PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO “VĂN HỌC VÀ XU THẾ HỘI NHẬP”do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, 18.12.2008
Lại Nguyên Ân
http://www.viet-studies.info/LNAn_VanHoc_XuTheHoiNhap.htm
Thưa các bạn viết đồng nghiệp,
Đến dự hội thảo này, tôi đem theo một bài viết từ trên 10 năm trước, − tôi sẽ không đọc lại nó tại đây, nhưng nhân bài viết cũ ấy, tôi xin lưu ý các vị và các bạn rằng: trên vấn đề văn học trong thời kỳ hội nhập, hội thảo hôm nay không phải là lần đầu tiên giới văn học chúng ta đụng đến vấn đề ấy, tính trong vòng vài chục năm trở lại đây.
Tôi muốn nhắc đến lần đề cập khá gần đây, xảy ra vào năm 1995, mà người nêu vấn đề là nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Trên các báo Tiền phong, Văn nghệ, Phụ nữ TP. HCM. trong năm ấy, anh Nhàn đã đăng những bài báo nói về “Hội nhập như một lẽ đương nhiên” (tên bài đăng Phụ nữ TP. HCM.), “Hội nhập với thế giới để tránh nguy cơ văn học tụt hậu trước đời sống” (tên bài đăng Văn nghệ); tác giả những bài báo ấy đoan chắc: “… Hội nhập nhất định phải trở thành xu thế chi phối đời sống văn hóa chúng ta trong những năm tới”. Ý kiến anh Nhàn nêu ra hồi ấy được một số tờ báo và một số tác giả khác hưởng ứng, trong đó có tôi, với bài báo mà tôi nhắc trên, nhan đề “Vấn đề hội nhập: từ kinh tế đến văn hóa” (Phụ nữ TP. HCM. 9/9/1995); ngoài ra, dịp đó tôi cũng tìm đến hỏi chuyện nhà ngữ học Hoàng Tuệ về sự phát triển ngôn ngữ văn tự của người Việt trong lịch sử giao lưu và hội nhập (bài đăng Thanh niên 14/1/1996). Một số tác giả khác cũng biểu đồng tình với người nêu vấn đề hội nhập, ví dụ dịch giả Đoàn Tuấn, nhà báo Lý Tùng Hiếu,… Tuy nhiên, số tác giả bầy tỏ cái nhìn hoài nghi và đáng giá tiêu cực đối với hội nhập hồi đó chiếm phần nhiều hơn; đó là Trần Mạnh Hảo, Trần Bình, Lương Sinh, Ngô Vĩnh Bình, Đinh Quang Tốn, thường là do báo Công an TP. HCM. hồi đó đăng tải. Sự phản đối thường không triển khai thành luận điểm mà thường quay sang chế diễu người nêu vấn đề; vì vậy tác giả Vương Trí Nhàn, người khởi xướng luận bàn chuyện hội nhập hồi đó, đã phải hứng chịu những lời bài bác, trách cứ: “Than ôi, cái đầu óc sùng ngoại” (tên bài của Lương Sinh), “Đừng công nghệ hóa văn chương” (bài Trần Mạnh Hảo), “Đừng sợ văn học Việt Nam tụt hậu” (bài Đinh Quang Tốn), “Coi chừng xu hướng muốn hoà tan” (bài Ngô Vĩnh Bình)…
Cuộc thảo luận hồi đó chỉ diễn ra một cách cục bộ trên mấy tờ báo, và chỉ buông lửng chứ không kết luận, nhưng âm hưởng nổi trội là thái độ đánh giá tiêu cực đối với bất cứ ai muốn đặt văn hóa, văn học vào không gian của hội nhập.
Nhắc lại cuộc thảo luận đó tại đây, điều muốn ghi nhận là thái độ nhận thức của số đông trong giới văn nghệ chúng ta trước vấn đề hội nhập, tính đến hôm nay, đã có thay đổi đáng kể mà biểu hiện trực tiếp là cuộc hội thảo mang tính chính thức này. Từ sáng nay sang chiều nay, từ lời đề dẫn của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh qua các tham luận của các anh Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, v.v…, chúng ta thấy rõ những thái độ tiếp cận nghiêm túc đối với các vấn đề văn hóa văn nghệ trong thời đại hội nhập quốc tế về kinh tế xã hội.
Tôi không có ý định can dự vào một vài khác biệt đã ít nhiều ló ra tại đây, ví dụ cách đặt vấn đề của anh Hoàng Ngọc Hiến, theo đó, ở lĩnh vực kinh tế xã hội thì có sự hội nhập, còn ở lĩnh vực văn học thì chỉ có sự giao lưu, sự cộng sinh, không thể có hội nhập. Tôi xin nói một nhận xét ở một phương diện khác. Đó là, theo tôi nghĩ, chính trong thời hội nhập, trong không gian rộng của hội nhập, chúng ta lại có thể giải quyết được những vấn đề bên trong nền văn học chúng ta, những vấn đề mà dường như chúng ta không giải quyết được trong không gian khép kín của mình.
Xin nêu vài ví dụ.
Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, ra đời năm 1990, ban đầu được đánh giá như một thành công nổi bật, được tặng giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 1991, sau đó lại chịu một sự phê phán phủ định hết sức mạnh mẽ, đến mức trong nhiều năm liền không thể được tái bản. Nhưng chính trong thời gian ấy, ở nước ngoài, tác phẩm này được dịch, được trao một số giải thưởng… Dư luận trong nước ban đầu lạnh nhạt trước các thông tin bên ngoài, rồi qua dăm ba năm, dư luận trong nước mặn mà hơn trong việc đưa tin. Và như ta biết, dư luận trong nước trở nên quen dần: quen với sự đối xử dường như “biệt nhãn” của nhà xuất bản và dư luận nước ngoài đối với tác phẩm này, cũng quen với sự khác biệt thực tế trong cách đánh giá từ những phía rất xa nhau, trong và ngoài nước, đối với tác phẩm của Bảo Ninh. Cho đến hôm nay, tiểu thuyết này đã được tái bản một cách dễ dàng thuận lợi ngay trong nước, và cho đến hôm nay, những lời khẳng định giá trị của tác phẩm này đã không còn gây nên những lời bác bỏ gay gắt nữa, tuy về tiềm năng hẳn vẫn có những ý kiến chống lại. Như thế, sự bình giá về tác phẩm này trên thực tế đã được giải quyết trong không gian rộng của các giao tiếp văn hóa, văn học của thời đại hội nhập.
Một ví dụ khác. Ai là nhà văn từng sống qua những năm cao trào đầu thời đầu đổi mới đều thấy rõ, những đấu tranh về nhận thức và về tổ chức Hội thời đó đã chia đôi giới hội viên nhà văn thành hai cực, hai “phe”: “đổi mới” và “bảo thủ” (tất nhiên giữa hai cực là vô số dạng thức đứng giữa, có thể chuyển sang phía này hay phía kia). Từ những năm 1987 đến đầu những năm 1990, những nhà văn thuộc phía này hoặc phía kia trong hai phe đó thậm chí không nhìn mặt nhau trong mọi giao tiếp, gặp gỡ chung. Cho đến nay tình hình vị tất đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy, đặt trong không gian lớn của thời hội nhập, khi sự khác biệt về quan niệm có cơ được thừa nhận như một thực tế tư tưởng và văn hóa, thiển nghĩ, những khác biệt mang tính chất phe nhóm của giới nhà văn trong cùng một hội nghề nghiệp sẽ có thể được giải quyết bằng những cách thức hợp lý thay vì “phe” nọ tiêu diệt “phe” kia theo nguyên tắc chính thống của một hội thống nhất duy nhất thời bao cấp.
Tôi nghĩ rằng, trong không gian rộng của thời đại hội nhập, văn hóa văn nghệ của chúng ta có thể có tiền đề để đi đến giải quyết nhiều vấn đề khác nữa. Chẳng hạn, chúng ta đều biết, cao trào đổi mới đã từng làm xuất hiện những hiện tượng ly khai. Ví dụ trong báo chí, đó là Thành Tín; trong văn học, đó là Dương Thu Hương, là Vũ Thư Hiên, v.v… Cách đối phó từ phía chính thống đối với các hiện tượng ly khai này thường hoặc là lên tiếng phê phán kịch liệt một hồi rồi thôi không nói gì đến, coi như không có những cây bút, những cá nhân đó trên đời này nữa. Nhưng không nói đến không có nghĩa là họ không còn hoạt động báo chí, hoạt động văn học. Và nói chung, hoạt động báo chí, hoạt động văn học của lớp người Việt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, dù dư luận trong nước có nói tới hay không, những hoạt động đó vẫn tồn tại. Đặt trong không gian rộng của thời đại hội nhập, hy vọng là sẽ dần dần xuất hiện những tiền đề cho chúng ta đi tới giải quyết những khác biệt, thậm chí mang tính thù địch, giưã các nhóm người Việt, nói riêng là những người làm báo chí, làm văn học, tương tự trường hợp những người ly khai kể trên. Giải quyết như thế nào, ta chưa thể biết, vì những tiền đề để giải quyết là gì, chúng ta thậm chí cũng chưa chắc đã có thể hình dung. Tuy vậy, trong dòng nghĩ về văn học trong thời đại hội nhập, như đề tài của hội thảo này, ta có quyền nêu ra cả những viễn vọng như thế.
Xin cảm ơn các vị và các bạn.
No comments:
Post a Comment