Friday, January 6, 2017

BÀI TRỪ HOA QUẢ NHIỄM ĐỘC TỪ TRUNG QUỐC HAY LÀ CHẾT ! (Định An - Dân Luận)




Định An
Tác giả gửi tới Dân Luận
05/01/2017

Cách đây hai tháng, trong một lần đi công tác tại một xã miền núi, tôi ghé vào nhà một người dân, chị chủ nhà lấy ra một bịch táo mời chúng tôi ăn. Và cũng chia cho con chị mỗi đứa một quả. Nhìn trái táo to, căng mọng, ai cũng nhận ra đây là loại táo có xuất xứ từ Trung Quốc (miền Nam gọi quả bom). Chị chủ nhà tay gọt táo, miệng không ngừng khen táo ngon. Cầm quả táo trên tay, tôi hỏi "chị có biết đây là táo Trung Quốc không, nó rất độc đấy". Chị nói "biết chứ, nhưng ăn có sao đâu, họ bán đầy ngoài chợ, ai cũng mua đâu phải chỉ mình mình". Tôi hỏi tiếp "chị không đọc báo à...". Chị cười ngắt giọng tôi "dân quê chúng tôi báo biết gì, chỉ xem ti vi thôi, mà có thấy ti vi nói gì đâu..."

Nhìn mấy đứa nhỏ ăn táo ngon lành, tôi chợt nhớ tới bài báo "Bí mật rợn người phía sau trái táo Trung Quốc căng mọng" đăng trên báo VietNamNet. Theo bài báo tường thuật, người dân trồng táo buộc những chiếc túi vào quả táo từ lúc nó còn non. Khi bọc phải dùng gang tay và khẩu trang, nếu không muốn mình bị ngộ độc. Trong các túi đó chứa thiram (một loại diệt nấm nguy hiểm, bị cấm) và melarsoprol (hợp chất thạch tín hữu cơ độc hại). Nghỉ mà rùng mình, thật tội cho mấy đứa nhỏ, chúng đang ăn chất độc vào người mà vẫn cười nói vui vẻ.

Mấy ngày qua, lại nghe thông tin trên báo Tuổi trẻ: Rau quả Trung Quốc ùn ùn về Việt Nam đón tết, điều đáng sợ ở đây là, chúng lại đội lốt rau quả Việt để lừa người tiêu dùng. Bài báo cũng cho biết, theo thông kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập tới 63.000 tấn táo, 19.600 tấn cam và hơn 15.000 tấn nho từ Trung Quốc... Trung bình mỗi ngày tại thị trường TP.HCM tiêu thụ khoảng 200 tấn rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, năm 2015, chỉ tính riêng tại một cửa khẩu, số lượng hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam đã lên tới con số hơn 165.300 nghìn tấn.

Tôi không quan tâm tới vấn đề hàng nông sản Trung Quốc đè bẹp nông sản Việt Nam. Vì thị trường là tự do cạnh tranh. Điều tôi lo lắng là chất lượng. Vì hầu như hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam điều độc hại chứ không riêng gì mặt hàng rau quả. Không ai nói tất cả hàng nông sản Trung Quốc nhập sang Việt Nam điều nhiễm độc nhưng cũng không ai dám chắc nó an toàn.

Vấn đề của chúng ta là thiếu các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng kém chất lượng. Nếu làm tốt ở khâu kiểm soát chúng ngay tại cửa khẩu thì đã không dẫn đến tình trạng rau quả nhiễm độc tràn ngập thị trường.

Có một người bạn hỏi tôi rằng, biết hàng nông sản Trung Quốc nhiễm độc như vậy sao không tẩy chay - đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Do chúng ta đã ký hiệp định thương mại nên không thể nói là tẩy chay hàng Trung Quốc nhưng tiêu thụ hay không là quyền của chúng ta.

Nói về việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Lạng Sơn cho hay, lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu vẫn thực hiện kiểm tra, kiểm soát ATTP nhưng hầu hết là bằng cảm quan. Bà cũng khẳng định: “Trong năm 2015, qua kiểm tra, giám sát và lấy mẫu phân tích chưa phát hiện lô rau, củ quả nào của Trung Quốc nhiễm hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép" (anninhthudo.vn, 12/1/2016). Hoặc như chuyện dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón như lời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì lấy gì để tin tưởng, bảo đảm. Hay nói như ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) vẫn ăn hoa quả nhiễm độc vì chúng vẫn an toàn.

Sắp tới, nhiều loại hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Việt Nam theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Đó không chỉ là cơn bão tàn phá nông sản Việt mà còn tàn phá sức khỏe người dân.

Giữa muôn trùng bủa vây của thực phẩm bẩn nói chung và hoa quả nhiễm độc nói riêng không dễ gì phòng tránh. Cho dù ở góc độ gia đình phòng được nhưng bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân, quán ăn, nhà hàng sao tránh được. Một tiểu thương chợ đầu mối Tam Bình (Sài Gòn) tiết lộ đúng là có tình trạng hàng Trung Quốc bị tẩy chay ở chợ lẻ, nhưng lại bán rất chạy vào nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán càphê. Như vậy, người Việt chúng ta tránh hàng Trung Quốc ở bếp ăn gia đình thì lại gặp ở quán ăn, nhà hàng, khách sạn, quán càphê… Kiểu gì cũng phải ăn (theo tuổi trẻ). Đó là chưa nói tới ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân không được tiếp cận thông tin nhiều, như chị chủ nhà tôi kể trên là một ví dụ.

Theo số liệu do Cục Cảnh sát môi trường, 70% người bị ung thư ở nước ta là do ăn thực phẩm bẩn, trong đó có sự góp phần không nhỏ rau quả nhiễm độc. Câu chuyện của một người có 15 năm buôn hoa quả Trung Quốc sẽ làm chúng ta kinh hãi: Chị Nguyễn Thị Thoa (vĩnh Phúc), có nhà lầu xe hơi nhờ buôn hoa quả Trung Quốc, nhưng chị và gia đình không bao giờ giám ăn nó, vì rất độc. Sau hơn 10 năm tiếp xúc với thứ hoa quả Trung Quốc này (chọn hoa quả và cân hoa quả cho khách) trực tiếp bằng tay, giờ đây đôi bàn tay của cả hai vợ chồng chị bị biến dạng, 10 đầu ngón tay vàng ố, móng tay xù xì giống như bị cho vào lửa đốt cháy dở. Chị Hoa cho biết, công việc buôn bán kiếm cơm cho gia đình không thể bỏ được nên 3 năm nay, thay vì cầm nắm trực tiếp, cả hai vợ chồng đều phải đeo loại găng tay cao su mỗi khi chọn hoa quả cân bán cho khách để bảo vệ đôi bàn tay mình (vietnamnet.vn, 22/1/2016). Tiếp xúc ngoài da đã như vậy huống gì là ăn vào bụng.

Như chúng ta thấy đấy, nhiều vị lãnh đạo có biệt thự, nhà vườn tự cung cấp thực phẩm - ví như, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cả vườn rau sạch, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có cả trang trại cung cấp thực phẩm không thiếu thứ gì... Nếu không thì cũng dùng thực phẩm nhập từ các nước Mỹ, Nhật, Hàn, EU... Nhà giàu có tiền họ cũng lựa chọn thực phẩm sạch. Chung lại chỉ khổ người dân không có tiền, không thể lựa chọn "biết chết nhưng vẫn ăn".

Đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý, kiểm duyệt cũng như chế tài nghiêm khắc từ phía chính quyền. Đồng thời đẩy mạnh những chương trình, phong trào tuyên truyền công bố cho người dân biết về sự độc hại, cách phân biệt hoa quả nhập khẩu không bảo đảm chất lượng. Có như vậy mới nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân, cộng đồng. Để họ không còn phải bỏ tiền ra để mua thuốc độc cho mình.

Vì sức khỏe người dân, vì tương lai đất nước, hãy xem việc chống thực phẩm bẩn là cuộc chiến sinh tử!

Định An


No comments: