Friday, December 5, 2008

PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI VINH DANH NGUYỄN VIỆT CHIẾN

RSF vinh danh nhà báo Nguyễn Việt Chiến
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2008-12-04
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/RSF-award-journalist-bloggers-DHieu-12042008164535.html
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF, hôm thứ Năm 4-12 cử hành lễ trao giải thưởng cho các ký giả, phóng viên, blogger có công trong sứ mạng ủng hộ, bảo vệ quyền tự do báo chí và ngôn luận.
Một trong những nhà báo được đề cử có ông Nguyễn Việt Chiến, phóng viên tờ Thanh Niên, bị ngồi tù vì đã phanh phui tham nhũng.
Để tìm hiểu ý nghĩa và mục tiêu của giải thưởng này, Đỗ Hiếu hỏi chuyện Bà Clothilde Le Coz, Trưởng Văn Phòng Internet và Tự Do Báo Chí của RSF, trụ sở tại Paris.

Vinh danh các ngòi bút can đảm

Đỗ Hiếu: Xin bà cho biết vài chi tiết về buổi lễ phát giải thưởng dành cho các nhà báo hữu công, khắp nơi, do RSF tuyển chọn và tổ chức năm nay?
Clothilde Le Coz: Từ nhiều năm qua, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới với sự trợ giúp tích cực của Hội EDF, có văn phòng tại Paris, là một sáng hội chuyên hoạt động về các lãnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội, nhân bản… Chúng tôi thường xuyên cử hành lễ trao giải thưởng này, nhằm vinh danh những người cầm bút có công, có thành tích đáng kể, trong việc phục vụ ngành truyền thông, báo chí trên tòan cầu.

Đỗ Hiếu: Thưa bà, vậy mục đích chính của những phần thưởng này là những vấn đề gì?
Clothilde Le Coz: Lễ trao giải thưởng cho những thành phần được tuyển chọn được tổ chức ngay tại trụ sở của Hội EDF, vào lúc 11 giờ sáng thứ Năm 4-12-2008, đặt dưới sự chủ tọa của ông Shirin Ebadi, từng được tặng giải Nobel Hòa Bình.
Các phần thưởng được chia thành 3 loại: thứ nhất dành cho một nhà báo kiên cuờng bênh vực cho quyền tự do ngôn luận, qua công việc hàng ngày của mình, phục vụ cho lẽ phải, công lý và sự thật.
Vì tôn trọng những nguyên tắc cao thượng đó, mà hầu như những người cầm bút chân chính, không chịu khuất phục bạo quyền, bẻ cong ngòi bút, đều bị xử lý, sách nhiễu, cầm tù, đầy đọa, chứ ai được yên thân.
Giải thưởng thứ hai được dành cho một nhân vật từng tham gia vào công cuộc đấu tranh cho quyền tự do được thông tin trung thực, chống mọi sự bưng bít, bóp méo sự thật, từ phía các chế độ độc tài, toàn trị.
Giải thưởng thứ 3 sẽ được trao cho một blogger hoặc một nhân vật bất đồng chính kiến, mạnh dạn lên tiếng vì lý tưởng dân chủ, tự do, nhân quyền, qua mạng lưới Internet.
Nói về mục đích của việc tuyển chọn và trao giải thưởng được RSF và EDF tổ chức tại Paris chính là để vận động, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, trên khắp hòan cầu, chứ không chỉ riêng tại Pháp, một lục địa hay quốc gia nào.
Chúng tôi xin nhắc đến một thí dụ cụ thể được RSF trao tặng giải thưởng trước đây, đó là trường hợp của ông Karry Mamer, một blogger là công dân Ai Cập bị chánh phủ Cairo kết án 4 năm tù, hồi năm 2005 chỉ vì những tài liệu kêu gọi dân chủ, nhân quyền mà ông đã phổ biến qua Internet, gây bất lợi cho nhà nước cùng giới lãnh đạo.
Xin được nói thêm với quý đài rằng, đây là một phần thưởng tinh thần rất xứng đáng dành cho những người cầm bút bị trả thù, ám hại, đánh đập, giam cầm, sách nhiễu, mà RSF chúng tôi muốn bảo vệ và bênh vực, bằng mọi giá.
Ai cũng biết chắc chắn rằng, những nhà báo, phóng viên, blogger này bị các chế độ cầm quyền phi dân chủ thanh toán, trù dập, khóa miệng, giết chết, vì e ngại những điều họ phơi bày truớc công luận sẽ bất lợi cho những thế lực chuyên sử dụng bạo lực để cai trị dân, như nạn tham nhũng, lấy cắp của công chẳng hạn.
Ngoài ra, RSF chúng tôi sẽ có một vài sự ngạc nhiên trong buổi lễ trao tặng giải thưởng, nhưng rất tiếc là hiện chưa thể tiết lộ được với quý vị.

Trường hợp Nguyễn Việt Chiến

Đỗ Hiếu: Về trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang ngồi tù tại Việt Nam, bà có thể nói rõ lý do vì sao RSF đề cử ông, là một trong những người trúng giải, bên cạnh cac nhà báo Nga, Nigeria, Syria, Cuba, Sri Lanka, Iran, Bắc Hàn, Miến Điện, Trung Quốc?
Clothilde Le Coz: Nhà báo Nguyễn Việt Chiến được RSF đặc biệt quan tâm và ghi tên ông vào danh sách những người được tuyển chọn, vì ông đã mạnh dạn và công khai tố giác vụ án tham nhũng trầm trọng, xảy ra tại bộ giao thông, được gọi là xì căng đan PMU 18, dính líu tới hàng chục quan chức đầu não của bộ này, vì họ đã bỏ túi những món tiền khổng lồ, dành cho công tác phát triển cơ sở, rồi ném vào những lần cá độ bóng đá quốc tế.
Do loạt bài phơi bày các hành vi sai phạm đó, ông Chiến bị xử phạt 2 năm tù về tội “lạm dụng quyền tự do, dân chủ, tiết lộ bí mật quốc gia và gây thiệt cho quyền lợi nhà nước.
Giới truyền thông nói rằng, quyết định kết án tù ông Nguyễn Việt Chiến là một hình thức đe dọa những người cầm bút như ông, chỉ muốn trình bày tất cả sự thật, mà chánh quyền không chấp nhận .
Việc RSF tặng thưởng cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một hình thức để vinh danh công lao, tuyên dương sự can đảm, cũng như tinh thần yêu nghề, quyết bảo vệ công lý và tôn trọng sự thật, mà ông hằng theo đuổi. Dịp này, chúng tôi cũng cảnh giác công luận trước những mối hiễm nguy đang rình rập bất cứ lúc nào, mà các nhà báo chân chính có thể gánh chịu, trong khi họ hành nghề.

Đỗ Hiếu: RSF sẽ làm gì hầu vận động công luận, các tổ chức quốc tế cũng như nhà nước Việt Nam, trong việc yêu cầu Hà Nội sớm trả tự do cho ông Nguyễn Việt Chiến?
Clothilde Le Coz: RSF chúng tôi đã thường xuyên lên tiếng để bênh vực nhà báo Nguyễn Việt Chiến ngay từ khi ông bắt đầu gặp khó khăn với giới hữu trách, nay chúng tôi vẫn tiếp tục vận động mạnh mẽ hơn nửa.
Hiện nay, một số công việc phải thực hiện tức khắc, liên tục, là yêu cầu các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức bảo vệ ký giả, các chánh phủ dân chủ, cùng đồng loạt can thiệp cho ông, mỗi khi có cơ hội đối thoại với Hà Nội, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, về trường hợp oan ức của nhà báo này.
Ngoài ra, RSF cũng gởi văn thư chính thức đến các nhiệm sở ngoại giao của Việt Nam, khắp 5 Châu, yêu cầu họ xem xét lại trường hợp của ông Nguyễn Việt Chiến đang bị cầm tù, một cách vô lý.
Quan trọng hơn nữa là RSF chúng tôi luôn lưu ý, nhắc nhở, đặt vấn đề với công luận quốc tế, với giới ngoại giao, các tổ chức bảo vệ quyền làm người, bênh vực người cầm bút, để trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến đừng rơi vào quên lãng.
Với những cố gắng này, RSF chúng tôi rất hy vọng là ông sẽ được sớm thoát vòng lao lý.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bà Clothilde Le Coz, RSF/Paris đã dành cho đài chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.


No comments: