Chuyện thất nghiệp
Trần Khải
Đăng ngày 16/11/2009 lúc 01:58:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4328
Thất nghiệp đang là nỗi lo lớn cho các nền kinh tế toàn cầu vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới. Chuyện việc làm tại Hoa Kỳ ra sao, và rồi tại Việt Nam ra sao? Những con số thống kê có khả tín hay không, và rồi chuyện tìm việc mới ra sao? Tất nhiên, bất kể mọi khác biệt phảỉ có, nhưng tất cả đều cùng chia sẻ một nỗi lo chung, một nỗi đau khổ của người muốn làm việc, muốn góp sức nhưng lại bị xã hội chối từ...
Cụ thể, hẳn nhiên là mỗi nước mỗi khác, thậm chí mỗi tiểu bang Hoa Kỳ, mỗi tỉnh Việt Nam, thậm chí mỗi thành phố, mỗi huyện hẳn nhiên là rồi cũng khác. Nói kiểu Phật Giáo, thì mỗi nơi và mỗi người có một nghiệp lực khác nhau. Nói kiểu các tôn giáo Thiên Chúa, thì Thượng Đế đang quở phạt, chưa cho đại hồng thuỷ đã là hên rồi...
Có một nơi được xem là kinh khủng nhất tại Hoa Kỳ: thành phố Pembroke ở phía bắc tiểu bang Illinois, gần biên giới tiểu bang Indiana. Đài CBS nói rằng gần phân nửa người tuổi lao động ở Pembroke hiện đang thất nghiệp. Tình hình thê thảm tới mức Pembroke, nơi có 3.000 cư dân, phải giảỉ tán Ty Cảnh Sát vì không còn tiền nữa, và chuyện trị an phải nhờ tới Cảnh Sát Quận Kankakee bao thầu. Và trong 3 trường tiểu học nơi đây, Pembroke phải đóng cửa 2 trường.
Tình hình được mô tả thê thảm tới mức, hễ xảy ra một trận hoả hoạn, khi tắt lửa là cứ để mặc cho kèo cột đen thui vậy thôi. Người ta không buồn nghĩ tới chuyện xây lại ngôi nhà nữa. Thị Trưởng Sam Payton nói: “Tôi phảỉ nói rằng chúng tôi là cộng đồng dân cư bị bỏ quên”.
Payton nói rằng tỉ lệ thất nghiệp đã tới 46%, và thu nhập trung bình đầu người chỉ bằng phân nửa con số toàn tiểu bang. Payton nói mục tiêu hiện nay của ông là tạo ra việc làm tại một nơi không có doanh nghiệp nào muốn tới nữa, và là nơi người trẻ hầu hết đều muốn rời đi. Payton nói: “Khi họ rời trường trung học, họ ra đi nơi khác bởi vì không có nơi nào ở Pembroke để họ làm việc”.
Các doanh nghiệp lớn duy nhất tại thị trấn Pembroke là hai trạm xăng và một tiệm thức ăn nhẹ. Còn có một trạm xăng khác nữa và một tiệm tạp hoá nữa, nhưng chủ tiệm là Isaac Lewis nói là ông phảỉ đóng cửa luôn, vì buôn bán không được nữa. Có một lúc thời quá khứ, Pembroke là nơi được hãng Nestlé Corporation tới mở xưởng và tạo ra hơn 100 việc làm. Nhưng công ty này đã dọn đi lâu rồi, từ nhiều năm về trước.
Tiểu bang Illinois đã có một kế hoạch để xây tại Pembroke một trại tù mới cho nữ tù nhân, nhưng rồi phải bỏ kế hoạch vì kinh tế suy thoái.
Tại nhà thờ Church of the Cross ở Pembroke, mục sư nói là kinh tế suy sụp đang gây ra một kiểu khủng hoảng mới. Mục sư Jon Dyson nói: “Nhìn từ phương diện tâm linh, bạn đang nhìn vào một người đang cầu nguyện chí thành, nhưng rồi không có vẻ gì những lời cầu nguyện của họ được đáp ứng cả”.
May mắn, không phảỉ nơi nào ở Mỹ cũng thê thảm như thế. Thống kê tuần trước là tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn quốc Hoa Kỳ là 10,2%.
Tại Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp là bao nhiêu, và con số đó khả tín ra sao? Thống kê tại Việt Nam hẳn nhiên là không chính xác, vì không có hệ thống trợ cấp tiền thất nghiệp toàn quốc VN để đếm đầy đủ số lượng hồ sơ khai thất nghiệp.
Ngay cả tại Mỹ, các cơ quan nhân dụng cũng chỉ đếm được hồ sơ lãnh tiền thất nghiệp nhưng không thể đếm đầy đủ hoàn cảnh những người đã thất nghiệp quá lâu và đã bị cắt ra khỏi danh sách lãnh trợ cấp thất nghiệp.
Nhà phân tích Phil Izzo đã viết trên báo The Wall Street Journal số ngày 4-9-2009, ghi về con số tỉ lệ thất nghiệp 9,7% trong tháng 8-2009 do Bộ Lao Động Hoa Kỳ đưa ra, rằng con số này chỉ tương đối vì con số thực, tính theo công thức U-6, một số đo rộng hơn của chính phủ, thì tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 8-2009 phải là 16,8%.
Izzo còn viết rằng dự toán cuối năm tỉ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ sẽ là 10%, và như thế, theo công thức U-6, thì tỉ lệ thất nghiệp thực sự ở Mỹ sẽ là 18%. Tuần trước, Bộ Lao Động nói tỉ lệ là 10,2%, như thế cộng thêm một chút vào số 18% cũng sẽ là chính xác hơn.
Việt Nam mình ra sao? Trang web Giá Vàng trong một bản tin ngày 24-3-2009 cho biết hồi cuối năm 2008 VN chỉ thất nghiệp có 4,64%. Bản tin viết:
“Theo Tổng cục Thống kê cho biết, cuối năm 2008, Việt Nam có khoảng 45 triệu lao động, có tới hơn một nửa số lao động này đang làm nghề nông, lâm, thuỷ sản. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ rơi vào khoảng 4,64%, tương đương hơn 2 triệu lao động mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp xảy ra chủ yếu đối với những công nhân tại các khu công nghiệp, như công ty hoạt động về may mặc, giày dép...
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh đến tình hình kinh tế Việt Nam, xuất khẩu giảm mạnh, đầu tư nước ngoài kém trong khi lượng tiền kiều hối gửi về cũng sẽ ít hơn so với những năm trước. Một số chuyên gia kinh tế trên thế giới cho biết, để đáp ứng công ăn việc làm cho số lao động tại Việt Nam thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần đạt trên 8%/năm, con số này đang là viễn tưởng đối với sự "ốm yếu' của kinh tế trong nước.”
Thực sự, có đúng là VN thất nghiệp chỉ có 4,64% hay không? Tại sao chúng ta cứ đọc thấy những bản tin cho biết là ngay cả sinh viên ra trường với văn bằng cử nhân tìm việc ở thành phố lớn không nổi, và khi về lại quê để xin việc ở cấp huyện vẫn thường bị từ chối. Có vẻ như tình hình nhân dụng tại VN cũng đầy gian nan, thì sao lại chỉ thất nghiệp có 4,64%? Con số này có phải chỉ là con số các đảng viên Đảng CSVN (những người được nhà nước chú ý để giúp tìm việc) hiện chưa có việc và đang tìm việc? Chúng ta không biết rõ.
Tuy nhiên, con số đó chỉ là thống kê cuối năm 2008 tại VN, và viễn ảnh năm 2009 là đầy bi quan, vì lời một quan chức Hà Nội cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại VN năm 2009 sẽ tăng gấp 5 lần năm 2008. Có phải như thế sẽ là tăng gần 20%? Không rõ, vì cán bộ lúc nào cũng nói những điều không rõ ràng gì.
Bản tin trên Đài VOA từ Washington DC hôm 3-3-2009, viết như sau:
“Tỉ lệ thất nghiệp ở VN sẽ tăng gấp 5 lần trong năm 2009
Ngành dệt may, giày dép và chế biến thuỷ hải sản là những khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất.
Các giới chức chính phủ Việt Nam cho hay tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong năm 2009 tăng 5 lần so với năm 2008.
Bản tin của DPA trích lời bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, nói rằng theo dự đoán của Bộ Lao động thì khoảng 300,000 công nhân có phần chắc sẽ mất việc trong nửa đầu năm 2009, và khoảng hơn 100,000 công nhân nữa sẽ bị giảm biên chế trong nửa cuối năm 2009.
Theo cục trưởng Nguyễn Đại Đồng thì con số này cao gấp 5 lần so với con số 80 ngàn công nhân mất việc làm trong năm 2008.”
Như thế, tỉ lệ thất nghiệp năm 2009 sẽ cao gấp 5 lần của năm 2008 sẽ có nghĩa là VN sẽ thất nghiệp tới 20%? Và câu hỏi, nếu áp dụng công thức U-6 để tìm con số thực sự thất nghiệp của 20% thì có sẽ lên tới tình hình thê thảm như ở thành phố Pembroke ở tiểu bang Illinois tại Mỹ hay không?
Còn một yếu tố khác để làm người thất nghiệp tại VN đau khổ bội phần là: nhiều khi phải nộp tiền hối lộ mới có thể tìm việc làm. Đó là một vòng lẩn quẩn, vì thất nghiệp thì làm gì mà có tiền để dâng cúng cho các quan cán bộ.
Vậy mà nhiều nơi tại VN, không hối lộ là không có việc làm. Trang blog của Hồ Bất Khuất trong bài nhan đề “Đừng nói hay, nói đẹp — Nguyên nhân đích thực bẩn thỉu và đớn hèn” đã kể:
“...Nguyên nhân chính làm cho giáo dục nước ta không khá lên được bẩn thỉu và đớn hèn: Đó là việc những người có chức, có quyền ăn tiền trong việc nhận giáo viên mới và chuyển đổi giáo viên từ vùng này qua vùng khác... (...)
Trong khi đó, những kẻ ăn tiền rất khôn ngoan, xảo quyệt, chúng lại đang nắm trong tay sinh mạng của những người mà chúng đã ăn tiền và nhận vào làm việc dưới quyền. Do vậy, không ai muốn tố cáo chuyện này. Còn nếu nói bóng, nói gió đến tai những kẻ ăn tiền thì chúng có thể bóng gió lại thế này: “Tôi có đến nhà người ta bắt họ đưa tiền đâu?! Họ tự đưa đến đấy chứ. Mà họ không đưa cho tôi, họ đưa cho vợ tôi.” (Lời một Trưởng phòng giáo dục huyện).
Nhưng vừa rồi, tôi biết cháu của một người bạn đã phải mất không 40 triệu đồng cho “phi vụ” xin đi dạy học này. Cô gái đó thông minh, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội thì về quê xin việc. Sau khi tìm hiểu, móc nối, nhờ vả thì chốt lại thế này: Vì hồ sơ tốt và có người quen nên chỉ phải chi 40 triệu đồng (các trường hợp khác thường là 50 triệu đồng). Dù không có tiền, nhưng muốn đi dạy nên cô gái đó đi vay nợ lãi số tiền đó.
Được đi dạy nhưng coi như đi làm công không, vì với số tiền lương hơn 1 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ trả lãi cho món tiền nợ. Cô ta chỉ dạy được 1 năm rồi bỏ vào Vinh xin làm ở một khách sạn để có tiền để sống và trả dần số nợ xin đi dạy học. Có lẽ không còn ở trong vòng cương toả của những người đã ăn tiền của mình nên cô mới kể rõ ràng như vậy.
Sau khi tôi kể chuyện này, nhiều người cũng dẫn ra vô số những trường hợp chi từ 30 – 70 triệu đồng để được dạy ở các trường thuộc đồng bằng các tỉnh miền Bắc, miền Trung…”
Nghề giáo thực sự là thiêng liêng mà còn như thế, huống gì các việc làm khác trong các công sở đầy quyền lực. Thậm chí, cán bộ một công sở kém quyền lực, thí dụ như cô thư ký xã đang cầm một con dấu công chứng giấy tờ cũng có thể hành dân như thường.
Có phải là, thất nghiệp, như thế, tại Việt Nam có nhiều trường hợp hẳn là do nhà nước cố ý làm ra để tạo một sức mạnh đầy quyền lực cho các cán bộ đảng viên và cho công sở, để rồi sẽ hình thành một giai cấp mới? Nếu như thế, khủng hoảng tài chánh toàn cầu chỉ là thêm một cớ, để nhà nước CSVN tăng thêm quyền lực cho những người đã và đang được ưu đãi...
Trần Khải
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment