Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Việt Nam và Ngày Văn Bút Quốc Tế Vận Động Bảo Vệ Quyền Tự Do Phát Biểu,
Bênh Vực Nhà Văn và Nhà Báo bị Ngược Đãi và Cầm Tù
http://www.doi-thoai.com/baimoi1208_037.html
Ngày 10 tháng 12 năm 2008 đánh dấu 60 năm Khai Sinh bản Tuyên Ngôn Toàn Cầu về Nhân Quyền. Ba tuần lễ trước, ngày 15 tháng 11 năm 2008, Văn Bút Quốc Tế cử hành Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù. Biến cố này là một trong những dịp quan trọng nhứt mỗi năm để vận động công luận làm áp lực, thuyết phục và thúc giục các chính phủ dân chủ can thiệp nhiều hơn nữa cho chính nghĩa của những người cầm bút độc lập bị trấn áp tàn nhẫn. Hiệp Hội Nhà Văn Thế Giới cam kết bảo vệ Nhân Quyền trong lãnh vực Quyền Tự Do Phát Biểu và Ngôn Luận. Để thực hiện mục đích đó, Văn Bút Quốc Tế biết có thể trông cậy vào tinh thần văn hữu đoàn kết tự nguyện của đông đảo hội viên thuộc hàng trăm Trung tâm Văn Bút ở khắp năm châu. Ngay từ giữa tháng 10, Văn Bút Quốc Tế đã ghi nhận được sự hưởng ứng của các Trung tâm Hoa Kỳ, Áo, Anh, Đan Mạch, Ghana, Gia Nã Đại, Guinée, Hòa Lan, Malawi, Na Uy, Nga, Québec, Sierra Léone, Somalie, Sydney, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Hoa Độc Lập, Uganda, v.v. Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù còn được giới thiệu với công chúng đi viếng nhiều Hội chợ Sách Báo, ở Copenhague (Đan Mạch), Barcelone (Tây Ban Nha), Anvers (Bỉ), Francfort và Bá Linh (Đức) v.v.
Riêng ở Thụy Sĩ, ba Trung tâm Văn Bút Đức, Ý và Pháp thoại đã cùng nhau tổ chức Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù, ngày 12 tại Zurich (vùng nói tiếng Đức), ngày 13 tại Lugano (tiếng Ý) và ngày 14 tháng 11 tại Genève (tiếng Pháp). Năm nay, hai nhà thơ lưu vong nước Irak được mời đến nói chuyện tại Zurich, Lugano và Genève về kinh nghiệm bản thân và tác phẩm. Hai thi hữu cũng đọc thơ bằng tiếng Á rập và bản dịch một số thi phẩm được các kịch sĩ Thụy Sĩ diễn ngâm trong mỗi buổi họp và hội thảo.
Tại Thư Viện thành phố Genève, chiều ngày 14 tháng 11, hai thi hữu Irak, Ali Al-Shalah và Khazal Al-Majidi được văn hữu Alfred de Zayas, Chủ tịch Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại giới thiệu để mở đầu chương trình. Sau đó, văn hữu Tổng thư ký Zeki Ergas đọc bức thư viết trong trại tù của nhà văn He Depu gởi chủ tịch Ủy Ban Thế Vận quốc tế trước lễ khai mạc Thế Vận Bắc Kinh. Nữ triết gia kiêm nữ sĩ Fawzia Assaad tường trình về hoạt động của Văn Bút Quốc Tế tại các khóa họp Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tiếp lời các văn hữu, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt trình bày về hiện trạng Việt Nam. Thi hữu đọc một phần ‘’Lá Thư Ngỏ của một nhà thơ Việt Nam lưu vong nhân dịp Ngày Văn Bút Quốc Tế Vận Động Bảo Vệ Quyền Tự Do Phát Biểu, Bênh Vực Nhà Văn và Nhà Báo bị Ngược Đãi và Cầm Tù’’.* Thi hữu cho biết một số tin gần nhứt về tình trạng giam cầm luật sư Lê Thị Công Nhân, hội viên danh dự Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, luật sư Nguyễn Văn Đài, linh mục Nguyễn Văn Lý, v.v. Kết thúc phần này, thi hữu đọc lá tâm thư của nữ sĩ Trần Khải Thanh Thủy viết sau khi ra khỏi trại tù. Bức thư đã được gởi đến Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù (CODEP/WIPC), Trung tâm Văn Bút Anh quốc mà bà là hội viên danh dự, Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại cùng các Trung tâm Văn Bút Quốc Tế khác từng quan tâm đến tình cảnh của bà sau khi bà bị bắt giam trái phép ở Hà Nội. Trong những năm trước, các bức thư của một số cựu tù nhân, như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, v.v. cũng đã được đọc tại buổi họp và hội thảo nhân dịp Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù. Phần cuối chương trình dành cho sự trao đổi ý kiến giữa các nhà văn và cử tọa. Nhiều người đã đến tham dự từ bên kia biên giới Pháp hoặc ở vùng Thụy Sĩ Đức thoại, khá xa. Phần đọc thơ tiếng Á rập và tiếng Pháp, cũng như phần trình diễn ca nhạc Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan của ban nhạc Ozan Cagdas rất được tán thưởng. Tại buổi họp, có phân phát Bản Tin Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và tài liệu liên quan đến Nhà Văn Bị Cầm Tù. Trong Bản Tin, ngoài Lá Thư Ngỏ của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt còn có bài thơ Nỗi Sợ Hãi ở Lhassa của nữ sĩ Tây Tạng lưu vong Tsering Woeser với bản dịch tiếng Pháp của nữ văn hữu Claude Levenson; một bài của nữ văn hữu Dinah Lee Kung giới thiệu nhà văn Trung Hoa He Depu, hội viên danh dự Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại; một bài của nhà báo Hervé Kempf (Le Monde) viết về nhà khoa học Youri Bandajevski, cựu tù nhân chế độ độc tài Biélorussie, hiện sống lưu vong tại Vilnius, nước Lithuanie, hội viên danh dự Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại. Cũng vào dịp đó, lần đầu tiên ra mắt tập thơ Dấu Tích Phượng Hoàng của Nguyên Hoàng Bảo Việt và tập thơ L’Empreinte du Phénix, bản dịch Pháp văn của bà Hoàng Nguyên, do Bạn Văn (Paris) xuất bản và Trung tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (PEN Club vietnamien en Europe) phát hành giữa mùa thu 2008.
* Đôi lời giới thiệu về ‘’Lá Thư Ngỏ của một nhà thơ Việt Nam lưu vong nhân dịp Ngày Văn Bút Quốc Tế Vận Động Bảo Vệ Quyền Tự Do Phát Biểu, Bênh Vực Nhà Văn và Nhà Báo bị Ngược Đãi và Cầm Tù’’.
Bức thư đó đã được phổ biến đến các giới truyền thông báo chí Thụy Sĩ và quốc tế, kể cả các cơ sở vô tuyến truyền thanh. Lá Thư Ngỏ cũng được tác giả gởi để thông tri Văn Bút Quốc Tế, Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù và khoảng một trăm Trung tâm Văn Bút từng bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với các nhà văn, nhà báo và dân chủ đối kháng, tranh đấu cho Nhân Quyền, Tự Do và Dân Chủ ở Việt Nam. Văn Bút Quốc Tế đã nồng nhiệt cám ơn sự đóng góp của Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và Nhà văn Việt Nam lưu vong. Lá Thư Ngỏ sẽ được Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù (CODEP/WIPC) ghi chép trong bảng Tổng Kết Cuộc Vận Động Toàn Cầu cho Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù vào đầu tháng 12. Ngoài ra, trước Ngày Thế Giới Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2008, Lá Thư Ngỏ sẽ được đính kèm một bức thư viết chung của Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam gởi đến Tổng trưởng Bộ Ngoại Giao và Chủ tịch hai Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện và Hạ Viện Quốc Hội Liên Bang Thụy Sĩ. Tại Genève, nhựt báo thông tin ngôn luận độc lập Le Courrier đã dành hơn một phần ba trang báo cho Lá Thư Ngỏ. Một số nhựt báo và tuần báo Thụy Sĩ khác, như tờ Tribune de Genève, Genève Home Informations…cũng trích đăng Lá Thư Ngỏ. Trên Mạng lưới Internet, Trang Nhà Thông tin ProtectiOnline.Org của tổ chức quốc tế Protection International chuyên về vấn đề bảo vệ Nhân Quyền, đã đăng toàn văn Lá Thư Ngỏ dưới tựa đề tiếng Pháp ‘’Journée du PEN International pour la Protection de la Liberté d’Expression (http://www.protectionline.org/Journee-du-PEN-International-pour,7673.html) và tiếng Anh ‘’International PEN Day to Protect Freedom of Expression’’ (http://www.protectionline.org/International-PEN-Day-to-Protect,7669.html).
Sau đây là bản tiếng Việt ‘’Lá Thư Ngỏ’’ chuyển dịch từ hai bản tiếng Pháp và tiếng Anh của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt.
Genève ngày 2 tháng 12 năm 2008
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
----------------------------------------------------------
Lá Thư Ngỏ của một nhà thơ Việt Nam lưu vong
nhân dịp Ngày Văn Bút Quốc Tế Vận Động Bảo Vệ Quyền Tự Do Phát Biểu,
Bênh Vực Nhà Văn và Nhà Báo bị Ngược Đãi và Cầm Tù
Hôm nay, 15 tháng 11 năm 2008, là Ngày Nhà Văn Bị Cầm Tù. Tình trạng các nhà văn và nhà báo bị ngược đãi trên thế giới càng thêm tồi tệ nghiêm trọng trong 12 tháng qua. Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù (CODEP/WIPC)* đã kiểm tra khoảng một ngàn trường hợp nhà cầm bút bị đàn áp trong 90 nước vì những bài viết hoặc những ý kiến đối kháng của họ. Hai trăm người bị kết án tù nặng nề, hàng trăm người khác bị sách nhiễu, bắt giữ, tra tấn, giam cầm hoặc biệt lập trong bệnh viện tâm thần (Ghi chú thêm: trường hợp bà Bùi Kim Thành). Bi thảm hơn nữa, có kẻ đã giết tác giả mà ngôn ngữ, tiếng nói, từ ngữ làm họ khó chịu, đó là hình thức tối hậu của sự kiểm duyệt. Ít nhứt có 39 người bị sát hại : Somalie 2, Nigéria 1, Mễ Tây Cơ 8, Guatemala 2, Equateur 1, Venezuela 1, Hồi Quốc 6, Phi Luật Tân 2, Népal 1, Ấn Độ 1, Cao Miên 1, Thái Lan 3, Tích Lan 1, Nga 3, Bulgarie 1, Croatie 1, Irak 5…(danh sách đính kèm cập nhựt đến ngày 14 tháng 11 năm 2008).
Năm nay, Văn Bút Quốc Tế đặc biệt chú tâm đến 5 trường hợp tiêu biểu tình cảnh nhà văn và nhà báo bị trấn áp tại năm vùng khác nhau :
Eynullah Fatullayev, nhà báo nước Azerbaijan, bị kết án 8 năm tù; Tsering Woeser, nhà thơ và nhà văn Tây Tạng, bị cấm lưu trú tại đất nước của bà và bị sách nhiễu, đe dọa tại Trung Cộng; Mohammad Sadiq Kabudvand, nhà báo gốc Kurde sống tại Ba Tư, bị kết án 11 năm tù; Melissa Rocio Patino Hinostroza, nữ sinh viên và nhà thơ nước Pérou, bị cáo buộc tình nghi có quan hệ với một tổ chức khủng bố, và các tác giả vỡ hài kịch ‘’Le Crocodile de Zambezi’’ bị cấm tại Zimbabwe cùng toàn thể nhân viên điều hành và kỹ thuật làm việc cho vỡ kịch này. Được biết ông giám đốc sản xuất Lionel Nkosi bị tra tấn và dọa giết, kịch sĩ Aleck Zulu bị đánh đập, hai nhà viết kịch Raisedon Baya và Christopher Mlalazi bị đe dọa.
Vì vậy, hôm nay phải là Ngày biểu hiện tình Đoàn Kết và tiếp sức Ủng Hộ đối với các nhà văn và nhà báo trở thành mục tiêu để triệt hạ của những chủ trương bất khoan dung và chính sách độc tài tàn bạo. Những tác giả bị ám sát sẽ được nhắc nhở, tưởng niệm bởi hàng ngàn hội viên Văn Bút Quốc Tế, kể cả các bạn văn thuộc 3 Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức, Ý và Pháp thoại. Và cái gọi là quyền miễn trừng phạt phải bị tố cáo (Ghi chú thêm: đối với kẻ gây ra tội sát nhân và đồng lõa).
Hơn nữa, cuối tháng 9 qua, tại Bogota, thủ đô Colombie, Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế đã tố cáo và lên án sự trấn áp và những mối đe dọa đối với các nhà văn, nhà báo và nhà bênh vực Nhân Quyền tại A Phú Hãn, Trung Hoa, Colombie, Cuba, Ba Tư, Mễ Tây Cơ, Nga, Zimbabwe và Việt Nam. Tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản, làm một nhà thơ hay một nữ sĩ, một nhà báo hay một nữ luật sư, luôn luôn là một nghề nghiệp nguy hiểm. Năm nay, Phóng Viên Không Biên Giới vừa phổ biến Bảng Xếp Hạng Quyền Tự Do Báo Chí Thế Giới kỳ thứ 7. Trên tổng số 173 Nhà nước được đánh giá, Việt Nam chiếm hạng 168, đứng trước Cuba, Miến Điện, Turkménistan, Bắc Hàn và Érythrée (hạng 173), nhưng lại đứng sau Trung Hoa, Ba Tư, Tích Lan và Lào (hạng 164).
Trong thực tế, không hề có báo chí ngôn luận tự do và nhà xuất bản độc lập nào dưới chế độ CHXHCNVN. Rất nhiều người cầm bút và nhà dân chủ đối kháng bằng Internet bị giam nhốt trong các trại tù lao công cưỡng bách, vì hành sử quyền tự do ngôn luận và phát biểu của mình. Tất cả nạn nhân bị áp đặt bản án tù tại những phiên tòa xét xử mà Phóng Viên Không Biên Giới gọi là ‘’theo kiểu mẫu Staline’’. Tội phạm duy nhứt của họ : viết và phổ biến những bài liên quan đến mối quốc nạn tham nhũng, sự lạm dụng quyền hành và vi phạm Nhân Quyền.
Tù nhân ngôn luận và lương tâm Việt Nam bị giam cầm trong những điều kiện vô nhân đạo. Tình trạng thảm hại về sức khỏe của họ thật đáng lo ngại. Ăn uống không đầy đủ, thiếu săn sóc thuốc men và vệ sinh, họ còn bị tù thường phạm hành hung và sỉ nhục, hoặc bị tra tấn bởi cai ngục và công an. Trong số nạn nhân làm chứng có nữ sĩ Trần Khải Thanh Thủy (48 tuổi), từng trải qua chín tháng tù trong lúc bà mắc bệnh lao phổi nặng và tiểu đường. Bây giờ được phóng thích, bà còn mang những vết thẹo rất rõ trên mặt và trên chân bà.
Càng ngày càng có thêm nhiều phụ nữ đứng ra tranh đấu để bênh vực Nhân Quyền. Như nhà dân chủ đối kháng Lê Thị Công Nhân (29 tuổi), hội viên luật sư đoàn Hà Nội và Hiệp hội Luật sư Quốc tế (UIA)**, bị kết án 3 năm tù. Từ 27 tháng 12 năm 2007 đến 3 tháng giêng năm 2008, nữ luật sư Nhân Quyền đã tuyệt thực để phản đối tình trạng tồi tệ của trại tù Hỏa Lò Mới gần Hà Nội. Và còn nữa, bà Bùi Kim Thành (49 tuổi), bị nhốt tại bệnh viện tâm thần, từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 7 năm 2007 và từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2008. Cố vấn pháp luật tình nguyện cho những nữ nông dân bị cưỡng đoạt đất đai (Ghi chú thêm: Dân Oan), bà Bùi Kim Thành đã phổ biến trên Internet những bài viết chỉ trích bất công xã hội. Trong mấy lần bắt giữ bà, công an đã đánh đập bà một cách tàn bạo và tại bệnh viện tâm thần, bà bị cưỡng bách chích những thứ thuốc gì không biết. Sau mỗi lần giam nhốt như vậy, bà Bùi Kim Thành được phóng thích mà không bị buộc tội gì cả, nhờ áp lực quốc tế. Sau khi được thả ra hồi tháng 7 năm nay, bà bị buộc phải lưu vong để tránh bị bắt một lần nữa và cũng để không còn phải sống lại cảnh địa ngục trong bệnh viện tâm thần. Trong số nhiều phụ nữ dũng cảm khác, có bà Hồ Thị Bích Khương (41 tuổi), nhà dân chủ đối kháng bênh vực Nhân Quyền, bị bắt ngày 25 tháng 4 năm 2007 và bị bí mật kết án 2 năm tù ngày 24 tháng 4 năm2008. Bà Hồ Thị Bích Khương bị tra tấn trong trại tù (Ghi chú thêm: bà Bích Khương sinh tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cùng quê hương với vua Mai Hắc Đế và nhà chí sĩ ái quốc dân tộc Phan Bội Châu). Hoặc là bà Lê Thị Kim Thu (40 tuổi), phóng viên nhiếp ảnh độc lập, bị bắt ngày 14 tháng 8 năm 2008 và bị kết án 18 tháng tù ngày 7 tháng 11 năm 2008 và bà Phạm Thanh Nghiên (31 tuổi), nhà báo độc lập, bị bắt ngày 17 tháng 9 năm 2008, v.v…
Trong số những tù nhân ngôn luận và lương tâm Việt Nam được biết tiếng nhiều, có thể kể : từ năm 2003, Hòa Thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ) 80 tuổi, nhà trí thức Phật giáo, bị giam cầm trong tình trạng quản thúc tại chùa; từ năm 2007, linh mục Nguyễn Văn Lý, chủ biên tạp chí Tự Do Ngôn Luận (không giấy phép), bị kết án 8 năm tù; hai cộng sự viên biên tập, ông Nguyễn Phong, 6 năm tù và ông Nguyễn Bình Thành, 5 năm tù; luật sư Nguyễn Văn Đài, hội viên luật sư đoàn Hà Nội, thành viên sáng lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam (bị cấm), 4 năm tù; luật sư Nhân Quyền Trần Quốc Hiền, phát ngôn nhân của Hiệp Hội Công Nông, một tổ chức công đoàn độc lập (bị cấm), 5 năm tù; bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà dân chủ đối kháng, 4 năm tù; luật sư Nhân Quyền Nguyễn Bắc Truyễn, nhà dân chủ đối kháng, 3 năm tù; các ông Trương Quốc Huy, Phạm Bá Hải và Nguyễn Ngọc Quang, cũng được coi là những nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, ông Huy bị kết án 6 năm tù, ông Hải 5 năm tù và ông Quang 3 năm tù; nhà báo độc lập Trương Minh Đức, sức khỏe rất suy yếu, 5 năm tù; nhà báo độc lập Nguyễn Văn Hải, bút hiệu điện tử Điếu Cày, thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, một tổ chức chuyên chú vào hai chủ đề ‘’Tham Nhũng và Nhân Quyền’’ cho nên các thành viên từng bị hăm dọa và bị bắt giữ, 2 năm 6 tháng tù; nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà báo điều tra (Ghi chú thêm: vụ đại tham nhũng cấp cao chế độ PMU 18), 2 năm tù.
Ngoài ra, tất cả cựu tù nhân được phóng thích trong những năm gần đây tiếp tục bị áp đặt biện pháp quản chế hành chánh, trong một thời gian từ 1 đến 5 năm (có thể tái tục) (Ghi chú thêm: quản chế hành chánh bao gồm những biện pháp trái phép và vi phạm nhiều điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn Toàn Cầu về Nhân Quyền). Không những nơi cư trú bị công an canh chừng, các quyền căn bản của họ như tự do phát biểu (điều 19), tự do lập hội (điều 20) và tự do di chuyển (điều 13) đều bị phủ nhận. Đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở và thư tín của họ (điều 12) bị xâm phạm độc đoán. Quyền làm việc hay quyền tự do chọn việc làm của họ (điều 23) bị hạn chế…Cựu tù nhân là đối tượng của những vụ sách nhiễu thường xuyên; một số người còn bị hành hung. Những vụ công kích cường bạo (điều 3), giam cầm độc đoán (điều 9), xét xử không công minh và những vụ án tù bất công (điều 10, điều 11) đã được ghi nhận. Điều trông thấy hiển nhiên là không có sự tôn trọng thật sự quyền bị cáo được bàu chữa và sự độc lập của thẩm phán.
Nhà cầm quyền CS đã tiến hành một chiến dịch trấn áp nghiêm trọng nhắm vào những tiếng nói dân chủ đối kháng hoặc bất đồng chính kiến tại Việt Nam, từ tháng 9 năm 2008. Nhiều người bị bắt giữ gần đây gồm có: nhà văn và nhà thơ Nguyễn Xuân Nghĩa; nhà văn Phạm Văn Trội; nhà thơ nông dân Nguyễn Văn Túc; nhà văn sinh viên Ngô Quỳnh; nhà thơ Trần Đức Thạch; nhà giáo Vũ Hùng, bị tra tấn trong tù; nhà báo độc lập Lê Thanh Tùng, cựu chiến binh CS…(Ghi chú thêm: ông Lê Thanh Tùng được tại ngoại hầu tra từ ngày 17 tháng 11, chờ truy tố ra tòa).
Thật vậy, không thể nào ghi chép, liệt kê đầy đủ hết trong bảng danh sách tất cả những tù nhân ngôn luận và lương tâm tại Việt Nam và các nơi khác dưới bầu trời tối ám của quả địa cầu. Cho nên trong khoảnh khắc này của Ngày Nhà Văn bị Cầm Tù, chúng ta hãy cùng nhau khơi dậy một nỗi niềm thương nhớ đến những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, trong số thật nhiều nạn nhận khác, đã bị ngược đãi, tra tấn, giam cầm, ám sát hoặc bị mất tích. Chúng ta hãy cùng nhau hình dung lại trong ký ức, tiếng nói của đồng nghiệp, bạn văn bị bóp nghẹt, ngòi bút họ bị bẻ gãy, tác phẩm họ bị tịch thu và thiêu đốt. Để cho không bao giờ tấn thảm kịch đau đớn của họ bị rơi vào quên lãng, chúng ta hãy cùng nhau thắp lên một cây nến Hy Vọng trên bờ cửa sổ nơi chúng ta cư ngụ đêm nay, và vào mỗi buổi tối, ở bốn mùa xuân hạ thu đông, suốt đời chúng ta. Kín đáo sinh ra từ Trái Tim chúng ta, đóm lửa mong manh này, hợp với những cây nến khác đã được thắp lên, sẽ là ngọn đuốc bất diệt của Tình Nghĩa Bằng Hữu, xuyên qua đêm dài của bạo lực Trấn Áp, trước khi tìm thấy bình minh của Nhân Loại với tấm lòng Nhân Ái.
* CODEP/WIPC: Comité pour la Défense des Écrivains Persécutés/Writers in Prison Committee.
International PEN Brownlow House, 50/51 High Holborn, London WC1V 6ER, U.K.
* * UIA: Union Internationale des Avocats
25, rue du Jour 75001 Paris France
Genève ngày 15 tháng 11 năm 2008
Nguyên Hoàng Bảo Việt
hội viên Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại
Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong
và Trung tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
No comments:
Post a Comment