Friday, June 9, 2017

CHỬI XÉO (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 31/05/2017 - 07:56:05

Chửi xéo là chỉ trích đích danh một người, mà người nghe vẫn hiểu là người chửi muốn chỉ trích người khác. Trong câu chuyện kể hôm nay, người chửi xéo là Nghị Sĩ John McCain, người bị chỉ trích là Tổng Thống Nga Vladimir Putin, nhưng đố bạn đọc tìm được ông McCain muốn chỉ trích ai.

Ông đến Úc ngày thứ Hai, 29 tháng 5, 2017 để dự một cuộc hội thảo về vấn đề An Ninh Trên Toàn Thế Giới, và được hãng thông tấn Australian Broadcasting Corp. (ABC) phỏng vấn. Phóng viên ABC hỏi ông, “Nguy cơ lớn nhất đang đe dọa nền an ninh thế giới là nguy cơ nào?”

McCain đáp, “Putin là nguy cơ hàng đầu, và cũng là nguy cơ quan trọng nhất, cấp bách nhất, quan trọng và cấp bách hơn cả nguy cơ ISIS. Tôi biết ISIS có thể làm nhiều chuyện khiếp đảm, và tôi thường ưu tư về việc tín ngưỡng Hồi Giáo sẽ đi về đâu; nhiều biến chuyển đang đến với tôn giáo đó; tuy nhiên Putin vẫn nguy hiểm hơn, vì ông ta đang toan tính phá hủy nền móng của chính sách Dân Chủ, phá hoại bằng cách thay đổi kết quả cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.”

Chỉ trích Nga “thay đổi kết quả cuộc bầu cử của Hoa Kỳ” để “phá hủy nền móng của chính sách Dân Chủ” không thể là chỉ trích ai khác hơn đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, vì ông là thành quả của cuộc thay đổi đó; cuộc thay đổi quan trọng đến mức Quốc Hội Hoa Kỳ đang phải điều tra thật, hư về việc người Nga giúp nặn ra ông Trump, và không ngày nào không có tin xấu cho cả tổng thống lẫn dân tộc Hoa Kỳ.

Nghị Sĩ John McCain được Thủ Tướng Malcolm Turnbull và nữ Ngoại Trưởng Julie Bishop tiếp đón ngày 29 tháng 5, 2017 tại Quốc Hội Úc.

McCain nói tiếp, “Tôi thấy Vladimir Putin và người Nga là thử thách lớn nhất, nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối phó.”

Nghị Sĩ McCain đang giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện.
Phóng viên ABC hỏi ông về việc chàng rể Jared Kushner của tổng thống đang xin người Nga tái lập băng tần liên lạc giữa Nga và Mỹ về trận chiến Syria, và về những tương quan chính trị khác; McCain trả lời vắn tắt, nhưng dứt khoát, “Tôi không ưa chuyện đó, nhất định là không ưa tí nào. Tôi biết vài viên chức Mỹ sẽ nói, Đó chỉ là hình thức trao đổi tin tức thông thường giữa hai đại cường cùng có mặt trong một cuộc chiến tranh. Hình thức đó không thông thường, vì trước ngày tấn phong, tổng thống không có quyền chỉ định chàng rể vào bất cứ một chức vụ nào cả, do đó Kushner không có quyền liên lạc với Nga về chiến tranh Syria.”
Người bị Nghị Sĩ McCain chỉ trích, qua câu nói đó là Bộ Trưởng Nội An John Kelly, vì ông này -cũng trong một cuộc phỏng vấn khác của ABC- nhận định băng tần liên lạc Nga-Mỹ chỉ là chuyện thông thường, có thể chấp nhận.

McCain là một trong số vài vị nghị sĩ Hoa Kỳ liên lạc với Úc để xác nhận là họ “kiên trì ủng hộ liên hệ Úc-Mỹ, sau khi Tổng Thống Trump gay gắt với thủ tướng Úc Turnbull, vì ông này nhắc lại lời hứa của cựu Tổng Thống Barack Obama nhận một số người tị nạn, giúp Úc, vì những người tị nạn đó đang sống trong các trại tị nạn Úc.
Trong một bản thông báo phổ biến ngày mùng 2 tháng Hai, 2017, Nghị Sĩ McCain nói ông đã gọi Đại Sứ Úc tại Mỹ Joe Hockey để giải tỏa ấn tượng cho là Hoa Kỳ vô trách nhiệm đối với vấn đề tị nạn, và cam kết yểm trợ liên hệ Úc-Mỹ.

Quốc Hội Úc nồng nhiệt đón mừng McCain, và dành cho ông cái vinh dự đến đặt vòng hoa tại đài Chiến Sĩ Trận Vong của Úc.

McCain thích nói về thành phố quân cảng Perth, một thành phố nhỏ với trên hai triệu cư dân nằm trên bờ biển Tây Nam Úc, nơi mà thân phụ ông, Thiếu Tá John Sidney “Jack” McCain Jr. đã trú đóng trong lúc chỉ huy một chiếc tiềm thủy đĩnh tham dự cuộc Thế Chiến Thứ Nhì; sau này ông mang cấp bực đô đốc, giữ chức vụ tư lệnh Khu Chiến Thái Bình Dương, trong lúc con trai ông, đại úy John McCain tác chiến tại Việt Nam, bị Việt Cộng bắn rơi trong một cuộc oanh tạc Hà Nội, và bị chúng giam giữ suốt 5 năm.

Hải Quân đại úy John McCain

Ký giả Veronica Stracqualursi mô tả McCain là “người có cuộc sống ly kỳ hơn một nhân vật trong chuyện phim; ông từng là một phi công khu trục tham chiến tại Việt Nam, một tù binh của Việt Cộng, một chính khách được đảng Cộng Hòa chọn làm người đại diện ra tranh cử tổng thống, là một nghị sĩ sáu nhiệm kỳ, là tiêu biểu cho người lính và người cựu chiến binh Hoa Kỳ, và là người không biết sợ khi tấn công Tổng Thống Donald Trump vì quyền lợi của nước Mỹ.”

McCain phản đối Trump khi vị ứng cử viên tổng thống này mô tả người Mễ là bọn hiếp dâm, bọn trộm cướp, và mạt sát bố, mẹ một đại úy người Hồi Giáo phục vụ trong quân đội Mỹ, tử trận trên chiến trường Iraq. Là một Nghị Sĩ Cộng Hòa nhưng McCain công khai từ chối không ủng hộ ứng cử viên Trump.

Ngược lại Trump cũng không ưa gì McCain; ông từng nói, “McCain không phải là một anh hùng; tôi thích những chiến sĩ anh hùng không để bị địch bắt sống.”

Chuyện “bắt sống” xảy ra vào tháng Mười 1967 trên không phận Hà Nội; chiếc Skyhawk ông lái đến oanh tạc Hà Nội bị hỏa tiễn phòng không bắn gẫy cánh phải. McCain mô tả, “Phi cơ rơi thẳng xuống mặt đất; tôi giựt chốt bung ra khỏi phi cơ, sức bung ra mạnh đến nỗi tôi ngất đi.”

Ông mô tả công việc cứu thương của Việt Cộng, “Phải nhìn nhận là họ vất vả lắm mới ráp nối cánh tay tôi gẫy đến ba chỗ; nằm trong phòng giải phẫu tôi theo dõi họ loay hoay suốt một tiếng rưỡi để nối những khúc gẫy lại. Tôi không được chụp thuốc mê."

Chiếc Skyhawk McCain lái đến oanh tạc Hà Nội

McCain không trả lời Trump, nhưng lúc đó Ngoại Trưởng John Kerry -cũng đã phục vụ trên chiến trường Việt Nam- lên tiếng, “John McCain quả là một vị anh hùng, một người có ý chí mạnh, và có tư cách cao thượng. Không chỉ là một người lính chiến, ông còn là một thương binh, một tù binh chịu đựng những cuộc hành xác tàn bạo của địch, nhưng vẫn không nhận ưu đãi của Việt Cộng muốn trả tự do cho ông sớm hơn những tù binh Mỹ khác."

Kerry còn gằn mạnh, “Thats heroism, pure and simple, and it is unimpeachable.” (Quả là anh hùng -anh hùng trong thuần khiết và đơn giản- tư cách anh hùng mà không ai có thể nghi ngờ, căn vặn hay chỉ trích).
Chính khách Úc tỏ ra rất quan tâm đến kế hoạch Asia-Pacific Stability Initiative (Nỗ Lực Ổn định Châu Á Thái Bình Dương) của McCain, với một kinh phí $8 tỉ để cải tiến quân lực địa phương và đưa thêm quân Mỹ, vào vùng Đông Nam Á -vùng biển đang chịu đựng sức tung hoành của Trung Cộng.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và tư lệnh Khu Chiến Thái Bình Dương -đô đốc Harry Harris- đều tuyên bố ủng hộ kế hoạch của McCain.

Tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn còn tùy tổng tư lệnh Trump, do đó không ai tin là kế hoạch Asia-Pacific Stability Initiative có cơ thành hình.

McCain nói, “Putin nguy hiểm nhất, vì ông ta đang toan tính phá hủy nền móng của chính sách Dân Chủ, phá hoại bằng cách thay đổi kết quả cuộc bầu cử của Hoa Kỳ,” câu nói này chỉ là một cách “chửi xéo”; và nhân vật “nguy hiểm nhất” mà ông muốn nói không phải là Putin, mà chỉ là một tác phẩm của Putin, ông muốn ám chỉ Tổng Thống Donald Trump.

Nhiều chính khách Âu và Á Châu đồng ý với ông, bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel đang than thở là Liên Âu phải lo tự vệ vì không còn trông cậy được vào sự yểm trợ của Mỹ nữa, sau khi tổng thống Mỹ, đòi nợ các quốc gia không chi tiêu đủ 2% GDP vào công tác quốc phòng.

Khả năng phòng thủ Liên Âu đang yếu đi, phù hợp với tham vọng của Nga -thôn tính những quốc gia nhỏ, ngày xưa đã bị Nga bắt vào liên bang Sô Viết, và phù hợp với hình ảnh “trật tự mới của thế giới.”

Trật tự mới của thế giới đang do ba vị lãnh tụ này tạo dựng

John McCain, người được cựu Ngoại Trưởng John Kerry ca tụng là thực sự can đảm và có nhân cách mà cũng chỉ chửi xéo, chứ không chỉ trích thẳng Tổng Thống Donald Trump, thì ai làm được việc này?





No comments: