Thursday, November 5, 2009

LÃNH ĐẠO CSVN HÃY LẬP BÀN THỜ RIÊNG MÀ THỜ LẠY 16 CHỮ VÀNG

Lãnh đạo CSVN hãy lập bàn thờ riêng mà thờ lạy 16 chữ vàng
Nguyễn Thanh Văn
Cập nhật ngày: 4/11/2009
http://viettan.org/spip.php?article9185
Cuối tháng 9 vừa qua, 200 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa, bị lính Trung Quốc xả súng bắn xua đuổi; vì không còn cách nào khác, ngư dân ta phải chạy đại vào núp bão, thì bị đánh đập, cướp tài sản, ngư cụ… Sự kiện này đã khiến cho người Việt Nam không ai là không phẫn nộ.
Ngày 16.10.2009, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam đã gởi Công văn kêu cứu đến các cơ quan liên hệ của nhà nước CSVN, đồng thời gửi thư cho Đại sứ quán Trung Quốc "cực lực phản đối" hành vi hải tặc nêu trên của lính Trung Quốc và yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, Thủ tướng CSVN là ông Nguyễn Tấn Dũng đang công du Trung Quốc và gặp gỡ thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Tứ Xuyên, nhưng không dám hé môi nói nửa lời về việc này. Dư luận cho rằng, ông Dũng không dám mở miệng làm thủ tướng "nước lạ" mất vui, vì ông đang ở cái thế phải cầu cạnh thiên triều để giữ được cái ghế của ông trong kỳ đại hội đảng sắp tới. Trước đó, ông Dũng cũng đã có món quà lót đường cho chuyến đi bằng bản án 59 năm tù và quản chế đối với 9 nhà dân chủ yêu nước đã dám chống đối Thiên Triều xâm lấn biển, đảo của Việt Nam.
Thái độ ngoan ngoãn của ông Dũng đã được báo chí "lề bên phải" tung hô là để vun bồi cho tình hữu nghị Việt Trung; nhất là sau khi hai bên khẳng định rằng sẽ làm hết sức mình để nâng cấp tình "hữu nghị" đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy nhau hơn trong sự nghiệp đổi mới, phát triển ở mỗi nước, theo phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai"; cùng tinh thần 4 tốt: "Láng giềng tốt, Đồng chí tốt, Bạn bè tốt và Đối tác tốt", và quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" v.v và v.v.

Ngày 21.10.2009, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng trở về, thì Hà Nội mới cho phép cái "máy nói" Nguyễn Phương Nga lên tiếng thông báo về sự phản đối của Hà Nội đối với việc "nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm…". Sự rụt rè phản đối chính thức này xẩy ra 5 ngày sau khi Hội Nghề Cá Việt Nam gửi thư phản đối, và gần 1 tháng trời sau khi vụ việc diễn ra... Theo những nguyên tắc ngoại giao thông thường, thì ngay sau khi biết rõ vụ việc, lẽ ra Hà Nội phải họp báo chính thức lên án hành vi của lính Trung Quốc! Và nếu biết trọng danh dự của dân tộc thì phải lập tức gọi đại sứ Trung Quốc tới Bộ Ngoại Giao để phản đối, phải yêu cầu họ điều tra, trừng phạt những tên lính Trung Quốc có hành vi hải tặc, và phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Đồng thời, triệu hồi đại sứ của mình về nước và kiện Trung Cộng trước tòa án quốc tế.

Thế nhưng, như vừa đề cập, phải gần một tháng sau Hà Nội mới dám lên tiếng... Đến đây, người ta phải tự hỏi, tại sao lại lên tiếng trễ như vậy? Phải chăng vì thấy người dân bức xúc, chê bai quá? Và nếu không có làng dân báo"theo lề bên trái" phẫn nộ lên tiếng vạch trần sự khiếp nhược hèn hạ, thì liệu rằng Hà Nội có lên tiếng không? Và nay đã lên tiếng, thì sao không để cho truyền thông báo chí tự do phỏng vấn và đăng tải, để biết trả lời của sứ quán Trung Quốc về việc này ra sao?....
Đây chẳng phải là lần đầu tiên Hà Nội thể hiện sự ươn hèn như vậy. Nhìn lại mấy chục năm vừa qua người ta sẽ thấy Hà Nội đã, đang và sẽ còn tiếp tục ươn hèn, hy sinh quyền lợi của Việt Nam hầu làm hài lòng Trung Quốc để củng cố cho quyền lực của mình.

Trong cuộc chiến xâm chiếm miền Nam trước đây, để được dễ dàng tiếp nhận vũ khí, chiến cụ của Trung Quốc hầu tàn phá đất nước, Hà Nội đã cho Bắc Kinh đặt điểm nối đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 300 mét so với đường biên giới lịch sử tại khu vực Ải Nam Quan. Trung Quốc đã coi điểm nối này là điểm nằm trên đường biên giới, và tuyên bố phần đất phía bắc điểm nối đó là lãnh thổ của họ, để không bị không quân Mỹ ném bom. Cuối năm 1974, Hà Nội đã đề nghị Bắc Kinh điều chỉnh lại đường nối vừa kể cho phù hợp đường biên giới lịch sử, nhưng Bắc Kinh một mực khước từ; hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Tuy đã đề nghị như thế, nhưng Hà Nội vẫn ngậm miệng, không dám đòi lại lãnh thổ khi Bắc Kinh trắng trợn ngụy biện rằng "không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác". Với sự ươn hèn đó của Hà Nội, Bắc Kinh đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình trên phần đất được Hà Nội dâng nhượng đó. Sau trận chiến năm 1979, Bắc Kinh chiếm thêm một số vùng đất dọc biên giới. Chín năm sau, họ bắn giết 70 chiến sĩ hải quân Việt Nam và chiếm luôn một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với sự bắt nạt trắng trợn đó, khi khối các nước cộng sản sụp đổ, thay vì trở về với dân tộc để tạo sức mạnh bảo vệ lãnh thổ, thì Hà Nội lại khúm núm khấu tấu Bắc Kinh để có chỗ dựa bám giữ quyền lực. Từ đó, Hà Nội đã ngoan ngoãn ký kết Hiệp định Biên giới và hiệp định Phân Định Vịnh Bắc Bộ để dâng nhượng thêm, cũng như hợp thức hoá những vùng đất, vùng biển bị Trung Quốc xâm chiếm.

Song song với việc lấn chiếm, khai thác tài nguyên dưới thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh đối xử với ngư dân Việt Nam như kẻ thù. Một mặt cứ rượt bắt, đánh đập, trấn lột, thậm chí bắn giết ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; một mặt thì miệng cứ hô hào tình "láng giềng hữu nghị". Điều khiến người ta phải ngạc nhiên hơn cả là trước tình trạng đó Hà Nội đã không dám làm gì cả; ngay cả khi sự việc đã hiển nhiên, thì Hà Nội cũng chỉ dám gọi kẻ xâm lược là "nước lạ", "tàu lạ" v.v... để tiếp tục thờ lạy tình "Láng Giềng Hữu Nghị" trong 16 chữ vàng của Bắc Kinh ban cho. Gần đây, gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng lại được Bắc Kinh lót tay 150 triệu đô la Mỹ để thúc đẩy ông Dũng quyết tâm thực hiện "chính sách lớn" của đảng và nhà nước CSVN, dọn đường cho việc biến Tây Nguyên thành tô giới của Tàu. Có lẽ Hà Nội coi tô giới Tây Nguyên sẽ vĩnh viễn thuộc Trung Quốc, và dần dần cả nước Việt Nam sẽ thành quận huyện của Tàu, nên đã không cần quan tâm đến việc Trung Quốc huỷ hoại môi trường ở Tây nguyên; không cần quan tâm đến việc hàng chục ngàn lao động Trung Quốc tha hồ vào Việt Nam để lập thêm những tô giới khác, mà người dân Việt Nam cũng như ngay cả các cơ quan an ninh CSVN không dám đụng đến. Để thúc đẩy cho tiến trình "Tàu hoá" này được nhanh chóng và vững vàng, thỉnh thoảng Hà Nội dùng các cơ quan truyền thông chính thức của đảng CSVN để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc trên biển Đông. Đồng thời hợp tác với Trung Quốc để khuyến khích phổ biến văn hóa Tàu tràn ngập trên các kênh thông tin "trong luồng" của nhà nước.

Khi người dân Việt Nam lên tiếng bất bình, thì chỉ cần một viên thư ký ở Sứ quán Trung Quốc lên tiếng mắng mỏ là Hà Nội riu riú nghe theo. Trong mọi việc đối với Bắc Kinh, Hà Nội đều nhất nhất cố chứng tỏ "thiện chí hữu hảo" trong tinh thần 16 chữ vàng và "4 tốt". Điều này cứ được 2 bên lập đi lập lại. Bắc Kinh thì nhắc nhở (khi Hà Nội bị áp lực của dân chúng), còn Hà Nội thì tuyệt đối tuân hành.

Như vậy, phải chăng "Láng giềng hữu nghị", là CSVN không bao giờ dám lên tiếng phản đối về sự xâm lăng lãnh thổ, biển, đảo; phản đối những hành vi hải tặc của lính Trung Quốc trong lãnh hải Việt Nam? Vì lên tiếng phản đối sẽ làm phật lòng đàn anh, làm mất tình hữu nghị? Bên cạnh đó, để nâng tình hữu nghị lên "một tầm cao mới" thì Hà Nội càng phải ra sức nịnh hót kiểu tâng bốc "anh hùng" Hứa Thế Hữu, hoặc dùng truyển thông "lề bên phải" của đảng CSVN để tuyên truyền dùm Trung Quốc?

Phải chăng "Hợp tác toàn diện" là những gì của Trung Quốc thì Trung Quốc dùng, còn của Việt Nam thì hoặc là phải dâng cho Trung Quốc, hoặc là Việt Nam và Trung Quốc sài chung?

Phải chăng "Ổn định lâu dài" là ngư dân Việt Nam chỉ được đánh bắt loanh quanh gần bờ, cấm vượt qua lằn ranh lưỡi bò mà Bắc Kinh vạch trên biển Đông. Hải quân Việt Nam thì nên đứng trên bờ chĩa ống nhòm ra biển để... "bảo vệ" biển và ngư dân? Hay mướn vệ tinh để theo dõi các sự việc xảy trên biển Đông cho... biết mà thôi? Đặc biệt là Hà Nội phải lập tức trấn áp những ai dám đụng đến chủ Bắc Kinh; và cực chẳng đã nếu phải lên tiếng thì cũng phải mỏi gối, cong lưng chờ dinh quan thái thú cho phép?

Và phải chăng thực hiện triệt để những điều trên, cùng với các nỗ lực ra sức Hán hoá dân tộc Việt Nam đang tiến hành là để tạo điều kiện "Hướng Tới Tương Lai" của Việt Nam như Tân Cương hay Tây Tạng hiện nay?

Người dân Việt Nam biết rất rõ là Bắc Kinh không hề xem người Việt là bạn. Nước Tàu từ xưa đến nay vẫn chỉ xem Việt nam là một quận huyện của họ bị người Việt Nam tạm thời chiếm đóng, và nhiên hậu họ sẽ phải lấy lại. Thực hiện tinh thần 16 chữ vàng như vừa nêu ở trên chính là một sách lược để Bắc Kinh thực hiện ý đồ từ hàng ngàn năm nay của họ. Do bị trấn áp nghiệt ngã, nhưng với ý thức phản kháng, người Việt đã sáng tạo ra nhiều thứ "16 chữ vàng" khác, chẳng hạn như: "láng giềng hiểm độc, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai".

Tóm lại, lãnh đạo cộng sản Việt Nam muốn thờ lạy 16 chữ vàng được Trung Quốc ban cho hay không là quyền của họ. Nhưng họ đừng bắt người Việt Nam phải xì xụp bái lạy những chữ đó giống như họ. Người Việt Nam nhất quyết không về hùa với những hạng người vong bản, bán nước mà phản bội tổ tiên, phản bội chính dân tộc mình.
-----------------------------------

Nỗi Nhục 16 Chữ Vàng: Trung Quốc truy đuổi tàu đánh cá VN
Nỗi Nhục 16 Chữ Vàng - Hình ảnh ngư dân ta bị lính Trung Quốc bắt giữ: NHỤC NHÃ!



No comments: