Monday, November 9, 2009

BỨC TƯỜNG BÁ LINH - BIỂU TƯỢNG THẤT BẠI của CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN

Bức tường Bá Linh - biểu tượng sự thất bại của bạo lực chuyên chính vô sản
Jonathan Eyal
This is how the wall came down.
Straits Times Europe Bureau, 7 November 2009

Nguyên Hân – Tóm lược
09-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6881
Theo nhà báo Jonathan Eyal, những biến cố lịch sử tuồng như được khởi đầu bằng những yếu tố bất ngờ, thậm chí vô lý. Và Bức tường Bá Linh sụp đổ cũng khởi đầu như thế, bắt nguồn từ một lỗi lầm quan liêu hành chánh.

Hè năm 1989, nhà nước cộng sản Đông Đức đối diện với một làn sóng biểu tình. Áp lực càng lúc càng gia tăng khi những nước cộng sản láng giềng như Hungary và Ba Lan bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát chính trị và những hạn chế khắc khe ở biên giới trong nước của họ.
Những nhà lãnh đạo Đông Đức bỗng có một ý tưởng lạ thường: ngày 9 tháng Mười Một năm 1989, tân tổng bí thư đảng Egon Krenz tuyên bố cho phép một số công dân Đông Đức được đi trực tiếp qua Tây Đức sau khi nộp đơn xin chiếu khán ra đi.
Thoạt đầu, đây chỉ là một biện pháp tạm thời trong chuyện kiểm soát biên giới nhằm loại bỏ những người Đông Đức bất đồng chính kiến, mà nhà nước tin rằng chắc chắc là những người này sẽ chạy qua Tây Đức trước hết nếu được cho phép. Nhưng viên chức cao cấp của nhà nước Đông Đức được đưa đến để thông báo quyết định này ông Gunter Schabowski đã không nắm vấn đề thấu đáo, hoặc không đọc mật lệnh cho rõ ràng. Nên khi một nhà báo đặt câu hỏi trong một buổi họp báo quốc tế và được truyền thanh trực tiếp, "liệu điều này có nghĩa ai cũng được tự do đi qua biên giới", viên chức này đã trả lời: “Vâng, (lệnh có gía trị) ngay lập tức, không chậm trễ.”

Sự việc được ghi nhận như là một lỗi lầm hành chánh có ý nghĩa lịch sử nhất của thế kỷ 20.
Và ngay lập tức, người dân Đông Đức đổ về phía bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh, thực hiện quyền tự do đi lại của họ giờ đã được nhà nước cộng sản Đông Đức cho phép.
Công an biên phòng Đông Đức qúa đỗi bàng hoàng, liên tục xin lệnh cấp trên vì họ không biết phải ứng xử như thế nào, nhưng lệnh không bao giờ đến. Và chỉ trong vòng vài giờ, bức tường Bá Linh chìm trong biển người.
Khi màn đêm buông xuống, hằng ngàn thanh niên Đức tay trong tay khiêu vũ không mỏi mệt từ bên này sang bên kia biên giới, một hành động được bảo đảm chắc chắn là chết tươi dưới họng súng của công an ngay trên hàng rào - nếu xảy ra 24 giờ trước đó.
Và thế giới ghi nhận đây là giờ khắc lịch sử đánh dấu sự chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh.

Ông Harold Jaeger, một trong những công an biên phòng Đông Đức mở cửa biên giới tháng Mười Một năm 1989 hồi tưởng: “Tôi không giải phóng châu Âu, hay thả tự do cho người dân tôi, hay bất cứ điều vô nghĩa nào như thế. Đó là đám đông dân chúng trước mặt tôi và sự hỗn loạn vô vọng trong chính sự lãnh đạo của tôi đã mở cửa biên giới hôm đó,” ông nói. Và đây là lịch sử, được viết lên như một sự ngẫu nhiên, tình cờ.

Không một ai có mặt hôm tháng Mười Một đó lại có thể quên được những gì đã xảy ra. Những giòng nước mắt hân hoan khi gặp gỡ lại người thân sau những năm dài xa cách, những ôm ấp ấm áp tình người của những người hoàn toàn xa lạ lẫn nhau trước đó và bài quốc ca Đức vang rền trong trời đêm: khó mà cầm được nước mắt cho dẫu là người có trái tim vô cảm.

Không ai nghi ngờ cái ý nghĩa của biến cố này. Bức tường ô nhục ngăn cách Đông và Tây Bá Linh dài 37 cây số, với hàng rào kẽm gai, điện cao thế và mìn như một biểu tượng chia đôi châu Âu, và một khi nó sụp đổ, ai cũng cảm nhận một châu Âu cộng sản đang trên đường cáo chung.

Tường, thành thường được dựng nên để ngăn người ngoài xâm nhập vào, người Trung Hoa đã đi tiên phong với ý tưởng này khi họ xây Vạn Lý Trường Thành 2.500 năm trước đây. Tuy nhiên, bức tường Bá Linh được nhà nước cộng sản Đông Đức xây lại không nhằm mục đích ngăn chận người ngoài; thay vào đó, nhằm ngăn chận công dân của chính mình bỏ nước ra đi.

Nếu không có bức tường này, có lẽ Đông Đức đã không còn tồn tại ngay vào đầu thập niên 1960. Chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu đã chứng minh là toàn toàn bị thất bại và nó chỉ có thể tồn tại được bằng cách xây tường và nhà tù “nhốt” dân của mình lại.

Thực ra, bức tường này đã sụp đổ trước đó chứ không phải đến ngày 9 tháng Mười Một năm 1989; vì tuy mìn, điện cao thế và kẽm gai đã giam hãm được thân xác con người, nhưng bức tường này không ngăn được tư tưởng, thông tin và khoa học kỹ thuật từ thế giới tự do tràn vào.
Nhà nước Đông Đức đã làm những gì họ có thể làm để xây dựng cho Đông Đức một “căn cước”, một bản thể quốc gia, nhưng người dân của chính họ vẫn tin rằng Đông Đức là một phần của nước Đức và không thể chia hai.
Nhà nước cộng sản Đông Đức đã vận dụng hệ thống tuyên truyền để nhồi sọ người dân, nhằm làm họ hãnh diện về nước Đông Đức cộng sản của mình, nhưng người dân Đông Đức bất chấp, thay vào đó họ xem truyền hình Tây Đức. Đã có chuyện khôi hài thời cộng sản Đức là người dân Đông Đức sống ở bên này bức tường ban ngày, nhưng sống ở Tây Đức ban đêm khi họ bật máy truyền hình và theo dõi chương trình phát đi từ Tây Đức.

Cùng thời điểm khi bức tường Bá Linh sụp đổ, các nước vùng Đông Âu cũng đã chín muồi. Nhà nước cộng sản Ba Lan đồng ý chia sẻ quyền lực với những nhà bất đồng chính kiến, nhà nước Hungary hứa hẹn sẽ có bầu cử tự do và Nam Tư đang sùng sục những cuộc biểu tình đòi thay đổi.
Chỉ vài tuần sau đó, một Đông Đức cộng sản biến mất, và chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu chuẩn bị cáo chung chỉ trong cuối năm 1989. Mười tám tháng sau, Liên bang Xô-Viết tan rã. Tư tưởng và khát vọng tự do của con người một lần nữa, xuyên qua bức màn sắt và cho thấy mang nhiều tính thuyết phục hơn súng đạn.

Hai mươi năm qua đã cho thấy một Đông Âu ngày càng trở nên tốt đẹp hơn; tối thiểu, người dân đi ngủ không còn bị ám ảnh một cách hãi hùng cảnh công an gõ cửa lúc nữa đêm hoặc sắp hàng mua lương thực theo chế độ tem phiếu của thời cộng sản.
Đã có nhiều biến cố lịch sử xảy ra trong thời đại chúng ta đang sống, nhưng thiết tưởng không một sự kiện nào có tính thuyết phục mạnh mẽ như bức tường Bá Linh, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, sự sụp đổ của bức tường Bá Linh chứng minh một điều: không một hàng rào, nhà tù nào xây nên để nhốt và trấn áp con người có thể tồn tại lâu dài với thời gian.

Và nó cũng là một bằng chứng cho thấy để điều hành tốt đẹp một đất nước, những nhu cầu căn bản và những khát vọng tự do của người dân cần được lắng nghe và tôn trọng thay vì họng súng, nhà tù và bạo lực.

© DCVOnline

------------------------------------

Bức tường Berlin và Việt Nam (BBC)
Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ trong mắt một người Việt (RFI)
Dân chủ tiến đến đâu sau khi bức tường sụp đổ (talawas)
Chuyện bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống nhất (talawas)
Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel của Đức (blog Kichbu)
Bộ phim đang ăn khách: "Một bức tường ở Berlin
Gorbatchev tuyên bố : ‘‘Bức tường Berlin sụp đổ’’ là điều đã được dự báo
Kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Bá LinhKỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ – Phần I: Cái giá của tự do - Lê Diễn Đức




No comments: