Ăn côn trùng
Lao Động Cuối tuần số 50 Ngày 14/12/2008 Cập nhật: 2:49 AM, 14/12/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/An-con-trung/200812/118497.laodong
(LĐCT) - Thú ăn chơi của người Hà Nội phong phú đến mức, tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của các nhà văn để viết về nó. Vậy mà xem ra vẫn chưa đủ. Cái sự ăn, có lẽ còn đa dạng hơn cái sự mặc.
Tôi là người được đi đây đi đó nhiều nơi, vậy mà vẫn ngỡ ngàng, khi được hỏi, đã được thưởng thức món côn trùng chưa?
Ông bạn tôi có một thời chỉ sùng bái món tiết canh tôm, bao nhiêu thứ của ngon vật lạ, ông đều cho là thấp cấp. Vậy mà bây giờ ông chán cả tiết canh tôm, quay sang nghiện món côn trùng. Ông bảo, hôm nào rỗi mời cậu đi thưởng thức món côn trùng.
Tôi theo ông đến quán Kiên Chim, ở ngõ 10 phố Tôn Thất Tùng. Trước kia đây là làng Khương Thượng, những dấu tích của làng vẫn còn đây đó. Bờ dâu, mương rãnh, chùa làng, những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, sâu hút.
Ấy vậy mà đến nơi, thực khách đã khá đông. Tôi ngồi chưa nóng chỗ, đã thấy dân nhậu ở bàn bên, phán mấy câu nghe lạ tai: "Này cho thêm một bọ ngựa rút ruột. Trứng kiến xào nấm. Rượu ong mặt quỷ". Tôi nhìn họ, đúng là những mặt sành ăn. Ngồi đây mới thấy kiếp người sang hèn mấy độ. Ta như lọt vào một thế giới riêng, con ong cái kiến, dế mèn bọ xít, châu chấu cào cào, cả phúc phận lẫn bon chen, đều phơi bày ra, chẳng cần giấu giếm.
Một ông bố, mặc quần tây xắn gấu, vừa ở nhà quê ra, có lẽ con ông làm quan trên tỉnh, đưa bố vào nhà hàng côn trùng chiêu đãi. Cô phục vụ đưa quyển thực đơn. Ông con chỉ tay vào món châu chấu rang 20.000đ/đĩa. Rõ khổ, ở nhà quê thì châu chấu thiếu gì. Ngón tay ông con lại chỉ vào món bọ xít chiên giòn 30.000đ/đĩa. Có lẽ con ông đã bỏ quê lâu lắm không về, cho nên những dế mèn, bọ xít, châu chấu cào cào, không còn trong ký ức.
Một đám quan chức bước vào. Một ông mới nhìn từ trán lên, đã biết là sếp, đặt chiếc cặp bóng loáng lên bàn. Cô phục vụ, chưa kịp cúi đầu đón khách, thì đã nghe thấy tiếng thưa gửi: "Dạ, thưa sếp dùng gì?". Chắc là một người có vai vế trong đoàn, cỡ phải kèo trên, chứ không thể là thư ký riêng của sếp. "Có gì ngon gọi tất ra đây!". Một đám thanh niên, dễ đến gần hai chục người, cả nam lẫn nữ, quây liền 3 chiếc bàn vào nhau, rồi thi nhau gọi món. Này bọ cạp nướng 30.000đ/đĩa, cà cuống 20.000đ/con, này trứng kiến rừng xào nấm 100.000đ/đĩa, dế mèn chiên giòn 30.000đ/đĩa...
Ở bàn bên, ông bố cứ chọc chọc chiếc đũa vào con bọ xít, rồi lại đưa lên mũi ngửi. Đúng là quê một cục! Bọ xít ở đây đã được chiên giòn thơm phức, đã trải qua một công đoạn loại bỏ chiếc bọng hôi. Nhà hàng, có cả một đội ngũ chuyên nghiệp, để chế biến bọ xít hôi thành thơm phức. Kỹ nghệ chế biến này không đến nỗi phức tạp. Cái gì chả cần phải kỹ nghệ. Tôi đang ngồi nhấm nháp món nhộng ong chiên 40.000đ/đĩa, thì thấy một vị khách đến giao hàng.
Từ trên xe thồ dỡ xuống, dễ đến gần chục chiếc tổ ong bò vẽ, mỗi tổ cũng ba, bốn ký; to bằng chiếc rổ đựng rau cỡ bự, bên trong chi chít nhộng ong trắng xoá, ong mẹ thì được đựng đầy một chiếc xô nhựa cỡ vài ba yến. Ong mẹ đã bị làm say bằng rượu, nên không còn khả năng đốt người. Rồi còn những bao túi khác, nào là ong bầu đất, ong chỉ thiên, ong mặt quỷ, ong bắp cày, ong hốc tre, ong vang, ong ruồi, ong bầu trời, ong chúa đất...
Một dây chuyền hoàn hảo từ khai thác, thu mua, vận chuyển, bảo quản đến chế biến. Những người đi bắt ong, chẳng khác nào một đội quân cảm tử, chỉ cần vài chục con ong bò vẽ đốt vào người cùng một lúc, thì coi như 99% phải vào Hoá thân Hoàn vũ. Tôi hỏi anh Toàn là người đưa hàng, có biệt hiệu Toàn ong: "Nếu cứ bắt thế này thì chả mấy chốc mà hết ong". "Chỉ bắt 1/3 số tổ thôi, còn lại phải để cho nó sinh sôi nảy nở". Anh không mấy quan tâm đến môi trường, mà quan tâm "để lần sau còn bắt".
Ông bạn tôi vừa nâng ly rượu lên định cụng chén, thì có hai vị khách bước vào, một người cao lớn, ăn mặc bảnh bao, con mắt đen xì nhìn như dao cứa, trông rõ là khôn ngoan, gọi người kia bằng chú xưng tôi.
Họ gọi món: Ve sầu 30.000đ/đĩa, nhộng ong chiên 40.000đ/đĩa, nem trứng kiến 8.000đ/chiếc, sâu chít 50.000đ/đĩa, và cúi mặt xuống ăn, trông thật khó coi, ăn đến cạn tàu ráo máng. Mấy chiếc đĩa đựng ve sầu chiên cháy cạnh, chỉ còn lại vài mẩu chân tay, giơ lên trời như van lạy. Chẳng lẽ hai người này lại ăn theo kiểu nhiều tiền ít chữ? Ăn lấy được.
Ngôi nhà như rung lên bởi những tiếng "dzô dzô!" đầy phấn kích, của những người ngồi ở phía trong. Thôi thì đủ cả nam phụ lão ấu, nhưng người trẻ, khá giả chiếm số đông. Nhiều người là trí thức, cán bộ đến thưởng thức món côn trùng, có cả một lớp học chính trị, đến liên hoan sau khoá học kết thúc. Có người chỉ đến ăn cho biết. Mấy cháu phục vụ, tận tình mến khách, lúc nào cũng tất bật. Thế mới biết thú ăn chơi của người Hà thành, chưa lúc nào phong phú như lúc này. Bà Thân - chủ cửa hàng, một người đàn bà phúc hậu. Bà là cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu. Bà bảo: "Tôi gây dựng cửa hàng là để lo cho các cháu". Chữ "các cháu" ở đây không chỉ là con cháu của bà, mà còn là gần hai chục cháu, được bà tạo cơ hội, có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Quán của bà lúc nào cũng đông khách.
Côn trùng là món ăn ngon, khi người ta có kỹ thuật gia giảm chế biến. Thú ăn côn trùng phải chăng cũng làm phong phú thêm cho bức tranh ẩm thực của Hà Nội. Nhưng còn vấn đề môi trường, bảo tồn sinh thái ra sao thì có mấy ai nghĩ đến...
Bùi Nguyên Ngọc
No comments:
Post a Comment