Sunday, November 1, 2009

BẢO VỆ hay TỰ VỆ ?

Bảo Vệ hay Tự Vệ ?
Bọn cướp nước trang bị bằng tàu chiến, sao có thể bắt dân “tự vệ” – Vậy nhà nước, chính quyền, quân đội làm gì?
Trong lúc Trung Quốc xua quân tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa rồi lấn chiếm Trường Sa của Việt Nam rồi đưa hải quân tuần tra, bắt giữ, cướp bóc và đánh đập ngư dân Việt Nam thì đảng cầm quyền và nhà nước CSVN lại khiếp nhược không dám ra mặt bênh vực dân của mình. Trước dư luận quần chúng phẫn nộ lên án thái độ hèn nhát của chế độ, để lách vấn đề nhà cầm quyền Hà Nội đưa Hội Nghề Cá ra lên tiếng phản đối TQ. Khi dư luận đặt trách nhiệm, đòi hỏi nhà nước, quân đội và biên phòng phải ra mặt bảo vệ ngư dân , Hà Nội lại lúng túng, không dám đương đầu với bọn thảo khấu phương Bắc … lại xua dân ra đở đạn bằng cái trò “Dân quân tự vệ biển” – nghĩa là trang bị vũ khí cho ngư dân để tự vệ theo kiểu chống cướp cạn, thay vì công khai ra mặt bảo vệ dân mình đường đường chính chính. Thế giới ngày nay không thể còn cảnh nước lớn ăn hiếp, bắt nạt nước nhỏ một cách ngang ngược được nếu tập thể cầm quyền biết khôn ngoan liên kết quốc tế và không đặt an ninh cho đảng mình, nhóm mình lên trên an ninh của quốc gia, dân tộc.
Dưới đây là bài viết của nhà báo Huy Đức – một cây viết trong nước khá vất vã vì không chịu nép mình theo “lề phải” của đảng, liên quan đến vấn đề nghiêm trọng trên.
DTN trân trọng giới thiệu đến bạn đọc khắp nơi.

http://baotoquoc.com/2009/10/31/b%e1%ba%a3o-v%e1%bb%87-hay-t%e1%bb%b1-v%e1%bb%87/


Bảo Vệ hay Tự Vệ
Ô Sin
October 31 2009
http://www.blogosin.org/?p=1055
Cuối cùng, giải pháp bảo vệ an ninh cho ngư dân đã được đưa ra bàn tại Quốc hội. Chưa bao giờ người dân Việt Nam đánh cá trên lãnh hải ông cha lại hay bị Tàu Trung Quốc bắn giết, bắt giữ và cướp bóc nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, đòi “các đội tàu đánh bắt xa bờ phải tổ chức những đơn vị dân quân” thì lại rất cần xem lại.

Tướng Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban An Ninh Quốc phòng cho rằng: “Dân quân tự vệ biển sẽ được trang bị súng để có thể tự vệ khi bị tấn công, đây là lực lượng nòng cốt giúp người dân khi ra biển, xác định đâu là chủ quyền Việt Nam”. Sáng kiến của ông Bình được Luật sư Nguyễn Đăng Trừng phụ họa: “Trong tình hình tranh chấp chủ quyền Biển Đông rất phức tạp như hiện nay, nếu không tổ chức khai thác đánh bắt liên tục trên vùng biển của ta thì dần dần trong thực tế, chúng ta sẽ mất chủ quyền trên biển”. Ông Trừng nói đúng, nhưng “trang bị súng cho ngư dân” không những không giúp họ bảo vệ được bản thân trước những chiến hạm của giặc ở Hoàng Sa mà còn có thể là cái cớ để những con tàu cá mỏng manh của Việt Nam bị bắn.

Ở đâu mà Dân không thể tự do đi, đến thì ở nơi đó Nước không có chủ quyền. Nhưng, Nước không thể giữ chủ quyền bằng cách đưa Dân đến nhưng nơi không đảm bảo được an ninh cho họ. Người dân ra biển là để mưu sinh chứ không phải để hy sinh. Đó là lý do mà một số ngư dân đã phải bán thuyền bán lưới khi họ không tìm thấy an ninh cho dù ngoài biển khơi vẫn có rất nhiều tôm cá.

Tương quan lực lượng và diễn tiến xung đột khu vực Biển Đông cho thấy chúng ta đang ở một thời điểm phải đầu tư thích đáng để xây dựng lực lượng chính quy chứ không phải là dân quân. Tháng 6-2009, trên blogosin, tôi đã đề nghị thiết lập hạm đồn biên phòng Hoàng Sa. Theo đó, “Hạm” sẽ là một căn cứ: vừa tiếp tế cho các lực lượng đang giữ đảo Trường Sa; vừa phát tín hiệu giúp ngư dân xác định “lãnh hải” của Việt Nam; vừa có những đội tàu cao tốc có thể ứng cứu thật nhanh khi ngư dân gặp nạn. Chi phí một chiến hạm như vậy không nhỏ, nhưng với một quốc gia có bờ biển dài, phạm vi rộng và tính chất phức tạp như Việt Nam thì không thể không đầu tư. Chúng ta có đủ tiền nếu việc đầu tư cho an ninh quốc phòng không còn dàn trải.

“Chiến tranh nhân dân” đã là yếu tố giúp Việt Nam thắng trong những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Tuy nhiên, “chiến tranh nhân dân” là phương thức chỉ có thể phát động bởi những người dân đang sống trong những vùng có ngoại bang chiếm đóng. Nó cần trước hết lòng yêu nước, căm thù giặc; tuy nhiên, ở đâu mà nhân dân tự phát thì rất dễ bị đàn áp; ở đâu mà những người lãnh đạo kháng chiến biết tạo thành một thế trận thì “nhân dân” sẽ quấy rối, tiêu hao sinh lực địch để khi quân chủ lực xuất hiện thì có thể giải quyết dứt điểm chiến trường. “Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng”, Lòng yêu nước sẽ “trở thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ”. Nhưng, với một quốc gia mà giặc lúc nào cũng ngấp nghé thì phải chuẩn bị chứ không thể chờ đến khi chúng xách súng đến nhà. Tuy nhiên, chuẩn bị mà quá mức cần thiết thì không chỉ lãng phí mà không khéo còn làm sứt mẻ đi hình ảnh anh hùng của quân đội.

Nếu như trong chiến tranh, khi đang có quân đội nước ngoài chiếm đóng, bên cạnh các quân, sư đoàn, quân đội có thể tổ chức các lực lượng địa phương như: quân khu, tỉnh đội, huyện đội và xã đội. Thì, trong thời bình quân đội chỉ nên tổ chức các sư đoàn chủ lực, có khả năng tác chiến tốt và hình thành các quân đoàn thật nhanh. Vì lực lượng quân chủ lực không cần duy trì quá lớn nên từ sỹ quan cho đến binh lính, thay vì tuyển “nghĩa vụ” thì chỉ tuyển những người có tố chất và tự nguyện lựa chọn binh nghiệp lâu dài. Các doanh trại quân đội vì thế không cần đóng trong các thành phố, nơi chỉ có dân, mà phải đóng ở những nơi có thể cơ động nhanh đánh địch. Bên cạnh các doanh trại quân đội là khu gia binh với đầy đủ các dịch vụ về y tế, văn hóa, giáo dục cho gia đình người lính.

Tuy nhiên, để đảm bảo khi tổ quốc bị xâm lăng, trai tráng có kỹ năng tham gia chiến tranh nhân dân, trong đời tất cả đàn ông đều phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự bắt buộc, có lẽ chỉ cần 3 tháng. Để khóa huấn luyện quân sự này không ảnh hưởng nhiều đến việc học hành và việc làm của đàn ông, thay vì “bị gọi” nên để họ đăng ký vào bất cứ thời điểm nào mà họ cho là thích hợp nhất trong khoảng từ 18 cho đến năm 30 tuổi. Trong số những trai tráng huấn luyện 3 tháng ấy, nếu ai có khả năng chỉ huy và lòng đam mê thì nhà nước trả tiền để họ dự thêm các khóa huấn luyện sỹ quan dự bị. Khi chiến tranh xảy ra, những người ấy có thể đứng trong đội hình các đơn vị chiến đấu, được hình thành bởi các “khung” từ các đơn vị chủ lực hoặc có thể sẽ ở lại trong vùng tạm chiếm chỉ huy chiến tranh nhân dân.

Chỉ cần cấu trúc lại quân đội rồi dùng cơ sở vật chất của quân khu, của thành đội, của các quận đội, các phường đội đóng trong một thành thành phố thôi cũng đủ để mua cho Việt Nam không chỉ một hạm tàu giữ biển. Khi chiến tranh xâm lược trên toàn cục không có khả năng xảy ra trong một tương lai khoảng 5-7 năm mà vẫn duy trì một bộ máy theo mô hình chiến tranh nhân dân là không chỉ vô cùng lãng phí. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ một Phường đội phó Phường 15 Quận 10 chỉ huy các chiến sỹ Phường đội bắt giữ và tra tấn 4 học sinh của trường phổ thông Trần Phú; vụ 3 chiến sỹ Phường đội 15 Gò Vấp đánh chết anh Nguyễn Nhật Minh; vụ các chiến sỹ Phường đội Tân Hưng, Quận 7 dùng gậy và dùi cui đánh mấy thường dân chỉ vì “Phường” rủ đi nhậu mà các thường dân này không chịu.

Đối tượng chiến đấu của quân đội là giặc xâm lăng, trong bất kỳ tình huống nào, quân đội cũng không được đưa ra để xung đột với nhân dân. Bởi nếu dân mà không còn tin thì khi có chiến tranh quân đội ấy làm sao được nhân dân ủng hộ. Đã là những người được vũ trang thì phải chính quy và phải đặt mình trong doanh trại và trong quân phục. Quyền vũ trang không thể được sử dụng trong một môi trường vô kỷ luật. Đó là lý do, trong thời bình quân đội nên tổ chức thành những đơn vị chuyên nghiệp và tinh nhuệ, có khả năng cơ động cao và chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Tướng Lê Quang Bình hẳn còn nhớ vụ tàu USS Maddox và “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 2-8-1964. Khi đang có kẻ đứng bên mình lăm le thì một phát súng bắn đi từ một con tàu nhỏ của ngư dân cũng có thể bị sử dụng như một cái cớ làm nổ ra xung đột. Không thể có một hành động quân sự trên một vùng biển tranh chấp với một lũ giặc đầy mưu mô mà lại không được tính toán chiến lược ở cấp tối cao. Ngư dân khi có súng ống trong tay lại ở giữa biển khơi chỉ cần “cướp cò” là đã có thể kéo cả hai quốc gia vào cuộc chiến. Do vậy, lập “dân quân biển” và “trang bị súng” cho ngư dân không chỉ đặt tính mạng của những ngư dân ấy trong mối đe dọa cao hơn mà còn có thể đặt tổ quốc vào chỗ lâm nguy. Quốc hội nên bình tĩnh để tìm phương cách bảo vệ dân thay vì buộc nhân dân tự vệ.
--------------------------------------------
49 phản hồi cho bài “Bảo Vệ hay Tự Vệ”
http://www.blogosin.org/?p=1055



No comments: