Wednesday, November 25, 2009

QUỐC HỘI VIỆT NAM THÔNG QUA LUẬT GIÁO DỤC

Luật Giáo dục được thông qua với tỷ lệ “vừa phải”
Thứ Tư, 25/11/2009 - 1:34 PM
http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/dantri.com.vn/Luat-Giao-duc-duoc-thong-qua-voi-ty-le-vua-phai/3542441.epi
(Dân trí) - Với 62% phiếu thuận, Quốc hội sáng nay đã thông qua luật Giáo dục sửa đổi. Thẩm quyền thành lập trường ĐH, kiểm định chất lượng, học phí… là những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được gần 80% đại biểu tán thành.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đánh giá, cơ quan soạn thảo đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, quy định chặt chẽ hơn việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, quy định về công khai tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục…
Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thẩm quyền cho phép thành lập trường ĐH giao cho Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng GD-ĐT. Kết quả tổng hợp ý kiến, 51,48% đại biểu đồng ý giao cho Bộ trưởng quyết định thành lập trường, gần 43% đại biểu không đồng ý.
UB thường vụ Quốc hội đề nghị trước mắt giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường ĐH của Thủ tướng như luật hiện hành nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định cho Bộ trưởng. Việc thay đổi thẩm quyền sẽ được tổng kết, đánh giá để có cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục hơn, trình Quốc hội quyết định trong một dịp thích hợp hơn.
Về vấn đề chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, UB thường vụ Quốc hội nhận xét, thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, cần thiết phải sửa đổi. Quy định về tiêu chuẩn chương trình được sửa theo hướng giao cho Bộ trưởng GD-ĐT quyết định, chịu trách nhiệm về quy trình biên soạn, chỉnh sửa, ban thành tiêu chuẩn chất lượng…
Vấn đề hợp tác quốc tế đến nay vẫn thiếu căn cứ pháp lý, quy định cụ thể về quản lý hoạt động đầu tư giáo dục có yếu tố nước ngoài, quản lý dịch vụ du học, chương trình giảng dạy… Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng mới chỉ bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc như điều kiện thành lập cơ sở giáo dục, liên kết đào tạo, văn phòng đại diện… về lĩnh vực này. Chính phủ sẽ ban hành các văn bản dưới luật để thực thi, sau một thời gian tổng kết, đánh giá mới đưa quy định cụ thể vào luật.
Học phí và các khoản thu trong nhà trường hiện còn có nhận thức, vận dụng khác nhau, có cơ sở còn lạm dụng chủ trương xã hội hóa, quy định về các nguồn thu tài chính đầu tư cho giáo dục để thu các khoản ngoài luồng gây bức xúc trong dư luận. UB thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về việc khuyến khích cá nhân, tổ chức ủng hộ giáo dục nhưng cần minh bạch về các khoản thu trong nhà trường, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý để phòng chống tiêu cực.
Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi được 306 đại biểu (chiếm tỷ lệ 62,07%) thống nhất thông qua. Vẫn còn 108 đại biểu bấm nút “chống”.
Sáng nay, Quốc hội cũng thông qua Luật Thuế tài nguyên, chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu và điện hạt nhân Ninh Thuận với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành. Luật sửa đổi bổ sung 2 luật thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích mạnh hơn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội… một lần nữa phải xin rút khỏi chương trình vì chưa thuyết phục được Quốc hội.

Về chủ trương đầu tư điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tất cả các điểm chính đều được ủng hộ cao.
Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư với quy mô dự án xây dựng 2 nhà máy, mỗi nhà máy 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống quốc gia, công suất trên 4.000MW tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải).
Công nghệ lựa chọn là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm an toàn tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án. Tổng mức đầu tư xây dựng dự toán khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhà máy số 1 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào 2020. Nhà máy số 2 Chính phủ sẽ báo cáo để Quốc hội quyết định thời điểm triển khai căn cứ vào tình hình chuẩn bị.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xác định là công trình quan trọng quốc gia ở cấp đặc biệt, lần đầu tiên được xem xét xây dựng ở Việt Nam. Có một số ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể thế hệ lò của nhà máy điện hạt nhân là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, UB thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề thế hệ lò đối với nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, được phần lớn đại biểu quan tâm, cần thiết phải thể hiện trong nghị quyết.
Về vốn, do mới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư, việc lựa chọn công nghệ và nhà thầu cung cấp thiết bị cụ thể vẫn chưa xác định, thời gian tới khâu lập dự án và quyết định đầu tư còn khá dài, Quốc hội đồng ý chưa chốt con số cụ thể, chỉ đồng ý với số tiền ước tính là 20.000 tỷ đồng.
77,48% đại biểu đã bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án "siêu quan trọng" này.
P.Thảo

Ngày càng đông HS,SV bỏ học, bỏ nhà đi lang thang
Thứ Tư, 25/11/2009 - 2:55 PM
http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/dantri.com.vn/Ngay-cang-dong-HSSV-bo-hoc-bo-nha-di-lang-thang/3543249.epi
(Dân trí) - Tình trạng học sinh phổ thông đã bỏ học, sống lang thang, thông qua mạng Internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản... có xu hướng gia tăng hiện nay lên tới 20.000 đối tượng.
Thông tin trên được Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ công tác HS,SV - Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh THPT” tổ chức sáng nay 25/11 tại Hà Nội.

20.000 thanh thiếu niên, HS,SV bỏ học, bỏ nhà đi lang thang

Theo Tiến sĩ Bình, trong số gần 10 triệu học sinh THCS và THPT hiện nay, phần lớn các em đều có ý thức tu dưỡng đạo đức tốt, tích cực, chủ động trong học tập và rèn luyện, năng động, tự tin, có ý thức vươn lên mạnh mẽ, khát khao thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh quá đề cao giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, coi việc sử dụng điện thoại, xe máy đắt tiền là sự khẳng định đẳng cấp, giá trị bản thân. Từ quan niệm đó, dẫn đến một số học sinh đua đòi quá mức kinh tế cho phép, có trường hợp học sinh chỉ vì cần tiền mua quần áo đẹp hay điện thoại di động mà phạm tội nghiêm trọng hoặc cá biệt có em đã làm việc một số việc vi phạm nhân phẩm của chính bản thân mình để lấy tiền. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống như thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ luật của nhà trường, thường xuyên nói tục, chửi thề.
Ông Bình dẫn chứng, qua cuộc điều tra 500 em học sinh THCS ở quận 6, TP.HCM cho thấy 32,2% HS có thái độ vô lễ với thầy, cô giáo; nhiều học sinh chỉ chào thầy cô khi ở trong trường còn ra trường thì coi như không quen biết, 38% HS thường xuyên nói tục.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng mặt trái của sự phát triển CNTT, một số HS,SV bị tiêm nhiễm từ băng đĩa đen, các trang Web có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2005 - 2008, tổng số vi phạm pháp luật hình sự trong HSSV khoảng hơn 8.000 trường hợp, trong đó gây rối trật tự công cộng hơn 2.000 trường hợp, tội phạm ma túy 815 trường hợp, giết người 83 vụ, cướp tài sản 1.372 vụ, xâm hại sức khỏe, tính mạng 1117 vụ...
Tình trạng học sinh phổ thông đã bỏ học, sống lang thang, thông qua mạng Internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản... có xu hướng gia tăng hiện nay lên tới 20.000 đối tượng.

Gắn kết lại “tam giác”: Gia đình - Nhà trường - Xã hội
Nói về nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về Tệ nạn xã hội cho biết: “Do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy... cũng như phát triển không đồng đều giữa các vùng miền và sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã một phần tác động xấu đến quá trình phát triển tâm sinh lý cũng như sự nhận thức trong lứa tuổi thanh thiếu niên và HS,SV.
Đặc biệt, công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa các tụ điểm vui chơi, quán bar, karaoke, vũ trường, Internet, sách báo, phim ảnh... của các cơ quan chức năng còn buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, giám sát đã tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống.
Về phía gia đình, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, động viên, giáo dục, chưa kịp thời nắm bắt hoặc nắm bắt không đúng, không đầy đủ được các đặc điểm tâm lý, tính cách khuynh hướng của các em. Cá biệt có nhiều gia đình còn buông lỏng, nuông chiều thái quá, bao che dung túng, thậm chí để cho con em mình tự do hành động theo suy nghĩ không lành mạnh. Nghiêm trọng hơn nữa là sự lôi kéo, rủ rê con, em, cháu trong gia đình cùng tham gia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le, có cha, có mẹ hoặc người thân vi phạm pháp luật, thiếu gương mẫu về đạo đức... đặc biệt, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục thậm chí còn bỏ mặc và cho rằng đó là trách nhiệm của nhà trường đối với con em mình.
Thiếu tướng Rụ cũng cho rằng, chương trình giáo dục trong nhà trường còn nặng về thành tích, nhà trường chỉ quan tâm tới dạy kiến thức chưa quan tâm tới việc quản lý, giáo dục phát triển tâm sinh lý, đạo đức lối sống, ý thức tuân thủ và chấp hành theo pháp luật... nhiều trường học không có biện pháp, kế hoạch cụ thể trong việc phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội; nhà trường với chính quyền, công an địa phương trong việc quản lý, giáo dục chăm sóc, bảo vệ các em.
Tại Hội thảo nhiều đại biểu đã đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng trên là công an cơ sở phải phối hợp với nhà trường tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trong Nhà trường và các khu vực phụ cận. Thường xuyên tổ chức họp theo định kỳ giữa lực lượng công an với nhà trường về các nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự và quản lý HS,SV. Ngành giáo dục cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HS,SV một cách hệ thống. Phải đa dạng hóa các hình thức giáo dục về pháp luật, đạo đức để thu hút HS,SV như tọa đàm, trao đổi... Đặc biệt phải bồi dưỡng cho giáo viên những kiến thức về kỹ năng giáo dục đạo đức vì họ chính là nơi truyền đạt tốt nhất cho HSSV.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc nhận ra những điểm khác thường của con trẻ là rất quan trọng và điều này phụ thuộc vào chính các gia đình. Bà Nguyễn Thị Huyền - Thẩm phán Tòa hình sự Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em phạm tội là do phía gia đình, nhà trường thiếu trách nhiệm trong quản lý trẻ. Phần lớn các vụ án trong độ tuổi vị thành niên thời gian gần đây đều do thiếu sự quản lý chặt chẽ, đúng đắn của gia đình.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: Gia đình - Nhà trường - Xã hội và ý thức được mối nguy hiểm to lớn từ truyền thông hiện đại.
Hồng Hạnh




No comments: