Thursday, June 22, 2017

TỰ BẠCH ĐÔI ĐIỀU NHÂN NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM - 21/6/2017 (Phạm Thành - Bà Đầm Xòe)




Phạm Thành  -  Bà Đầm Xòe
22/06/2017

Nghề làm báo, cứ đến ngày 21.6, thì có người gửi lời chúc mừng. Khi còn làm việc trong một cơ quan báo chí nào đó, nhiều, nhiều lắm những lời, hoa và cả phong bì được gửi đến chúc mừng.

Nhưng nghỉ hưu rồi, lời chúc mừng cũng giảm dần, giảm dần cho đến hết.

Qua 4 năm nghỉ hưu, năm nay tôi chỉ còn được có một người gọi điện đến chúc mừng. Đó là ngài Lê Viết Dược, nguyên đại biểu 2 khóa Quốc hội Việt Nam, nguyên Phó TGĐ Tổng công ty thuốc là Việt Nam.

Cuộc đời tôi, học hết phổ thông năm 1971, không được thi vào đại học, thì cuối năm đó đi bộ đội, làm lính lái xe cho Cục Vận tại Quân đội. Cùng với xe dong duổi, “chiến đấu” khắp cả đất nước. Và đến ngày 4.5.1975 thì có mặt ở Sài Gòn “giải phóng”. Cuối năm rời khỏi lính, chuyển sang đời sống dân sự – làm báo – cho đến ngày về hưu năm 2012.

Như thế, sau gần 5 năm làm lính, tôi có tới 36 năm làm nhà báo, từ báo địa phương (Thanh Hóa) đến báo trung ương (Đài TNVN).

Tại sao tôi rời lính lại đi vào nghề làm báo và lại hành nghề này suốt cả đời? Trước hết, đó là sự lựa chọn của tôi. Vì ngay từ khi còn là lính, nghĩ, nếu mình không thạo nghề viết lách, giải ngũ về địa phương, với “tiền án” lý lịch không cho thi đại học, mình khó mà được học hành, tho cử để có một nghề như mình muốn lắm. Mà không được học hành, thoát ly khỏi nông thôn, thì đời chỉ có phận bám đít trâu đen để sống. Sẽ hành nghề gì để sống là một suy tính ấp ủ của tôi ngay từ lúc chiến tranh chưa kết thúc. Nếu vẫn tiếp tục hành nghề lái xe, đời sống cơm áo sẽ rất khá. Lái xe thời đó đang rất được xã hội coi trọng vì nó kiếm được bộn tiền. Nhiều người ước mơ có cái bằng lái xe như tôi. Nhưng với tôi, tôi luôn nghĩ, lái xe đâu có cần nhiều đến trình độ. Trình độ lớp mấy mà chả lái được xe. Trong khi tôi đã tốt nghiệp phổ thông, học hành cũng giỏi giang có tiếng, sách truyện văn thơ, xưa nay tôi đọc nhiều. Tôi phải dùng cái kiến thức của tôi vào việc gì đó cho có tầm một chút chứ. Thế là, ý chí của tôi tụ về nghề viết lách. Tôi cho rằng, chỉ có viết mình mới có tự do. Vì đầu mình nghĩ, tay mình viết, hoàn toàn không thể có ai cấm cản được mình. Chỉ có nghề viết lách mới có khả năng cho tôi được tự do. Và, số phận đã chiều tôi khi tôi chọn nghề làm báo. Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, sau xem xét hồ sơ rồi thử việc, chỉ từ một người lính lái xe, tôi được nhận vào làm phóng viên như ai ở Đài phát thanh tỉnh Thanh Hóa. Quả thật, trong chế độ cộng sản độc tôn độc tài thì nghề báo là nghề tự do nhất so với tất cả các nghề còn lại khác ở Việt Nam.

Tuy nó là nghề được tự do nhất, nhưng suốt 36 năm làm báo trong hệ thống báo chí nhà nước, tôi chưa bao giờ thấy mình được thoải mái và tự do thật sự, dù có lúc tôi cũng đứng ở vai trò sếp để kiểm duyệt và cho xuất bản báo. Lý do? Có rất nhiều lý do. Phải tận tâm, tận lực, mất nhiều thời gian mới có thể gỡ hết ra các lý do, tại sao lại không có tự do thật sự khi hành nghề nhà báo ở trong hệ thống báo nhà nước. Nhưng có thể khái quát, lý do không có tự do thật sự là bởi đâu. Nó là những nguyên tắc làm báo nhà nước đã trói buộc anh. Cụ thể là gì? Cụ thể là, nhà báo viết gì thì viết, nói gì thì nói, in gì thì in, xuất bản gì thì xuất bản, nhưng nhất nhất không được nói, được viết, được xuất bản sự thật về đảng, nhà nước. Chỉ được nói, viết, in những gì có lợi cho đảng, nhà nước. Tức những gì có lợi cho đảng, nhà nước thì nhà báo tha hồ nói, tha hồ viết, tha hồ in. Ngược lại, những gì là sự thật nhưng không có lợi cho đảng, nhà nước thì không được nói, không được viết, không được in. Đảng và nhà nước luôn khuyến khích, động viên, trao thưởng cho những nhà báo, bài báo có cách viết sáng tạo, sử dụng được nhiều cách nói, cách viết phản ánh hiện thực khách quan, nhưng không thể phạm vào nguyên tắc bất đi bất dịch trên. Nhà báo, sớm muộn gì cũng được đảng, nhà nước rèn rũa, kèm cặp, tôi luyện, để rồi cũng sẽ ‘ tự giác” trở thành những con người khư khư giữ vững lập trường nguyên tắc trên. Cho nên, nhà báo trong hệ thống nhà nước đã được xã hội tấn phong là người: “đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương”. Tức đã thấm nhuần trong cốt cách, trong tư tưởng mọi đường lối, mọi chủ trương của đảng, nhà nước, dù anh là đảng viên hay không phải là đảng viên. Khi anh đã thấm nhuần tư tưởng đó trong đầu, làu làu cái tư tưởng đó trên miệng, anh sẽ là nhà báo được “tự do” nói, viết và phát hành. Ngược lại, khi anh còn chưa thấm, anh còn bị kèm chặt, còn phải đào luyện cho đến chín nẩu mới thôi. Giáo trình báo chí gọi đây là tính đảng. Những nhà báo, dù là học ở trường báo chí hay học ở ngành nghề khác, thích làm báo và được làm báo, mới nhập nghề, thường bài viết có rất “nhiều lỗi”, chủ yếu là lỗi phạm đến “nghiệp vụ” mang tính đảng này. Lãnh đạo báo chí thường bắt những phóng viên này phải viết đi viết lại, phải sửa chữa chấn chỉnh bê bết trên bài viết, cái chính không phải các em mới vào nghề không biết viết báo mà là các em cứ bám vào sự thật, tôn trọng sự thật và thể hiện sự thật trên bài viết của mình, chưa thấm cái tính báo chí phải có tính đảng, nên có lắm lỗi như vậy. Bản chất là các em chưa tiêu hóa được, nhập tâm được nguyên tắc viết báo có tính đảng: chỉ những sự thật nào có lợi cho đảng và nhà nước thì mới được phản ảnh, còn ngược lại thì phải lờ đi hoặc có viết thì phải viết cho khéo.

Tôi cam đoan rằng, tất cả các nhà báo, thế hệ trước đây hay ngày nay, không có ai là không biết đến sự thật này. Ai muốn làm báo bắt buộc phải chấp nhận sống chung với nguyên tắc này.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ nhà báo nào lúc nào cũng ngoan làm nhà báo “tự do” trong cái chuồng mang tính đảng này. Một số nhà báo có trình độ, có bản lĩnh, có lương tâm, họ cố tìm cách vùng vẫy, luồn lách, để thoát ra ở mức độ nhất định khỏi cái lồng nguyên tắc này, bằng cách họ xông vào lĩnh vực báo chí chống tiêu cực. Thực tế, báo chí phản ảnh trong lĩnh vực này, cơ bản nói sự thật được nhiều hơn và đặc biệt đúng khi báo chí “cấp trên” phản ánh thực tế ở địa phương “cấp dưới”. Vì rằng, báo chí địa phương do cấp ủy địa phương quản lý nên không bao giờ dám nêu sự thật ở cùng cấp, cũng như báo chí trung ương thì khó sờ đến lãnh đạo cấp trung ương. Từ đó mới có khái niệm, báo chí chống tiêu cực chỉ được “đánh từ thắt lưng trở xuống” hoặc “tắm từ vai tắm xuống”. Dù chỉ là chống từ “thắt lưng trở xuống”, báo chí chống tiêu cực cũng có tác dụng thật sự. Nó giúp đảng, nhà nước giải tỏa những mâu thuẩn giữa dân với đảng, nhà nước. Một số nhà báo cũng dựa vào chủ trương chống tiêu cực này để phanh phui sự thật ra ánh sáng, chẳng khác gì những bài báo hiện hữu trên mạng xã hội ngày nay. Từ tít báo đến nội dung đã như những viên gạch ngay thẳng đập vào mặt chính quyền, để lại dư âm cho mãi đến ngày nay. Đó những bài báo và những tít báo rất mạnh mẽ và đánh thép: “Những chữ ký làm nghèo đất nước”, “Thiệt hại không thể tính bằng tiền”, “Chính quyền coi dân như cọng rơm”, “Đầy tớ vu vạ ông chủ”, “Ông trời con dưới cầu Đoan Vĩ”, vân vân. Có điều, kiểu đánh du kích này không che được mắt cấp trên. Nó chỉ như những tia lửa lóe sáng rồi vụt tắt dưới nguyên tắc tuyên truyền của đảng.

Cuộc đời tôi có 41 năm theo đảng và nhà nước. Mất 5 năm bộ đội, 5 năm học nghề, còn lại tôi có 36 năm hành nghề làm báo. Trong ba sáu năm đó, tôi có 20 năm luôn đứng ở đội ngũ nhà báo chống tiêu cực. Năm 2017, đang phụ trách Phòng thư ký tòa soạn Báo TNVN, tôi có viết bài “Người anh em Trung Quốc hãy dừng bước”, đăng trên mạng xã hội ( hiện vẫn còn). Thế là tôi bị dừng làm báo trước khi “người anh em” Trung Quốc dừng bước xâm lược Việt Nam, bị bãi nhiệm chức vụ về làm sự vụ cho nghề viết báo. Lay lắt ở đó thêm 4 năm nữa thì năm 2012 đến tuổi về hưu và tôi về hưu.

Nói thực, dù là quay trong guồng máy báo chí nhà nước nhiều năm, nhưng tôi là một người làm báo còn rất nhiều dại khờ. Một trong những dại khờ là tôi chỉ chăm chắm lo làm báo mà không lo kiếm tiền. Chưa bao giờ tôi đặt mục tiêu kiếm tiền song song với nghề làm báo. Đến cuối đời tôi mới nhận ra, hầu hết đồng nghiệp làm báo, họ chỉ coi làm báo như là một nghề để kiếm tiền, làm giầu. Làm báo chỉ là phương tiện, mục đích là kiếm tiền, làm giầu. Tôi thì cứ cố giữ mình cho sạch, mục tiêu làm báo là đấu tranh cho một xã hội công bằng và có tiến bộ. Cũng may, tôi có nhiều bạn bè biết được điều này, nên rất hay cho tôi tiền. Thậm chí có bạn còn rủ tôi mua bán đất để kinh doanh. Nhưng tôi không biết và không thích kinh doanh nên việc kinh doanh kiếm tiền chỉ như “được chăng hay chớ” mà thôi. Biết tôi chẳng có tiền, lại sắp về hưu, thần tài thường xuyên của tôi đem tặng tôi một tỷ VNĐ. Bạn bảo, để anh sửa chữa nhà cửa, nuôi con ăn học và dưỡng tuổi già. Tôi vui vẻ nhận và chi cho những gì bạn nói.

Tháng 8 năm 2012 thì tôi về hưu.


Từ đầu năm 2012, (ngày 1 tháng 1 âm lịch năm 2012) tôi chính thức gia nhập làng báo mạng xã hội với blog Bà Đầm Xòe và đến năm 2014 gia nhập báo xã hội fb Thành Phạm.

Có thể nói, với báo mạng xã hội, tôi như hổ về lại rừng hay như đại bàng được dang rộng đôi cánh với ý chí dứt khoát bằng một tuyên ngôn trên blog: “Hãy xòe cho rông, mở cho hết/ Trắng bụng, lấm lung với tự do”.

Qua 4 năm gắn bó với mạng xã hội, tôi đã viết và đăng trên blog và fb khoảng 400 bài báo đúng nghĩa, vài chục bài thơ, và một tiểu thuyết bi hài “Cò hồn Xã nghĩa”. Một nửa số bài báo, khỏang gần 200 bài, với một ngàn trang và một tiểu thuyết bi hài “Cò hồn Xã nghĩa” với gần một ngàn trang đã được NXB Người Việt, NXB Giao Chỉ và mạng bán sách amazon bên Hoa Kỳ xuất bản, phát hành. Tính ra, mỗi ngày tôi viết và đăng khoảng một ngàn từ, trong đó một nửa đã được xuất bản thành sách.

Viết báo cho mạng xã hội được cái thỏa chí, nhưng lại không được tiền. Trong khi viết cho báo lề đảng, không thỏa chí, nhưng lại được tiền. Nhiều tổng biên tập các báo nhà nước đã thuyết phục tôi viết bài cho họ với dung lượng dưới một ngàn chữ mỗi bài, họ sẽ trả thù lao cho tôi từ 2- 4 triệu VND đồng. Nếu tính 400 bài đăng trên báo lề đảng, số tiền tối thiểu tôi sẽ có là 800 triệu VNĐ. Nhưng tôi kiên quyết cự tuyệt. Trong khi 400 trăm bài này, trong đó có gần 200 bài đã xuất bản thành sách và một tiểu thuyết gần một ngàn trang cũng vừa mới xuất bản thành sách, nhưng đến nay thu nhập của tôi vẫn chỉ là o đồng. Tôi muốn nói điều này để những kẻ “ngậm máu phun người” biết rõ, tôi viết là một sự cống hiến, chứ không phải viết để kiếm tiền như bọn bất lương trong hệ thống đảng, nhà nước thường rêu rao vu khống, rằng tôi đã nhận hàng tỷ tiền của nước ngoài để viết như vậy.

Không được tiền, nhưng đổi lại, tôi lại luôn nhận được sự vui mừng, hoan hỉ đón nhận của bạn đọc về tôi. Tôi nghĩ, như thế là đủ. Tôi hài lòng về sự đóng góp của tôi trong 4 năm qua. Sự vui mừng đón nhận của bạn đọc, ấy là sự sung sướng vô giá nhận về của tôi vậy.

Viết nhân ngày Báo chí Việt Nam 21.6.2017.
P.T.






No comments: