Làm cách nào cứu Detroit?
Ngô Nhân Dụng
Friday, December 05, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87747&z=7
Nghe chuyện “cứu trợ” mãi có lúc cũng chán, nhưng hai ngày qua, cả nước Mỹ lại phải nghe khi ba công ty xe hơi lớn tại thành phố Detroit trở lại thủ đô Washington ngả nón xin tiền, giống như những người đang đứng lắc chuông quyên tiền trước các thương xá cho mùa Lễ Giáng Sinh. Nhưng quý vị chủ tịch các đại công ty này không xin từng đồng một. Ba công ty đã trình những dự án để xin Quốc Hội chấp nhận cung cấp tổng cộng 34 tỷ Mỹ kim!
Chính phủ và Quốc Hội sẽ chuẩn bị móc túi quý vị, những người đóng thuế cho nhà nước, để cứu ba công ty giường cột của nền công nghiệp Hoa Kỳ. Hai tháng trước, trước khi ba công ty này kêu cứu, chính phủ và Quốc Hội đã “ký một ngân phiếu” 25 tỷ đô la để “khuyến khích” ba công ty Mỹ nghiên cứu sản xuất những loại xe ít hao xăng, từ xe chạy điện đến xe “hybrid” chạy bằng cả xăng lẫn điện. Ðây là một thí dụ chứng tỏ các nhà chính trị Mỹ, cả Hành pháp lẫn Lập pháp, nghĩ rằng nhà nước có thể làm những việc thay cho thị trường, mà ở nước khác thị trường tự nó đã làm được. Các hãng xe Âu Châu và Nhật Bản đã sản xuất những loại xe ít hao xăng từ mấy chục năm nay, mà không cần chính phủ nào thúc đẩy cả! Các công ty Toyota, Honda đang bán các loại xe hybrid trong thị trường Mỹ, xe bán chạy như tôm tươi, muốn mua phải ghi tên chờ đợi. Mà không phải vì chính phủ Nhật đã đưa tiền cho hai công ty này nghiên cứu rồi sản xuất! Các hãng xe Nhật, Pháp, Ðức, Thụy Ðiển đã làm xe ít tốn xăng, rồi sản xuất xe hybrid, chỉ vì giá xăng ở các xứ họ rất đắt. Chính thị trường đã thúc đẩy các hãng xe chế ra loại xe nào khách hàng cần!
Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, Nghị Sĩ Barack Obama đã bị các đối thủ gán cho nhãn hiệu là người “theo Chủ nghĩa Xã hội.” Nhưng cả Quốc Hội lẫn chính phủ Mỹ hiện nay đang hành động giống như họ cũng đang từ bỏ các nguyên tắc của kinh tế thị trường tự do! Trong ngày Thứ Sáu, sau khi ba đại công ty điều trần về kế hoạch xin tiền của họ với 2 viện Quốc Hội, có tin Tòa Bạch Ốc đang thỏa hiệp với các lãnh tụ đảng Dân Chủ ở Quốc Hội để có một kế hoạch chung giúp ba hãng xe ở Detroit! Các nhà chính trị định vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế nước Mỹ. Ðó là nguyên tắc trách nhiệm. Theo đúng kinh tế thị trường thì những xí nghiệp nào làm việc không có hiệu năng sẽ bị đào thải. Những xí nghiệp mới sẽ trám vào chỗ trống họ để lại, và rút ra những bài học để làm ăn đàng hoàng hơn. Hy vọng rằng trong tuần tới khi Quốc Hội họp bàn họ sẽ đặt nguyên tắc trách nhiệm lên trên những lo âu khác.
Mối lo đầu tiên là nạn thất nghiệp đang gia tăng. Các hãng sản xuất xe đã báo động nếu cả ba hãng bị sập thì không phải chỉ công nhân của họ mất việc mà những xí nghiệp vẫn bán vật liệu, phụ tùng cho họ cũng sa thải nhân viên. Có 20,000 địa điểm bán xe sử dụng hơn một triệu người, với số thu năm ngoái lên gần 700 tỷ Mỹ kim, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tổng cộng số người bị ảnh hưởng có thể lên tới ba triệu, nếu các công ty xe hơi phá sản. Nếu tính cả gia đình họ thì cả nước Mỹ sẽ mất mươi triệu người tiêu thụ không hăng hái đi mua sắm trong mùa Giáng Sinh này!
Ngày hôm qua, bản tin Bộ Lao Ðộng cho biết trong Tháng Mười Một có thêm 533,000 người bị sa thải, con số hàng tháng cao nhất từ 34 năm nay. Trước những con số đó, áp lực “phải cứu” các công ty xe hơi càng lên cao, và các nhà chính trị khó từ chối.
Con số 34 cũng là số tiền mà ba công ty Detroit đang xin, tính bằng tỷ Mỹ kim. Hai tuần trước các vị chủ tịch của ba công ty đã lên Washington xin tiền, lúc đó họ nghĩ tới con số khoảng 25 tỷ Mỹ kim. Bị các đại biểu Quốc Hội cười vào mặt, vì họ đi xin tiền mà không có một kế hoạch nào cho biết sẽ dùng số tiền đó như thế nào! Có đại biểu còn trách họ đi xin tiền mà lại dùng máy bay riêng của công ty, mỗi cái máy bay dùng mỗi giờ tốn mấy chục ngàn bạc! Công ty GM biện hộ rằng nếu bỏ hết các máy bay nhỏ của công ty để chở các nhà lãnh đạo thì sẽ phải sa thải 50 nhân viên, tội nghiệp! Nhưng tuần này, các ông chủ tịch đã biểu diễn cung cách khiêm tốn của họ. Họ lái xe lấy, đi 800 cây số từ Detroit về Washington, và dùng những chiếc xe hybrid của hãng mình, tới đậu xịch ngay trước cửa tòa nhà Quốc Hội cho người ta quay phim! Với màn biểu diễn công phu đó, ba công ty cũng tăng số tiền họ xin lên gấp rưỡi, thành 34 tỷ!
General Motors ở tình trạng bi đát nhất. Ông chủ tịch công ty nói thẳng với các đại biểu Quốc Hội rằng nếu không có ngay 4 tỷ Mỹ kim thì cuối Tháng Mười Hai này công ty sẽ phá sản, hết tiền trả nợ các nhà cung cấp, các ngân hàng, hoặc trả lương nhân viên. Cho nên họ xin chính phủ Mỹ cho công ty vay 18 tỷ với lãi suất nhẹ, và mở sẵn 6 tỷ nữa cho công ty vay khi nào cần. Trong ngân hàng người ta gọi khoản tiền đó là credit line. Hai tuần trước, GM chỉ xin Quốc Hội phê chuẩn cho vay 6 tỷ Mỹ kim thôi.
Ford ở tình trạng đỡ hơn hai công ty kia. Họ còn tiền tiêu, một phần vì năm 2006 đã đem tài sản như các nhà máy, đất đai ra cầm thế để vay nợ được 24 tỷ Mỹ kim. Cho nên Ford chỉ xin Quốc Hội chấp thuận mở sẵn ngân khoản 9 tỷ Mỹ kim để công ty được vay khi cần, nếu cơn suy thoái kinh tế kéo dài thành khủng hoảng.
Công ty nhỏ nhất là Chrysler cho biết từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tỷ rưỡi tiền trong ngân hàng, nhưng trong ba tháng đầu năm sẽ phải trả gần 12 tỷ cho các chủ nợ, gồm cả những nhà cung cấp phụ tùng, và lương bổng công nhân và nhân viên. Vì vậy, Chrysler xin chính phủ cho vay 7 tỷ Mỹ kim như món “nợ bắc cầu” (bridge loan) trong khi chờ đi vay được ở các ngân hàng.
Ba công ty lần này đến Quốc Hội không phải chỉ để xin tiền mà họ cũng trình bày các kế hoạch cải thiện công việc. GM sẽ giảm bớt một số nhãn hiệu xe, có thể bán hãng xe Saab vì họ cũng đang xin chính phủ Thụy Ðiển giúp cho có người đứng mua nhãn hiệu của nước này. GM hứa đến năm 2012 sẽ hết bị lỗ, và sẽ trả nợ. Ford hứa năm 2010 sẽ sản xuất loại xe hybrid, canh tân nhà máy để làm các loại xe nhỏ hơn, năm 2011 sẽ bắt đầu có lời. Chrysler lạc quan nhất, tin rằng cuối năm 2009 sẽ có lời!
Các công ty cũng đồng ý sẽ “đền đáp” dân đóng thuế ở Mỹ bằng những phiếu mua cổ phần (gọi là warrant), tức là chính phủ có quyền sẽ mua cổ phần của các công ty này với một giá nhẹ cố định, khi nào các công ty làm ăn khá hơn, giá cổ phần lên thì chính phủ cứ mua rồi bán lại kiếm lời! Nhưng thỏa hiệp quan trọng nhất là họ đồng ý để chính phủ và Quốc Hội đặt trên đầu họ một người hay một ủy ban “giám sát” trong thời gian họ còn vay nợ.
Các ông chủ tịch 2 hãng xe hơi còn biểu diễn thêm một màn ngoạn mục nữa, là họ chấp nhận sẽ chỉ lãnh lương trượng trưng một đô la một năm trong thời gian công ty của họ còn nợ chính phủ! Họ bắt chước ông Iaccoca, chủ tịch Chrysler hồi 1979 khi công ty này cũng phải nhờ chính phủ Mỹ đứng ra bảo lãnh để vay nợ, nếu không thì phá sản. Ông Iaccoca cũng chỉ lãnh lương 1 đô la một năm, nhưng được trả lương bằng phiếu mua cổ phần của công ty với giá hạ. Sau hai năm, công ty phấn chấn, họ trả hết nợ, chính phủ Mỹ không tốn xu nào cả mà còn được lời nhờ những warrants được tặng. Ông chủ tịch giầu lên nhờ giá trị các cổ phần tăng, rồi được lãnh lương đầy đủ.
Nhưng vụ khủng hoảng của Chrysler năm 1979 còn nhỏ so với cuộc khủng hoảng của cả ba công ty năm nay. Chính phủ và Quốc Hội Mỹ đều nghĩ tới việc giải cứu, nhưng còn không đồng ý với nhau về phương pháp thi hành. Ðảng Dân Chủ trong Quốc Hội thì muốn rút tiền trong kế hoạch cứu trợ 700 tỷ đã quyết định vào Tháng Chín, đem chia cho các hãng xe hơi. Tòa Bạch Ốc không chịu, vì số tiền đó đã được dành cho các ngân hàng và hệ thống tài chánh, không được đem đi chỗ khác. Ngược lại, Hành pháp muốn lấy bớt tiền trong số 25 tỷ mà Quốc Hội đã cho 3 hãng xe hai tháng trước đây, đem một phần cho cuộc cứu trợ mới. Mà điều này thì đảng Dân Chủ không đồng ý, vì số tiền đó nhắm vào các dự án làm sạch môi trường sống, đối với họ đó là một chuyện thiêng liêng! Ngày hôm qua bà Pelosi, chủ tịch Hạ Viện đã nói chuyện với Tổng Thống Bush, và có vẻ họ đang đi tới một thỏa hiệp.
Vậy thì câu hỏi của những người dân đóng thuế ở Mỹ là có nên đem tiền cứu các công ty khổng lồ này hay không? Một cuộc nghiên cứu dư luận được hãng CNN công bố hôm Thứ Năm cho thấy có 61% dân Mỹ phản đối việc cứu các hãng xe hơi! Chắc nhiều người trong đám này chuyên đi xe buýt, xe điện ngầm, hoặc lái xe Âu Châu hay Nhật Bản!
Nhưng có nhiều lý do để phản đối việc đem công quỹ cứu những xí nghiệp thất bại. Thứ nhất là nó phản lại nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường tự do. Thứ hai là việc đem 34 tỷ Mỹ kim ra cứu trợ có thể sẽ thất bại, đã lỡ cứu rồi lại phải tiếp tục cứu nữa! Một nhà phân tích của hãng Moody, ông này ủng hộ việc giải cứu, đã ước tính rằng cuối cùng muốn cứu 3 công ty ra khỏi cơn hoạn nạn vì kinh tế suy thoái này, sẽ tốn từ 75 tỷ đến 125 tỷ Mỹ kim! Vì kinh tế Mỹ sẽ lâm vào cảnh suy thoái hàng năm nữa. Các hãng xe làm sao bán được hàng? Trong Tháng Mười 2008 vừa qua, số xe bán của GM đã giảm 41%, Chrysler giảm 47%, Ford may mắn chỉ giảm 30%. Số xe bán trong nước Mỹ của Toyota cũng giảm 34% và Honda mất 31%. Làm sao ba công ty Detroit sinh lợi được trong hai năm tới? Nếu đã bỏ 34 tỷ ra cứu rồi, Quốc Hội có đành lòng thắt túi tiền lại lần sau khi họ kêu cứu nữa hay không?
Tại sao các công ty Toyota và Honda ở Mỹ vẫn kiếm được lời và cầm cự được khi kinh tế xuống, trong khi ba anh chị bự ở Detroit nguy khốn ngay khi hàng ế ẩm?
Lý do chính là chi phí của các hãng xe Mỹ cao quá, cao hơn hẳn các xe Nhật. Trong số các chi phí sản xuất, các công ty Mỹ phải trả “nợ” rất nhiều cho những quỹ của công đoàn công nhân xe hơi. Công đoàn UAW là một thế lực chính trị lớn ở Mỹ, lên cao nhất trong những thập niên 1960-70. Họ bảo vệ quyền lợi của các công nhân xe hơi, biến những công nhân này thành một phần của giai cấp trung lưu nước Mỹ. Một trong những điều họ đã ràng buộc được các công ty xe hơi là quỹ y tế hưu bổng sau khi các công nhân về hưu. Ngoài ra, họ ép được các hãng xe mở những “quỹ việc làm” (jobs bank), trên thực tế là khi hãng hết việc vẫn phải trả lương cho các công nhân mà họ chẳng phải làm gì cả. Những chi phí kiểu đó đã khiến cho giá thành một chiếc xe hơi Mỹ cao hơn một chiếc xe Nhật tương đương, cũng sản xuất tại nước Mỹ. Số chênh lệch có thể tới vài ngàn đô la một chiếc xe! Người tiêu thụ phải trả thêm vài ngàn thì họ sẽ đòi phẩm chất phải cao hơn, nhưng các hãng xe Mỹ không đáp lại được như vậy. Ban giám đốc các công ty Mỹ trong các thập niên 60, 70 đã chiều ý, nhượng bộ các công đoàn để yên thân. Ngày nay các ban giám đốc mới phải gánh hậu quả.
Cho nên một nguyên nhân khiến các hãng xe Mỹ thất bại là chi phí cao, chỉ có thể xóa bỏ được nếu công ty tuyên bố phá sản. Một công ty khai phá sản theo Chapter 11 vẫn có cơ hội phục hồi hoạt động. Với sự bảo vệ của luật pháp, các xí nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và tổ chức lại cơ cấu, nhưng sẽ xóa được những di sản vì lầm lẫn trong quá khứ. Trong thời gian chuyển tiếp, chính phủ có thể cho vay để giảm bớt khó khăn!
Nhưng có một thứ lầm lẫn rất khó bỏ. Ðó là lối kinh doanh nhắm vào mục tiêu ngắn hạn của các công ty xe hơi ở Mỹ. Các công ty trả lương và tiền thưởng cho ban giám đốc dựa trên giá cổ phần có thể bị rơi vào cái bẫy này. Vì những người lãnh đạo sẽ tìm cách trưng ra các thành quả ngắn hạn để thúc cổ phần tăng giá, rồi lãnh tiền thưởng. Nhưng các hành động của họ có thể tác hại đến chính công trong dài hạn, phải chờ 5 năm, 10 năm trở lên mới thấy.
Chính phủ và Quốc Hội Mỹ không giải quyết được những khó khăn này cho các công ty. Các công ty Mỹ sẽ phải thay đổi lề lối tưởng lệ nhân viên cao cấp. Chính phủ có đặt ra những ủy ban giám sát thì cũng chỉ lo được những chuyện vặt chứ khó lòng ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh lâu dài của các xí nghiệp. Chỉ có một cách là để cho thị trường tự do hoạt động. Anh nào thất bại thì cứ việc khai phá sản, coi như xóa bài, làm lại từ đầu. Mọi người sẽ nhận được một bài học.
Cho nên nếu trong tuần tới Quốc Hội Mỹ và Tòa Bạch Ốc thỏa hiệp về một kế hoạch cứu trợ Detroit, họ nên đặt những điều kiện trước khi đưa món tiền 34 tỷ cho các hãng xe hơi. Một trong những điều kiện đó, ít nhất đối với hai công ty GM và Chrysler là chính phủ chỉ đưa tiền sau khi các công ty trên khai phá sản để tái tổ chức. Khi đó, tiền cứu trợ là để giúp các công nhân lo mất việc chứ không phải để tưởng thưởng những sai lầm mà các công ty này đã phạm trong quá khứ. Nếu không thì các nhà chính trị sẽ nuôi dưỡng cách làm việc thiếu hiệu năng, kéo dài những xí nghiệp kém mãi, giống như các nước xã hội chủ nghĩa vậy!
No comments:
Post a Comment