Cách Mạng Nhung năm 1989, một bài học (phần 1)
Việt Hùng, thông tín viên RFA
2009-11-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20-years-of-the-Velvet-Revolution-that-never-was-part-1-11162009162354.html
Cách đây đúng 20 năm vào ngày 17-11-1989 tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc, hàng chục ngàn sinh viên Tiệp đã xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ trong cuộc cách mạng Nhung năm 89.
Do đâu mà người ta gọi là Cách mạng Nhung? Phải chăng vì tính nhung lụa, phải chăng vì cuộc cách mạng Nhung diễn ra quá êm dịu nên người dân Tiệp không tốn một giọt máu để giành thắng lợi trong cuộc cách mạng, trong khi cũng là cuộc xuống đường, cuộc cách mạng “Mùa xuân thành Praha 1968” cách đây hơn 40 năm lại chìm trong biển máu.
Bắt đầu từ buổi phát thanh hôm nay, Việt Hùng của Ban Việt Ngữ, Đài Á Châu Tự Do sẽ gởi tới quý vị bài đầu tiên trong loạt 3 bài nhìn lại biến cố lịch sử này.
Cuộc biểu tình vào tối ngày (17-11-1989 – 17-11-2009) cách đây đúng 20 năm đã đi vào lịch sử không chỉ của người dân Tiệp Khắc mà nó đã trở thành biểu tượng của cách mạng Nhung, cuộc cách mạng có một không hai trên thế giới, làm sụp đổ thành trì cộng sản tại Đông Âu.
Bối cảnh chính trị tại Đông Âu
Nếu đã nói đến cuộc cách mạng Nhung năm 89 (thế kỷ 20) thì không thể không nói đến bối cảnh chung tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc. Vào những thập kỷ 60-70 (thế kỷ trước), trong khi phong trào chống đối chế độ cộng sản tại Ba Lan thành phần chính là giới thợ thuyền quy tụ dưới ngọn cờ của Công Đoàn Đoàn Kết. Tại Hungary, lực lượng chống đối đáng kể nhất lại chính là những người cộng sản nằm ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng cộng sản Hungary thì tại Tiệp Khắc, lực lượng chống đối đã quy tụ được nhiều thành phần trong xã hội bởi Charter 77 mà người ta thường quen gọi Hiến Chương 77. Và nếu đã nói đến cuộc cách mạng Nhung năm 89 thì không thể không nói đến vai trò của Hiến Chương 77.
Hiến Chương 77 ra đời trong hoàn cảnh nào?
Ngược dòng thời gian, sau sự kiện người dân Tiệp Khắc xuống đường đòi tự do dân chủ trong cuộc cách mạng Mùa xuân thành Praha năm 68, hàng chục ngàn người bị bắt đi lao cải, bị khai trừ đảng, bị đuổi việc và hậu quả gần 1 triệu người dân Tiệp đã phải bỏ nước ra đi.
Những người ở lại, không ít người chấp nhận cảnh tù đày vì không đang tâm đứng nhìn đảng Cộng sản Tiệp Khắc cấu kết với Liên Xô đàn áp người dân lành vô tội. Chính những sự kiện này đã làm bừng tỉnh tinh thần dân tộc với nỗi nhục mất nước bởi chính bàn tay của những kẻ luôn xưng danh là “anh em” đến để giúp đỡ?
Một trong những yếu tố không thể không nói đến về sự ra đời của Hiến Chương 77 đó là vào năm 1976, một ban nhạc được giới trẻ ưa thích có tên là Plastic People đã bị chính quyền cấm trình diễn, bị bắt giam và đưa ra toà xét xử, chỉ vì họ đã ca những bài hát không được chính quyền cho phép.
Sự việc không chỉ dừng ở đó, ngay trong phiên xử không ít văn nghệ sĩ đã kéo đến tòa để phản đối, để rồi cuối cùng chính quyền cộng sản Tiệp Khắc phải nhượng bộ.
Sau những nhượng bộ của chính quyền, một số văn nghệ sĩ, trí thức và những người cộng sản thất thế đã họp nhau lại và thế là Bản Hiến Chương 77 ra đời vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1977.
Ngay trong ngày đầu tiên khi Hiến Chương 77 ra đời, đã có 242 người ký tên cho dù biết rằng nếu ký thì họ sẽ không thoát khỏi cảnh tù đày.
Khi mới ra đời, với tính chất mềm dẻo, những người lãnh đạo Hiến Chương sớm nhận ra, với tiêu chí Nhân Quyền, phong trào sẽ dễ hoạt động hơn, dễ được thế giới lưu tâm hơn là những đòn chính trị mạnh.
Trong Hiến Chương 77 quy tụ 3 thành phần: Văn nghệ sĩ, trí thức, những người cộng sản cấp tiến, và vai trò của Tôn giáo.
Song song với những hoạt động của Hiến Chương 77, một Ủy Ban Bảo Vệ Những Người Tù Không Xét Xử được thành lập với mục đích bảo vệ những người tù lương tâm để nhà cầm quyền không dám mạnh tay để gia đình những tù nhân lương tâm này được chia sẻ những mất mát và quan trọng hơn để họ không cảm thấy bị bỏ rơi… để rồi từ đó tạo thêm sự can đảm dấn thân cho những người đang trên con đường đấu tranh.
“Tức nước vỡ bờ”, sinh viên xuống đường…
Trở lại với cuộc cách mạng Nhung ngày 17-11-89 khi những sinh viên Tiệp xuống đường nhân lễ tưởng niệm ngày một sinh viên Tiệp bị phát xít Đức bắn chết vào ngày 17-11-1938 (thời đệ II thế chiến).
Sau buổi lễ, những người sinh viên Tiệp đã không trở về nhà, họ bắt đầu kéo xuống đường đồng thanh hô to những khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, văn nghệ sĩ bắt đầu nhóm họp, công nhân xuống đường ủng hộ. Tức nước vỡ bờ và cũng là lúc người dân Tiệp nhận thấy sự chịu đựng với chế độ cộng sản đã quá đủ…và thế là cuộc cách mạng bùng nổ.
Ngay trong tối ngày 17-11-89 chính quyền cộng sản Tiệp Khắc đã ra lệnh loan tải trên các cơ quan truyền thông, yêu cầu các gia đình có con em là sinh viên khuyên bảo con em mình không được tham gia đoàn biểu tình.
Vô hình trung lời loan báo này đã trở thành con dao hai lưỡi khiến dòng người đổ ra đường mỗi lúc thêm đông, cho dù không phải ai cũng xuống đường đi biểu tình, không ít người xuống đường với mục đích duy nhất là để đi tìm con, nhưng dù sao với việc đồng loạt xuống đường này khiến cho chính trị bộ đảng Cộng sản Tiệp Khắc bối rối. Cuối cùng họ đã ra lệnh đưa đội quân dã chiến và công an ra đường để chặn đoàn người biểu tình.
Như có sự chuẩn bị từ trước, từ đoàn biểu tình, bao nữ sinh, bao nàng thiếu nữ tuổi đời còn rất trẻ trên tay là những bông hồng bước tới trao tặng cho đội quân dã chiến mặt đằng đằng sát khí chỉ chực chờ lệnh đàn áp đoàn người biểu tình.
Kế đó bao người mẹ, người cha đã đội con mình lên đầu và cùng đồng thanh hát bài ca Tổ Quốc Tôi. Hình ảnh các cháu bé mới lên 2, lên 3 tuổi ngồi trên vai cha mẹ bập bẹ hát “Tổ quốc tôi ở đâu”, Tổ quốc tôi cũng là Tổ quốc của các anh, xin các anh đừng đánh trẻ thơ, xin các anh đừng đánh trẻ thơ vì chúng sẽ là những người nắm tương lai vận mệnh của đất nước sau này.
Trước những hình ảnh không thể không suy nghĩ, đánh vào tâm thức tình người, không ít người lính dã chiến đã buông súng để rồi những giọt nước mắt đã rơi, chảy dài trên má, hòa cùng dòng người trong đoàn biểu tình…
Chính quyền phải nhượng bộ
Sau những cuộc bãi khóa, đình công của sinh viên và công nhân trên diện rộng trong phạm vi toàn quốc cũng như sự chuẩn bị khá kỹ của những người lãnh đạo Hiến Chương 77 mà trong đó phải kể đến ông Václav Havel (người sau này trở thành Tổng thống Tiệp Khắc trong hai nhiệm kỳ) cùng các cộng sự đã khiến đảng cộng sản chấp nhận ngồi vào bàn tròn trong sự chuyển giao vai trò lãnh đạo đất nước không đổ máu thông qua một cuộc bầu cử tự do.
Ngày nay nhìn lại, lịch sử không bắt đầu và cũng không thể kết thúc ngày 17-11 nhưng ngày này hẳn đã gắn liền với cái tên Cách mạng Nhung, một biểu tượng cho cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989 hay nói đúng hơn sẽ luôn là biểu tượng cho những cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trên thế giới.
Về sự thành công của cuộc cách mạng Nhung năm 89 cũng như vai trò của Hiến chương 77 đã đủ để nói đó là những nhân tố chính tạo nên sự thành công của cuộc cách mạng Nhung hay chưa?
Vai trò của Văn nghệ sĩ trí thức, vai trò của tôn giáo, vai trò của những đảng viên cấp tiến có thể hiểu như thế nào. Vai trò của truyền thông từ bên ngoài đã đóng góp được gì cho cuộc cách mạng? Đó sẽ là những đề tài mà chúng tôi sẽ lần lượt gởi tới quý vị thính giả trong loạt bài nhân kỷ niệm 20 năm cuộc cách mạng Nhung ngày 17-11-89, tại Tiệp Khắc, mời quý vị nhớ đón nghe.
Việt Hùng, Đài Á Châu Tự Do
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Cách Mạng Nhung năm 1989, một bài học (phần 2)
Việt Hùng, thông tín viên RFA
2009-11-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20-years-of-the-Velvet-Revolution-part2-11172009151739.html
Về cuộc Cách mạng Nhung năm 89 tại Tiệp Khắc, trong buổi phát thanh trước Đài Á Châu Tự Do chúng tôi đã gởi tới quý vị thính giả bài đầu tiên trong loạt bài “20 năm, sự thành công của cuộc cách mạng Nhung 1989”.
Cuộc biểu tình vĩ đại của người dân Praha tại Quảng trường Wenceslas trong cuộc Cách mạng Nhung 1989. Photo courtesy Charter97.org
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20-years-of-the-Velvet-Revolution-part2-11172009151739.html/Velvet-Revolution-2-305.jpg
Tưởng cần nhắc lại, sự thành công của cuộc Cách mạng Nhung không thể không nói tới vai trò của Hiến Chương 77, một tập hợp quy tụ 3 thành phần:
Văn nghệ sĩ, Trí thức – Tôn giáo - Những người Cộng sản cấp tiến
Tiếp tục bài thứ hai, kỳ này chúng tôi bàn đến những vai trò, của Tôn Giáo, của Truyền thông từ bên ngoài, của những người cộng sản cấp tiến và đại khối dân tộc, mời quý vị cùng Việt Hùng ngược dòng lịch sử.
Cho đến hôm nay, khi đồng thanh ca những bài Thánh ca ngợi ca Thượng đế, chẳng hiểu những con chiên của Chúa có còn nhớ tới cuộc đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Tiệp Khắc vào những năm 80 (thế kỷ trước) trong một buổi Thánh lễ. Hình ảnh ngay trong buổi Thánh lễ, mật vụ Tiệp Khắc đã ập vào giải tán buổi Lễ, bắt đi hàng loạt các tín đồ cùng vị chủ chăn buổi Tế lễ có còn là nỗi phẫn uất trong dư luận như cách đây hơn 20 năm tại Tiệp Khắc nữa hay không?
Vai trò của tôn giao
Nếu đã nói đến cuộc cách mạng Nhung thì không thể không nói đến vai trò của Tôn giáo. Đã nói đến Tôn giáo là nói đến Đức tin, vì vậy trong những năm 70 (thế kỷ trước) ở Đông Âu và Tiệp Khắc, không ít người đã dựa vào Tôn giáo như điểm tựa cuối cùng trong khi ánh sáng đã ở cuối đường hầm nếu không muốn nói là người dân mất niềm tin…
Ngay từ khi mới ra đời, thấu hiểu được vai trò quan trọng của Tôn giáo, những người đứng đầu Hiến chương 77 đã tạo cho mình một Giáo Hội Thầm Lặng, một tổ chức quy tụ những vị Linh mục không được lòng chế độ, bị chính quyền thu hồi giấy phép hành đạo.
Dưới thời cộng sản, muốn được giảng đạo các vị Linh mục này phải có giấy phép của chính quyền và nếu không có thì kể như hành đạo trái phép.
Mặc dù có tên gọi Giáo Hội Thầm Lặng, nhưng trên thực tế Giáo hội thầm lặng này nằm trong sự điều hành của Giáo hội Công giáo Tiệp Khắc, chịu ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican. Lúc mới ra đời, Giáo Hội Thầm Lặng không những gặp sự phản ứng mạnh từ nhà cầm quyền mà ngay cả Tòa Thánh Vatican cũng không ủng hộ việc ra đời này.
Mọi việc được soi sáng sau cuộc yết kiến của người đại diện Hiến chương 77 với vị chủ chăn Giáo hội Công giáo Tiệp Khắc là Đức Hồng Y Frantisek Tomasek. Sau đó không lâu, sự kiện Đức Hồng Y Karol Jozef Wojtyla của Ba Lan đăng quang Đức Giáo Hoàng vào năm 1978 đã mở ra một hướng đi mới cho những người công giáo tại Đông Âu.
Sự kiện Đức Giáo Hoàng John Paul II là người gốc Đông Âu trong vai trò chủ chăn Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã đã như liều thuốc tinh thần mở đường soi lối cho người giáo dân Đông Âu nói riêng khi từ cuối đường hầm ánh lửa của Đức tin chợt bừng tỉnh.
Điểm thuận lợi của các cha xứ hoạt động trong Giáo hội Thầm lặng là các vị Linh mục này có thể đi rao giảng tin mừng hay có thể nói chuyện riêng với từng người dân mà không cần trên danh nghĩa là những Linh mục giảng đạo.
Một yếu tố không thể thiếu để Giáo hội Thầm lặng hoạt động, đó là sự hậu thuẫn và yểm trợ của Tòa thánh Vatican trong việc tấn phong các Linh mục không được chế độ cộng sản Tiệp Khắc chấp thuận. Việc tấn phong này có thể thực hiện trong những buổi Lễ ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau thay vì chỉ trong lãnh thổ Tiệp Khắc, có thể ở những quốc gia lân bang nếu điều kiện cho phép.
Sau khi thụ phong Linh mục, các vị Linh mục này có thể hoạt động trong sự điều hành của Giáo hội Thầm lặng trong việc làm Lễ hay giảng đạo tới từng nhà mà không cần phải khoác áo Thánh, để rồi từ đó là những lực lượng chính mang lại tư tưởng tự do cho các giáo dân nhất là trong tự do tôn giáo.
Tính cho đến thời điểm ngày 17-11-89, trong suốt 12 năm hoạt động kể từ ngày Hiến Chương 77 ra đời, Giáo Hội Thầm Lặng đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần cho Hiến Chương nhất là khi cuộc đấu tranh bước vào giai đoạn trầm kha nhất.
Đó là với vai trò của Tôn Giáo trong Hiến Chương 77 qua cuộc Cách mạng Nhung năm 89.
Truyền thông từ bên ngoài.
Những âm thanh, nhạc hiệu mà quý vị đang nghe khiến cho nhiều người liên tưởng đến sự thành công của cuộc cách mạng Đông Âu năm 89 không thể không nói tới vai trò Truyền thông từ bên ngoài mà trong đó phải kể đến vai trò của Đài Âu Châu Tự Do - Đài Tự Do (Radio Free Europe – Radio Liberty) phát đi từ Munich, Tây Đức được thành lập từ năm 1949.
Tính cho đến thời điểm này, 20 năm đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, câu hỏi đặt ra, vai trò truyền thông từ bên ngoài đã làm gì để đến nỗi mà nhà cầm quyền cộng sản Đông Âu phải “khiếp sợ” đến như vậy?
Trong quá khứ, chính thể cộng sản tại Đông Âu không chỉ bỏ ra rất nhiều tiền để lắp đặt các trạm phá sóng, tìm cách đánh bom trụ sở Đài Âu Châu Tự Do như vào năm 1972 tại Munich khi mật vụ Tiệp Khắc đã làm.
Không chỉ phát sóng về những quốc gia cộng sản, các trạm phát sóng lưu động đã được đưa đến gần biên giới với những quốc gia này để tránh sự phá sóng mà nhà cầm quyền cộng sản đã dựng lên. Những thông tin mà Đài Âu Châu Tự Do và Đài Tự Do loan tải luôn là những thông tin chính xác, trung thực và khách quan.
Những cuộc phỏng vấn về trong nước với các nhà đấu tranh dân chủ, hay những thông tin về các người tù lương tâm luôn được sự lưu tâm của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính khách quốc tế. Những thông tin về trường hợp các tù nhân không đưa ra xét xử, bị nhục hình, biệt giam cũng là những thông tin luôn được loan tải để những người tù lương tâm cùng thân nhân gia đình họ không cảm thấy cô đơn. Có những cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay trong lúc mật vụ an ninh vào khám nhà trong đêm khuya rạng sáng.
Có thể nói, không có truyền thông thì không có cuộc Cách mạng Nhung, Đài Âu Châu Tự Do và Đài Tự Do đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm sập bức tường Bá Linh kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu.
Những người cộng sản “cấp tiến”
Khi bàn đến sự thành công của cuộc cách mạng Nhung năm 89, không ít ý kiến cho rằng, nếu không có sự xuất hiện của những người cộng sản “cấp tiến” thì chưa chắc sự chống đối có hiệu quả phát xuất ngay từ lòng đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã gặt hái được những thành công như vậy.
Tính đến thời điểm trước khi cuộc cách mạng Nhung năm 89 bùng nổ, đảng cộng sản Tiệp Khắc có hơn 2 triệu đảng viên trong khi dân số Tiệp vào khoảng trên 15 triệu. Trong số hơn 2 triệu đảng viên này, không phải ai cũng vào đảng vì lý tưởng. Có nhiều thành phần cơ hội chủ nghĩa, có người vì miếng cơm manh áo, có người vào đảng để tiến thân vì lúc đó khẩu hiệu vừa Hồng - Chuyên đã kéo theo không ít trí thức, văn nghệ sỹ vào đảng với những toan tính khác nhau…
Sau những bài học lịch sử từ cuộc cách mạng mùa thu Budapest 1956, cuộc cách mạng mùa xuân thành Praha năm 68. Từ vị thế là những người cộng sản ly khai, thành phần cộng sản trong Hiến chương 77 với vai trò trung gian giữa những người cộng sản cấp tiến và những thành phần khác trong Hiến chương và xa hơn nữa là tạo sự đồng thuận trong những công tác đấu tranh mang tính đoản kỳ.
Vai trò của những người cộng sản “cấp tiến” dễ ảnh hưởng trong hàng ngũ đảng viên hơn là những người cộng sản ly khai, để rồi từ đó tạo sự phân hóa ngay trong nội bộ đảng cộng sản Tiệp Khắc. Đó là vai trò của những người cộng sản “cấp tiến” trong sự thành công của cuộc Cách mạng Nhung năm 89. Nay quay sang vai trò của quần chúng và đại khối dân tộc.
Vai trò của quần chúng và đại khối dân tộc
Nếu nói Hiến Chương 77 là lực lượng chính trong sự thành công của cuộc cách mạng Nhung năm 89 thì hoàn toàn đúng, nhưng sự thành công này sẽ không gặt hái được kết quả nếu không có vai trò quần chúng và đại khối dân tộc xuất hiện…
Cuộc xuống đường ngày (17-11-89) của sinh viên Tiệp Khắc và đại khối dân tộc là đỉnh điểm của sự phối hợp giữa các thành phần đấu tranh trong xã hội. Cảnh hàng chục, hàng trăm ngàn người xuống đường trong những ngày cách mạng đã làm cho đảng cộng sản Tiệp Khắc bối rối, lo sợ… bởi vì trong số này giới sinh viên luôn đi đầu. Họ là những người bằng xương bằng thịt, trên đôi vai còn đang gánh nặng nỗi ưu tư bước vào đời cho dù cha mẹ họ, thân nhân họ có là những người đang phục vụ trong bộ máy cầm quyền thế nào đi chăng nữa thì việc họ xuống đường đòi nhân quyền đâu có gì gọi là có tội, hay cứ phải “Yêu nước là Yêu chủ nghĩa xã hội” thì mới là sinh viên tốt. Nhưng, mỉa mai thay, những người sinh viên này rất yêu nước, nhưng họ không yêu chủ nghĩa xã hội với kiểu “lấy nhà tù làm trường học cuộc đời…”
Trong những ngày cách mạng, trong khi sinh viên bãi khóa đi vận động giới thợ thuyền đình công ủng hộ cuộc cách mạng, giới văn nghệ sĩ – trí thức đồng lòng xuống đường trình diễn, tổ chức các nhóm nhỏ đi nói chuyện ở những nơi đông dân cư. Các vị Linh mục trong Giáo hội thầm lặng công khai tới các xứ đạo rao giảng về đức tin, về quyền tự do trong tôn giáo, vận động giáo dân xuống đường ủng hộ cuộc cách mạng. Trong khi đó từ bên ngoài, một số phóng viên của Đài Âu Châu Tự Do đã tìm đủ mọi cách để có thể vào được Praha tường thuật tại chỗ những cuộc biểu tình. Một số phóng viên đã bị giữ ngay tại phi trường, bị trục xuất, nhưng những tin tức và âm thanh về những buổi làm việc đó đã được trực tiếp truyền thanh trên làn sóng của Đài Âu Châu Tự Do.
Những đảng viên cấp tiến công khai lên tiếng ủng hộ cuộc cách mạng trong cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Họ vận động những người trong ban lãnh đạo đảng cộng sản Tiệp Khắc ngồi vào bàn đối thoại với đại diện của 3 thành phần trong Hiến Chương 77 để rồi đi đến thỏa ước tổ chức cuộc tuyển cử tự do.
Trở lại sự kiện ngày 17 tháng 11 năm 89, khi đại khối dân tộc Tiệp đồng lòng xuống đường làm cách mạng, lịch sử đã sang trang để rồi chính nghĩa đã thắng trong niềm đau thương tưởng nhớ những người đã ngã xuống trước khi cuộc cách mạng thành công trong niềm kiêu hãnh của một dân tộc đã thành công trong cuộc cách mạng có một không hai mà người ta thường quen gọi là Cách mạng Nhung.
Cách mạng Nhung năm 89 tại Tiệp Khắc thành công, Bức tường Bá Linh đã sập. Đó là với người dân Đông Âu, với không ít người Việt tại Tiệp Khắc và Đông Âu, cuộc Cách mạng Nhung đã ảnh hưởng ra sao?
Từ cuộc cách mạng Nhung, qua những bài học Đông Âu rút ra những bài học nào cho Việt Nam. Tâm tư suy nghĩ của người Việt ở Đông Âu ra sao, đó cũng là đề tài mà chúng tôi sẽ bàn đến trong buổi phát thanh tới, mời quý vị nhớ đón nghe.
Việt Hùng, Đài Á Châu Tự Do.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
-----------------------------
Praha kỷ niệm 20 năm 'Cách mạng nhung', lật đổ chế độ cộng sản Tiệp Khắc (RFI)
Czech kỷ niệm 20 năm sự sụp đổ của chế độ Cộng sản (VOA)
No comments:
Post a Comment