Friday, November 6, 2009

GIẢI THƯỞNG CHO BÔ-XÍT


Giải thưởng cho Bô xít
Phạm Đình Trọng
Bài này được đăng lúc 16:52 ngày Thứ Sáu, 06/11/2009
http://bauxitevietnam.info/c/16698.html
Nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được nhận miễn phí tờ báo Văn nghệ hàng tuần, tạp chí Nhà văn và tạp chí Thơ hàng tháng, tạp chí Văn học Nước ngoài hai tháng một số. Chúng tôi đón nhận những ấn phẩm đó với niềm vui, sự chờ đợi như đón chờ những cuộc gặp gỡ với bạn viết. Mỗi lần mở những tờ báo trên, chúng tôi lại như được sống giữa đồng nghiệp, được sống trong không khí văn chương. Với những cảm xúc tinh tế, những nhận xét, phát hiện sắc sảo, các nhà văn bầu bạn đã giúp chúng tôi nhận ra nhiều vấn đề đang đặt ra giữa cuộc sống, đưa chúng tôi đến nhiều miền đất, gặp gỡ chia sẻ với nhiều thân phận con người. Vì thế, tờ báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn, tạp chí Thơ, tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà Văn Việt Nam đã trở thành công cụ nghề nghiệp không thể thiếu và cũng là niềm tin, niềm tự hào nghề nghiệp, là tình yêu của chúng tôi. Nhưng đọc bài Bauxit… và những điều khác trên báo Văn nghệ số 44 (2596) ra ngày thứ Bảy, 31,10.2009, thì tôi quá xấu hổ và thấy bị xúc phạm.

Ai cũng biết trong vụ Dự án lớn bô xít Tây Nguyên chúng ta đã thực hiện một qui trình ngược và không minh bạch. Không có trong cương lĩnh phát triển kinh tế xã hội nước ta, từ Bô xít chỉ đột ngột xuất hiện trong cam kết giữa người đứng đầu hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2001, vừa trở thành người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh liền sang Bắc Kinh ra mắt những người lãnh đạo Trung Quốc. Lần đầu tiên từ bô xít xuất hiện trong tuyên bố chung ngày 3.12.2001 được kí kết giữa người đứng đầu hai đảng Cộng sản Trung Quốc – Việt Nam, Giang Trạch Dân – Nông Đức Mạnh: Nhất trí sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trong dự án bô xít nhôm Đắc Nông. Năm năm sau, trong thông báo ngày 2.11.2006 về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, từ bô xít lại được nhắc đến, giục giã, gấp gáp hơn: Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô xít Đắc Nông. Mặc dù trước đó, trong cương lĩnh phát triển kinh tế xã hội đất nước được đại hội X đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, tháng Tư năm 2006, khẳng định: Có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô.

Từ cam kết của người đứng đầu hai đảng cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam, những hợp đồng của các doanh nghiệp hai nước được kí kết, mở đường cho những đoàn công nhân Trung Quốc đông đảo, bằng nhiều con đường lặng lẽ xâm nhập mảnh đất bô xít Tây Nguyên nước ta, đặt các cơ quan nhà nước ta vào việc đã rồi. Trước việc bất thường có thể dẫn đến nguy cơ nhiều mặt, ngày 5.1.2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kiến nghị: Dừng triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên… tiến hành nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định. Đến lúc đó dư luận xã hội mới được biết đến cái dự án bô xít khổng lồ mà tổng dự toán lên tới hơn 15 tỉ đô la. Cả nước xôn xao, người Việt khắp thế giới lo ngại về dự án bô xít lành ít dữ nhiều này. Các tướng lĩnh quân đội và công an chỉ ra nỗi bất an khi để lực lượng đông đảo người nước ngoài có mặt ở thế đất hiểm yếu Tây Nguyên. Các nhà kinh tế tính toán chi li thấy chắc phần thua lỗ. Các nhà khoa học bằng luận cứ khoa học và bằng thực tế thế giới cảnh báo về những bất cập, về thảm họa bùn đỏ, về mất cân bằng tự nhiên. Nhà văn hóa cả đời gắn bó với Tây Nguyên hốt hoảng khi thấy rõ cội nguồn văn hóa bản địa bị tàn phá không thể gì cứu vãn. Đó là những điều hiển nhiên, đang là nỗi canh cánh của mọi người Việt Nam yêu nước. Những bản Kiến nghị đòi dừng dự án bô xít Tây Nguyên đang ngày càng nối dài dòng người kí tên. Hơn ba ngàn (3000) bậc khoa bảng, trí thức, nghệ sĩ mẫn cảm sốt sắng kí tên vào bản Kiến nghị do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hai người khác khởi xướng, trong đó có hơn năm mươi (50) nhà văn. Hơn mười ngàn (10.000) người dân bình thường đã kí tên vào bản Kiến nghị do Công giáo khởi xướng.

Đến lúc dư luận cả xã hội đòi hỏi, dự án bô xit Tây Nguyên mới được đưa ra Quốc hội thảo luận lấy lệ. Dù còn nhiều ý kiến lo ngại, có nghị sĩ Quốc hội đã coi cách triển khai dự án bô xít Tây Nguyên là lách luật nhưng Chủ tịch Quốc hội vẫn nói cho qua rằng dự án bô xít Tây Nguyên được sự đồng thuận của xã hội!
Phải lược lại một chút diễn tiến trong thực hiện dự án bô xít Tây Nguyên để thấy sự bất thường, bất minh, người dân lo lắng không yên cũng vì sự bất thường, bất minh đó và điều quan trọng để thấy được rằng cho đến nay chỉ những quan chức ăn lương, hưởng bổng lộc quan chức mới đồng thuận với dự án bô xít theo ý cấp trên, còn lại đông đảo người dân, đông đảo trí thức, viên chức còn tấc lòng với dân với nước đều canh cánh không yên về cái dự án không hề xuất phát từ nhu cầu nội tại bức thiết của quốc gia này. Dự án bô xít Tây Nguyên đã trở thành sự kiện tập hợp nhân dân chưa từng có. Trang mạng
bauxitevietnam.info được thực hiện bởi người khởi xướng Kiến nghị dừng dự án bô xít Tây Nguyên, trang mạng nói tiếng nói của dân và không tiêu tốn một xu tiền thuế của dân đã có số lượng người truy cập đông gấp nhiều lần những tờ báo mạng chính thống nhà nước tiêu tốn hàng tỉ đồng tiền thuế của dân.

Trong tình thế lẻ loi, lạc lõng trước dư luận, những người quyết làm bô xít Tây Nguyên bằng được, những người máu me canh bạc bô xít rất cần phá vỡ thế lẻ loi, rất cần có những bài báo tô hồng công việc của họ. Báo Văn nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, đã làm việc đó. Được đưa rước lên công trường bô xít, được đãi đằng hiếu hỉ, được tuyên truyền, giải thích theo hướng tô hồng, phóng viên báo Văn nghệ cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, viết Bauxit… và những điều khác cũng chỉ là thao tác paste lại cái màu hồng đã được copy ở phòng khách, ở phòng họp của ban chỉ huy công trường bô xít. Bauxit… và những điều khác chỉ để khoe, để biện minh cho những bê bối, tai tiếng của Tập đoàn Than Khoáng sản, chủ đầu tư dự án bô xít Tây Nguyên, không phản ảnh đúng những thực tế gay gắt trong việc khai thác bô xít Tây Nguyên. Khi xấc xược mắng số đông là “Nhưng khi hỏi kĩ ra thì hóa họ chưa từng đến đó, chưa hề nghiên cứu kĩ mà chỉ nghe nói vậy… Vâng, họ khá đông, nhưng đầy cảm tính”, có phải người viết Bauxit… và những điều khác được hiếu hỉ hậu hĩ quá mà vô lối đến vậy? Đăng Bauxit… và những điều khác, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành tờ báo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, đã bán rẻ cả tư cách Hội Nhà văn Việt Nam, đã xúc phạm các hội viên hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, xúc phạm năm mươi nhà văn đã kí tên vào Kiến nghị đòi dừng dự án bô xít Tây Nguyên, xúc phạm cả các nhà văn lương thiện khác.

Đọc bài báo Bauxit… và những điều khác, tôi lại nhớ đến bài báo nịnh bợ Vedan năm nào. Năm 1995, các cơ quan chức năng: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Nước và Công nghệ môi trường thuộc Trường đại học Bách khoa TP HCM, Viện nghiên cứu Môi trường Thủy sản, Phân viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật liên tiếp đến Vedan kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Các báo lớn ở TP HCM, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Người lao động đều lên tiếng về việc nước thải Vedan gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải. Chất thải từ nhà máy có màu đen lan truyền đi khắp cả sông Thị Vải từ thượng nguồn ở Long Thành, Đồng Nai, xuống hạ nguồn ở Cần Giờ, TP HCM… từ ngày nhà máy bột ngọt Vedan hoạt động đổ chất thải ra sông cũng là lúc tôm cá chết hàng loạt (báo Sài Gòn Giải phóng ngày 21.12.1995)
Trong nhiều đối sách với sự lên án gây ô nhiễm môi trường có một việc Vedan làm là đến cơ quan đại diện phía nam ở TP HCM của một tờ báo trung ương, đón rước nhà báo đến Vedan đãi đằng hiếu hỉ. Lập tức nhà báo này có bài, ảnh và tờ báo này đăng ngay bài ngợi ca môi trường Vedan: Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới. Lạ thay, cả khu công nghiệp qui mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới… Một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50, ngày 14.12.1995).
Nhờ có những bài báo nhìn dòng nước đen, tôm cá chết hàng loạt ra dòng nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi; Nhờ có đối sách ngọt ngào với cơ quan quản lí môi trường nên tháng 12. 2004 Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai đã có văn bản gửi Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị khen thưởng Vedan vì: Từ một công ty mới đầu tư có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường trong khu vực sông Thị Vải những năm 1994, 1999 nay đã cố gắng khắc phục, xử lí cơ bản nước thải sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra gần đây đạt tiêu chuẩn môi trường loại B, tiêu chuẩn Việt Nam! Và Vedan cứ bình thản đầu độc sông Thị Vải suốt mười bốn năm trời, người dân sống hai bên sông Thị Vải ba tỉnh thành Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu hết đường sinh sống còn Vedan thì thu lãi ròng hàng ngàn tỉ đồng!
Đọc bài báo Bauxit… và những điều khác tôi lại nhớ đến giải thưởng Vì sức khỏe cộng đồng mà hai bộ lớn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế nước ta, tặng cho Vedan, công ty đã giết chết tức tưởi sông Thị Vải và đang lần lữa trốn tránh việc bồi thường cho những người bị mất nguồn sống, mất sức khỏe vì dòng sông Thị Vải bị Vedan đầu độc. Bauxit… và những điều khác cũng chính là giải thưởng cho dự án bô xít đang gây lo âu cho cả dân tộc Việt Nam, đang là nỗi đe dọa cho an nguy cả đất nước Việt Nam.
PĐT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


No comments: