Friday, November 13, 2009

CỰU QUÂN NHÂN MỸ ĐƯỢC VINH DANH

Cám ơn các anh, những người lính cũ. It is never too late!
mythanh lược dịch
13-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6894

Cựu Quân Nhân Mỹ tại chiến trường Việt Nam được vinh danh

Sáu năm về trước, khi nhận được lá thư, Ray Moreno đã cố gắng quên lãng cuộc chiến Việt Nam. Ông cất kỹ bộ đồ lính từ năm 1971 ‒ và không bao giờ mặc lại sau khi đối diện với những tiếng la phản chiến tại phi trường San Francisco “kẻ giết trẻ em” khi trở vê sau một năm kinh hoàng trong rừng rậm.

Những người lính cũ của Alpha Troop. Từ trái, John Poindexter, Stanley Carter, Fred Pimental, William Sizemore, Ray R. Moreno và Angel Pagan. Nguồn: NYT
http://www.dcvonline.net/php/images/112009/alphatroop.jpg

Ông đã làm công việc xây dựng một thời, hái cam và sau đó trở thành một giám sát viên của bộ đường xá của quận Tulare.
Moreno mở thư, không đoán được cái gì bên trong.
Cấp chỉ huy cũ yêu cầu ông chia sẻ hồi ức về cái ngày hãi hùng để những người như ông cuối cùng được tuyên dương xứng đáng.
Nhưng Moreno đã không hồi âm. “Tôi chỉ muốn được yên,” ông nói.
Đây là sổ bộ của một trận chiến tuyệt vọng mà không ai muốn đặt tên trong cuộc chiến tranh mà chỉ có một số rất ít để tâm nhớ.

John Poindexter, Troop A, 1st Squadron, 11th Armored Cavalry Regiment

Poindexter, viên đại úy cao lêu nghêu, vui tính, phóng khoáng của Moreno, chỉ huy Alpha Troop lúc 25 tuổi. Lính của ông ta khoảng 100 người. Hầu hết là bị động viên, nhưng Poindexter – con trai của một gia đình khá giả tại Houston có lịch sử phục vụ trong quân đội tận từ thời nội chiến Mỹ ‒ đã tự nguyện.
Đơn vị ông được chỉ định đóng tại một góc rừng già cách Tây bắc Saigòn khoảng 60 dặm Anh, nơi những kỹ sư đang xây dựng lại một con đường cũ từ thời Pháp trong mục đích sẽ dùng để tiến qua Cam Bốt. Họ sống trong xe và ăn đồ hộp. Vào mùa mưa, nơi này trở thành đồng lầy, và mùa nắng, một lò nung bụi bặm. Hầu như ngày nào cũng có chạm trán.
Mùa hè 1970, Poindexter rời Việt Nam và không quay nhìn lại. Ông tốt nghiệp tại New York, làm giầu trong thị trường chứng khoán Wall Street, và lập một công xưởng thành công tại Houston.
33 năm sau khi xa rời vùng chiến tranh, ông đã cầm một cuốn sách với tựa đề “Đường vào Cambodia, Chiến Dịch Mùa Xuân, Cuộc Tấn Công Mùa Hè” và tìm thấy hai trang ghi lại một công tác giải cứu đẫm máu mà ông đã chỉ huy. Lần đầu tiên ông biết ra rằng hầu hết những người lính ông đề nghị huy chương đã không bao giờ nhận được. “Tất cả những ngừơi lính này đã bị tôi xử nghiệt. Tôi cho là đã xong việc, nhưng tôi đã quá lầm.”
Trong hồ sơ của ông, Poindexter có một bản copy giấy carbon vàng của một bài viết chưa bao giờ đăng mà ông đã chuẩn bị cho một báo cáo quân sự. Bản nháp bao gồm những thông tin hữu ích, nhưng ông cần thêm. Để đoàn của ông được vinh danh đòi hỏi thêm chi tiết, tài liệu, trình bày của nhân chứng, bản đồ.
Thế là ông tìm tới nhóm cựu chiến binh để xin giúp đỡ tìm kiếm lính của mình. Ông cần họ để chia sẻ những ký ức về trận đánh.
Rất ít người đã từng qua một tình huống hãi hùng, tuyệt vọng đến nỗi họ biết được từ nơi sâu thẳm nhất đây là ngày chết của họ … Không có (Alpha Troop), tôi và tất cả những người thuộc Charlie Company sẽ được khắc tên trên bức tường ở Washinton D.C.

Kenneth Woodward, Company C, 2nd Battalion, 8th Cavalry Regiment, 1st Cavalry (Airmobile) Division

Ngày 26 tháng ba, 1970, là một ngày dài trước khi mặt trời lên. Suốt đêm, những người lính của Alpha Troop, 1st Squadron, 11th Armored Cavalry Regiment đã quây quanh những thiết xa như là một toa xe lửa chở hàng trong khu rừng già của Việt Nam. Nhưng một sai sót trong một khẩu súng cối phát nổ, gây tử thương cho ba người và làm bị thương một tá người khác.
Vào buổi sáng, một cuộc chạm súng dữ dội nổ ra cách đó không đầy ba dặm. Một đoàn khoảng 100 lính bộ binh của the 1st Cavalry (Airmobile) Division đã lỡ lạc vào một nơi đồn trú của quân Bắc Việt gần biên giới Cambodia. Họ bị bao vây, bốn chọi một, con số tử thương cao khủng khiếp. Trực thăng không thể đáp sát để thả đạn dược hay tải thương. Có thể thấy toàn bộ đoàn quân sẽ bị tiêu diệt.
Poindexter hạ lệnh cho lính ông và một toán bộ binh khác “lên đường”. Họ sẽ giải cứu “lũ ngu” đó.
Rất dễ lọc ra trong một đám đông những cựu chiến binh Việt Nam khi một trực thăng bay ngang trên đầu. Đó là những lão khoảng từ 50-60 tuổi nhìn lên và tiếp tục đăm chiêu về một quá khứ xa mờ.

Pasqual Gutierrez, Troop A, 1st Squadron, 11th Armored Cavalry Regiment

Gutierrez đến Việt Nam khi là một Trung sĩ 20 tuổi ‒ a “Shake-'N' - Bake NCO", biệt danh các sĩ quan không chính quy quân đội thời đó thường gọi. Trong vòng mấy tháng, anh chàng của vùng Đông Los Angeles được thăng chức trung đội trưởng, thay thế người cựu chỉ huy lão làng dầy kinh nghiệm đã bị thương khi thi hành quân vụ.
Khi Alpha Troop chuẩn bị sứ mệnh giải cứu, họ chỉ nghĩ tới một sự kháng cự yếu ớt.
“Có kẻ khôn ngoan nào lại dám thử sức một đội vũ trang nặng?” ông nói với người nhân viên béo tốt tại văn phòng HMC Kiến Trúc tại Ontario, nơi ông hiện là chủ kiêm giám đốc.
Alpha Troop đâm xuyên qua cánh rừng già suốt hai tiếng đồng hồ để tới được những binh lính đang mắc bẫy. Khi họ xông vào được địa trận, tất cả những tiếng súng im bặt. Gutierrez ngơ ngác khi thấy những hàng poncho trên mặt đất. Ông kể lại, họ được gói như những cái burritos với những đôi giầy trận lòi ra.
Với một cảm giác buồn nôn, ông nhận ra trước mắt mình là những chiến hữu chết và bị thương. Không cảnh giác, ông nghe một tiếng nổ và thấy một giải khói bay về phía mình. Một trái phi đạn trệch chiếc tăng của ông trong gang tấc.
Chỉ một tích tắc, Alpha Troop khai hoả bằng tất cả các khẩu đại bác và đại liên, nhắm về hướng các lùm cây phía trước. Khi khói đạn lắng xuống, khu căn cứ to lớn của địch hiện ra trong tầm mắt.
Gutierrez có thể thấy được những bóng người giữa những công sự. Như ông đã cảnh giác, những trái lựu đạn phóng ra từ căn cứ, hết trái này tới trái khác. Cuộc giao tranh bắt đầu.
“Cường độ không ngơi một phút,” Gutierrez kể.
Một tiếng nổ lớn xoáy Gutierrez sát với thần chết. Trung sĩ Robert Foreman, 31 tuổi, một trung đội trưởng khác, hưởng trọn quả lựu đạn vào ngực. Poindexter, ở chiếc tăng gần bên, nhăn nhúm khi mảnh đạn trúng ông.
Chỉ ngày hôm trước trận đánh, tôi đã tâm sự với Trung sĩ Foreman về ngày về lại California, tiếp tục cuộc sống chúng tôi đã bỏ dở. Anh ấy còn người vợ ở Monterey, gần Fort Ord. Tôi muốn lấy xong bằng cử nhân và chứng chỉ Sư phạm. Tôi đã ghi danh vào chương trình trao đổi của binh chủng Bộ binh với Đại học Berkeley. Những quyển sách đã gửi tới.

Craig Wright, Troop A, 1st Squadron, 11th Armored Cavalry Regiment

Wright, khi đó 24 tuổi, một “người chống đối tận tâm” (*) được gửi tới Việt Nam làm một nhân viên cứu thương không vũ khí, ông đã gắng hết sức bặng mình qua những bụi rậm và lằn đạn để cứu Foreman. Ghé mắt vào lỗ tăng, tất cả những gì ông thấy là đống máu thịt bầy nhầy.
“Tôi phải tự nhủ đừng nghĩ đến nữa,” Wright, hiện về hưu ở Whittier, viết cho Poindexter sau bao năm. “Đó là một cảnh tượng chấn động đến nỗi có thể làm tôi tê liệt."
Wright chạy tới chiếc tăng bên cạnh để băng bó bàn tay máu me của Poindexter. Ông trở lại xe riêng khi một phi đạn nã vào sườn xe. Ông đắp hai vết thương khac trước khi chịu để giúp băng bó vết thương trên cánh tay mình. Những cuốn sách đại học của ông bị cháy rụi.
Đêm xuống, Poindexter hạ lệnh rút lui. Những người lính sống sót dồn người chết và bị thương lên xe. Họ dùng pháo sáng để soi đường.
Mặc dù không có con số ghi nhận chính thức, Poindexter nói rằng ít nhất có 7 lính Mỹ chết và 69 bị thương trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, những người lính trở lại và thấy khu căn cứ đã bỏ trống. Mùi tử khí vẫn còn lảng vảng.
Mãi đến khi liên lạc được với các chiến hữu cũ, Poindexter vẫn nhìn lại trận đánh ngày 26/03/1970, với tư thế của một vị chỉ huy. Đọc thư và e mail của những người lính, ông lần đầu tiên thấy trận đánh qua những con mắt kinh hoàng của họ.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể nào đòi được phần thưởng cho từng người xứng đáng đó. Trong số những người lính được liên lạc, nhiều người đã không trả lời và có những người đã chết.
“Những người này đã không được cám ơn. Không phải tất cả đều được đối xử một cách kính trọng,” Poidexter nói. “Vì những lý do này, tôi cảm thấy chúng ta cần dùng đến “Tuyên dương từ Tổng thống” để vinh danh tất cả.
Huân chương xanh (blue ribbon), danh dự quốc gia cao nhất cho quân đội, được ban thưởng khoảng 100 lần từ khi nó được sáng tạo từ Thế chiến II.
Khi Poindexter hoàn tất tất cả những giấy tờ đơn từ cần thiết, chồng đơn dầy lên đến 6 inches. Lo lắng câu chuyện cảm động sẽ bị lạc trong ngôn ngữ hành chánh khô khan đòi hỏi của loại đơn từ quân đội, ông đã cặp vào cuốn sách “The Anonymous Battle,” những lá thư của những người lính dưới quyền và bài viết riêng của mình.
Cuối cùng, vào tháng Tư, một bưu kiện chứa Bằng Tuyên Dương của Tổng thống được gửi tới Ft. Irwin tại Southern California. Theo truyền thống, Những bản tuyên dương được phát cho các thành viên của Alpha Troop hiện tại. Nhưng vào ngày Thứ Ba, những người lính chiến đấu vô cùng can đảm 39 năm về trước là những người được vinh danh trong một buổi lễ tại White House và Pentagon.
Lần đầu tiên sau khi về từ rừng rậm, Moreno lục ra những mề đay chiến tranh xưa và cài lên lễ phục. Người đàn ông bé nhỏ, cử chỉ nhẹ nhàng e thẹn, với vị trí bên cạnh Gutierrez, Wright và hơn 80 thành viên khác của Alpha Troop tại Rose Garden của White House.

Tổng thống Obama nói với những cựu chiến binh tóc bạc, vài người trong số họ trên xe lăn, rằng cách hành xử với những cựu chiến binh Việt Nam là một “hổ thẹn của quốc gia.”
“Một trong những sự cố buồn nhất của lịch sử Mỹ quốc chính là sự kiện những cựu chiến binh này thường bị lảng tránh và bỏ quên, thậm chí coi như kẻ ác khi họ trở về quê hương,” Obama nói. “Và những ngày như hôm nay, chúng ta kiên quyết sẽ không để nó xảy ra lần nữa.”
Moreno lắng nghe một cách nghiêm trang. Chỉ mới 19 tuổi khi bị động viên, ông đã trải qua gần hết khoảng đời trưởng thành lẩn trốn sự nhục nhã là một cựu chiến binh chiến đấu tại Việt Nam. Dằn vặt vì những cơn ác mộng, ông từ chối kể lại kinh nghiệm ngay cả với vợ mình.
“Bây giờ tôi hãnh diện,” ông nói, chia sẻ hy vọng rằng sẽ không còn có những cựu chiến binh khác phải chịu qua những gì ông phải chịu. “Những người phục vụ cho đất nước cần luôn được đối xử trong danh dự.”

© DCVOnline

Nguồn:
Vietnam vets finally honored for bloody rescue mission, The Los Angeles Times

(*) A conscientious objector (CO) is an individual who, on religious, moral or ethical grounds, refuses to participate as a combatant in war or, in some cases, to take any role that would support a combatant organization armed forces. In the first case, conscientious objectors may be willing to accept non-combatant roles during conscription or military service.


No comments: