Monday, December 15, 2008

ĐIỆP VIÊN GIỎI NHẤT

Điệp viên giỏi nhất ?
Lữ Giang
Đăng ngày 15/12/2008 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3373
Trong hai ngày 20 và 21-10-2008 vừa qua, Trung Tâm và Cơ Quan Lưu Trữ Lịch Sử Việt Nam (History of the Vietnam Center and Archive) thuộc Texas Tech University, Lubbock, TX, đã mở một cuộc hội thảo về chủ đề "Tình báo trong chiến tranh Việt Nam".
Có bảy buổi thuyết trình với bảy đề tài lớn như: CIA ở Việt Nam, Chương trình Phượng Hoàng, Công nghệ và Tình báo, Cuộc chiến bí mật ở Lào, Hoạt động tình báo Nga và Việt Nam.
Nhiều chuyên viên về tình báo đang hay đã từng làm trong ngành tình báo của Mỹ và Nga đến nói chuyện về kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến. Đặc biệt, ông Merle Pribbenow, một cựu nhân viên CIA đã nói về "Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam".

Trận chiến truyền thông

Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Hà Nội đã sáng chế nhiều tập truyện hay phim tình báo giả như: Ván Bài Lật Ngữa, Ông Cố Vấn, Những điệp vụ của ký giả Phạm Xuân Ẩn, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, những điều chưa biết, v.v., phịa ra những chuyện hoang đường về hoạt động tình báo của Hà Nội trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, để che đậy những thất bại nặng nề mà cơ quan tình báo của họ phải gánh chịu, như đến 90% cán bộ cộng sản nằm vùng được cài lại sau hiệp định Genève đã bị phá vỡ, hai trùm tình báo của miền Bắc được gởi vào Nam chỉ huy ngành tình báo đã bị bắt, đó là đại tá Lê Câu, chỉ huy quân báo, và Trần Quốc Hương (thường gọi là Muời Hương), chỉ huy về điệp báo, v.v.

Khi những phim và tài liệu này được Hà Nội cho phổ biến, chúng tôi tưởng rằng chỉ có dân miền Bắc hay giới bình dân ở miền Nam mới tin, còn những người biết rõ tình hình miền Nam lúc đó chẳng ai tin. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi rất buồn khi thấy không phải chỉ giới bình dân ở miền Nam mà ngay cả một số viên chức cao cấp hay trí thức của miền Nam cũng tin! Một vài người viết bình luận hay lịch sử cũng đã trích dẫn những tài liệu giả nói trên như là bằng chứng lịch sử và chỉ trích tình báo Việt Nam Cộng Hoà quá yếu kém! Chúng tôi đã nói nhiều lần, một tên cán bộ tình báo hạ cấp như Vũ Ngọc Nhạ, thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Cầu Đường, chưa bao giờ được gặp bất cứ thủ tướng hay tổng thống nào của Việt Nam Cộng Hoà, thế nhưng có người đã tin Vũ Ngọc Nhạ đã từng làm cố vấn cho ba đời tổng thống: Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh!

Chúng tôi càng thất vọng hơn khi đọc cuốn Perfect Spy (Người điệp viên hoàn hảo) của Giáo Sư Larry Berman thuộc đại học UC Davis viết về Phạm Xuân Ẩn. Ông Vũ Ánh đã ca tụng Larry Berman như là một nhân vật biết "phối kiểm và phỏng vấn đối tượng trên 100 giờ, tránh tối đa việc để cảm tính vào bài viết". Nhưng khi đọc cuốn sách này, chúng tôi thấy Larry Berman đã ghi nhận toàn những lời chứng láo khoét của cán bộ cộng sản về những chuyện mà chúng ta biết chắc không thể có hay xảy ra ở miền Nam Việt Nam.

Dĩ nhiên, Hà Nội nói rất ít hay không nói đến các điệp viên có nhiều công trạng của họ, chẳng hạn như: đại tá Đinh Văn Đệ, chủ tịch Uỷ Ban Quốc Phòng Hạ Viện Việt Nam Cộng Hoà, một tay chân thân tín của tổng thống Thiệu; Lê Hữu Thuý được Đỗ Mậu nuôi dưỡng ở Cục An Ninh Quân Đội, đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt và dùng vào việc khai thác các cán bộ cộng sản nằm vùng bị bắt. Nhưng sau cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, Đỗ Mậu bao che cho Lê Hũu Thuý hoạt động trở lại. Nay Thuý đang làm Cục Phó Cục Tình Báo Hải Ngoại của Hà Nội và đã đưa Đỗ Mậu về Việt Nam tuyên truyền cho chế độ và chống lại Giáo Hội Ấn Quang, v.v.

Nhìn chung, tuy dùng nhiều phim ảnh và sách báo để ca tụng Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn như là những "siêu điệp viên" và cho thăng tới cấp tướng, nhưng trong thực tề Hà Nội không tin dùng hai người này, luôn đặt trong tình trạng quản chế gắt gao và để cho sống lây lất. Nói cách khác, Hà Nội chỉ dùng Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn như như con bài để tuyên truyền mà thôi và, về phương diện này, đã thành công lớn!

Trung Tâm và Cơ Quan Lưu Trữ Lịch Sử Việt Nam ở Lubbock, TX, đã được thành lập từ năm 1989 để những chứng nhân của cuộc chiến, dù thuộc bên này hay bên kia, có thể đến trình bày các sự kiện lịch sử mà họ đã chứng kiến hoặc tìm thấy, nhưng cả những nhân vật của Việt Nam Cộng Hoà lẫn Hà Nội đã không thành công khi nói chuyện tại đây, bởi vì họ chưa bỏ được thói quen thay vì trình bày những sự kiện mà họ được biết một cách khách quan, họ thường chỉ đưa ra những sự kiên mà họ muốn dùng để biện minh hay kết án đối phương, trong đó những lời biện minh hay kết án này có khi chiếm đến 3/4 bài thuyết trình, nên các bài thuyết trình của họ không còn giá trị gì cả.

Lần này, người thuyết trình không phải là một viên chức Việt Nam mà là một cựu nhân viên CIA của Mỹ. Dĩ nhiên, CIA nắm toàn bộ hệ thống tình báo của họ ở Việt Nam, nhưng luật pháp và nghề nghiệp không cho phép một cơ quan tình báo như CIA tiết lộ tài liệu hay trình bày trước công luận bất cứ hoạt động nào của họ, kể cả trả lời "Yes" hay "No". Nhưng CIA có thể cho phép nhân viên của mình, nhất là những người đã về hưu hay rời cơ quan, được phép tiết lộ một số sự kiện nào đó mà họ thấy không phương hại đến an ninh quốc gia, không ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp và không gây tranh luận. Vì thế, chúng ta hãy nghe đài BBC giới thiệu về Merle Pribbenow và tóm lược những câu chuyện được ông kể lại.

Điệp viên Ba Minh

Merle Pribbenow là cựu nhân viên CIA và chuyên gia tiếng Việt, từng phục vụ ở Sài Gòn từ 1970 đến 1975. Sau khi rời khỏi CIA năm 1995, ông dành thời gian để dịch các sách lịch sử của Việt Nam và viết về cuộc chiến.
Trong bài thuyết trình ở hội thảo nói trên, Pribbenow mô tả ba nhân vật hoạt động trong ba cơ quan tình báo khác nhau: CIA, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam và Tình báo Quân đội Liên Xô.
Trong cuốn Decent Interval nói về sự sụp đổ của Sài Gòn, cựu phân tích gia của CIA, Frank Snepp, khi nói về cuộc tổng tấn công miền Nam năm 1975, đã dành sự công nhận đáng kể cho một người vô danh mà ông gọi là "điệp viên trong hàng ngũ thân cận của tổng thống Thiệu".
Nhiều tác giả nói nội dung cuộc họp tháng 12-1974 giữa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh đã bị tiết lộ.
Theo Snepp, người điệp viên cộng sản này đã gửi cho Bộ Chính Trị Bắc Việt nội dung cuộc họp tháng 12-1974 giữa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lãnh để đưa ra chiến lược của miền Nam trước viễn cảnh quân đội Bắc Việt tấn công vào năm sau, 1975.
Sự mô tả của Snepp dựa vào một đoạn trong hồi ký Đại thắng Mùa Xuân của đại tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Dũng nói nội dung cuộc họp này đã được tình báo Bắc Việt lấy được.
Merle Pribbenow nhận xét: cho đến ngày hôm nay, ngoài đoạn văn của tướng Văn Tiến Dũng, Hà Nội chỉ đưa ra thêm một tiết lộ khác liên quan bản phúc trình tình báo này. Tiết lộ đó nằm trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: Hồi ức, của đại tướng Võ Nguyên Giáp, ấn hành năm 2000. Trong hồi ký, tướng Giáp nói vào sáng ngày 12-12-1974, tình báo quân đội cho ông biết về những mệnh lệnh của tổng thống Thiệu tại cuộc họp.
Cả hai nguồn chính thức của Hà Nội đều không cho biết ai là người cung cấp thông tin. Vậy nhà tình báo ấy là ai ?
Kể từ khi kết thúc chiến tranh, đảng cộng sản đã công bố thông tin về nhiều điệp viên hoạt động bên trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Trong số các điệp viên nổi tiếng này, liệu có ai là người chuyển cho miền Bắc nội dung cuộc họp kể trên ?
Mạng lưới Vũ Ngọc Nhạ - Huỳnh Văn Trọng bị phá vỡ năm 1969. Một điệp viên cao cấp khác nằm trong ngành tình báo miền Nam, Đặng Trần Đức, thì đã trốn vào vùng căn cứ cách mạng sáu tháng trước ngày có cuộc họp tháng 12-1974. Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, và Đinh Văn Đệ, khi đó là chủ tịch Uỷ Ban Quốc Phòng Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà, cũng là các ứng viên. Tuy nhiên, cả hai không có khả năng tiếp cận nội dung cuộc họp này, trừ phi một nhân viên Việt Nam Cộng Hoà đã tuồn ra cho họ.
Theo giả thuyết của tác giả Merle Pribbenow, người điệp viên có nhiều khả năng nhất trong trường hợp này không phải là một sĩ quan miền Nam cao cấp, cũng không làm việc tại Phủ Tổng thống, cũng không nằm trong nhóm tuỳ tùng thân cận của ông Thiệu.
Tên người này là Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh). Sinh năm 1933 ở Sài Gòn trong một gia đình gốc Bắc, ông Minh làm hạ sĩ quan phụ trách tài liệu mật trong văn phòng của đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Mặc dù nhân viên cấp thấp này không thể được dự cuộc họp trong Phủ Tổng thống năm 1974, nhưng biên bản và mệnh lệnh được đưa ra trong cuộc họp có thể đi qua tay người thư ký này. Bài báo trên tờ Quân Đội Nhân Dân năm 2005 không nhắc đến cuộc họp tháng 12-1974, nhưng cho biết ông Ba Minh thường xuyên chuyển đi các loại thông tin tương tự, như kế hoạch của các quân khu miền Nam, nội dung trao đổi giữa tướng Cao Văn Viên với các viên chức Mỹ.
Bốn năm sau khi gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hoà, năm 1963, ông Minh được đưa vào làm tại văn phòng của tướng Nguyễn Hữu Có, và vài năm sau, ông chuyển lên văn phòng của tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên.
Năm 1973, sau Hiệp định Hoà bình Paris, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam tìm kiếm các nguồn tình báo mới. Có vẻ như liên lạc giữa họ và Ba Minh đã mất nhiều năm, và chỉ đến lúc đó, liên hệ mới được nối lại. Theo tài liệu của Việt Nam, sau khi được liên hệ, ông Minh nhanh chóng trở thành người báo tin thường xuyên và có giá trị.
Ông thức đêm để chép tay các bức điện, kế hoạch (vì lý do an ninh, ông không chịu sử dụng máy ảnh để chụp tài liệu). Từ đầu năm 1974 đến khi kết thúc cuộc chiến, Ba Minh đã chuyển cho phía cộng sản một khối lượng lớn các báo cáo quân sự.
Ngày 30-4-1975, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào trụ sở tổng tham mưu trưởng, Ba Minh đã chờ họ tại đó. Ông trao chìa khóa văn phòng tướng Viên cùng các hồ sơ mật.
Sau này, ông Nguyễn Văn Minh được phong làm "Đại Tá Anh Hùng Tình Báo", như một sự tưởng thưởng cho công trạng của ông vào những năm cuối của cuộc chiến.

Điệp viên Võ Văn Ba

Orrin DeForest, một nhân viên CIA phục vụ sáu năm ở Việt Nam, nhắc đến con người này với mật danh "Reaper" trong cuốn sách Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Vietnam. Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông ta là "điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam". Còn trong cuốn tiểu sử về sếp CIA ở Sài Gòn Ted Shackley, tác giả David Corn dẫn ra một sự đánh giá thời hậu chiến của CIA rằng điệp viên này là "nguồn tin đáng tin cậy nhất về ý định của cộng sản" ở Việt Nam.
Frank Snepp, một nhà phân tích tình báo có đôi lần gặp con người này, gọi ông ta là "điệp viên hàng đầu của chúng ta" ở Việt Nam. Văn phòng của CIA ở Sài Gòn thì đơn giản gọi ông này là "nguồn tin Tây Ninh". Sau 1975, những người cộng sản mô tả nhân vật này là "điệp viên nguy hiểm trung thành với CIA" và nói CIA xem ông ta là "điệp viên có giá nhất tại Đông Dương" của CIA.
Tên của người này là Võ Văn Ba. Theo các ghi chép của phía cộng sản, nhân vật này sinh năm 1923, là một đảng viên cộng sản phụ trách tuyển mộ đảng viên mới ở khu vực Toà Thánh Cao Đài và thành phố Tây Ninh.
Có những ghi nhận khác nhau về cách làm thế nào và nhờ ai mà điệp viên này được tuyển mộ cho CIA. Orrin DeForest nói chú của ông Ba, ban đầu theo Việt Minh nhưng sau trở thành sĩ quan phục vụ trong ngành An Ninh Quân Đội của miền Nam, đã thu dụng người cháu. David Corn và John Sullivan viết rằng chú của Ba, người mà họ chỉ nói là một sĩ quan miền Nam, đã tuyển Ba làm chỉ điểm cho cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
Trước khi CIA vào cuộc, có vẻ Ba làm việc một thời gian cho quân đội Mỹ. Theo John Sullivan, một người trong CIA nói Ba từng làm cho tình báo cho quân đội Mỹ.
Không lâu sau khi đến tỉnh Tây Ninh năm 1969, sĩ quan CIA đầu tiên phụ trách Ba đã nhanh chóng chuyển điệp vụ mà lâu nay tiến hành khá nghiệp dư trở thành một hoạt động tình báo chuyên nghiệp, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của CIA.
Từ nay ông Ba được yêu cầu báo cáo về những mục tiêu chiến lược, các kế hoạch hành động mang tính chất toàn quốc, chứ không còn là những mục tiêu chiến thuật cấp thấp. Ông Ba ở trong vị trí lợi thế để lấy được những thông tin chiến lược vì trong suốt giai đoạn này, trụ sở chính của Trung Ương Cục Miền Nam đặt rất gần chỗ ông, có lúc bên trong tỉnh Tây Ninh, có lúc ở tỉnh Bình Long kế cận. Các báo cáo của người này được chuyển qua các kênh thông tin của CIA, và chỉ một số ít người biết về sự tồn tại của Ba.
Để bảo đảm bí mật, chỉ một sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt miền Nam và một nhân viên người Việt ở văn phòng CIA ở Tây Ninh được phép gặp mặt Ba ở Tây Ninh. Chỉ thỉnh thoảng Ba mới gặp nhân viên CIA người Mỹ và cũng chỉ gặp ở địa điểm mật tại Sài Gòn.
Thông tin mà ông Ba cung cấp thường xuyên được sử dụng trong các đánh giá của tình báo Mỹ về kế hoạch của phe cộng sản. Ngoài ra, mặc dù Ba chuyên môn theo dõi các khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, nhưng thỉnh thoảng ông cũng báo trước các cuộc tấn công ở khu vực Tây Ninh.
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sự trung thành của ông Ba đối với CIA. Mấy lần kiểm tra ông bằng máy thử nói dối đều có kết quả không làm CIA hài lòng. Năm 1971, hai năm sau khi CIA tuyển mộ Ba, họ phát hiện rằng Ba vẫn ngầm liên lạc và báo cáo cho tình báo quân đội Việt Nam Cộng Hoà. CIA ngay lập tức liên lạc và yêu cầu quân đội Miền Nam ngừng mọi giao thiệp với Ba. Một số sĩ quan CIA cũng đặt câu hỏi làm sao Ba lại không bị Việt Cộng phát hiện mặc dù các điệp viên cộng sản đã xâm nhập vào toàn bộ các tổ chức tình báo của miền Nam, những nơi biết về sự tồn tại của con người này. Nhưng rốt cuộc, sự chính xác trong các báo cáo của Ba làm tan biến mọi hồ nghi, và giới tình báo miền Nam và Mỹ xem Ba là tài sản quý giá của họ.
Những người cộng sản cũng ngày một nhận ra là họ có kẻ phản bội trong hàng ngũ. Những thiệt hại ở khu vực Tây Ninh năm 1969, những dấu hiệu là đối phương biết trước ý định tấn công, khiến những người cộng sản nghi ngờ trong nội bộ của họ có điệp viên. Một nữ cán bộ được cử điều tra tại Tây Ninh, nơi Ba có nhiệm vụ tuyển mộ và tổ chức chi bộ đảng. Nhưng nữ điều tra viên này lại bị an ninh miền Nam bắt được khi bà đi vào địa giới do Việt Nam Cộng Hoà kiểm soát, và bà bị giam cho đến hết cuộc chiến. Không có tư liệu cho biết liệu có phải ông Ba đã báo cho an ninh miền Nam bắt người này hay không.
Cuộc truy tìm nội gián trở nên gấp rút tới mức, theo một loạt các bài báo đăng trên báo chí Việt Nam năm 2004, một trong những điệp viên cao cấp của cộng sản trong chính quyền miền Nam, Nguyễn Văn Tá (tức Ba Quốc), được giao nhiệm vụ săn lùng nội gián vào năm 1972.
Ông Ba Quốc đoán rằng hồ sơ mà ông muốn có thể nằm trong một tủ khóa ở Nha Điệp Báo (ban K) thuộc Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo. Ông vào được nơi này và định mở khóa, nhưng lại có người vào bất thình lình, khiến ông đành bỏ dở. Hai năm sau, các hoạt động của chính ông Ba Quốc bị phát hiện và ông phải trốn vào căn cứ cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hồ sơ mật về ông Võ Văn Ba được an toàn cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ hôm 29-4-1975. Khi quân đội cộng sản chiếm văn phòng Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo ở Sài Gòn, Viễn Chi, cục trưởng Cục Tình Báo của Bộ Công An Bắc Việt, được nói là đã tìm thấy hồ sơ về Ba trong ngăn khoá của Nguyễn Khắc Bình, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
Cho đến khi cuộc chiến gần kết thúc, ông Ba tiếp tục có những báo cáo giá trị cho CIA. Thế nhưng đến tháng một năm 1975, khi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Bắc Việt ra Nghị Quyết tổng tấn công để "dứt điểm" Miền Nam Việt Nam, Võ Văn Ba đã không báo động trước cho CIA về Nghị Quyết này. Đây không phải lỗi của Ba mà là do cộng sản nghi là có người phản bội trong hàng ngũ của họ, thành ra giới lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam đã quyết định không phổ biến Nghị Quyết mới cho cấp dưới.
Vào giữa tháng tư 1975, ông Ba cho CIA một loạt báo cáo cuối cùng mô tả chung chung kế hoạch tấn công Sài Gòn của Bắc Việt. Những báo cáo này được xem trọng đến mức chúng được đưa vào bản phúc trình năm 1976 của đại sứ Mỹ Martin trước một uỷ ban của Quốc Hội Mỹ về việc sơ tán khỏi Sài Gòn. Nhưng vào lúc Ba chuyển những báo cáo này thì số phận của miền Nam đã được định đoạt. Thực tế, số phận của chính ông Ba cũng được định đoạt, mặc dù lúc này ông chưa biết.
Điệp viên Võ Văn Ba bị bắt đúng ngày 30-4-1975. Khi Sài Gòn sắp sụp đổ, CIA đề nghị đưa Ba và gia đình sang Mỹ. Nhưng ông này lại từ chối, nói là muốn ở Việt Nam thay vì khởi nghiệp từ đầu ở xứ người trong lúc tuổi đã cao. CIA hứa họ sẽ làm mọi cách để ngăn không cho hồ sơ về ông Ba rơi vào tay đối phương. Tuy vậy, lúc đó quân đội cộng sản đã bắt được và tra hỏi một người mà có lẽ biết hoạt động của ông Ba rõ hơn ai hết.
Theo các ghi chép hậu chiến của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phong (hay Nguyễn Sĩ Phong) là một người di cư miền Bắc, 33 tuổi, làm việc cho văn phòng CIA ở Tây Ninh. Ông Phong là người liên lạc của Ba với CIA kể từ 1969, ngay sau khi CIA tuyển mộ Ba. Sau nhiều năm làm việc trực tiếp với Ba, sau này ông Phong rời khỏi Tây Ninh và làm ở văn phòng CIA ở Ban Mê Thuột.
Ngày 10-3-1975, lực lượng cộng sản nhanh chóng chiếm được Ban Mê Thuột. Ông Phong và gia đình chạy đến nhà của Paul Struharik, đại diện của USAID và là nhân viên người Mỹ duy nhất còn ở lại trong tỉnh. Nhưng ngôi nhà lập tức bị bao vây và mọi người trong đó bị bắt.
Ông Phong thú nhận ông đã làm việc cho CIA và khai ra tên của Võ Văn Ba. Ngày 29-4-1975, quân cộng sản chiếm thành phố Tây Ninh và bắt được Phan Tất Ngưu, sĩ quan miền Nam phụ trách trường hợp ông Ba. Bản thân ông Ba bị bắt ngày 30 tháng 4.
Phía Việt Nam nói ông Ba tự sát ngày 8-6-1975 trong lúc đang bị giam trong trại của Bộ Công an. Sự thật về cái chết của Võ Văn Ba - có phải đó là tự sát hay là một điều gì khác - có lẽ sẽ không bao giờ được biết.
Còn có thêm một đoạn kết khác cho câu chuyện về điệp viên Tây Ninh. Vào năm 1980, trong cao trào thuyền nhân, Paul Struharik, đại diện của USAID ở Buôn Mê Thuột và là người có nhà bị bao vây hồi tháng 3-1975, nhận được lá thư gửi về địa chỉ nhà ông ở Mỹ. Lá thư được gửi từ Malaysia, và người viết là Nguyễn Văn Phong.
Phong nói ông đã trốn được khỏi trại giam Bắc Việt bằng cách nhảy khỏi xe trong lúc chuyển tù. Ông nói sau khi trốn thoát, ông tìm thấy vợ con và cả nhà sắp ra đi trên con thuyền với những người tị nạn vừa đến được bờ biển Malaysia. Theo Phong viết thì vì thuyền của ông vẫn còn đi biển được, phía Malaysia muốn đẩy họ đi tiếp, nhưng Phong nói ông thuyết phục được người ta gửi lá thư này về Mỹ. Phong nhờ Struharik giúp đỡ.
Câu chuyện của ông Phong nghe khó tin vì làm sao một người tù quan trọng như ông có thể trốn thoát, lại mang theo được cả vợ con. Tuy vậy người Mỹ biết rằng trong đời này cũng thỉnh thoảng gặp trường hợp phép lạ, thành ra họ vẫn gửi tin nhắn yêu cầu nhân viên chức trách để ý khi thuyền của ông Phong đến được trại tị nạn.
Khoảng hơn một tuần sau, một người Việt Nam lênh đênh trên biển Đông được một chiếc tàu đi ngang cứu được. Người này nói ông ta có mặt trên con thuyền của ông Phong. Ông nói con thuyền đó đã chìm trên đường tới Indonesia, và mọi người trên thuyền, kể cả ông Phong và gia đình, đã chết.

Bài học cần rút

Trên đây chỉ là lời tường thuật lại của một cựu nhân viên CIA. Có thể ông ta chỉ nắm được một số góc cạnh của vấn đề, nên sự tường thuật của ông còn nhiều nghi vấn.
Nếu Võ Văn Ba được coi là điệp viên giỏi nhất của CIA ở Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam Cộng Hoà cũng có nhiều điệp viên xuất sắc hơn nhiều. Cứ đọc các tập tài liệu nói về hoạt động của cơ quan tình báo tại miền Nam của Hà Nội như Bội phản hay chân chính (Bản thảo 1, Bản thảo 2 và Bản thảo 3) của Dư Văn Chất, hay Đoàn Mật Vụ của Ngô Đình Cẩn của Văn Phan, trong đó các cán bộ cộng sản hoạt động tại miền Nam đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt của chề độ Ngô Đình Diệm bắt và khai thác, đã nói lên những sự khâm phục của họ đối với hoạt động của đoàn này, chúng ta mới thấy được khả năng tình báo miền Nam cao như thế nào.
Nhóm này viết về Đoàn Công Tác Đặc Biệt như sau: "Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một "siêu tổ chức" với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ : cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và táo bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, công an mật vụ cùng với kháng chiến cộng sản ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật...".
Đây là một khía cạnh cần được khai thác khi nói về "Tình báo trong chiến tranh Việt Nam".
Ngoài ra, cách thức kể chuyện của Merle Pribbenow một lần nữa dạy cho các "bình luận gia" và "sử gia" Việt Nam rằng điều quan trọng cần được trình bày là các sự kiện chứ không phải là những lời giải thích, biện minh, lên án hay tố cáo. Phải bỏ lại những thứ đó bên ngoài, chúng ta mới có thể đi vào đấu tại "Trung Tâm và Cơ Quan Lưu Trữ Lịch Sử Việt Nam" ở Lubbock, TX, được.

Lữ Giang
(California)

No comments: