ, nhưng không còn cách nào khác.
Trong khả năng của mình, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kịp thời thông báo về diễn biến xả lũ để chính quyền di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ như những ngày qua là bất khả kháng.


Không thể tưởng tượng được! Nhất là chiều nay tôi gặp một bệnh nhân là một chuyên gia lâu nămvề thủy lợi. Bức xúc, ông ta giảng giải cho tôi vì sao phải xả lũ cấp tập như thế? Vì sao thủy điện, lẽ ra phải là nguồn điều tiết lũ, lại có thể nhấn chìm bao nhiêu sinh linh vô tội, vô phương cứu vãn như thế? Và làm sao để tránh được những hậu quả khủng khiếp như những ngày qua, nếu như thiết kế các thủy điện ở miền Trung hợp lý và đồng bộ hơn? Vv. và vv….
Ngẩn người ra nghe một hồi, từ từ rồi gã thầy thuốc ngô nghê như tôi cũng dần hiểu ra.
Lần đầu tiên trong đời, hai gã đàn ông, một bệnh nhân, một thầy thuốc đều cùng văng tục rõ to.
Trời tru đất diệt đám giáo sư tiến sĩ chuyên gia địa chất thủy lợi! Trời tru đất diệt đám ngu dốt, xài tiền tỷ không xót tay, để rồi đất nước phải ngậm ngùi đau xót mà chứng kiến những cảnh tan hoang như thế này đây.
Vài ngày nữa thôi, cả nước sẽ hướng về miền Trung tội nghiệp. Tiền của, tình thương, lòng trắc ẩn, của cải từ thiện… sẽ đổ về đây, như truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt từ bao đời.
Nhưng của cứu trợ không làm người chết sống lại, trẻ nhỏ không mất cha mất mẹ, phụ huynh không mất con. Miền Trung không thể ấm no phú túc bằng tiền từ thiện được.
Đất nước chỉ có thể bớt tang thương, khi mà chúng ta lôi cổ được những tên sâu dân mọt nước này ra trước vành móng ngựa. Để chúng phải trả lời về tội ác ngu xuẩn với môi trường, với sinh mạng người dân.
Đến nông nỗi này, thì quả là “chặt hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, thưa các vị chuyên viên rất khốn nạn cùng cực kia!



No comments: