Monday, November 9, 2009

NĂM HUYỀN THOẠI về VẺ ĐẸP của THÙNG PHIẾU

Năm huyền thoại về vẻ đẹp của thùng phiếu
Pau Collier
Washington Post

Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Hai, 09/11/2009
http://danluan.org/node/3206

Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào việc cổ vũ cho các cuộc bầu cử tự do trên khắp thế giới, với mong muốn rằng chúng sẽ đem lại những chính quyền có chính danh và những lý tưởng dân chủ. Kết quả không phải lúc nào cũng như ý -- không phải ở Iraq, không phải ở lãnh thổ Palestine, và không phải, gần đây nhất, ở Afghanistan. Xua tan một số huyền thoại về những gì bầu cử tự do có thể và không thể làm cho các nền dân chủ mới, sẽ giúp chúng ta đối diện một cách thực tế hơn với sự khác biệt giữa một thùng phiếu và một loại thuốc thần có thể chữa bách bệnh.

1. Bầu cử thường tạo ra những chính quyền có chính danh
Sau sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết năm 1991, bầu cử đã trở thành một biểu tượng của hiện đại hóa: Các nhà độc tài ở khắp nơi đồng ý tiến hành bầu cử. Chỉ có một số ít các nhà lãnh đạo ngờ nghệch, như Tổng thống Kenneth Kaunda của Zambia, là thua cuộc trong các cuộc bỏ phiếu trung thực, bởi họ tin rằng công cụ tuyên truyền của mình là đủ đem lại cho mình sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Nhưng nhiều nhà độc tài khác nhận ra rằng, có thể giả vờ tuân thủ trên hình thức, mà không cần làm theo nội dung. Khi đồng nghiệp của tôi, Anke Hoeffler, và tôi tiến hành nghiên cứu dữ liệu trên 786 cuộc bầu cử từ khắp 155 quốc gia từ năm 1974 tới 2004, chúng tôi thấy rằng gian lận đã ảnh hưởng tới kết quả của 41% các cuộc bầu cử. Đó có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi các chính trị gia giữ chức vụ sẽ tại vị lâu hơn 2,5 lần, nếu họ áp dụng các thủ đoạn lừa dối, so với những người chơi với chính trị một cách công bằng.
Những cuộc bầu cử giả mạo này không đánh lừa được người dân, và họ thường coi các chính quyền được tạo ra như thế là không chính danh và các chính trị gia "được bầu" thường không có trách nhiệm chính trị.

2. Tiến trình dân chủ cổ vũ cho hòa bình
Chúng ta cũng muốn tin vào việc các cuộc bầu cử sẽ củng cố hòa bình tới mức mà chúng ta coi đó là một sự thật. Không may là, ảnh hưởng của dân chủ lên nguy cơ bạo động chính trị lại phụ thuộc vào thu nhập ở mỗi quốc gia. Nếu thu nhập đầu người trên 2700USD, thì nền dân chủ sẽ ít gặp vấn đề bạo lực hơn là các nền độc tài. Phần lớn các bạo động chính trị xảy ra là ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn nhiều ngưỡng 2700USD nói trên; và tại đó, dân chủ liên quan tới nguy cơ đổ máu lớn hơn.
Trong những năm gần đây, dân chủ đã giữ vai trò một kế hoạch rút lui thường dùng cho các lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi xung đột đã kết thúc. Lý thuyết được sử dụng rõ ràng là: Bằng cách thành lập một chính quyền có chính danh và có trách nhiệm, bầu cử dân chủ sẽ giảm bớt khả năng xung đột tiếp tục diễn ra. Nhưng nghiên cứu của tôi cho thấy, mặc dù nguy cơ bạo lực giảm xuống vào năm trước cuộc bầu cử diễn ra, nó lại tăng lên vào năm kế tiếp. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được, bởi lẽ năm trước của cuộc bầu cử, các nỗ lực dành quyền lực được chuyển vào kênh đấu tranh chính trị; nhưng sau khi bầu cử kết thúc, sẽ có một kẻ thắng cuộc, và đồng thời có một kẻ thua cuộc - người coi kết quả bầu cử như một vụ lừa đảo.

3. Bầu cử công bằng có thể tổ chức ở bất kỳ nơi nào
Thành công rõ ràng của quá trình dân chủ hóa tại các nước Đông Âu thời hậu Sô Viết đã thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng bầu cử sẽ thành công ở bất kỳ nơi đâu; tất cả những gì người ta cần là lật đổ chế độ độc tài. Nhưng chứng cứ về những cuộc bầu cử "bị đánh cắp" tại các quốc gia mới tập tành dân chủ đã thách thức giả thuyết nói trên. Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng những sai phạm bầu cử thường có xu hướng tập trung tại các quốc gia có thu nhập đầu người thấp, dân số nhỏ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và thiếu các cơ chế kiểm tra và kiểm soát quyền lực (check and balance). Đông Âu không nằm trong bức tranh này vì dân số của nó đa số đã nằm ở ngưỡng thu nhập trung bình, nó không có tài nguyên thiên nhiên giàu có, và nó có lợi thế là đã có kinh nghiệm trước đây về dân chủ. Ngược lại, đa số các quốc gia tại tiểu vùng Sahara của Châu Phi có đủ các yếu tố "phá hoại" sự thành công của một cuộc bầu cử, do đó họ chỉ có 3% cơ hội để có được một cuộc bầu cử trung thực, theo tính toán của tôi. Bằng suy nghĩ như thế, Afghanistan không phải là ngoại lệ; trái lại, gian lận bầu cử ở đây gần như là điều không thể tránh khỏi.

4. Các cuộc bầu cử thúc ép các chính quyền dân chủ chi tiêu quá nhiều, làm giảm hiệu năng của các hoạt động và chính sách kinh tế
Khi tôi điều tra ảnh hưởng của các cuộc bầu cử đối với chính sách kinh tế tại các quốc gia dân chủ mới, tôi phát hiện ra rằng áp lực dân túy [đòi hỏi phải đáp ứng được nhu cầu của người dân] thực sự có làm các chính sách kém hiệu quả vào năm trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đó là điều đã xảy ra ở Ghana năm 2008. Nhưng chính quyền đối diện với các cuộc bầu cử thường xuyên có các chính sách kinh tế tốt hơn nhiều, khi chúng ta xét trung bình trên toàn bộ chu kỳ chính trị, và các chính phủ là đối tượng của các cuộc bầu cử quả có cải thiện các chính sách của họ.
Thật không may, có một trường hợp ngoại lệ: Các cuộc bầu cử "bị đánh cắp" [có gian lận hoặc lừa dối] chẳng hề cải thiện các chính sách kinh tế, bởi lẽ các chính phủ đó chẳng phải chịu trách nhiệm chính trị trước người dân. Ví dụ, Tổng thống Robert Mugabe đã quyết định nhấn chìm nền kinh tế Zimbabwe vào đúng lúc ông ta bước vào cuộc bầu cử. Chính sách của ông ta thậm chí không dính gì tới "dân túy" - ông ta đơn giản là dựa vào gian lận và trấn áp / đe dọa để thiết lập các chính sách có lợi cho một phần lãnh đạo chính trị nhỏ bé.

5. Chúng ta không thể làm gì để tránh gian lận bầu cử
Nếu như 41% các cuộc bầu cử không được tổ chức một cách công bằng và sòng phẳng, khiến các chính phủ không còn chịu trách nhiệm chính trị, thì đó là một vấn đề. Nhưng cộng đồng quốc tế có thể tiến hành các bước để giải quyết vấn đề này. Một phương thức chính mà các nhà lãnh đạo quốc gia đánh cắp các cuộc bầu cử là dựa vào khoản bảo trợ móc được từ túi của công chúng, như Tổng thống Daniel arap Moi đã làm ở Kenya. Như thế, các quốc gia như Hoa Kỳ, khi cung cấp tài chính cho các cuộc bầu cử dân chủ, cần phải đặt điều kiện đánh đổi: Chính phủ nhận bảo trợ phải hứa minh bạch và chịu trách nhiệm trước công dân của mình, nhất là về tiêu tiền ngân sách.
Ngoài ra, các chính phủ hỗ trợ [các quốc gia khác dân chủ hóa] có thể cung cấp những khuyến khích mạnh mẽ cho các lãnh đạo để họ duy trì một cuộc bầu cử trung thực. Những nhà lãnh đạo thường sợ nhất, không phải là cuộc bầu cử, mà là bị lật đổ bởi quân đội. Khi cộng đồng quốc tế có thể bảo vệ chính quyền nước đó khỏi mối đe dọa như thế, thì họ cần cung cấp sự bảo vệ, với điều kiện rằng quốc gia đó phải tiến hành một cuộc bầu cử trung thực. Lấy ví dụ, việc lật đổ thủ tướng được bầu tại Madagascar vào năm 2008 có thể đã được tránh khỏi bằng các hoạt động quân sự quốc tế nhanh chóng. Xét cho cùng, ngân sách minh bạch và đảm bảo an ninh có lẽ là đủ để đem các cuộc bầu cử như thế gần lại với tư tưởng dân chủ của chúng ta.

Paul Collier là giáo sư kinh tế tại Đại học Oxford và tác giả cuốn "Chiến tranh, súng ống và phiếu bầu: Dân Chủ ở những Nơi Nguy Hiểm".



No comments: