Friday, November 13, 2009

BỨC TƯỜNG TINH THẦN TAN RÃ TRƯỚC

Bức tường tinh thần tan rã trước
Ngô Nhân Dụng
Thursday, November 12, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104036&z=7
Trong lịch sử, cảnh sụp đổ của một đế quốc không xảy ra trong một sớm một chiều, mà thường diễn ra qua nhiều năm, có khi kéo dài hàng thế kỷ. Các đế quốc La Mã, Ba Tư, Ottoman đời trước tan rã khi lực lượng quân sự và guồng máy thu thuế bị tản ra quá mỏng, quyền lực ở trung tâm yếu đi, mất dần khả năng kiểm soát các địa phương. Những đế quốc đó thường vỡ ra từng mảnh, từng mảnh một trước tan biến dần dần. Trong thế kỷ trước, đế quốc Xô Viết không giải tán theo lối tiệm tiến và mất từng bộ phận như thế. Tất cả cùng sụp đổ chỉ trong vòng mấy tháng, có thể nói chỉ trong có mấy ngày.

Nguyên nhân trực tiếp gây nên cảnh tan rã “ngoạn mục” của chế độ cộng sản ở Ðông Âu và Liên Xô là do thất bại trong quản lý kinh tế, như đã trình bày trong mục này tuần trước. Tuy nhiên, kinh tế trì trệ chỉ là một mặt trong cảnh bế tắc toàn diện của cả hệ thống cai trị do Lenin và Stalin dựng lên. Ðế quốc Xô Viết đã bắt đầu suy yếu tự trong nền tảng từ lâu rồi. Nói về sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, Nhà văn Vũ Thư Hiên không đặt trọng tâm vào tình trạng quản lý kinh tế thất bại. Ông cho là cả hệ thống cai trị kiên cố vĩ đại đó đã tan rã chính vì người dân không còn chịu đựng được cảnh “mất nhân tính đến cùng cực” nữa. Nhà văn đã sống trong một chế độ giống như vậy. Chính mắt ông đã chứng kiến cảnh “mất nhân tính đến cùng cực” ở chung quanh mình, diễn ra trong chính những người đã từng là thân thiết với gia đình ông. Vũ Thư Hiên đã nhìn thấy những điều cơ bản khiến xã hội xô viết tan rã.

Khi dân Ðức lấy búa đập vỡ bức tường Berlin, họ đã châm lửa vào một ngòi nổ, ngọn lửa cháy bén từ từ như một sợi dây thuốc pháo, và lần lượt các thùng thuốc nổ khác liên tiếp theo nhau bùng cháy. Tại sao vụ nổ dây chuyền lại lan ra nhanh chóng như vậy? Lý do lớn nhất, trước hết, là vì cả nền tảng tinh thần của những xã hội cộng sản đó đã nát rữa từ lâu, cả hệ thống dựa trên bạo lực và dối trá chỉ chờ ngày tan ra từng mảnh. Khi bao nhiêu con người đã mất niềm tin vào cuộc sống giả tạo chung quanh mình, mất niềm tin vào những người chung quanh, chính họ thấy cuộc đời không còn có ý nghĩa, không còn giá trị như trong ảo tưởng mà họ vẫn nuôi nấng nữa, thì cả xã hội tự hủy diệt. Vì phải hủy diệt, rồi mới có cơ hội tái sinh.

Một xã hội tồn tại được lâu dài và ổn định là nhờ mọi người cùng chia sẻ những giá trị chung, một cách chính thức hay là mặc nhiên. Có những lý tưởng cao xa mà ai cũng tôn quý đã được cả xã hội biến thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày khi đối đãi với nhau, routinization. Mọi người đồng ý với nhau một số ước lệ trong cuộc sống. Những cử chỉ, lời nói hay thái độ mà chúng ta gọi là lễ phép, lịch sự, thanh nhã, vân vân, đã được cả xã hội coi là lối sống tự nhiên, ai cũng ăn ở như vậy. Người ta cứ nói, cứ làm và nghĩ theo các thói quen đó là có thể tin rằng mình sẽ đạt được điều tốt, điều thiện, cuộc đời mình có ý nghĩa và có giá trị.

Nhưng khi phải sống trong một khung cảnh giả dối quá lâu thì khác. Người ta phải nghe những điều dối trá mà bị bắt buộc coi như là sự thật, phải tập thói quen sống giả dối với nhau, lừa lọc lẫn nhau. Khi ra đường phải đóng kịch, về nhà cũng không dám sống thành thật với anh em, vợ con. Mọi người đành chấp nhận đạo lý sa sút mà không ai dám công khai phản đối. Khi đó, mỗi người không còn tin ở người khác và cũng không tin ở chính mình nữa. Họ bắt đầu thấy chán, không còn lý do để tiếp tục sống theo thói quen và tập tục xã hội mà chính họ không còn tha thiết bảo vệ nữa. Nền tảng tinh thần của xã hội đã tan rã. Người ta chán ngán, chỉ muốn cơ hội “đổi đời” để cuộc sống của chính mình có ý nghĩa hơn.

Năm 1989 là lúc những người cầm đầu các đảng Cộng Sản ở Ðông Ðức, ở Tiệp Khắc và Ba Lan cũng chán ngấy không thấy lý do nào để biện minh việc ra lệnh bắn giết đồng bào của họ nữa khi dân chúng kéo nhau đi biểu tình. Hungary mở cửa biên giới, 200,000 người từ Ðông Ðức chạy qua để tìm đường sang Tây Ðức. Ðó toàn là những thanh niên, những người thợ giỏi, những chuyên gia trung niên. Hàng chục ngàn người từ trong nhà thờ ở Leibzig kéo ra đường, một tháng trước ngày bức tường Berlin bị đập, nhưng không một lãnh tụ Ðông Ðức nào ra lệnh đàn áp. Ðàn áp để bảo vệ cái gì khi chính họ cũng thấy cuộc sống của mình đang bế tắc, mà họ phải thấy những đòi hỏi tự do dân chủ của người dân là hợp lý? Ðám mật vụ, công an cầm súng lăm lăm trên tay cũng không thấy lý do nào để xả súng bắn vào đồng bào của họ nữa, mặc dù trước đó Cộng Sản Ðông Ðức đã đe dọa dân biểu tình sẽ bị tắm máu như ở Thiên An Môn.

Ðám công an mật vụ buông súng không phải vì họ sợ những người dân, những người trong tay không tấc sắt. Trước đám đông trông chẳng khác gì cha mẹ, vợ con mình, chính đám công an không còn muốn đóng vai trò một bánh xe quay trong bộ máy chuyên đàn áp, chuyên đi còng tay bắt người, chuyên thủ tiêu, giết người. Vì chính họ đã chán tận cổ lối sống phi đạo lý, phi nhân bản trong một xã hội được duy trì bằng bạo lực và dối trá. Cả xã hội chờ một biến cố châm ngòi để quyết định đổi đời!

Bức tường Berlin đổ vì người ta muốn đập vỡ hệ thống bạo lực và dối trá giam giữ cả xã hội mà trong đó họ phải sống quá lâu. Sau khi các chế độ Cộng Sản Ðông Âu tan, một người dân Ba Lan nói với nhà báo, “Từ nay chúng tôi được sống cuộc đời bình thường.” Ai cũng muốn trở lại làm một con người bình thường sống trong một xã hội bình thường. Loài người không muốn phải sống giả trá, phải nói những lời trái với lương tâm mình, phải gian dối với nhau hàng ngày, mãi không được nghỉ!

Mùa Hè năm 1991 tôi có dịp đi thuyền trên sông Elbe trong vùng Koenigsberg, phía Nam thành phố Dresden. Anh bạn người Ðức sống trong một làng gần đó, thuộc Ðông Ðức cũ, cho hay gần hai năm trước Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành cũng ngồi trong chiếc thuyền đó đi du ngoạn trong vùng thiên nhiên mỹ lệ này. Năm 1989 Cộng Sản Ðông Ðức đã mời rất nhiều lãnh tụ cộng sản thế giới đến dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập chế độ. Ðó là một đại lễ nhằm phô trương sự giầu mạnh của Cộng Hòa Dân Chủ Ðức! Tháng Mười năm 1989, tờ Nhân Dân, People Daily ở Bắc Kinh đã tường thuật cuộc lễ hội đánh dấu “40 năm vinh quang” đó, viết rằng: “Nhân dân nước Ðức đang đoàn kết ngày càng mạnh hơn dưới sự lãnh đạo của Ðảng.”

Một nhà lãnh đạo cộng sản khác là Mikhail Gorbachev đã nhìn thấy khác. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde ở Pháp đăng ngày 6 Tháng Mười một, năm 2009 vừa qua, ông Gorbachev kể rằng bữa đó ông ngồi trên khán đài chứng kiến cuộc biểu tình vĩ đại mà chính phủ Ðông Ðức tổ chức, dân chúng từ khắp nước được đưa về tham dự. Khi đó Gorbachev đã bắt đầu chủ trương “sửa đổi cơ cấu” (perstroika) ở Nga được mấy năm. Nhiều người Ðức đã đến nói thẳng với ông: Hãy giúp chúng tôi, hãy giúp chúng tôi với! Gorbachev biết đây là một màn trình diễn giả tạo. Ông kể, hai người ngồi ngay hàng ghế phía sau ông trên khán đài là chủ tịch Ba Lan, Tướng Jaruzelski và Thủ Tướng Mieczyslaw Rakovski. Gorbachev nhớ lại: “Rakovski nghiêng người ra phía trước ghé tai tôi nói, 'Mikhail Sergueievich, ông hiểu tiếng Ðức họ nói chứ?' Tôi trả lời, 'Ðủ để hiểu những câu đoàn biểu tình họ đang hô.' Rakovski nói tiếp, 'Ông có thấy rằng đây là màn kết cuộc hay không?' Ðó, tình cảnh nó như vậy.”

Trong khi đó, Gorbachev thuật lại, Chủ Tịch Ðông Ðức Erich Honecker (77 tuổi) vẫn làm như không biết gì cả. “Ông ta vẫn hát, vẫn chia sẻ với chúng tôi vẻ hăng hái giả tạo của ông ta.” Và Honecker nói với người lãnh đạo Liên Xô rằng chế độ của ông ở Ðức đã tái cấu trúc trước cả Liên Xô rồi, cho nên không cần thay đổi gì thêm nữa. Khi Gorbachev gặp toàn thể ban lãnh đạo cộng sản Ðông Ðức, ông nói với họ, “Ai chậm chân quá, sẽ bị cuộc đời trừng phạt.” Nhiều người coi đó là lời tuyên bố kết thúc chế độ cộng sản ở nước Ðức.

Một câu hỏi tuần trước đã nêu lên trong mục này là tại sao những thiên đường mù cộng sản, mặc dù thất bại về kinh tế, suy đồi về đạo lý, mà vẫn kéo dài ở Nga và Ðông Âu được bao nhiêu năm như vậy?

Một nguyên nhân là chiến tranh. Trận Ðại Chiến Thứ Hai đã giúp trì hoãn sự sụp đổ của cả nền kinh tế lẫn chế độ chính trị ở Nga. Chiến tranh và thời kỳ hậu chiến biện minh cho việc kiểm soát và chỉ huy nền kinh tế. Ngay ở các nước tư bản, chính quyền cũng can thiệp vào việc kinh doanh, đưa ra những chỉ tiêu sản xuất, lập sổ tem phiếu để giới hạn việc tiêu thụ. Về mặt chủ tịch, Stalin đã bỏ quên hoàn toàn những khẩu hiệu cộng sản để đề cao lòng ái quốc của dân Nga, kêu gọi người dân hy sinh cho tổ quốc. Chiến tranh còn biện minh cho việc bắt bớ tù đầy những người đối lập, vu cho họ nhãn hiệu “thù địch,” “phản quốc.” Sau chiến thắng, chế độ cộng sản ở Nga có thêm uy tín nhờ lợi dụng sự hy sinh anh hùng của người dân Nga trong cuộc chiến giữ nước. Thời kỳ “chiến tranh lạnh” sau đó cũng chỉ là tình trạng kéo dài của chiến tranh nóng. Không khí chiến tranh giúp các chế độ cộng sản lúc nào cũng đe dọa dân về “các thế lực thù nghịch” bao vây họ, lấy cớ đó kìm kẹp dân chúng và bắt giam mọi người có ý kiến bất đồng. Các chế độ cộng sản còn lại bây giờ cũng cố gắng bảo vệ quyền lợi và địa vị bằng thủ đoạn tương tự. Chính những giai đoạn “detente,” hòa hoãn, sống chung hòa bình, ký các hiệp ước và trao đổi với nhau, đã dần dần tước bỏ các chế độ cộng sản thứ khí cụ tuyên truyền hữu hiệu đó.

Khi những người dân trong khối cộng sản được biết hoặc thấy, qua các đài phát thanh và truyền hình, về đời sống của người dân các nước không cộng sản, dần dần họ tỉnh ngộ và tìm hiểu thêm sự thật. Sự thật, khi được thông tin đầy đủ hơn, giúp người ta nhìn ra chính cuộc sống của họ đắm chìm trong một xã hội dựa trên sự giả trá. Con người không thể “sống giả” mãi như thế được. Ðó là lý do các chế độ cộng sản cuối cùng phải tự hủy diệt. Trong cuộc xoay vần Sinh - Diệt - Diệt - Sinh của một xã hội, hủy diệt sớm thì cơ hội được tái sinh cũng sẽ đến sớm hơn. Người dân Ðức đang dự hội, không phải là để mừng sự sụp đổ của một chế độ, mà là để ăn mừng cơ hội tái sinh của nước họ 20 năm trước đây.



No comments: