Friday, December 19, 2008

AI ĐƯỢC LỢI TỪ DỰ ÁN THÀNH PHỐ SÔNG HỒNG ?

Ai được lợi từ dự án TP hai bên bờ sông Hồng?
16/12/2008 17h49 (GMT+7)
http://www.vtc.vn/xahoi/dothi/ai-duoc-loi-tu-du-an-tp-hai-ben-bo-song-hong/201418/index.htm
Dự án lập quy hoạch thành phố hai bờ sông Hồng thực chất là một dự án kinh doanh bất động sản 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ở đó chủ đầu tư sẽ chơi bài “mỡ nó rán nó” bằng cách huy động vốn nội địa Việt Nam để đầu tư và bán nhà, bán đất với giá cắt cổ.
TS Nguyễn Hoàn, Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nhận định như vậy tại hội thảo Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, tổ chức ngày 16/12.

Đền bù rẻ mạt, bán giá "cắt cổ"
Theo TS Hoàn, một dự án khổng lồ như vậy khó có chủ đầu tư nào, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài, có đủ tiềm tực tài chính để hoàn thành.
Ông Hoàn dự báo một "kịch bản" hoàn toàn có thể xảy ra đó là sẽ có các tổ chức kinh doanh bất động sản bằng FDI nhảy vào vì họ tận dụng lợi thế được đền bù thu hồi đất với “giá như cho”, đầu tư chút ít (đã được tính vào tổng chi phí), rồi bán đất hoặc xây nhà bán với “giá cắt cổ”.
"Mặt khác tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.099 triệu USD, chủ đầu tư cũng không dại gì đổ vào VN tất cả khoản tiền đó. Họ chỉ bỏ một khoản nào đó để “làm mồi”. Thậm chí là chủ đầu tư nước ngoài sẽ rất khôn khéo để thực hiện lobby (vận động hành lang) ở những nơi cần thiết để được thông qua. Sau đó, họ sẽ lấy “mỡ nó rán nó”, bằng nhiều cách huy động vốn nội địa VN để đầu tư và bán nhà, bán đất với giá cắt cổ" - ông Hoàn phân tích.

Đồng quan điểm này, nhiều nhà kinh tế phân tích: Nếu dự án này được chấp thuận thì chủ đầu tư Hàn Quốc thắng to: Với 7.099 triệu USD như đã nói trên, mà mua được hữu hình 10.200 ha đất tại trung tâm Hà Nội, hai bên bờ sông Hồng và một giá trị thương hiệu Thủ đô Hà Nội 1.000 năm tuổi.
Đồng thời, họ còn cắm được một quy hoạch kiến trúc cảnh quan của sông Hàn, của Seoul vào chính lòng Hà Nội một cách lâu dài với chi phí rất rẻ, lợi nhuận về tiền tệ và phi tiền tệ rất cao chưa từng có từ trước tới nay.
"Tất cả đều lôi kéo xã hội vào "guồng chơi" khá bị động theo ý đồ thiếu lành mạnh của các nhà đầu tư. Toàn bộ sự chênh lệch địa tô do chủ đầu tư thu hết và tạo ra một số khó khăn có vẻ khách quan, rồi kêu váng lên, xin giảm hoặc miễn thuế. Nếu VN không chấp nhận thì họ sẽ tạo ra sự dang dở, kéo dài tiến độ không hạn định, gây bất ổn về mặt xã hội cho Hà Nội. Lúc đó VN chỉ còn cách ‘ngậm bồ hòn làm ngọt”, ông Hoàn nói.

Hơn 1 vạn hộ dân sẽ mất chỗ ở
Tuy bị thuyết phục bới bản thuyết trình của đơn vị lập quy hoạch Hàn Quốc là biến hai bờ sông Hồng thành khu đô thị ven sông, khu thương mại, khu tổng hợp quốc tế... song các nhà khoa học cũng tán thành với những nhận định của TS Nguyễn Hoàn và cho rằng cần “tỉnh táo” xem xét để tránh hậu quả về sau.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay ven sông Hồng đang là nơi cư trú của 42.965 hộ gia đình với 189.600 khẩu. Số hộ phải di dời là 39.100.
Theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ di dời xong. Đây là cuộc di dân tái định cư có chủ trương với quy mô lớn chưa từng có trong sử sách qua các thời kỳ mở nước và dựng nước VN và tốc độ cực nhanh. Bồi thường di dời hết 6 năm và di dời chỉ có 3 năm.
“Các nhà hoạch định vẽ ra kế hoạch rằng năm 2012 mới bắt đầu di dân, thì trước đó lấy mặt bằng đâu mà thi công các hạng mục công trình như tiến độ đặt ra từ giữa năm 2009? Ở đây có phải là đem con bỏ chợ?”, một chuyên gia đặt câu hỏi.
"Điều này càng rõ hơn khi xem xét phương án bồi thường cho đối tượng di dời mà họ đưa ra. Đó là, bồi thường trực tiếp: bằng tiền mặt (đất hoặc nhà) và Bồi thường gián tiếp: cung cấp chung cư cho thuê dài hạn (60-105 m2). Như vậy mới chỉ giải quyết chỗ ở cho 29.000 hộ, còn 10.100 hộ nữa giải quyết ra sao?", TS Nguyễn Hoàn tiếp tục đặt câu hỏi.

PGS.TS Nguyễn Thu Thanh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển Nông thôn, Hội Quy hoạch và Phát triển VN hưởng ứng: “Trong dự án không hề đề cập đến việc đảm bảo cho người dân tại nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn. Người dân sẽ lâm vào tình cảnh không nghề nghiệp, không tài sản, trở thành giai cấp vô sản, con cái thiếu học hành... mấy đời nối tiếp nhau. Đây là bài học thực tế đang diễn ra, dự án này không nên lặp lại”.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội tính toán: Trong quy hoạch có đề cập đến việc cung cấp nhà cho khoảng 97.000 hộ dân nhưng chỉ với mức 10m2/người. Đây là điều không thể chấp nhận được với Hà Nội mở rộng, đấy là còn chưa kể đến các làng nghề, điểm dân cư truyền thống chưa làm rõ các giải pháp xử lý...
Việt Hải

No comments: