Ai đồng thuận, ai phá rào?
Phong Uyên
Đăng ngày 18/12/2008 lúc 03:20:39 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3382
Nhân Hội nghị Quốc tế Việt Nam Học họp lần thứ 3 tại Hà Nội ngày 4-12-08 bàn về thực trạng Kinh tế xã hội Việt Nam, Đài BBC có phỏng vấn Giáo sư Đặng Phong tác giả cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam. Nghe bài phỏng vấn tôi không khỏi không có một vài nhận xét:
Trước hết phải công nhận là lần đầu tiên có một cuốn sách dám kể lại những gian truân từ 75 đến 89 khi có Đổi Mới, và dám đụng đến những nhân vật như Trường Chinh, Lê Duẩn mà không sợ phạm huý, tuy những nhân vật này đã qua đời từ lâu rồi. Nhưng cuốn sách vẫn không dám nói toạc ra là Đổi mới kinh tế chỉ là một sự miễn cưỡng chứ không phải là một chính sách do Đảng chủ xướng. Và chỉ khi trả lời BBC, ông Đặng Phong mới đưa ra nhận xét "những thăng trầm của Việt Nam lệ thuộc vào tư duy kinh tế... duy trì mô hình cũ thì không được và thực tế cưỡng lại mà không duy trì thì lại gặp huý kỵ, phản bội CN Mác-Lênin... Đổi mới ở Việt Nam gian nan vô cùng". Ông cũng vẫn rất thận trọng và không bộc lộ rõ ràng ý nghĩ của mình khi nói về Đồng thuận, Phá rào, Đổi mới, Điều chỉnh ( kinh tế? chính trị? ), Yêu cầu thay đổi kinh tế...
Tôi thử tìm hiểu GS Đặng Phong muốn nói gì qua những từ ngữ này. Và cũng xin đưa ra một vài bình luận:
Đồng thuận
Theo tôi suy đoán, GS Đặng Phong muốn nói sự đồng thuận giữa các " ông lớn " trong Đảng: "sau 14 năm trăn trở... những lúc lầm đường lạc lối... rồi vấp phải thực tế phũ phàng...đã phải chiến thắng chính mình để cùng đi tới đồng thuận". Ông Đặng Phong không thấy là trong khoảng thời gian dài dằng dặc đó dân Việt Nam đã phải chịu biết bao đau khổ để đợi các ông " trăn trở " và các ông "... lầm đường lạc lối... vấp phải thực tế phũ phàng " đi tới " đồng thuận" ? Ông còn cho "đó là một đặc điểm lớn của Việt Nam không có thanh trừng, không có đấu đá nội bộ như ở Liên Xô, Trung Quốc". Tôi bắt buộc phải nói đó chỉ là một "đặc điểm lớn" của ĐCSVN và là một tai hoạ cho Việt Nam: Các phe phái trong Đảng đấu đá ngầm nhau trong bóng tối, tranh giành chiếu trên chiếu dưới như các cường hào ác bá trong làng, rồi "đồng thuận" với nhau, tiếp tục giữ nguyên tình trạng cũ gọi là "ổn định" để giữ nguyên quyền toàn trị của mình. Nếu trong Đảng luôn luôn có thanh trừng lẫn nhau như ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình vừa mới lên đã triệt tiêu luôn phe "bè lũ 4 tên" để đưa ra ngay từ 1979 chính sách "Kinh tế mở cửa", thì dân Việt Nam đã không phải chịu đựng 14 năm từ 75 tới 89 mới có Đổi mới. Nghĩa là mới tự "phá rào" ra được. Cũng vì các ông lớn trong Đảng không thanh trừng triệt tiêu lẫn nhau nên cả mấy trăm ngàn người mới phải chết thay mấy ông đó; hoặc trong các trại cải tạo, hoặc làm mồi cho cá mập.
Phá rào
Tôi không biết trong cuốn sách của ông Đặng Phong có chữ "Phá rào" không, hay ông chỉ nhắc lại thuật ngữ này khi BBC phỏng vấn. Dầu sao từ ngữ này cũng gợi lên một hình ảnh khủng khiếp, phi nhân, làm liên tưởng tới một bầy ngựa, một bầy bò bị đuổi ra khỏi đồng cỏ và bị bỏ đói trong khoảng đất bị rào giậu. Bản năng tự tồn đã thúc đẩy phải tự húc đổ rào giậu chạy thoát ra ngoài đồng cỏ kiếm ăn. Ông nói một cách văn chương: "...nhưng chính cuộc sống nó mở ra những khả năng và chính những người trong cuộc ở địa phương, ở cơ sở đã tự phát tìm ra con đường cho chính mình, hiện tượng mà chúng tôi gọi là "phá rào". Ông vẫn ngại ngùng không nói "toạc móng heo": Miền Nam phá rào để trở lại nền kinh tế đã có từ trước. Đảng miền Bắc cố gắng "rào lại" không được, và khi hiện tượng phá rào lan tràn khắp đất nước, phải bịa cho nó một cái tên là "Đổi mới" và tôn nó là chính sách của Đảng.
Đổi mới
Như vậy " Đổi mới " chỉ là cho phép người dân được trở lại nền kinh tế tiểu thương, tiểu sản xuất đã có ở miền Bắc trước tiếp thu 54 và ở miền Nam trước 75. Nền kinh tế này có từ thời thượng cổ; tiêu diệt nó khác chi bắt con người phải trở lại thời kỳ Đồ đá. Vậy mà người dân cả nước phải chờ dân miền Nam "phá rào" mới được quyền "quanh năm buôn bán ở ven sông". Từ 1989 đến nay đã 20 năm, "Đổi mới" đã trở thành cổ lỗ sĩ tuy được khoác cái vỏ rất hiện đại là "Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa (KTTTXHCN).
Điều chỉnh
Ông Đặng Phong đưa ra cái nhận xét chung chung: "Ở nước nào cũng vậy, chính sách luôn luôn cần được điều chỉnh". Ông không dám nói rõ là, để có thể thích ứng được với tiến triển kinh tế, cái cần phải được điều chỉnh là Chế độ. Ông cũng thừa biết KTTTXHCN không phải là Kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó: Đặc tính của nền kinh tế thị trường là để thị trường tự điều chỉnh nó: Nhưng trong khuôn khổ của luật lệ, trong sự kiểm soát của cả một hệ thống kiểm toán, kèm theo một chính sách thuế má phân minh để không có những cạnh tranh bất chính, những tham nhũng, những bất công xã hội trong sự đóng góp, phân phối lợi tức kinh tế tạo ra. KTTTXHCN Việt Nam chỉ là một nền "Kinh tế thả lỏng" vô luật lệ, nhưng được trói chặt với chế độ bằng sợi xích
“Tham nhũng".
Tham nhũng là nguồn sống của Đảng nên luôn luôn được điều chỉnh để mỗi ngày một thêm tinh vi hơn. Từ thời Bao cấp đến nay, tùy theo giai đoạn, tùy theo sự tiến triển của kinh tế, Tham nhũng được biến hoá dưới 3 hình thức khác nhau :
1. Tham nhũng = Tuyệt đối:
Trong chế độ Bao cấp, tài sản, tiền của, nhân dân làm ra, đều bị Đảng tịch thu hết. Đảng - Nhà nước như cha mẹ dân, nắm hết tiền của, muốn chia chác cho nhau kiểu nào cũng được. Dân chỉ được Đảng thí cho cái gì thì được cái ấy. Đảng và Nhà nước tuy 2 là 1, như cha với mẹ, nên tham nhũng có tính cách tuyệt đối và vô hình.
2. Tham nhũng = Thuế Đảng:
Khoảng thập niên 90, Đảng cho dân được tự do làm ăn trong một mức độ nào đó với điều kiện là phải đóng góp. Có 2 thứ đóng góp:
- Thuế đóng cho Nhà nước: Gồm nhiều thứ thuế chồng chéo nhau do Đảng tự bày ra, không theo luật lệ nào cả.
- Tiền cung phụng Đảng: Đảng cần rất nhiều tiền vì bộ máy Đảng gọi là bộ máy Lãnh đạo còn to hơn cả bộ máy Nhà nước. Đảng là cha. Đóng góp cho các quan chức lớn nhỏ của Đảng cũng như đưa tiền cho cha. Thuế nộp cho Nhà nước được coi là tiền đưa cho mẹ. Các quan chức trong Đảng coi đó là sự đóng góp đương nhiên còn người dân phải cắn răng chịu: Tham nhũng trở thành "thuế Đảng".
3. Tham nhũng siêu quốc gia:
Từ năm 2000 tới nay, theo đà hội nhập kinh tế toàn cầu, tiền đầu tư nước ngoài, tiền viện trợ, tiền vay ODA, tiền Việt kiều, đổ xô vào Việt Nam để kinh doanh, để xây dựng các công trình, cầu cống, đường sá v.v... Nhưng khả năng kinh doanh còn yếu, một phần không cạnh tranh nổi với Tàu, một phần chỉ là những kinh doanh giả, dự án giả, công trình giả. Cả chục tỉ đô la đó bị tham nhũng gặm nhấm đã tạo cơ hội cho một số người biết móc nối với các vị có quyền thế trong Đảng làm giầu bằng cách mua đi bán lại chứng khoán, cổ phần các xí nghiệp Nhà nước, mua bán nhà đất, mua bán giấy phép xuất nhập cảnh... Một giai cấp Đại gia tư bản đỏ được thành hình. Các đại gia này chia chác cho các vị quyền thế trong Đảng theo tỉ lệ đã được "đồng thuận" là 10-15%. Tính đổ đồng một "áp phe" nhỏ nhất cũng đem lại cho các "ông to" cả triệu đô la. Tham nhũng cao cấp này lấy đô la làm tiêu chuẩn, có liên quan đến các đối tác nước ngoài cũng như với Mafia quốc tế để chuyển tiền, rửa tiền, trở thành "siêu quốc gia".
Chỉ trong khoảng 3 năm từ 2005 đến nay, tham nhũng vượt mức, nhẩy vọt, trở thành quá lộ liễu vì lòng tham không đáy của các ông Chóp bu trong Đảng, đòi cả chục triệu đô la như trong các vụ PMU 18 và PCI mới đây. Cũng vì có sự ghen tức giữa các ông Lớn này, không được ăn thì đạp đổ, nên "Bí mật Nhà nước" bị một số Nhà báo phanh phui. Các nhà báo này tất nhiên là phải chịu khó ngồi tù với tội danh là đã vi phạm luật pháp Việt Nam "lợi dụng quyền viết báo của mình để tiết lộ bí mật Nhà nước".
Yêu cầu mới
Trả lời câu hỏi của BBC: " ...như đánh giá trong cuốn sách của ông thì các thay đổi tư duy kinh tế đều do thúc đẩy của nội tại. Vậy trong thời kỳ mới này liệu sẽ có những nhu cầu mới để chúng ta thay đổi kinh tế một lần nữa không ạ?". Giáo sư Đặng Phong bảo rằng: "Tôi tin là có... người Việt Nam nay đã thực dụng hơn. Không phải đợi 15-20 năm nữa mà chỉ cần 1 năm thôi, nếu thấy có vấn đề nẩy sinh, người Việt Nam có thể tìm cách giải quyết được ".
Tôi thấy BBC rất là thâm thuý trong câu hỏi khi đối chọi "thay đổi tư duy kinh tế" - nghĩa là Đảng đã phải thay đổi tư duy vì bị nội tại thúc đẩy, với "chúng ta thay đổi kinh tế", nghĩa là lần này chính người dân sẽ chủ động và không tư duy tư diếc, định hướng này định hướng nọ, gì cả .
Câu trả lời nước đôi của giáo sư Đặng Phong làm tôi phân vân hơn:
Trước hết tôi hơi ngạc nhiên là một nhà kinh tế học, một nhà khoa học, lại phải dựa vào đức tin như tín đồ một đạo giáo để nói "tôi tin là có". Mà có cái gì? Có thay đổi kinh tế hay có thay đổi chế độ? Hay muốn thay đổi kinh tế phải thay đổi chế độ? Từ Đổi mới tới nay đã gần 20 năm rồi, 1/3 thời gian lâu hơn từ 75 tới 89. Biết bao nhiêu biến chuyển kinh tế trong toàn cầu, biết bao nhiêu yêu cầu mới, biết bao nhiêu vấn đề mới; vậy mà GS Đặng Phong vẫn không thấy, vẫn còn chờ đợi "nếu thấy có vấn đề nẩy sinh". Không có lẽ Tham nhũng đã lên đến cực độ, đang tàn phá kinh tế quốc gia, đang phá hoại sự hội nhập toàn cầu của đất nước mà Giáo sư vẫn chưa thấy đó là vấn đề nẩy sinh từ chế độ và chỉ có thể giải quyết được bằng phải thay đổi chế độ? Tôi hy vọng là GS Đặng Phong đã trả lời BBC trong nghĩa đó. Và nếu được như GS khẳng định "Chỉ cần một năm thôi người Việt Nam có thể tìm cách giải quyết được" thì hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam biết bao !
Thử bàn thêm về Vấn đề nẩy sinh = Vấn đề thay đổi chế độ
Trước hết tôi phải nói cho rõ là "Thay đổi" không có nghĩa là "Thay thế" chế độ Độc đảng. Như tôi đã phân tích nhiều lần trên một Diễn đàn khác, trước nay vẫn có 2 phái trong ĐCSVN: phái nắm bộ máy "Đảng Lãnh đạo" mà những người cầm đầu là Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh... và phái nắm bộ máy "Nhà nước Quản lý" bắt đầu từ Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, đi tới Nguyễn Tấn Dũng hiện thời. Sự chồng chéo giữa 2 bộ máy này gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ mà cho tới nay vẫn chỉ giải quyết được bằng "Đồng thuận".
Nếu có “Thay đổi" thì bộ máy "Đảng lãnh đạo" phải bị tháo bỏ vì quyền thế và lợi lộc đều ở trong tay các vị nắm bộ máy này.
Nhưng với cả tỉ đô la trong tay, các ông lớn "Đảng lãnh đạo" muốn mua chuộc ai cũng được kể cả tư bản nước ngoài. Trong nước các ông đã nắm chắc Công an để không phải lo lắng gì về "bất ổn" đến từ người dân. Còn trong Đảng cũng khó có ai dám kèn cựa, kể cả những người mang tiếng là cấp tiến thuộc phái "Nhà nước Quản lý": Chỉ cần mách đàn anh Trung Quốc thì cứng đầu cứng cổ đến mấy, 1-2 năm sau cũng phải sang chầu.
Bởi vậy trước đây dù rất lạc quan tôi cũng không thể tin là người dân Việt Nam có được phép lạ để, trong nước đương đầu với Công an, ngoài nước chống áp lực Trung Quốc, giải quyết "Vấn đề nẩy sinh" trong vòng 1 năm như ông Đặng Phong tin tưởng.
Nhưng chỉ trong vòng mấy tháng gần đây có 2 diễn biến có thể làm phái tham ô quyền thế "Đảng Lãnh đạo" tự tan rã:
1. Suy thoái kinh tế toàn cầu và tham nhũng làm chựng nguồn đô la chảy vào Việt Nam
- Các nước trước nay vẫn đổ tiền vào Việt Nam đều bị khủng hoảng tài chính kinh tế không đem tiền vào Việt Nam nữa.
- Tham nhũng trở thành quá chừng quá mức, báo chí nào dám phanh phui đều bị đàn áp, khiến nhân dân các nước viện trợ đều công phẫn thấy tiền mình đóng thuế bị ăn cắp, đòi chính phủ các nước này ngưng cấp tiền vay, hoãn các khoảng viện trợ. Các nhà kinh doanh nước ngoài cũng mất hết tin cậy thấy tiền mình bỏ ra bị xén đầu xén đuôi,. đòi bồi hoàn lại và đem tiền về.
Thiếu đô la các tay tham nhũng trong bộ máy Lãnh đạo, cũng như người nghiện thiếu thuốc, tự yếu lần lần. Tiền đô la chuyển ra nước ngoài từ trước cũng bị mất một phần lớn vì chứng khoán, nhà cửa xuống giá. Tiền trong nước cũng vậy. Các ông này không còn khả năng mua chuộc tay chân, bao cấp cho cấp dưới để làm bình phong cho mình nữa, sẽ bị cô lập và sẽ bị chính tay chân của mình phản bội.
2. Chiến thuật đe doạ quân sự Việt Nam và gia tăng áp lực chính trị kinh tế của Trung Quốc có tác dụng ngược lại:
Làm lòi ra những tay gộc, trùm tham nhũng trong "Bộ máy lãnh đạo" đang bán nước cho Tàu, bênh vực Tàu, bắt bỏ tù những người yêu nước biểu tình phản đối bá quyền Tàu, khiến toàn dân vô cùng phẫn uất. Để cứu Đảng, bắt buộc các phần tử gọi là tiến bộ phải làm một cuộc "đảo chính nội bộ". Và để cứu nước khỏi nanh vuốt bá quyền Trung Quốc, người dân muốn hay không sẽ phải đứng về phía những người này.
Chế độ sẽ thay đổi theo cái nghiã là tháo rời được bộ máy "Lãnh đạo", phá được cái chồng chéo, và sẽ cởi mở hơn, vì bắt buộc phải hướng về các nước dân chủ Tây phương. Đó cũng là điều đáng mừng cho dân tộc Việt Nam tránh được cái nạn "một cổ hai tròng". Còn muốn thay thế đươc chế độ chắc còn phải một thời gian nữa.
Phong Uyên
No comments:
Post a Comment