Sunday, November 8, 2009

MỘT CHUYẾN TRỞ VỀ VN ĐẦY LƯU LUYẾN của THUYỀN TRƯỞNG GỐC VIỆT

Một chuyến trở về đầy lưu luyến của thuyền trưởng gốc Việt
Đàn Chim Việt
Đăng ngày 9-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1655/1/Mt-chuyn-tr-v-y-lu-luyn-ca-thuyn-trng-gc-Vit/Page1.html
Ben Stocking (AP): Đằ Nẵng, Việt Nam
Ngày phe miền Nam của ông thất thủ, Lê Bá Hùng mới 5 tuổi, ông theo gia đình vượt biên trên một một tầu đánh cá chở đầy ắp 400 người thuyền nhân. Ba mươi bốn năm sau, ông trở về cố quán thân thương trong một tình huống khó ai lường trước được - ông là hạm trưởng một chiếc tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ.

Hôm thứ Bảy, Hùng chỉ huy tàu Hải quân Hoa Kỳ Lassen đến cảng Đà Nẵng, vùng biển tắm ưa thích của lính Mỹ lúc trước, một bờ biển họ mệnh danh là China Beach, nơi họ du hí khi được nghỉ phép trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến đã kết thúc ngày 30 tháng 4, 1975 khi Sài Gòn bị quân Cộng sản Bắc Việt chiếm đóng.
Đó cũng là ngày ông Hùng và gia đình bỏ xứ ra đi trên một chuyến tàu định mạng do thân phụ của Hùng điều khiển vì ông là một chỉ huy trưởng của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Tàu của ông được chiến hạm Barbour County của Hải quân Hoa kỳ cứu vớt mang đến một bến quân sự Hoa kỳ ở Phi Luật Tân, sau đó vào một trại tị nạn ở California và cuối cùng được đưa về miền Bắc bang Virginia, nơi gia đình ông Hùng làm lại cuộc đời.

Ông Hùng trở về Việt Nam trên tầu Lassen, một chiến hạm dài 509 bộ, trị giá 800 triệu, được trang bị với hoả tiễn Tomahawk và 300 lính thủy. Tầu Lassen cùng với chiếc tầu Hải quân Hoa kỳ Blue Ridge, chiếc tầu trưởng trong Hạm Đội thứ Bảy của Hoa Kỳ, đang thăm viếng Việt Nam trong những chuyến công du gần đây nhất của Hoa Kỳ trong nỗ lực bang giao thân thiết giữa hai nước, được bắt đầu với chuyến đi năm 2003 của tầu Hải quân Mỹ Vandergriff khi tầu này ghé cảng Sàigòn.

"Tôi biết rằng tôi sẽ trở về một ngày kia, nhưng tôi không ngờ mình lại trở về với chức chỉ huy trưởng của một tầu chiến Hải quân Hoa Kỳ,"
ông Hùng nói khi ông bước lên bờ hôm thứ Bảy. "Thật là một vinh dự lớn cho cá nhân tôi."
"Tôi rất hãnh diện làm người Mỹ, nhưng tôi lại rất hãnh tiến với nguồn gốc Việt Nam của mình,"
ông Hùng nói, ông cũng phát ngôn bằng tiếng Việt nhưng hơi ngập ngừng một ít.

Cuộc viếng thăm của tầu này là một cố gắng của cả Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm phát huy mối bang giao giữa hai nước để cân bằng với lực lượng của Trung Quốc trong vùng mà không làm mất lòng người láng giềng khổng lồ phương Bắc này.

Trực chỉ ra khơi về hướng Đông từ Đà Nẵng là quần đảo Hoàng sa, một vùng nhạy cảm mà Trung Quốc và Việt Nam đang tranh chấp, quần đảo này là nơi lực lượng của quân đội miền Nam bị Trung quốc đẩy lui năm 1974. Hai nước cũng quần thảo vì Trường Sa, một quần đảo được biết có nhiều trữ lượng dầu khí.

Ông Hùng sinh ra ở Huế, một thành phố miền Trung cách Đà Nẵng khoảng 65 dặm (105 cây số) về phía Bắc, nơi ông vẫn còn họ hàng. Ông Hùng đã trở lại một nước đã có nhiều đổi thay từ khi trận chiến Việt Nam chấm dứt.
Dọc theo bờ biển Đà Nẵng nơi lính Hoa Kỳ thường hay bơi lội ngày xưa, những khách sạn sang trọng như Hyatt và Marriott đang mọc lên. Du khách đổ xô đến vùng này, nơi họ đánh được vài ván golf, do nhà chơi môn Cù nổi tiếng Colin Montgomery thiết kế.
Mối bang giao giữa Hoa Kỳ và cộng sản Việt Nam cũng biến hóa ngọan mục từ khi hai kẻ cựu thù bình-thường-hóa quan hệ năm 1995. Giao thương tăng trưởng không ngừng, cũng như mối bang giao và liên hệ quân sự cũng nối liền hai bên.

Một dấu hiệu sống động về mối quan hệ phát triển của họ có thể tìm thấy gần nơi ông Hùng bước lên bờ, một căn cứ Không quân Hoa kỳ nơi quân đội Mỹ thường lưu trữ, pha trộn và chất những độc tố Da Cam lên phi cơ. Quân lực Mỹ rãi hóa chất này có chứa độc tố dioxin để khai quang rừng rậm đánh mất chỗ trú ẩn của du kích quân Việt cộng.
Hai quốc gia đang chung sức thi công để bài trừ tại cứ điểm này độc tố dioxin, một hóa chất có thể nằm trong lòng đất hàng chục năm.

Nhưng một chi dấu cho thấy những vướng mắc còn tồn đọng hôm thứ Bảy là lễ chào mừng người Mỹ đã bị đình trệ 2 tiếng, khi hai bên bàn cãi chuyện treo cờ trên chiến hạm này. Ông Jeff Davis, sĩ quan về Giao tiếp thuộc Hạm đội thứ Bảy bảo nên treo ở tầng dưới, nhưng bên Việt-Nam lại muốn treo nơi cao nhất trên cột cờ chính của tầu. Rốt cuộc, cờ hai bên được treo trên cột cờ chính.

Khi ông Hùng vượt biên năm 1975, chỉ có bốn trong tám người con trong gia đình vượt khỏi Việt Nam. Những người còn lại bị kẹt lại cho đến năm 1983, khi gia đình được đoàn tụ.
Ông Hùng chỉ còn một ít hồi ức về chuyến vượt biên ba ngày trên tầu đánh cá đó, đã bị kết thúc khi tầu này bị cạn lương thực, nước uống và xăng dầu.
Nhưng ông nhớ rõ gương của cha mình, ông Lê bá Thông, ngày nay đã 69 tuổi và chưa quay lại Việt Nam lần nào. Sau khi gia đình định cư ở miền Bắc Virginia, ông nhận việc làm trong một siêu thị, nơi mà ông bắt đầu với chức lon ton, xếp thực phẩm vào bao giấy cho đến khi đảm nhiệm chức quản lý của tiệm.
"Lúc nào tôi cũng muốn được như cha tôi," ông nói. "Ông có nghị lực lớn và đã bền chí vượt qua được nhiều thử thách."

© Đàn Chim Việt Online

-----------------------------------------------

Khu trục hạm USS Lassen ghé Đà Nẵng: Chuyến trở về ly kỳ của một cậu bé tỵ nạn (nguoi viet)
Chuyến về quê đặc biệt của một hạm trưởng Hoa Kỳ (X-Cafe)




No comments: