Friday, December 5, 2008

MỘT CÔ GIÁO GỐC VIỆT LÀM NÊN LỊCH SỬ

California: Cô giáo gốc Việt tạo lịch sử trong học khu Lincoln ở Stockton
Thursday, December 04, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87681&z=1
Khi lần đầu tiên ứng cử vào chức vụ Ủy Viên Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Lincoln, Stockton, năm 2006, cô giáo Vân Hà, còn có tên là Van-Ha To-Cowell, về hạng tư trong số sáu ứng cử viên tranh ba ghế trống, trong đó có hai ghế đương nhiệm, và thua người về hạng ba chỉ có 268 phiếu, trong tổng số 28,304 phiếu bầu, tức là thua chỉ khoảng 1%.
Tuy thua, nhưng cô Vân Hà không bỏ cuộc.
Hai năm sau, trong cuộc bầu cử ngày 4 Tháng Mười Một vừa qua, người giáo viên lớp 4 của trường tiểu học Wagner Holt thuộc Học Khu Lodi này đã chứng minh “thất bại là mẹ thành công” khi cô về hạng nhì trong số năm ứng cử viên tranh hai ghế trống, trong đó có một ghế đương nhiệm.
Theo kết quả chính thức đưa ra ngày 2 Tháng Mười Hai, cô giáo Vân Hà được 6,317 phiếu, trong tổng số 24,881 phiếu được đếm, hơn người về hạng ba 1,973 phiếu.
Như vậy, cô giáo Vân Hà To-Cowell sẽ trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên của Học Khu Lincoln và của San Joaquin County, một quận hạt nằm phía Nam thủ phủ Sacramento, sau khi cô tuyên thệ vào ngày 10 Tháng Mười Hai tới đây.

Cô giáo Vân Hà To-Cowell, tân Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Lincoln. (Hình: Van-Ha To-Cowell cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/87681-medium_A%201-081204-VanHa%201.jpg

Trong lịch sử chính trị cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên một người ứng cử lần đầu thất bại và ứng cử lần thứ hai thành công cho một chức vụ chính quyền.
“Trong cuộc bầu cử này, tôi đi vận động rất mạnh mẽ. Vì thua rất sát nút năm 2006, tôi biết mỗi lá phiếu đều quan trọng. Tôi đến gõ cửa từng nhà cử tri trong khu vực rất sớm và hoàn tất vào khoảng giữa Tháng Mười. Sau đó, tôi lại đi gõ cửa 1/3 nhà cử tri trong khu vực một lần nữa trong ba tuần cuối trước ngày bầu cử,” cô giáo Vân Hà kể qua email.
Cô cho biết tiếp: “Tôi cảm thấy tự tin khi đi đến từng nhà và cảm thấy một sự gắn bó với cử tri khi nói chuyện với họ, nhất là những người không hài lòng với chính sách giáo dục của học khu hiện nay.”
Cô thừa nhận: “Năm 2006 tôi không đi hết khu vực, mặc dù tôi cũng vận động mạnh mẽ. Kết quả là tôi thua sát nút.”

Thành công từ thất bại

Nói về thành công trong cuộc bầu cử kỳ này, vị dân cử tương lai của Học Khu Lincoln giải thích: “Có vẻ như những cử tri muốn tôi thắng năm 2006 cố gắng nhiều hơn để tôi thắng lần này. Tôi được giúp đỡ rất nhiều. Tôi cũng thay đổi chiến thuật tranh cử liên quan đến việc chấp nhận sự giúp đỡ và giao phó một phần việc cho người khác như thế nào.”
Theo lời cô giáo Vân Hà, trong cuộc bầu cử này, cô chỉ vận động được tổng cộng $9,000 từ những người ủng hộ không giàu có lắm.
“Tôi chỉ có $9,000 từ những tấm chi phiếu không lớn. Có rất ít người Việt Nam sống trong khu vực và tôi không biết họ. Tôi gởi chừng 50 lá thư đến cử tri gốc Việt để xin trợ giúp, chỉ có ba gia đình từng ủng hộ tiền tôi hồi năm 2006 gởi chi phiếu ủng hộ kỳ này,” cô giáo gốc Việt này cho biết tiếp.
Cô phải bỏ thêm tiền túi ra để tự tài trợ cho chính mình.
Tuy vậy, cô giáo Vân Hà lại được sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình và nhiều người khác tại Stockton.
Cô kể: “Gia đình, bạn bè và hàng xóm ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Họ đi gõ cửa từng nhà cử tri giùm tôi, nhất là chồng tôi và chị lớn của tôi. Các ủng hộ viên còn gọi điện thoại vận động cử tri bỏ phiếu cho tôi. Một số ứng cử viên chức vụ khác cùng đi gõ cửa nhà cử tri với tôi. Ứng cử viên chức Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lois Wolk mời tôi đến một buổi vận động tranh cử và giới thiệu tôi với ủng hộ viên của bà.”
Cô giáo này còn được sự ủng hộ của cựu Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Patrick Johnston, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Mike Machado, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Sát San Joaquin County Ken Vogel, Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Lodi Ken Davis, Giám Sát Viên San Joaquin County Victor Mow và nhật báo The Stockton Record, một tờ báo lớn ở địa phương.
Cô Vân Hà nhận tin vui về bầu cử khi đang đi thu gom các tấm bảng quảng cáo bầu cử tối hôm 4 Tháng Mười Một.
“Lúc đó vào khoảng 9 giờ 40 tối, trong lúc đang thu gom hơn 400 bảng quảng cáo bầu cử và không để ý đến kết quả. Tôi muốn hoàn thành việc thu gom bảng đúng như lời hứa với cử tri. Rồi một phóng viên của tờ The Stockton Reporter, tờ báo chính thức ủng hộ tôi, gọi điện thoại cho biết tôi đang dẫn trước cùng với ủy viên đương nhiệm. Cuộc bầu cử chỉ chọn hai người, và chúng tôi đang dẫn đầu khá xa. Qua kinh nghiệm của cuộc bầu cử trước, tôi biết tôi sẽ thắng kỳ này,” cô giáo Vân Hà chia sẻ.

Mặc dù bận rộn với cuộc bầu cử, cô giáo này vẫn đến trường đều đặn mỗi ngày.
Cô kể: “Tôi rất bình tĩnh. Tôi không bao giờ bỏ một ngày dạy trong thời gian đi vận động, ngay cả ngày bầu cử và những ngày sau đó. Tôi rất hài lòng với kết quả bầu cử, nhưng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm nhiều hơn trong những ngày tới.”
Nói về công việc sắp tới, cô giáo Vân Hà cho biết: “Trong vài tháng tới, tôi dự định gặp ban chấp hành, giáo viên và nhân viên của học khu để tìm hiểu những thành công cũng như những khó khăn trong công việc của họ.”
“Vì tình trạng thâm thủng ngân sách tiểu bang chắc chắn Học Khu Lincoln, cũng như các học khu khác, sẽ bị ảnh hưởng và Hội Ðồng Giáo Dục sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong những ngày tới,” cô giáo Vân Hà cho biết tiếp.
Học Khu Lincoln có 14 trường học, đều tọa lạc tại thành phố Stockton, với hơn 8,500 học sinh từ lớp mẫu giáo tới lớp 12.
Theo thống kê dân số năm 2000 của Hoa Kỳ, cả hai thành phố Stockton và Lodi, đều nằm trong San Joaquin County, có hơn 6,000 người Việt Nam.

Từ một sinh viên du học, đến tị nạn, đến dân cử

Sinh ra tại Sài Gòn, Tô Thị Vân Hà, tên trước khi lập gia đình của cô Vân Hà, học chương trình tiểu học Pháp tại Marie Curie. Lên trung học, cô chuyển sang Văn Hóa Quân Ðội và Trưng Vương. Rồi cô vào Ðại Học Khoa Học và sau đó du học tại đại học University of Tennessee, Knoxville, năm 1974.
Lúc đó, cô ở với người chị Anh Hà, cũng đang du học tại Tennessee.
Tháng Tư, 1975, khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hai chị em bị kẹt lại và họ mất liên lạc luôn với gia đình còn ở quê nhà.
Một tháng sau, họ nhận được một điện tín cho biết người em trai 12 tuổi đang ở Hawaii, nhưng không cho biết địa chỉ.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của nhân viên trường đại học, ba chị em đoàn tụ.
Nhưng gánh nặng bắt đầu đè lên vai hai cô gái tuổi đôi mươi.
Cả hai chị em phải làm việc thêm để nuôi ba người.
Vừa đi học, cô Vân Hà vừa làm việc tại tiệm Krystal Hamburgers. Chưa đủ, cô lại còn làm thêm tại một xưởng may cùng với chị Anh Hà và cuối tuần thì đi dọn dẹp nhà trong vùng để kiếm thêm.
Tháng Năm, 1978, cô Vân Hà hoàn tất văn bằng cử nhân, chính là ngành giáo dục tiểu học và phụ là ngành Pháp Văn, trong thời gian chưa tới bốn năm.
Xui xẻo cho cô là lúc đó công việc dạy học quá hiếm hoi. Thế là cô xin vào làm trong thư viện trường đại học để kiếm sống tạm thời. Ðây cũng là nơi cô Vân Hà gặp người chồng tương lai của mình, ông Dana Cowell.
Rồi cô nhận được tin tức về gia đình tại quê nhà và bắt đầu làm giấy tờ bảo lãnh cho họ sang Hoa Kỳ.
Tin vui lại kèm theo tin buồn vì cô được biết cha mình đang ở trong trại cải tạo.
Một thời gian sau, chị Anh Hà chuyển sang Texas làm việc, để lại người em trai, lúc này đang học trung học, cho cô em Vân Hà chăm sóc.
Ðể sống còn, hai chị em phải đi bỏ báo mỗi sáng và mỗi chiều, trong lúc cô Vân Hà tiếp tục làm việc tại trường đại học.
Năm 1980, cô chuyển đến Arlington, Virginia, làm việc cho ngân hàng Virginia National Bank đồng thời học thảo chương điện toán.
Rồi cô lập gia đình và theo chồng về sống ở Sacramento, California, làm việc cho ngân hàng Wells Fargo Bank và sau đó làm cho một công ty nhỏ.
Cô Vân Hà thú nhận: “Ước mơ của đời tôi là được dạy học bởi vì tôi xuất thân từ một gia đình nhà giáo. Ông ngoại, mẹ và cậu tôi đều là giáo viên. Cậu ruột tôi còn là hiệu trưởng một trường trung học. Mẹ tôi cũng từng là giáo viên và là phó hiệu trưởng.”

Cô quyết định bỏ việc, đi học trở lại đồng thời nộp đơn xin dạy học và làm giáo viên phụ (teacher aid).
Năm 1984, cô được nhận vào dạy song ngữ cho lớp 5 tại Học Khu Sacramento City Unified School District.
Bốn năm sau, cô hoàn tất bậc cao học lúc đứa con trai đầu lòng vừa tròn một tuổi. Vì nhu cầu công tác của chồng, gia đình chuyển về sống ở Stockton và cô bắt đầu dạy học trong Học Khu Lodi cho tới nay.
Năm 1991, cả gia đình cô gồm mẹ và sáu chị em sang Hoa Kỳ đoàn tụ ngoại trừ người cha, vì ông qua đời trong trại cải tạo năm 1983.

Từ trái, con trai lớn Evan, chồng Dana, cô giáo Vân Hà và con trai út Andrew. (Hình: Van-Ha To-Cowell cung cấp).
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/87681-medium_A%201-081204-VanHa%202.JPG

Về quyết định tham gia lãnh đạo Học Khu Lincoln, cô Vân Hà cho biết: “Tôi luôn luôn tham gia hoạt động giáo dục với các con tôi và tình nguyện phục vụ trong nhiều vai trò lãnh đạo trong học khu. Cách đây vài năm, một số người đề nghị tôi ra ứng cử. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định ghi danh. Tôi quá chán ngán những người chỉ dùng học khu để làm bàn đạp cho những chức vụ cao hơn. Tôi tin rằng, hội đồng giáo dục phải bao gồm những người có kinh nghiệm giáo dục, chứ không phải chỉ những người làm thương mại và quyết định của họ bị tiền bạc ảnh hưởng thay vì lo giáo dục cho con em chúng ta. Hơn nữa, tôi nghĩ hội đồng giáo dục phải đa dạng về mặt chúng tộc và giới tính.”

Như vậy, cô giáo Vân Hà To-Cowell đã tạo lịch sử từ thất bại lần trước khi trở thành tân ủy viên giáo dục Học Khu Lincoln và là vị dân cử gốc Việt đầu tiên tại Stockton cũng như San Joaquin County. (Ð.D.)

No comments: