Monday, November 9, 2009

BỨC TƯỜNG BERLIN : NÓ ĐỔ NHƯ THẾ NÀO ?

Bức tường Berlin :
nó đổ như thế nào
Mary Elise Sarotte
Đinh Từ Thức chuyển ngữ
9.11.2009
http://damau.org/archives/9881
Lời người dịch: 9 tháng 11 là kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ. Đối với nhiều người, bức tường đổ vì trước đó ông Reagan đã kêu gọi “Ông Gorbachev, phá bỏ bức tường này” (Mr. Gorbachev, tear down this wall). Ông Gorbachev không chống đỡ nó nữa, thế là nó đổ.
Tất nhiên, cả ông Reagan và ông Gorbachev đều góp phần vào việc đưa Bức tường Berlin đến chỗ sụp đổ, nhưng đó là chuyện gián tiếp, xa xôi. Có ba yếu tố đã trực tiếp khiến Bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, là dân chúng, đảng Cộng sản Đông Đức, và giới truyền thông.

----------------------------------------


Tranh mural trên bức tường Bá-Linh (nay là East Side Gallery–quãng tường dài 1.3 km và là nơi triển lãm lộ thiên ở gần trung tâm thành phố cho khái niệm tự do), vẽ cảnh Leonid Brezhnev hôn Erich Honecker trên xe Trabant vượt qua bức tường (họa từ bức tranh tường #25 (vẽ năm 1990) của Dmitri Vrubel, "Mein Gott hilf mir, diese tödliche Liebe zu überleben" ("Cầu xin Chúa cho tình yêu chết người này được tồn tại")), phố Mühlenstraße, quận
Friedrichshain-Kreuzberg
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/nnhthno_D8B1/BerlinWall_thumb_3.jpg

Sống dưới chế độ độc tài, với quân đội hùng mạnh và hệ thống công an, mật vụ dầy đặc, lúc đầu dân chúng sợ sệt, chịu yên một bề. Nhưng bị đàn áp quá, người dân hết sợ, đã liên tiếp kéo nhau xuống đường biểu tình phản đối. Có những đám biểu tình đông tới nửa triệu người, như đã diễn ra vào ngày 4 tháng 11, khiến đảng Cộng sản bối rối, thay vì đàn áp như thường lệ, đã phải họp bàn, đối phó bằng nhượng bộ.
Đảng Cộng sản Đông Đức, như bất cứ đảng cầm quyền độc tài nào, nhiều kinh nghiệm đàn áp hơn kinh nghiệm chiều theo lòng dân. Khi không thể đàn áp được nữa, thì miễn cưỡng phải nhượng bộ. Nhưng vì không thật lòng, không theo lớp lang hợp lý, nên đã gây ra tai nạn, tự mình hại mình.
Sự mau mắn của truyền thông, đã giúp người dân nắm được cơ hội, để cùng nhau có quyết định sinh tử, đập bỏ bức tường, giải phóng bản thân, và đất nước mình.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một nước lớn với quân đội hùng mạnh và mạng lưới công an bao phủ toàn diện xã hội, đã tự nhiên tan biến trong hòa bình.
Hai mươi năm nhìn lại, truyền thông ngày nay thuận tiện hơn 20 năm trước nhiều; mấy đảng cộng sản còn sót lại thì vẫn như thế, lúc nào cũng đàn áp, khi nào không đàn áp được nữa, mới chịu nhượng bộ. Riêng dân chúng, vẫn là yếu tố quyết định: Vùng dậy từ 20 năm trước, hay chịu khuất phục thêm vài chục năm nữa, không phải là quyết định của những Reagan hay Gorbachev, mà là quyết định của mỗi người dân, trước trách nhiệm với chính mình, với con cháu mình, và đất nước mình.

Mary Elise Sarotte kể lại đầu đuôi Bức tường Berlin đã đổ như thế nào vào ngày 9 tháng 11. Một bài học lịch sử rất giá trị và hấp dẫn:
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/nnhthno_D8B1/clip_image002_thumb.jpg

Một tai nạn nhỏ làm lịch sử lộn nhào
Khi các sự kiện đã đi từ tin tức hàng ngày vào sử sách, thật khó có thể tưởng tượng là chúng có thể xẩy ra theo bất cứ cách nào khác. Cuối cùng, chúng đã là lịch sử. Và 20 năm sau, sự sụp đổ của Bức tường Berlin có vẻ giống như loại lịch sử đó – một sự việc làm thay đổi lịch sử thế giới mà chúng ta tưởng nhớ và ăn mừng, các anh hùng và bọn hung ác đều đã được xác định, những hình ảnh và những gì nổi bật đều đã được biết đến.
Nhưng câu truyện thật về sự sụp đổ của bức tường thì ít gọn gàng hơn những gì có thể hiện ra trong kính chiếu hậu. Cái “quyết định” mở ranh giới không phải là một lựa chọn có ý thức. Thay vì là thắng lợi chắc chắn do sức mạnh của tự do, nó đã là một sự hỗn độn và có khả năng trở thành bạo loạn. Một trong những biến cố trọng đại nhất của thế kỷ vừa qua, thật ra, đó là một tai nạn, một thứ bán hài kịch và lỗi lầm quan liêu, đã xẩy ra phần lớn nhờ giới truyền thông Tây phương, cũng như ngọn trào lịch sử.


Cái gì đã thực sự xẩy ra?
Vào những ngày đầu của tháng 11 năm 1989, có những cuộc biểu tình khổng lồ của dân Đông Đức đòi cải tổ kiểu Gorbachev. Các nhà cai trị độc tài ráng nhượng bộ bằng cách công bố thể lệ du hành “mới”. Mặc dầu thể lệ nói sẽ có tự do, nhưng vẫn bao gồm hạn chế vì lý do an ninh quốc gia, như vẫn được dùng để ngăn dân Đông Đức bỏ đi. Không có người nào trong số thảo ra thể lệ mới này đã nêu ra những bước rõ rệt cần thiết để mở ranh giới, như là tham khảo với Liên Xô, hay báo cho lính gác biên phòng biết sắp có thay đổi như vậy. Tóm lại, không có dấu hiệu là giới thẩm quyền đã chủ tâm cho mở bức tường vào ngày 9 tháng 11.
Vào 6 giờ chiều hôm đó, một thành viên, đồng thời là người phát ngôn của Bộ chính trị Đông Đức là Guenter Schabowski đã xếp đặt một cuộc họp báo. Ngay trước khi khởi sự, ông ta nhận được một tờ giấy cập nhật về thể lệ mới, với gợi ý nên công bố. Ông ta đã không tham dự vào những cuộc thảo luận về thể lệ, và không có thì giờ đọc tài liệu trước khi bắt đầu.
Cuộc họp báo kéo dài cả giờ vô cùng tẻ nhạt, đến nỗi Tom Brokaw có mặt hôm đó đã nhớ lại là “chán phèo”. Nhưng vào mấy phút cuối cùng, câu hỏi của một nhà báo Ý về du hành đã đánh động trí nhớ của Schabowski. Ông ta đã cố gắng tóm tắt các thể lệ mới nhưng trở nên bối rối, và những câu nói của ông có vẻ lang bang, bất định. Ông nói: “Dầu sao, hôm nay, như tôi được biết, một quyết định đã được thành hình. Đó là một hảo ý của Bộ chính trị đã được đề ra, là loại bỏ một khoản trong luật về du hành”.
Trong số những câu lằng nhằng ấy, có vài mẩu đã bật ra, như: “Đi qua trạm ranh giới”, và “có thể cho mọi người dân”.
Bỗng chốc, mọi nhà báo trong phòng đã có những câu hỏi. Một người hỏi lớn: “Bao giờ chuyện đó có hiệu lực?” Người khác la lên: “Ngay bây giờ?” Schabowski vừa bối rối lẩm bẩm, trong khi lật qua các trang giấy, cho đến khi thốt ra: “Tức thì, ngay bây giờ”.
Brokaw nhớ lại: Giống như “một tín hiệu đến từ ngoại tầng không gian, và làm rúng động căn phòng”. Một số ký giả các hãng thông tấn vội chạy đi gửi tin, nhưng câu hỏi tiếp tục dồn dập, trong số có: “Cái gì sẽ xẩy ra cho Bức tường Berlin bây giờ?”
Hoảng sợ về những gì đang diễn ra, Schabowski kết luận bằng những câu trả lời lung tung hơn: “Về vấn đề du hành, do đó, về vấn đề vượt bức tường từ phía chúng tôi, chưa có câu trả lời, riêng về vấn đề ý nghĩa, của chuyện này, tôi có thể nói thế này, ranh giới tăng cường. Hơn nữa, cuộc thảo luận về những vấn đề này có thể ảnh hưởng tích cực nếu Cộng hòa Liên bang (Tây Đức) và nếu NATO cũng can dự và cùng giải giới”.
NATO không thể giải giới trước bữa điểm tâm sáng mai, rõ ràng Schabowski không chờ đợi nhiều chuyện gì có thể xẩy ra trong đêm. Nhưng chậm quá rồi – cho đến 7 giờ 03 phút chiều, tin tức loan rằng Bức tường Berlin đã mở.
Bên kia ranh giới, hãng truyền hình ARD của Tây Đức thận trọng loan báo vào bản tin lúc 8 giờ chiều, nói rằng có thể bức tường sẽ sắp sửa được “thông qua”. Nhưng vào chương trình tin tức kế tiếp lúc 10 giờ 30 tối – bị trễ tới 10 giờ 42 vì trận đấu túc cầu – ban tin tức đã làm lớn. Hanns Friedrichs, nhà điều hợp có tư thế như Cronkite ở Đức tuyên bố: “Ngày 9 tháng 11 này là một ngày lịch sử”. Đông Đức “đã loan báo rằng, khởi đầu thức thì, ranh giới của họ đã được mở ra cho mọi người.” Chương trình tin tức chiếu cảnh trực tiếp từ Berlin, nơi chỉ có một phóng viên, đã không bắt được màn kịch, hay đám đông ở cổng Brandenburg hoặc ở giao lộ tại phố Invaliden. Đã gần bốn tiếng đồng hồ từ khi Schabowski kết thúc cuộc họp báo, nhưng vẫn chưa có ai vượt qua hay reo mừng. Các nhà báo đã đi trước thực tế — dầu sao, thực tế cũng sắp bắt kịp. Dân Đông Đức cũng có thể lén theo dõi thông tin từ phía Tây, tin vào tin tức, và bắt đầu tập trung ở phía họ của bức tường.
Tại trạm giao lộ ở phố Bornholmer thuộc Đông Berlin, sĩ quan cảnh vệ Harald Jager đã giữ nhiệm vụ này từ năm 1964, cũng đã theo dõi Schabowski trên truyền hình. Điếng người vì những câu trả lời, anh nói với các đồng đội rằng lời lẽ của người phát ngôn giống như của kẻ loạn trí, và bắt đầu gọi đi các nơi. Các thượng cấp đoan chắc với anh rằng việc du hành vẫn còn cấm cản, và anh cùng các đồng đội vẫn phải canh gác như thường lệ.
Nhưng chẳng bao lâu, nhóm của Jager đã phải bận rộn vẫy đuổi một số người muốn vượt qua sau khi đã nghe tin từ phía Tây. Một xe cảnh sát tới, và vị sĩ quan đã dùng loa phóng thanh loan tin rằng không ai có thể được đi qua, nhưng đám đông tiếp tục kéo tới.
Chỉ trong chốc lát, đám cảnh vệ tại Bornholmer đã bị áp đảo bởi hàng ngàn người. Chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại một số tạm giao lộ khác. Bị trấn áp và lo sợ cho an toàn của chính bản thân mình, Jager và các đồng đội tính rằng việc dùng bạo hành có thể mau chóng khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Vào khoảng 9 giờ, họ quyết định để cho một số người vượt ranh giới kiểu nhỏ giọt, hy vọng có thể giảm bớt áp lực, để dân chúng bình tĩnh trở lại. Các cảnh vệ kiểm điểm từng cá nhân, ghi chép chi tiết, và trừng phạt những người om xòm nhất bằng cách không cho trở lại. Họ ráng làm như vậy trong một khoảng thời gian. Nhưng vài giờ sau, một đám đông khổng lồ đã hô lên: “Mở cổng, mở cổng!”
Sau khi bàn luận thêm, Jager quyết định rằng nâng cây cản là giải pháp duy nhất. Vào khoảng 11 giờ 30 đêm 9 tháng 11, sự phân chia nước Đức và Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt.

Trạm kiểm soát Charlie vào năm 1996
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/nnhthno_D8B1/CheckpointCharlie_thumb_3.jpg

Suốt đêm, các trạm kiểm soát khác cũng được mở tương tự. Mỗi điểm mở, lại có thêm người tràn sang phía Tây, và thêm hình ảnh phát ngược trở lại phía Đông; lại đến lượt có thêm nhiều người phía Đông kéo xuống đường. Vì đang có cuộc họp cấp cao để giải quyết cuộc khủng hoảng do dân chúng biểu tình, những người có quyền ra lệnh đàn áp đẫm máu phần lớn không được thông báo, và không biết rằng cái vị thế trong sinh mạng chính trị của họ đã bỗng nhiên tan biến.
Tất nhiên, rồi cuối cùng bức tường cũng sẽ sụp đổ, nhưng không nhất thiết theo cung cách ấy. Mở ra vào thời điểm muộn hơn có thể gặp nguy hiểm hơn. Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã nói rõ rằng ông sẽ không dùng bạo lực khi thay đổi chính trị bắt đầu tràn khắp Đông Âu, nhưng điều gì sẽ xẩy ra, nếu ông ta đã tụt xuống giai đoạn mất hết quyền hành? Một nhà lãnh đạo khác của Liên Xô có thể làm gì?
Ngay cả giờ khắc xẩy ra cũng đáng kể: Bức tường đã mở khi rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Đông Đức đang tự cô lập trong các cuộc họp, và nhiều nhà lãnh đạo quan trọng của Liên Xô – vì sự khác biệt về thời gian – đã đi ngủ. Điều gì sẽ xẩy ra, nếu họ có đủ thì giờ để tăng cường ranh giới trước khi bị tràn ngập vì biển người ập tới. Như mọi chuyện đã diễn ra, không ai trong số họ có thể lập một lực lượng chống trả tức thì, và mau chóng trở thành quá muộn để cúu vãn những gì đã xẩy ra chiều hôm ấy.

Graffiti ghi tiểu sử (curriculum vitae) của bức tường Bá Linh
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/nnhthno_D8B1/GraffitiatBerlinWall_thumb_4.jpg

Chúng ta muốn nghĩ rằng, mọi biến cố vĩ đại đều có những nguyên nhân vĩ đại. Và rõ ràng là các sức mạnh chính trị, kinh tế, và quân sự trong một thời gian dài đã tạo ra Chiến tranh Lạnh – cũng như làm cho nó kết thúc. Nhưng những biến cố trọng đại cũng có thể xẩy ra theo kiểu đột kích lịch sử, khi tất cả các áp lực dài hạn gặp nhau một cách bất ngờ. Sự mở bức tường Berlin, phần lớn không chủ tâm, đã là một sự việc như thế, một ý nghĩ bất ổn đối với những người nhìn lịch sử như là kết quả của chiến lược và kế hoạch của những nhà lãnh đạo chủ chốt.
Nếu chỉ một vài việc khác đi, có thể chúng ta đã không có những ký ức vui vẻ để ăn mừng. Nhưng nhờ có những lời lẩm bẩm của một giới chức Đông Đức thiếu ngủ, một vài ký giả phương Tây quá hăng hái và sự sẵn sàng của những người dân Đông Đức không ngại nguy hiểm kéo tới bức tường, Chiến tranh Lạnh đã đạt tới điểm kết thúc mau lẹ trong hòa bình.

-------------------------------------------------

Mary Elise Sarotte là giáo sư về bang giao quốc tế tại University of Southern California và là một Bosch public policy fellow tại American Academy ở Berlin. Bà cũng là tác giả của cuốn "1989: The Struggle to Create Post-Cold War Europe," phát hành vào tuần này.

Nguồn:
How it went down: The little accident that toppled history, của Mary Elise Sarotte
The Washington Post, Outlook, Sunday, November 1, 2009.
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/10/30/AR2009103001846_pf.html

------------------------------------------------------

1989 - Những thước phim lịch sử (BBC)
Thế giới mừng sự kiện 20 năm chủ nghiã cộng sản sụp đổ (RFI)
Thế giới kỷ niệm Tường Berlin sụp đổ (BBC)
Bức tường Berlin và Việt Nam (BBC)
Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ trong mắt một người Việt (RFI)
Dân chủ tiến đến đâu sau khi bức tường sụp đổ (talawas)
Chuyện bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống nhất (talawas)
Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel của Đức (blog Kichbu)
Bộ phim đang ăn khách: "Một bức tường ở Berlin
Gorbatchev tuyên bố : ‘‘Bức tường Berlin sụp đổ’’ là điều đã được dự báo
Kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Bá Linh (RFI)
20 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ (RFA)Kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ – Phần I: Cái giá của tự do - Lê Diễn Đức
Bên kia bức tường, 1989-2009 - Nguyễn Quý Đại
Bức tường Bá Linh - biểu tượng sự thất bại của bạo lực chuyên chính vô sản (dcv online)




No comments: