Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng
Nguyễn Quang Lập
16.11.2009
http://quechoablog.wordpress.com/2009/11/16/sinh-ra-%e1%bb%9f-dau-ma-ai-cung-d%e1%bb%95-khung/
Sở dĩ có cái tít giật gân như thế vì nửa đêm khó ngủ, nghĩ ngợi lan man từ chuyện thuỷ điện đến các dòng sông ô nhiễm. Chợt nhớ hai câu thơ nổi tiếng của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc viết thời chống Mỹ: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.
Bây giờ các sông đã sinh ra các anh hùng ấy đã chết, đang chết và sẽ chết. Chẳng những thế, chính chúng là nguyên nhân huỷ diệt con người. Cứ vào google gõ ba chữ "sông ô nhiễm" là hiện ra hàng mấy chục trang liền nói về các dòng sông ô nhiễm. Từ Nam ra Bắc không sông nào không ô nhiễm bởi vì không sông nào lại không có các nhà máy và khu công nghiệp đang mọc lên như nấm.
Tôi nhớ từ năm 1990, khi nền kinh tế thị trường bắt đầu phát triển, dân đã kêu về nạn ô nhiễm các dòng sông, đến nay ngót nghét hai chục năm tình trạng ấy chẳng những giảm đi mà càng ngày càng trầm trọng hơn.
Vì sao thế nhỉ? Thôi không hỏi thế nữa, đã bao nhiêu người hỏi thế rồi, vả có hỏi cũng sẽ nhận được những sự giải thích khiến ta đổ khùng mà thôi.
Sông Thị Vải bị công ty Vedan thả nước thải gây ô nhiễm làm cho hàng chục ngàn hộ dân sống dở chết dở, thì sản phẩm của nó vẫn đựơc trao giải thưởng vì sức khoẻ cộng đồng. Một ông thứ trưởng còn nói Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Thế có điên không.
Thêm một nhà báo còn mô tả sông Thị Vải sạch đẹp như mơ, như là sông nước Tây chứ không phải sông nước ta: Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới. Lạ thay, cả khu công nghiệp qui mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới… Một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50, ngày 14.12.1995). Thế mới biết các nhà văn, nhà báo họ hàng với ông Lã Thanh Tùng còn nhiều lắm, có thể nói là vô thiên lủng. Chỉ cần một chút lộc nhỏ là họ có thể nặn ra những mấy món văn, báo vô sỉ kiểu như thế.
Trong khi dân trí ta còn thấp, bệnh quan liêu, thói tắc trách vẫn còn đầy ra thì mấy món văn, báo vô sỉ kia rất dễ lừa cả dân lẫn quan lắm chứ chẳng phải chuyện đùa. Mấy ông môi trường sinh ra để bảo vệ môi trường cũng chẳng làm gì khác hơn là che chắn thông tin, sao cho đừng để lọt thông tin xấu ra ngoài là coi như thành công tốt đẹp, vớ phải mấy món văn báo vô sỉ đó thì thích lắm, sướng lắm.
Thế nên mới có chuyện kênh Ba Bò, ở Sài Gòn chứ không phải ở vùng sâu, vùng xa đâu nhé, bị ô nhiễm kinh hoàng, báo chí nói ầm ầm thế mà ông Sở môi trường vẫn báo cáo ngon lành, cây cối hai bên kênh xanh tốt, khiến một ông đại biểu HĐND phải đem cả mớ ảnh, bụi cỏ chết, nhành cây héo, radio bị ăn mòn lên tận bàn nơi chỗ ông sở môi trường ngồi để làm chứng. Nhìn mặt ông Sở môi trường lúc đó cứ tỉnh bơ, không chút xấu hổ, thật phục quá đi mất.
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ biết vì sao các dòng sông đang chết dần chết mòn mà hầu như các vị vẫn bình chân như vại. Quí vị chẳng lo, ai chết mặc ai, quí vị chỉ lo nhiệm kì mình yên ổn, dân có kêu thì đổ lỗi cho trời, đổ lỗi cho lịch sử, cùng lắm thì đổ lỗi cho cậu đánh máy.
Đổ lỗi rồi, hễ ai còn kêu ca phàn nàn chê bai trách móc thì qui cho là thiếu xây dựng, là phát ngôn vô trách nhiệm, vô chính trị, là bất mãn xã hội. Chao ôi là chán. Bây giờ lại nhớ hai câu thơ của Bế Kiến Quốc, tự nhiên muốn kêu lên: Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng / tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.
Phản hồi bài viết "Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng"
Thứ Hai, 16/11/2009
http://danluan.org/node/3284
BBT Dân Luận: Bài viết được gửi lên Dân Luận như một phản hồi tới "Nguyễn Quang Lập - Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng". Chúng tôi xin tách riêng để giới thiệu tới độc giả Dân Luận (rất tiếc tác giả không để lại bút danh).
Nói đâu xa bác Lập ơi, ngay trên trang Dân Luận này, vẫn có nhiều kẻ thích khen chế độ tốt đẹp. Rất may, Dân Luận đã không đăng những bài báo như thế, vì Dân Luận khá tỉnh táo, sợ ế nếu mang... tính đảng!
Nói thật với bác Lập và trang Dân Luận, tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, gặp rất nhiều quan khách cho tới người dân thường, đủ các loại tôn giáo đảng phái, tôi chưa thấy nơi nào mà tính cộng đồng vô trách nhiệm như ở VN ta. Nói là tính cộng đồng, bởi quá phổ biến, bởi dân ta hiện nay đang sống cực kỳ vô trách nhiệm với xã hội, với người xung quanh. Cụ thể là: đường phố, dòng sông, quán xá, nhà hàng... nơi nào cũng bẩn thỉu, rác rến. Phải chăng, ý thức hệ của chế độ xã hội chủ nghĩa là sống chết mặc bay, có người khác lo, không cần quan tâm đến môi trường chung, trong đó có chính bản thân mình? Rõ ràng, chế độ ta đã "đào luyện" nên hàng loạt thế hệ có nhân cách ích kỷ, bàng quan, chỉ biết thu vén cá nhân. Điều lạ lùng là người Việt ta rất hảo tâm khi cứu giúp người hoạn nạn, nhưng hầu hết không quan tâm đến sự "giãy chết" của môi trường sống! Chỉ khi dịch bệnh và nước uống quá hôi hám thì người dân mới hiểu ra vấn đề nguy cấp. Còn giới quan chức hiện nay thì khỏi bàn, chúng chỉ lo cho gia đình của chúng, thậm chí tệ hơn bọn lý trưởng, quan phụ mẫu thời Pháp thuộc (bọn tay sai Pháp ngày ấy còn biết giữ gia phong, lề thói tối thiểu, còn biết tôn sư trọng đạo).
Không biết tới khi nào VN ta mới tạo ra được tính tự giác cho toàn dân. Tính xấu của dân Việt ta đã nổi tiếng đến mức có ông người Đức hỏi tôi rằng: nghe nói ở các cung đường Hồ Chí Minh, nhiều gương cầu lồi (tăng cường tầm nhìn cho những khúc ngoặt, đảm bảo an toàn giao thông) cũng bị người dân tháo gỡ hoặc đập phá, phá chỉ vì... buồn tay, ngứa chân? Tôi trả lời: đúng vậy, thật là điên rồ như người mông muội! Tính xấu và thiếu tự giác đã lan đến tận vùng sâu vùng xa, không riêng ở thành thị Việt Nam. Tôi rất băn khoăn với câu hỏi này, đã tìm gặp nhiều người và hỏi: tại sao lại phá đường tàu, phá những thiết bị giao thông, tại sao cứ vứt rác xuống sông, xả rác ra đường phố? Họ (nhiều thanh niên, trung niên) nói rằng: "Bọn quan chức tham nhũng gấp ngàn lần, nếu thích là chúng ra một quyết định và kéo nhau đến cưỡng chế, giải tỏa nhà dân, để cho mình khổ. Còn bọn doanh nghiệp thì chỉ đề cao lợi nhuận bằng cách luồn lọt, hối lộ để khỏi bị xử phạt về việc gây ô nhiễm môi trường, có khi còn được khen thưởng. Thế thì phá chơi cho bõ tức"!
Thật ghê rợn, khi người dân không còn niềm tin tương lai, chỉ muốn "không được ăn thì... phá, xả rác cho hôi"!
Biết đến khi nào VN ta có những dòng sông trong xanh, những con kênh chạy quanh thành phố không có một cọng rác, giống như ở Singapore, Ý, Hà Lan... và nhiều nước khác?
Nói rằng, mọi thứ đều do thể chế sinh ra cũng không sai, khi cái gọi là cơ quan chức năng cứ đổ vấy trách nhiệm cho nhau. Bởi vì, tại sao ở các thế chế khác (như quân chủ lập hiến hoặc tự do đa nguyên) người ta lại đề cao ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, ít tệ nạn xã hội, ít trộm cắp đến mức phi nhân tính như việc gỡ cả đường ray xe lửa tuyến Bắc - Nam để bán sắt vụn, bất chấp tính mạng hàng ngàn người? Tất cả đều do nền giáo dục giả trá, khen những thứ không đáng khen, tạo ra nền nhận thức quá thấp kém cho người dân. Do đó, dân ta chỉ lo kiếm cái gì đó "bỏ vào miệng", không cần quan tâm những chuyện "xa xôi" như không khí, nước, vệ sinh thực phẩm. Mấy chục năm qua tích tụ, bây giờ Việt Nam có số người ung thư bùng phát nên người dân buộc phải lo lắng. Đó chính là hệ quả tất yếu của chế độ "chỉ lo giữ chính quyền, giữ ghế, đầy rẫy bất công bởi chính quyền quá bê bối, tham lam, xấu xa, nên luôn sợ bị lật đổ", còn đâu thời gian và tâm huyết để lo cho dân, cho nước, huống chi lo cho chuyện môi trường.
Nguyên nhân sâu xa là thế. Do chính quyền vô trách nhiệm, đừng trách người dân cũng tỉnh bơ trước mọi vấn nạn, và ai lo thân nấy. Như vậy, không thể nói khác được, một xã hội muốn văn minh và công bằng thì không thể để chế độ độc tài như VN ta tồn tại. Nói cách khác, ở chế độ độc tài đảng trị như VN ta hiện nay, hai chữ "sạch, đẹp" chỉ có ở chốn thượng lưu, quý tộc, hoặc nơi dinh thự của bọn quan chức phè phỡn mà thôi! Hễ nơi nào có bà con thân tộc hoặc quê hương bản quán của mấy tay bộ chính trị, thì đường sá nơi ấy được "hưởng xái". Ở thành phố cũng vậy, các con đường có quan lớn tá túc thì dân đen được "xài ké" chút đỉnh về hạ tầng trơn tru, điện nước ít bị cúp phựt thất thường. Còn các nơi khác, cứ mặc cho dân ta tha hồ hít, ngửi, đằm mình trong tăm tối, chưa biết bao giờ thoát ra được.
No comments:
Post a Comment