Monday, December 15, 2008

THƯ NGỎ VỀ VỤ NXB ĐÀ NẴNG BỊ DÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG

THƯ NGỎVỀ VIỆC NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG BỊ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG
BÙI MINH QUỐC
Cập nhật : 15/12/2008 17:21
http://www.diendan.org/viet-nam/thu-ngo-ve-viec-111inh-chi-nxb-111a-nang/

(Kính nhờ báo Văn Nghệ, báo Nhân dân, báo Người Đại biểu Nhân dâncùng tất cả các báo đài trong ngoài nước và trên mạng internet công bố giùm)

Kính gửi:
- Thành uỷ, UBND TP ĐÀ NẴNG
- Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương
- Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam cùng toàn thể các đồng nghiệp hội viên
- Các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các đồng nghiệp cầm bút tại Đà Nẵng, Quảng Nam
- Các đồng nghiệp đồng đội cũ trong lực lượng Văn Nghệ Giải Phóng Khu 5

Tôi vừa được tin nhà xuất bản Đà Nẵng bị đình chỉ hoạt động tạm thời 3 tháng, giám đốc và phó giám đốc kiêm tổng biên tập bị tạm đình chỉ công tác.
Quyết định số 1821/QD-BTTTT về vụ việc nêu trên do thứ trưởng bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn ký.
Thông tin về sai phạm mới đây của NXB còn thiếu cụ thể. Sai phạm trước đây về cuốn Trần Dần – Thơ thì đã rõ, không có sai phạm gì về nội dung, chỉ là sơ xuất về hành chính, nhưng thái độ quá đáng của Bộ TT-TT và cục XB đã gặp phải phản ứng bất bình rộng rãi của công luận thể hiện trên mấy trăm chữ ký của văn nghệ sĩ trí thức trong cả nước và ở nước ngoài.
Nghe nói điều mà bộ TT-TT coi là sai phạm mới đây của NXB Đà Nẵng thì chỉ là việc xuất bản một tập truyện ngắn có tên Rồng đá… gì đó chưa mấy ai được đọc (1). Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, một trong số ít người đã đọc tập truyện ngắn ấy, khi trả lời phỏng vấn trên đài BBC buổi 21g30 ngày 12/12/2008 nhận xét rằng tác phẩm này chẳng có gì sai cả.

Vậy thực chất vụ việc là gì ?
Theo nhận xét của riêng tôi, NXB Đà Nẵng là một đơn vị văn hoá địa phương nhưng đã có những đóng góp quan trọng ở tầm quốc gia cho sự nghiệp đổi mới trên lãnh vực văn hoá văn nghệ, được đông đảo giới cầm bút trong và ngoài nước ghi nhận và tin cậy. Đảng và Nhà nước cũng nhìn nhận rõ sự đóng góp ấy qua việc tặng thưởng huân chương lao động. Về những sai phạm nếu có, theo tôi nghĩ thì cũng là những cái “ sai ” do hăng hái nỗ lực trong đổi mới với tinh thần dám nghĩ dám làm như các tấm gương Kim Ngọc khoán chui, Võ Văn Kiệt xé rào mà Đảng ta luôn nêu cao cho toàn Đảng toàn dân học tập và làm theo. Nếu đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã tỏ rõ bản lĩnh trung dũng kiên cường đi đầu trong sự nghiệp đổi mới trên mọi mặt thì NXB Đà Nẵng không thể không là một trong các đơn vị tiêu biểu cho bản lĩnh ấy trên mặt trận văn hoá văn nghệ.
Bộ TT-TT có thấy được những điều đó khi ra quyết định đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản ? Hay là thấy nhưng cố tình cố ý không cần biết đến
Huống nữa, việc đánh giá tác phẩm luôn luôn không dễ dàng. Tiểu thuyết Miền hoang tưởng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (2) do NXB Đà Nẵng xuất bản lần đầu (với bút danh tác giả là Đào Nguyễn) từng bị coi là sai phạm nghiêm trọng khiến giám đốc Nguyễn Văn Giai mất chức, về sau đã tái bản. Thế thì cái sai thuộc về NXB hay thuộc về Bộ TT-TT (trước kia là bộ văn hoá) ?
Bộ có bao giờ tự nhìn nhận xem mình có những sai trái gì không ?

Tôi khẩn thiết đề nghị :
- Đem các tác phẩm của NXB Đà Nẵng bị bộ TT-TT coi là sai phạm ra thảo luận công khai, đặt trước sự đánh giá của công luận.
- Đem tất cả các tác phẩm từ trước đến nay từng bị đánh, bị cấm, bị nghiền, bị thu hồi, bị vùi dập ra thảo luận công khai, đặt trước sự đánh giá của công luận, nếu các tác phẩm đó không những không sai phạm mà lại có giá trị, thì những cá nhân, những cơ quan gây họa cho các tác phẩm tác giả ấy phải bị xử lý về hành vi chống đổi mới.

Xin nhắc lại một lần nữa những lời này của chủ tịch Hồ Chí Minh:“ Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào ? Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người ”.
TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT.
Đó là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
(Tốn phí bao nhiêu thời gian tiền bạc tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mà không khắc cốt ghi tâm và làm cho đúng 8 chữ ấy thì chỉ là sự trình diễn học tập Hồ Chí Minh trên lời nói để phản bội Hồ Chí Minh trong hành động)

Các quyền cơ bản của người dân đã được ghi rõ trong Hiến pháp, trong đó có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do báo chí và tự do xuất bản, nghĩa là phải có báo chí tư nhân, xuất bản tư nhân. Luật báo chí, luật xuất bản không có điều khoản đảm bảo cho công dân ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân là vi phạm Hiến pháp, là phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh.
Qua hành xử của Bộ TT-TT đối với nhà xuất bản Đà Nẵng và một số nhà báo tích cực chống tham nhũng gần đây, tôi càng thấy nhu cầu ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân là hết sức bức thiết.

Nhân đây, xin đề nghị chúng ta tiến hành một cuộc thăm dò như sau :
BẠN CÓ MUỐN HAY KHÔNG MUỐN NƯỚC TA BÂY GIỜ CÓ BÁO CHÍ TƯ NHÂN VÀ NHÀ XUẤT BẢN TƯ NHÂN ?
Xin trả lời ngắn gọn “CÓ” hoặc “KHÔNG”với họ tên địa chỉ chữ ký.
Chúng ta sẽ gửi kết quả thăm dò tới tất cả các phương tiện truyền thông trong, ngoài nước và gửi tới Quốc Hội.
Nếu tỷ lệ trả lời “CÓ” chiếm 51% thì ắt Quốc Hội phải sớm đáp ứng nguyện vọng chính đáng này của nhân dân, và đại biểu quốc hội nào không dám công khai bày tỏ lập trường tôn trọng nguyện vọng này thì chắc là sẽ bị cử tri dứt khoát gạch tên trên lá phiếu trong kỳ bầu cử khoá tới (3).

Kính thư,
Đà Lạt 13/12/2008
BÙI MINH QUỐC
03 Nguyễn Thượng Hiền – Đà Lạt
ĐT : 0918007842

CHÚ THÍCH (của Diễn Đàn) :
(1) Có thể đọc
3 truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến tại đây.
(2) Về tác giả Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm Miền hoang tưởng, có thể đọc bài viết của
Châu Diên trên Diễn Đàn
(3) Cùng với thư ngỏ này, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã dự thảo một kiến nghị gửi Quốc hội, «thiết tha yêu cầu :
1/- Quốc Hội gấp rút bổ sung vào luật báo chí và luật xuất bản điều khoản đảm bảo cho cá nhân các công dân Việt Nam có quyền ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân.
2/- Trong thời gian Quốc Hội chưa bổ sung vào luật báo chí và luật xuất bản điều khoản nêu trên thì bộ thông tin có văn bản đảm bảo cho các báo chí và nhà xuất bản hiện nay mở một trang riêng và mục loại sách riêng dành cho công dân với qui chế “Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ấn phẩm”, nghĩa là những trang báo ấy, mục loại sách ấy có nội dung vi phạm pháp luật thì trách nhiệm thuộc về tác giả chứ không thuộc về tổng biên tập và giám đốc nhà xuất bản.»

No comments: