Ian
Johnson - The
New York Review of Books
Biên
dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn
Huy Hoàng
Posted on 06/06/2017 by The Observer
Chính trị bản chất luôn là những gì rực rỡ và lộng lẫy,
nhưng hiếm có sự kiện nghi thức thuần túy nào có thể so sánh được với việc triệu
tập Quốc hội Trung Quốc, hay còn gọi là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, kết
thúc vào tuần (cuối tháng 3) này. Dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc
hay trên thế giới thì Đại hội cũng luôn luôn đi theo một lộ trình nhàm chán –
trình ra một bản “báo cáo công việc” tóm tắt các kế hoạch đã biết; những đề xuất
có vấn đề sẽ được đem ra thảo luận để khiến Đại hội trông giống như một cơ quan
thảo luận đang thực sự được triệu tập; những buổi họp của các đại biểu không do
dân bầu và phần lớn không có quyền lực; và cuối cùng là một cuộc họp báo với độ
chân thực giống như các màn đấu võ trong phim kiếm hiệp.
Thế nhưng màn trình diễn này chưa bao giờ không có ý
nghĩa. Năm nay mục đích của nó là làm nổi bật sự trỗi dậy không thể ngăn cản của
Tập Cận Bình như là một trong các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Trung Quốc trong
nhiều thập niên. Ông sắp hoàn thành nhiệm kỳ năm năm đầu tiên và gần như chắc
chắn sẽ được bổ nhiệm lại nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc
lần thứ 19 vào mùa thu năm nay. Phiên họp Quốc hội tuần này là khởi đầu cho sự
kiện ấy, và sự tẻ nhạt của nó lại đặc biệt quan trọng, bởi điều đó thể hiện Tập
đã trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ đến mức nào, vừa kiểm soát
chính trị trong nước một cách trơn tru, vừa đối mặt với những kẻ thách thức như
Donald Trump ở nước ngoài.
Nhưng các màn trình diễn này cũng có nhiều cách diễn
giải. Và sau phiên họp Quốc hội gần đây đã xuất hiện một cách hiểu mới: Tập có
thể là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc mạnh nhất trên giấy tờ – giữ
hàng loạt danh hiệu và có khả năng dập tắt mọi bất đồng chính kiến gần như bất
cứ lúc nào ông muốn – nhưng ít ấn tượng hơn nhiều trong việc đạt được cải cách.
Chẳng hạn, Tập thường được so sánh với Đặng Tiểu
Bình, người điều hành Trung Quốc trong khoảng 20 năm, từ cuối những năm 1970 đến
giữa những năm 1990. Đặng có tiếng là nhà lãnh đạo nổi bật trong cuối thế kỷ 20
không chỉ nhờ khả năng giữ vững quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản – hãy nghĩ tới
thảm sát Thiên An Môn – mà còn bởi việc thử nghiệm các chính sách kinh tế mới đầy
táo bạo. Trong thời kỳ Đặng cầm quyền Trung Quốc đã phát động những cải cách
kinh tế thực chất nhất, như giải phóng nông dân khỏi các hợp tác xã nhà nước
kém hiệu quả, đóng cửa các nhà máy lạc hậu, và đưa đất nước lên đường gia nhập
Tổ chức Thương mại Thế giới.
Khi lên nắm quyền, Tập cũng đưa ra một loạt các cải
cách rộng lớn tương tự và cam kết sẽ “cải hoàn” đất nước. Nhưng các biện pháp của
ông chỉ giới hạn trong cuốn cẩm nang của những người theo chủ nghĩa truyền thống
chuyên chế dân tộc chủ nghĩa cổ điển. Ông theo đuổi một chính sách đối ngoại
bành trướng, chiếm đóng và quân sự hóa các vùng rộng lớn trên Biển Đông, trong
khi tiêu diệt tham nhũng và thúc đẩy các giá trị truyền thống ở trong nước.
Một phần quan trọng trong chính sách này là tăng cường
quyền kiểm soát của Tập. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản mùa thu năm
ngoái, Tập được nâng lên thành nhà lãnh đạo “nòng cốt,” đặt ông vào một vị trí
cao hơn các nhà lãnh đạo khác trong thời gian gần đây – với ý tưởng là Trung Quốc
cần một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn để vượt qua những thời khắc khó khăn.
Trong phiên họp Quốc hội gần đây, điều này được phản
ánh trong cách Tập và hình ảnh của ông thống trị các bản tin trong nước về sự
kiện, dù đây thường là nơi để Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏa sáng. Năm nay, Lý có
vẻ chỉ là một sự bổ sung, và buổi họp báo của ông hôm thứ Tư (15 tháng 3) –
thường là đỉnh điểm của kỳ họp Quốc hội – lại tẻ nhạt tới mức cuộc họp
báo gần như không còn cần thiết.
Việc gạt sang một bên Thủ tướng Trung Quốc, theo
danh nghĩa là người đứng thứ hai trong hệ thống thứ bậc, đi cùng với một diễn
biến khác cũng dần trở nên rõ ràng hơn: Tập có lẽ chưa chỉ định người kế nhiệm.
Do nền chính trị Trung Quốc không được thể chế hóa thực sự rõ ràng nên khó mà
nói điều này là quan trọng vào thời điểm này trong năm, nhưng có thể nói hầu hết
các nhà quan sát đều mong đợi một người kế nhiệm đã phải xuất hiện vào lúc này.
Việc thiếu đi một người kế nhiệm có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (có khả
năng) đang chia rẽ, hoặc là Tập (rất có thể) có ý định gần đến Đại hội Đảng Cộng
sản sẽ cất nhắc một người trung thành để có thể đứng sau nhiếp chính khi ông nghỉ
hưu trong năm năm tới.
Như vậy, sau năm năm cầm quyền, thành tựu chính của
Tập có lẽ là củng cố quyền lực cá nhân trong khi vẫn đáp ứng mong muốn thay đổi
xã hội của người dân thông qua các cuộc đàn áp và thúc đẩy chủ nghĩa truyền thống.
Vấn đề là các nỗ lực đã được thực hiện trong khi phương hại đến các cải cách thực
sự.
Ví dụ, chính phủ đã liên tục nói về nhu cầu cải thiện
hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Nhưng hoạt động lập pháp chính ở Quốc hội là
thiết lập một “bộ dân luật” theo kiểu châu Âu. Về lý thuyết, điều này có thể bảo
vệ các quyền tự do cá nhân và giúp hệ thống pháp luật hoạt động hiệu quả hơn.
Nhưng vấn đề không phải là thiếu luật, mà chính là sự chính trị hóa hệ thống. Mọi
quyết định nhạy cảm vẫn do các cơ quan Đảng đưa ra, chứ không phải là các thẩm
phán độc lập. Vì vậy, bộ luật này rất có thể sẽ là một công cụ cho phép Đảng Cộng
sản có thêm sự bảo vệ pháp lý cho các phán quyết của mình, chứ không phải là
đưa mình vào pháp quyền.
Cấp bách không kém là nhu cầu có những cải cách kinh
tế quan trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hút các nguồn vốn giá trị từ hệ thống
ngân hàng, cũng do nhà nước điều hành, từ đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp
tư nhân năng động hơn. Quá trình đô thị hóa đã bắt đầu, nhưng là dựa trên việc
chiếm đất với giá thấp hơn giá thị trường. Nông dân vẫn không sở hữu đất đai và
cũng không có quyền chuyển nhượng đất thực tế. Người dân nông thôn vẫn khó lòng
đạt được đầy đủ quyền lợi ở các khu vực thành thị. Và tất nhiên, kiểm duyệt đã
trở nên quá đáng đến nỗi ngay cả những phê phán mang tính xây dựng cũng ngày
càng bị đẩy ra ngoài lề, làm cho nhiều người có tư tưởng ôn hòa mất hy vọng rằng
tiếng nói của họ có thể được lắng nghe.
Thất bại hoàn toàn trong việc cải cách nền kinh tế đồng
nghĩa với việc lập luận của chính phủ về tăng trưởng thấp – rằng nền kinh tế
Trung Quốc chỉ chậm lại tạm thời trong khi nó đang được tái cơ cấu – đang ngày
càng trở nên vô lý. Thay vào đó, thực tế có thể sẽ là việc đất nước không có khả
năng cải cách sẽ khiến nó lún sâu thêm vào cái bẫy thu nhập trung bình đáng sợ
– trở thành một đất nước không thể bước tiếp để trở thành một xã hội thịnh vượng
thực sự.
Liệu có vấn đề nào trong số này quan trọng với Tập
hay không? Sự ủng hộ mà người dân dành cho ông có thể giảm đi nếu như nền kinh
tế vẫn tiếp tục trì trệ, trong khi giá cả bất động sản vẫn tiếp tục nằm ngoài tầm
với của những người dân thường. Nhưng các nhà lãnh đạo như Putin vẫn được lòng
dân bất chấp tình hình kinh tế tồi tệ hơn nhiều nhờ vào các cuộc phiêu lưu ở nước
ngoài và đổ lỗi cho người ngoài vì những tai ương của chính đất nước mình.
Nhưng rõ ràng là hình ảnh của Tập như một nhà lãnh đạo
mạnh mẽ và có năng lực đang trở nên ngày càng khó tin. Khi đất nước bước vào
mùa chính trị và việc tái bổ nhiệm Tập cũng gần kề, trông ông bắt đầu khác đi. Thay
vì là một người có khả năng thay đổi mà Trung Quốc cần, rất có thể Tập lại chứng
tỏ mình chẳng khác gì một người quyết tâm canh giữ nguyên trạng.
*
Ian Johnson là nhà báo người Mỹ, làm việc chủ yếu ở
Trung Quốc và Đức. Ông được trao giải Pulitzer ở hạng mục đưa tin quốc tế năm
2001 cho những bài viết về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc,
và giải Báo chí Shorenstein năm 2016. Cuốn sách mới nhất của ông là The Souls of China: The Return of Religion After Mao (Pantheon
Books, 2017).
*
Nguồn: Ian Johnson, “Xi
Jinping: The Illusion of Greatness,” The New York Review of Books,
27/03/2017.
No comments:
Post a Comment