Thursday, November 12, 2009

DIỆT TRỪ NẠN BUÔN NGƯỜI CẦN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?

Diệt trừ nạn buôn người cần bắt đầu từ đâu?
Mộc Lan - Tổng hợp
12-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6890
Ngày 13/10/09, Sina Vann được trao Giải Frederick Douglass.
Sina Vann là một cô gái Việt bị lừa bán vào động mãi dâm bên Campuchia Suốt hai năm cô phải phục vụ đủ loại khách du lịch người nước ngoài đến Xứ Chùa Tháp để chung đụng với trẻ vị thành niên. Sau khi được hai tổ chức phi chính phủ cứu thoát, Sina Vann trở thành cộng tác viên đắc lực của tổ chức
Somaly Mam trong việc phòng chống và cứu vớt những nạn nhân của tệ nạn mãi dâm thiếu nhi ở Campuchia. (1)

Sina Van nhận giải Frederick Douglass Award từ Ashton Kutcher và Demi Moore tại lễ phát giải thưởng Freedom Awards 2009 vào ngày 13 tháng 10, 2009, tại Los Angeles. Nguồn: daylife.com
http://www.dcvonline.net/php/images/112009/sinavann.jpg

Frederick Douglass - Người nô lệ bất khuất
Giải Frederick Douglass của hội
Free The Slaves (Giải phóng Nô lệ - USA) đặt ra để tưởng thưởng những ai đã từng là nạn nhân của tệ nạn buôn người nhưng vẫn can đảm vươn lên và cống hiến cuộc sống tự do của mình vào việc cứu giúp các nạn nhân khác.
Frederick Douglass (1818-1895) sinh ra đời đã là một nô lệ tại Talbot (tiểu bang Maryland). Mồ côi cha mẹ từ khi mới chào đời, Douglass được bà ngoại nuôi nấng. Sau nhiều lần đổi chủ, cậu bé 12 tuổi có lần được bà chủ Sophia Auld dạy cho biết mặt chữ cái. Làm như thế bà chủ đã vi phạm luật “Cấm dạy nô lệ đọc chữ.” Khi chồng Sophia Auld biết được việc này, đã tỏ ra hết sức bực dọc, ông nói, “Nếu một kẻ nô lệ biết đọc thì hắn sẽ không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại nữa và sẽ muốn có tự do.”
Tình cờ cậu bé da đen nghe được lời nói của ông chủ. Từ đó, cậu quyết tâm học chữ. Cậu lén học đọc từ các đứa trẻ da trắng trong làng và bằng cách quan sát cách viết chữ của những người đàn ông cậu làm việc chung. Thế rồi Douglass đọc báo, đọc các sách về chính trị và mọi đề tài khác. Sau đó anh bắt đầu lén dạy cho những người nô lệ khác đọc kinh Tân Ước vào các ngày Chủ Nhât. Có lúc “lớp học” của anh lên tới 40 người. Nhưng chỉ vài tháng sau, người da trắng đã xông vào, đánh đập những người nô lệ một cách tàn tệ và giải tán lớp học.
Khi chỉ mới 16 tuổi, Douglass đã dám chống trả lại một chủ nhân hung bạo có biệt hiệu “slave-breaker” (người thuần hóa nô lệ). Từ đó ông này không còn dám mạnh tay với cậu thanh niên da đen dũng cảm nữa. Thế nhưng, Douglass vẫn tìm mọi cách để trốn thoát. Cuối cùng sau nhiều chặng đường, anh đã đến được Massachusetts và gia nhập những tổ chức chống nô lệ tại đây.
Frederick Douglass dần nổi tiếng với những bài diễn thuyết. Ông nói về quá khứ nô lệ của mình và kêu gọi mọi người chống lại chế độ bất công này. Ông ra báo
North Star”(Sao Bắc Đẩu) với mục tiêu “Giải thể chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và mọi phương diện; Cổ súy cho sự cải thiện tinh thần và trí tuệ của người da màu.” Douglass đã từng làm việc chung với Tổng thống Abraham Lincoln trong những vấn đề người da đen. Ông đã thuyết phục Lincoln cho người nô lệ tham gia quân đội trong cuộc nội chiến Nam Bắc. Sau khi Lincoln bị ám sát, Douglass vẫn tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của ông.
Frederick Douglass là một nạn nhân của tệ nạn buôn người, nhưng ông đã dũng cảm tự giải thoát mình, và sau đó, cống hiến cuộc đời mình cho việc cứu giúp những nạn nhân khác.

Những tranh cãi về các giải pháp phòng chống tệ nạn buôn người
Cho tới nay, hành vi buôn người đã bị lên án trên khắp thế giới. Hầu như ai cũng đồng ý là phải quyết tâm diệt trừ nó. Nhưng khi đi tìm giải pháp thực hiện thì lại có nhiều ý kiến trái ngược nhau. (2)

1.> Có nên hợp pháp hóa ngành mãi dâm?
Những người ủng hộ việc hợp pháp ngành mãi dâm cho rằng điều này sẽ giúp bảo vệ cho phụ nữ. Ngoài ra, việc các cô gái đăng ký hành nghề và đóng thuế sẽ làm cho bọn đầu nậu và các tổ chức tội ác không còn cơ hội để lợi dụng họ, do đó tệ nạn buôn người cũng sẽ giảm sút.
Tuy nhiên, rất nhiều bản báo cáo và nhiều cuộc phỏng vấn với các cô gái bán dâm cho thấy rằng ý tưởng hợp pháp ngành mãi dâm cũng giống như Chủ nghĩa Cộng sản và vải sợi co dãn Lycra, nghĩa là về lý thuyết nghe rất xuôi tai nhưng thực tế lại khác hẳn. Một ví dụ rõ nhất là thành phố Amsterdam, nơi đã có cả một kỹ nghệ mãi dâm từ năm 2000. Thành phố này đã là một địa điểm du lịch cho khoái lạc. Việc này kéo theo việc các chủ động đã tìm mọi cách kiếm thêm đàn bà và trẻ con vào các Khu Đèn Đỏ để đáp ứng số cung ngày càng lên cao. Tội ác cũng gia tăng. Kết quả là Amsterdam đã phải cứu xét lại chính sách cho phép mãi dâm hợp pháp.

2. Có nên để cho truyền thông đưa tin rộng rãi?
Vào vài năm trở lại đây, ngành truyền thông loan tin về tệ nạn buôn người nhiều hơn bao giờ hết. Việc này cũng giống như khi người ta quá chú ý vào một chuyện gì đó sẽ thành một con dao hai lưỡi.
Những điều tốt khi có sự chú ý của truyền thông:
‒ Giúp nhiều người biết đến tệ nạn buôn người
‒ Giúp tăng sự ủng hộ tài chánh cho các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người.
‒ Giúp tăng sự phát giác và tìm kiếm các nạn nhân.
‒ Giúp tăng áp lực lên chính quyền và các doanh nghiệp để họ phải cải tiến chính sách và đường lối.
Những điều không tốt khi có sự chú ý của truyền thông:
‒ Sự việc có khi bị thổi phồng quá đáng.
‒ Quá chú trọng đến việc buôn người cho hoạt động mãi dâm, và bỏ quên những hình thức buôn người khác.
‒ Tạo ra một thành kiến nhất định về những nạn nhân.
Nhưng nhìn chung, mọi ngành truyền thông đều cố gắng giúp đỡ các hoạt động diệt trừ nạn buôn người ngay cả những lúc họ không được khéo léo cho lắm.

3. Đâu là cội rễ của tệ nạn buôn người?
Tệ nạn buôn người ngày hôm nay, cũng giống như tệ buôn người trong lịch sử, có gốc rễ trực tiếp liên hệ tới tiền(kinh tế.) Có người mua, và có kẻ sẵn sàng bán. Trong khi những yếu tố khác như cái dốt... làm cho vấn đề thêm trầm trọng, nhưng nguyên nhân chính vẫn là: Vì có kẻ bằng lòng trả tiền cho nó. Những kẻ đó là những người muốn tìm nguồn nhân công rẻ mạt để hạ giá thành sản phẩm, hay những người muốn mua dâm một cách tiện lợi. Nếu không có những nhu cầu này thì bọn con buôn không thể kiếm tiền bằng cách bán người, nghĩa là sẽ chấm dứt nạn buôn người.
Vậy thì đâu là những khách hàng không tên của hệ thống?
Đó chính là tất cả chúng ta! Sẽ có nhiều người không vui vì lời phát biểu này, nhưng chính chúng ta là cội rễ của nạn buôn người ngày hôm nay. Chúng ta muốn những đồ bằng nhựa rẻ tiền của China và Philippines. Chúng ta muốn coi những phim “mát” và đến các tiệm khiêu vũ khỏa thân. Cho dù không nuôi nô lệ trong nhà thì chúng ta cũng ít nhiều tiếp tay cho bọn buôn người.

4. Sự di dân có làm gia tăng nạn buôn người hay không?
Nạn buôn người và việc di dân, dù hợp pháp hay không, tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng thường có liên hệ với nhau. Một số người cho rằng buôn người là một vấn đề của di dân, vì thế họ tin rằng nếu luật lệ di trú tốt hơn sẽ giúp giải quyết nạn buôn người.
Thế nhưng về bản chất, nạn buôn người là một vấn đề có tính kinh tế, nếu chỉ coi đó là vấn đề về di trú thì sẽ loại trừ đi những nạn nhân đang ở ngay trên đất nước của họ (như trường hợp trẻ em Việt Nam ở Cambodia)

5. Nên dùng tiền quỹ ra sao?
Một câu hỏi luôn luôn làm nhức đầu những tổ chức thiện nguyện, đó là: “Chúng ta nên xử dụng ngân quỹ hạn chế của mình như thế nào?”
Với các tổ chức phòng chống tệ nạn buôn người, đây là một câu hỏi hóc búa vì những điều cần làm là quá to lớn và quá tốn kém. Mọi người khó đồng ý ngay với nhau trong những vấn đề như:
‒Nên chú trọng tới việc giúp đỡ những nạn nhân đã được giải thoát hay chú trọng đến việc ngăn ngừa có thêm nạn nhân mới?
‒ Nên bỏ tiền vào việc bắt bỏ tù đám con buôn hay nên tạo ra những cản trở gây khó khăn cho chúng?
‒ Nên xử dụng bao nhiều tiền cho việc vận động gây quỹ?
Tuy nhiên việc tranh luận thẳng thắn sẽ giúp tạo ra những luật lệ, cách giải quyết, cách làm viêc... có hiệu quả hơn.

Phải đốn tận gốc!
Naina, một cô gái vị thành niên người Ấn Độ sau khi được giải thoát khỏi nhà chứa nói rằng: “Khi nào còn khách (mua dâm) thì sẽ còn những bé gái bị bán.” Quả thật, tình trạng buôn người mãi dâm ở Ấn những năm gần đây đang gia tăng tới mức đáng lo ngại. (3)
Theo bà Ruchira Gupta, người sáng lập ra hội phòng chống tệ nạn buôn người Apne Aap Women Worlwide (India), chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tại Ấn đã thất bại vì chỉ làm những việc “vòng ngoài” như: phòng ngừa bệnh HIV/AIDS, giải cứu nạn nhân một cách chiếu lệ, tạo ra những nhà tạm trú cho các nạn nhân... nhưng không chú tâm đến căn nguyên tạo ra tệ nạn chính là những kẻ mua dâm và bọn buôn người.
Chính quyền Thụy Điển đã thẳng tay trừng trị bọn con buôn bằng cách lôi chúng ra tòa, tịch thu tài sản, và bắt chúng bồi hoàn thiệt hại. Nhờ đó nạn buôn người/mãi dâm tại nước này đã giảm mạnh. Năm 1999 có khoảng 2 ngàn 500 phụ nữ bị mua bán. Nhưng đến khi đạo luật được áp dụng, tới năm 2002, con số đã giảm xuống dưới 1 ngàn 500 người.
Ngày 16/06/2009, Ngoại trưởng Hillary Clinton công bố bản phúc trình về tệ nạn buôn người năm thứ Chín (“Trafficking in Persons Report” – TIP2009) trong đó có danh sách tên của hơn 170 quốc gia có tình trạng buôn người mà chính phủ Hoa Kỳ sẽ tìm cách ngăn chặn. Bản TIP năm nay đề ra mục tiêu “Ba Chữ P”: Punishment, Protection, Prevention (Xử Phạt kẻ gian, Bảo Vệ nạn nhân, Ngăn Ngừa tội ác) (4)
Bản TIP cũng đưa ra một
Global Hotlines List (danh sách số điện thoại) của những tổ chức chống buôn người tại nhiều nước trên thế giới (có Cambodia và Việt Nam)
Tại Cambodia, Phát ngôn viên cục cảnh sát Bộ Nội vụ, ông Kirt Chantharith đề nghị mọi công dân nếu phát hiện thấy manh mối của mạng lưới buôn bán phụ nữ và trẻ em thì nên báo cho nhân viên công lực biết theo số điện thoại thuộc đường dây nóng 2 số 117 và 118. (5)

VIDEO :
2009 Frederick Douglass Award Winner - Sina Vann from Free the Slaves on Vimeo.

Lãnh đạo tổ chức Free the Slaves từ Hoa Kỳ, bà Fryman nói với đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong dịp phát giải thưởng Frederick Douglass rằng, nạn tham nhũng tràn lan, và việc thực thi pháp luật lỏng lẻo biến Campuchia thành nơi lý tưởng của tệ nạn buôn người.
Sự thật thì tệ nạn mãi dâm thiếu nhi ở Cambodia là do những gia đình Việt Nam quá nghèo nên mới phải bán con. Nhưng tại sao những người Việt này lại bần cùng đến thế sau khi đất nước đã hòa bình thống nhất hơn 30 năm?
Câu hỏi đó có lẽ không cần tranh cãi nhiều như những câu hỏi ở trên, nhưng lại là câu hỏi cần thiết nhất. Và câu trả lời sẽ là nhát búa đốn tận gốc nguồn tội ác vô luân, nguyên nhân tạo ra muôn ngàn nạn nhân khốn khổ của đất nước.

© DCVOnline
------------------------------------

(1).
Một cô gái Việt Nam đoạt giải thưởng Frederick Douglass, Thanh Trúc, rfa.org, 28/10/09
(2).
5 Major Human Trafficking Controversies, Amanda Kloer, humantrafficking.change.org, 30/12/08.
(3).
The Failure of Anti-Trafficking Efforts, Ruchira Gupta, trafficking-monitor.blogshot.com, 11/10/09.
(4).
Trafficking in Persons Report 2009, state.gov, 2009
(5).
Campuchia có đường dây nóng chống nạn buôn người, Nguyễn Bình, rfa.org, 31/10/09.



No comments: