Friday, June 23, 2017

THỰC HƯ VỀ SỰ SUY GIẢM VIỆC LÀM NGÀNH CHẾ TẠO CỦA HOA KỲ (J. Bradford Delong - Project Syndicate)




J. Bradford Delong  -  Project Syndicate 
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 23/06/2017 by The Observer

Trong hai thập niên từ năm 1979 tới năm 1999, số việc làm trong ngành chế tạo tại Mỹ đã giảm nhẹ từ 19 triệu xuống còn 17 triệu việc làm. Nhưng trong một thập niên sau đó, từ năm 1999 tới năm 2009, con số này đã lao dốc xuống chỉ còn 12 triệu việc làm. Sự sụt giảm đáng báo động đó đã làm dấy lên suy nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ đã đột nhiên ngừng hoạt động vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ – ít nhất là với nhóm nam công nhân cổ cồn xanh.

Nhưng nói ngành chế tạo hoàn toàn suôn sẻ trước năm 1999 là sai lầm. Việc làm trong ngành chế tạo thực ra cũng đã bị phá hủy từ những thập niên trước đó. Nhưng công việc mất đi ở một vùng hay một lĩnh vực thường được thay thế bởi công việc mới ở một vùng hoặc một lĩnh vực khác – theo số lượng tuyệt đối, nếu không phải là theo tỷ lệ trong lực lượng lao động.

Thử nhìn lại sự nghiệp của ông tôi, William Walcott Lord, người sinh ra tại New England trong những năm đầu của thế kỷ 20. Năm 1933, công ty giày Lord Brothers Shoe của ông tại Brockton, Massachusetts, phải đối mặt với bờ vực phá sản. Vì thế ông đã chuyển các hoạt động của công ty về vùng South Paris ở tiểu bang Maine, nơi mà giá lao động thấp hơn.

Các công nhân ở Brockton đã rất tuyệt vọng trước chuyện này, cũng như trước sự sụp đổ đang lan rộng của các công việc cổ cồn xanh lương tương đối cao trong các nhà máy trên khắp miền Nam New England. Nhưng theo thống kê tổng, mất mát của họ lại được bù lại bởi vận may dành cho các công nhân vùng nông thôn ở South Paris, những người từ chỗ làm nông cật lực chỉ gần đủ ăn tới chỗ có công việc dường như khá ổn định tại một nhà máy giày.

Vận may của những người công nhân ở South Paris chỉ kéo dài 14 năm. Sau Thế chiến II, ba anh em nhà Lord sợ rằng cuộc suy thoái kinh tế có thể quay lại, vì thế họ thanh lý doanh nghiệp của mình và chia tay nhau. Một người chuyển tới York, Maine; một người chuyển tới Boston. Ông tôi chuyển tới Lakeland, Florida – nằm giữa vịnh Tampa và Orlando – nơi ông đầu cơ bất động sản và theo đuổi ngành xây dựng các công trình phi dân cư.

Một lần nữa, số liệu thống kê tổng không thay đổi nhiều. Có ít công nhân sản xuất giày và bốt hơn, nhưng lại có nhiều công nhân hơn sản xuất hóa chất, xây dựng các tòa nhà, và vận hành công trình “chìa khóa trao tay” tại các nhà máy xử lý phốt phát và các nhà máy khác của Công ty Xây dựng Wellman-Lord có trụ sở tại Florida. Về mặt nhân công trong nội bộ công ty thì Công ty Xây dựng Wellman-Lord có tác động thuần về mặt thu nhập giống như tác động của Công ty Lord Brothers tại Brockton. Công nhân làm cho họ là những người khác nhau tại những địa điểm khác nhau, nhưng trình độ giáo dục và đào tạo của họ thì như nhau.

Vì thế, trong giai đoạn được cho là ổn định sau Thế chiến II, việc làm trong ngành chế tạo (và xây dựng) thực ra lại di chuyển hàng loạt từ các vùng Đông Bắc và Trung Tây xuống vùng Vành đai Mặt trời (tức các bang miền Nam Hoa Kỳ từ Florida tới California – NBT). Nỗi đau mất việc của những người công nhân vùng Đông Bắc và Trung Tây cũng giống như nỗi đau của những người công nhân mới bị mất việc ngày nay.

Trong những năm 2000, việc làm cổ cồn xanh ở Mỹ bị chuyển đổi nhiều hơn là bị mất đi. Trước năm 2006, số việc làm trong ngành chế tạo giảm đi trong khi số việc làm trong ngành xây dựng tăng lên. Và trong các năm 2006 và 2007, số việc làm mất đi trong lĩnh vực xây dựng dân dụng lại được bù đắp bởi số công việc cổ cồn xanh tăng lên trong lĩnh vực hỗ trợ hoạt động kinh doanh đầu tư và xuất khẩu. Phải đến sau cuộc Đại Suy thoái sau năm 2008 thì các công việc lao động cổ cồn xanh mới bắt đầu bị mất đi nhiều hơn là bị chuyển đổi.

Do luôn luôn có một mức độ chuyển đổi nhất định, chúng ta có thể có một góc nhìn chính xác hơn về những gì đã xảy ra bằng cách xem xét số việc làm cổ cồn xanh này theo tỷ lệ trong tổng số việc làm, thay vì nhìn vào số lượng tuyệt đối các công nhân trong ngành chế tạo tại một thời điểm nhất định. Trên thực tế, tỷ trọng việc làm trong ngành chế tạo đã trải qua một sự suy giảm cực kỳ lớn và dài hạn giữa hai thời điểm từ Thế chiến II cho đến nay. Điều này cho thấy những lời tương truyền về việc ngành chế tạo đã ổn định trong một thời gian dài rồi đột nhiên sụp đổ khi Trung Quốc bắt đầu hưởng lợi hoàn toàn không phải là sự thật.

Năm 1943, 38% lực lượng lao động phi nông nghiệp của Mỹ làm việc trong ngành chế tạo, nhờ có nhu cầu lớn về bom và xe tăng tại thời điểm đó. Sau chiến tranh, tỷ lệ thường thấy của nhóm công nhân phi nông nghiệp trong ngành chế tạo rơi vào khoảng 30%.
Nếu nước Mỹ cũng là một cường quốc công nghiệp thời hậu chiến bình thường giống như Đức hay Nhật Bản thì các phát minh công nghệ sẽ đưa tỷ lệ trên từ 30% xuống khoảng 12%. Thay vào đó, nó lại giảm xuống còn 8,6%. Phần lớn suy sự giảm này, tới mức 9,2%, là do những chính sách kinh tế vĩ mô sai lầm từ thời kỳ tổng thống của ông Ronald Reagan đã biến nước Mỹ trở thành một đất nước thâm hụt về tiết kiệm thay vì là một nước có thặng dư tiết kiệm.

Là một nước giàu, Mỹ lẽ ra nên tài trợ cho các quá trình công nghiệp hóa và phát triển trên khắp thế giới, để các nước mới nổi có thể mua hàng chế tạo xuất khẩu của Mỹ. Thay vào đó, nước Mỹ lại chọn đảm nhận những vai trò không hiệu quả khác nhau, như trở thành một cái máy rửa tiền của thế giới, một nhà bảo hiểm rủi ro chính trị, và một nước giữ tiền cho các nước khác. Với các nước đang phát triển, có tài sản đồng đô la lớn đồng nghĩa với việc họ không bao giờ phải phải cầu cạnh đến Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).

Phần còn lại của sự sụt giảm tỷ lệ việc làm ngành chế tạo, từ 9,2% xuống 8,6%, bắt nguồn từ những thay đổi trong hoạt động thương mại, chủ yếu là do sự nổi lên của Trung Quốc. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, đối lập với những gì mà tổng thống Donald Trump đã tuyên bố, gần như không đóng góp gì vào sự suy giảm của ngành chế tạo. Trên thực tế, tất cả những “hiệp định thương mại tồi tệ” đó đã giúp các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ hưởng lợi đáng kể; và khi các lĩnh vực đó phát triển, tỷ phần việc làm trong lĩnh vực chế tạo chỉ giảm 0,1%.

Trong kỷ nguyên của tin vịt, các phong trào xã hội hời hợt, và những câu chuyện gây hiểu lầm như hiện nay thì bắt buộc mỗi người quan tâm đến tương lai tập thể của chúng ta phải có được những con số đúng và đưa được những con số đúng đắn đó đến với đại chúng. Như vị tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa Abraham Lincoln đã nói trong bài phát biểu “Một ngôi nhà chia rẽ” của mình, “Nếu từ đầu chúng ta có thể biết mình đang ở đâu, và đang yếu đi đến mức độ nào, thì chúng ta đã có thể đánh giá tốt hơn rằng mình cần làm gì và làm như thế nào.”

*
Bradford Delong là giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và chuyên viên nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia. Ông là phó trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton, tại đây ông tham gia sâu vào các cuộc đàm phán ngân sách và thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế gói giải cứu Mexico trong cuộc khủng hoảng đồng peso năm 1994 đã đặt ông vào vị trí tiên phong trong cuộc cải tổ Mỹ Latin thành một khu vực của các nền kinh tế mở, và củng cố vị thế của ông như một tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận chính sách kinh tế.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Where US Maufacturing Jobs Reallly Went,  J. Bradford Delong





No comments: