Tuesday, January 31, 2017

KREMLIN ĐÃ CHẾ NGỰ CHÂU ÂU BẰNG PHƯƠNG PHÁP MỚI CỦA KGB NHƯ THẾ NÀO? (Michal Kokot - Nhật báo WYBORCZA)




Michal Kokot  -  Nhật báo WYBORCZA, Ba Lan
Dịch giả: Đinh Minh Đạo
Posted by adminbasam on 27/01/2017

Nhờ tuyên truyền và hậu thuẫn của Nga, các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc đã gây được ảnh hưởng ở châu Âu. Một khi thành công trong việc gây sự hoài nghi đối với các nguyên tắc tự do dân chủ, Nga có thể đi đến thương lượng để thiết lập một hệ thống an ninh mới ở châu Âu.

Bóp méo thông tin, tạo thông tin giả

Năm 2008, khi cuộc khủng khoảng thế giới xẩy ra, người Mỹ tìm giải pháp để xử lý vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers, Nga đã soạn thảo kế hoạch tìm cách phá bỏ hệ thống hậu chiến tranh lạnh. Họ đã gần đạt tới mục đích.

Gần đây, họ chơi con bài Trung Cận Đông, ủng hộ nhà độc tài Syria Baszar-Asada và ký hiệp định ngừng bắn với Thổ và Iran. Trong tay họ còn có tổng thống Mỹ mới được bầu Donald Trump, người có dự định không can thiệp vào các sự kiện của thế giới và đồng ý (một cách có ý thức hay không) với học thuyết của Putin, đã được chính Putin trình bầy tại Munich cách đây 7 năm, trong hội nghị an ninh thế giới.

Năm 2007, tổng thống Nga nói về sự kết thúc của thế giới một cực, tất nhiên là ám chỉ sự thống trị của Mỹ. Một năm sau Nga gây chiến với Gruzia. Washington lo lắng đứng nhìn đoàn quân xâm lược Nga tiến chiếm các doanh trại quân đội Gruzia, trong đó còn chất đầy vũ khí, khí tài của Mỹ, nhưng Mỹ đã không làm gì để ngăn chặn hành động xâm lược này.

Tương tự như trên, mấy năm sau khi Nga sáp nhập Krym của Ukrain hay ủng hộ chế độ Asad. Sự xâm lược này được bộ máy tuyên truyền phụ họa, cố chứng minh tính chính đáng của hành động. Khi trước đó 3 năm, kênh truyền hình “Nước Nga Ngày Nay” tường thuật từ Krym đã không che đậy thừa nhận những người mặc áo xanh thực chất là những chỉ huy, rằng nước Nga buộc phải hành động vì Kiev phân biệt đối xử với những người dân nói tiếng Nga.

Từ lâu người Nga đã đầu tư vào các công cụ tuyên truyền. Ngân sách hàng năm của kênh truyền hình “Nước Nga Ngày Nay” được nhà nước cung cấp rất cao, khoảng 365 triệu đô la. Dịch vụ “Sputnik” thuộc quản lý của hãng thông tấn nhà nước “Nước Nga Hôm Nay”, xuất bản bằng 39 thứ tiếng (trong đó có tiếng Scotland) và 6 hãng tin tức (tiếng Tầu, Tây Ban Nha , Anh…)

Moscow coi cuộc chiến tranh tin tức cũng chứa đựng nghệ thuật chiến tranh giống như mỗi cuộc chiến tranh khác. Valeri Gierasimov, một người lãnh đạo chủ chốt ngành truyền thông Nga năm 2013 đã thẳng thắn xác nhận: “Chìa khóa để bảo vệ thế kỷ XXI là áp dụng rộng rãi đưa thông tin sai lệch, kết hợp với lợi dụng quần chúng đi đến phản kháng”. Kịch bản này đã được áp dụng ở Krym.

Cuộc cách mang kỹ thuật đã tạo ra khả năng để Nga thực hiện ý đồ đã được vạch ra.Trong những năm 80, người Nga đã tìm cách buộc các phương tiện truyền thông phương tây tiếp nhận thông tin giả mạo, rằng CIA đã tạo ra dịch bệnh AIDS để loại khỏi xã hội Mỹ những người đồng tính, những người Mỹ gốc Phi (vì theo thống kê thường hay lây nhiễm virus). KGB Nga đã tiến hành chiến dịch “NHIỄM TRÙNG” trong vài năm để thuyết phục dư luận quần chúng Mỹ. Các điệp viên Nga đã biên soạn các tài liệu kết quả thử nghiệm y học giả mạo về dịch bệnh AIDS, họ đã viết thư gửi tòa soạn các báo trên khắp thế giới vào cuối những năm 80. Các bức thư viết về một âm mưu của CIA, cũng đã được gửi đến tòa soạn các báo có uy tín của Mỹ. Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, giám đốc KGB sau này là thủ tướng Nga Jevgenie Primakov mới cải chính toàn bộ sự kiện nói trên.

Hiện nay như hai nhà báo Peter Pomerancev và Edvard Lueas của tổ chức bất vụ lợi CEPA đã nói: “Tung tin giả được thực hiện trong phạm vi rộng, hiệu quả đến nhanh. Chỉ cần chế biến tin giả, tung nó lên mạng internet. Mục đích không phải để thuyết phục các phương tiện truyền thông chính thống, mà cốt để thông tin chảy đến những người nhận, những người không tin tưởng ở chính phủ của họ và luôn đi tìm những thông tin để xác nhận những định kiến của mình”.

Người Séc đã bị dao động trước tuyên truyền của Nga

Các cổng thông tin phục vụ mục đích nêu trên đây của Nga xuất hiện nhiều ở trung và đông Âu. Trong những tháng gần đây chúng được lập ra nhiều Séc và Slovakia, chúng được nuôi dưỡng bằng những thuyết âm mưu rất đa dạng. Gần đây trên các cổng thông tin này xuất hiện tin hàng ngàn lính Mỹ đã được điều động đến Đức để chuẩn bị chiến dịch chống lại Nga (tin tức từ trang Protiproud.cz ngày 09-01-2017). Cách đây không lâu, dư luận xã hội ở Séc và Slovakia đã chịu ảnh hưởng trước tin tức , rằng dòng người tỵ nạn sẽ tăng mạnh và nền văn minh tây Âu sẽ biến mất.

Tổ chức think tank European Values tại Praha của Séc đã thống kê được gần 40 cổng thông tin bằng tiếng Séc có liên quan với các tổ chức kinh doanh của Nga và tung ra các tin tức thất thiệt. Đó là nguồn “thực phẩm” nuôi dưỡng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Séc và Slovakia, chính những người này đã sao chép phương pháp tuyên truyền của Nga để vận động tranh cử giành chính quyền. Đảng Dân Tộc Slovakia trở thành liên minh cầm quyền cách đây không lâu sau cuộc bầu cử vào quốc hội. Cũng trong cuộc bầu cử này, đảng tân phát xít Marian Kotleby (cổ vũ rút Slovakia ra khỏi NATO), lần đầu tiên giành 8% số phiếu cử tri để có mặt trong quốc hội.

Tình hình trên đây có thể sẽ không xẩy ra nếu những nhà chính trị của các đảng chính của Slovakia, đặc biệt là thủ tướng Rober Fico không ve vãn những người theo chủ nghĩa dân tộc, không xử dụng rộng rãi các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa trong cuộc vận động bầu cử. Cuối cùng thì đã thấy rõ nó không có hiệu quả cho Fico.

Hinh mẫu Nga phù hợp với Hungary

Ảnh hưởng của trào lưu cực hữu đối với chính sách của chính quyền cũng rất mạnh mẽ ở Hungary.

Sự phát triển lực lượng mạnh mẽ của đảng Jobbik (theo thằm dò 12% cử tri ủng hộ, chỉ đứng sau đảng cầm quyền Fidesz) nhờ những khẩu hiệu chống đối người nhập cư, giống như chính sách cứng rắn của đảng Fidesz của thủ tướng Orban. Jobbik trong quá khứ đã nhận được sự trợ giúp tài chính của Nga, nhiều nhà hoạt động chủ chốt của đảng là khách mời thường xuyên của các đại hội đảng Một Nước Nga của Putin, họ cũng được mời tham dự chính thức lễ kỷ niệm hàng năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong năm 2014, khi mà Nga xâm lược lãnh thổ của Ukraina, chủ tịch đảng Gabor Vona đến Moscow để yêu cầu lãnh đạo đảng Một nước Nga ủng hộ việc thành lập nước cộng hòa tự trị cho người thiểu số gốc Hungary sống ở vùng đất của Ukraina giáp với Hungary, có nghĩa là họ muốn chiếm dụng một phần lãnh thổ của Ukraina.

Trong vùng lãnh thổ của Hungary giáp với vùng lãnh thổ nói trên của Ukraina có đại biểu quốc hội Liên Minh Châu Âu Bela Kovac người bị Ukraina nghi ngờ là gián điệp cho Nga và hoạt động ly khai. Kovac cũng bị Hung kết tội làm gián điệp cho Nga.

Phó chủ tịch Jobbik, cách đây vài tuần đã ra tuyên bố, rằng mình không hổ thẹn về chính sách của đảng Một Nước Nga. Hungary phản đối triển khai trung tâm chỉ huy NATO trên lãnh thổ của mình, được gọi là lực lượng phản ứng nhanh phía đông. Gyongysi viết :”Chúng tôi yêu cầu chính phủ ngưng phục vụ lợi ích của nước ngoài, xâm phạm chủ quyền của Hungary! Không cho phép để đất nước một lần nữa trở thành vùng chiến trận của các cường quốc”.

Đối với những người Hungary, vết thương sau chiến tranh thế giới lần thứ II vẫn còn nhức nhối, đó là điều khoản của các quốc gia thắng trận áp đặt đã lấy đi 2/3 lãnh thổ của Hungary, vì vậy sự biện luận trên đây của Gyongysi đã nhằm vào tâm lý chung của người Hungary. Vậy không có gì khó hiểu, khi sự biện luận này cũng giúp đảng Fidesz đang cầm quyền đưa Hungary ngày càng đến gần với mô hình nhà nước của Nga. Kinh tế tập trung vào tầng lớp thiểu số, truyền thông ngày càng ít độc lập hơn vì các phương tiện thông tin ngày càng tập trung vào tay các doanh nhân, có liên hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị. Truyền thông chỉ truyền đạt những quan điểm chính trị, kinh tế của chính quyền. Nếu chú ý đến những nhân vật cao cấp trong nội các của Orban, Janos Lazar tránh văn phòng phủ thủ tướng và Antal Rogan được gọi là “bộ trưởng tuyên truyền”, Arpad Habony là cố vấn không chính thức, cách đây không lâu trở thành chủ nhân của cổng thông tin “Lokal”. Bộ ba này đảm nhiệm cuộc vận động chống người tị nạn, được tiến hành cách đây không lâu. Đây là một cuộc vận động rộng lớn nhất kể từ sau năm 1989, mục đích tiến đến chinh phục sự ủng hộ 50% cử tri Hungary. Rogan, Habony hay Lazar đã đóng vai trò sáng tạo, được gọi là công nghệ chính trị ở Nga : Sáng tạo và lập ra những chủ đề thay thế nhận xét của quần chúng mỗi khi tín nhiệm của quần chúng đối với chính phủ bị giảm sút.

Trong quá khứ, đã có cuộc vận động của Liên Minh Châu Âu (EU) nhằm trừng phạt Hungary sau những thay đổi phi dân chủ của chính quyền Orban (thay đổi đạo luật để hạn chế quyền lực của tòa án hiến pháp). Khi EU rút lại ý định này, tại Hungary đã xuất hiện rất nhiều hình thức quảng cáo của Fidesz để quảng bá, rằng “chúng ta có thể phản kháng lại phương Tây”.

Orban là nhân vật đầu tiên cho rằng, kỷ nguyên dân chủ tự do đã kết thúc và tin tưởng vào kiểu mẫu Nga. Hệ thống nhà nước Hungary hiện nay vẫn là dân chủ, nhưng liên tục trong 7 năm gần đây, nó đã được đảng cầm quyền sửa đổi để gây khó khăn tối đa cho các đảng khác trong bầu cử. Orban cho rằng, phương Tây đã không nhìn nhận một cách đúng đắn khi thóa mạ và cáo buộc Hungary.

Chiều hướng chống lại dân chủ của Hungary đã dẫn đến căng thẳng với các thành viên lớn của EU, đặc biệt là Đức. Nhưng tại Budapesz ít ai chú ý đến tình hình này, cũng như Hungary đang ngả dần vào cánh tay Nga.

Sự việc còn xa hơn khi Hungary cuối cùng đã quyết định tìm lợi ích kinh tế từ Nga. Một thí dụ nổi bật là việc ký hợp đồng để Nga xây dựng nhà máy điện nguyên tử Paks cho Hungary, trong đó thực chất Nga sẽ giành quyền kiểm soát hoàn toàn nhà máy trong 20 năm (độc quyền cung cấp nhiên liệu)

Bulgaria đi quanh giữa Moscow và Bruksel

Bungaria là thành viên EU có mức độ phụ thuộc về kinh tế vào Moscow nhiều nhất trong EU. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington (CSIS), 27% nền kinh tế của Bulgaria phụ thuộc vào Nga.

Đến 34% sản lượng điện của Bulgaria được sản xuất từ các nhà máy điện nguyên tử mà nhiên liệu phải nhập khẩu từ Nga. Một thương gia Nga giữ vai trò không kém phần quan trọng, ông Lukoil giữ quyền kiểm soát tới 50% thị trường nhiên liệu của Bulgaria, năm 2014 tiền bán hàng của tập đoàn này lên đến 3,3 tỷ euro, tiền thuế nộp bằng 1/4 ngân sách quốc gia của Bulgari.

Tình hình trên đây khiến các nhà chính trị không ngừng đi quanh co để đảm bảo sự trung thành với EU , NATO và sự hậu thuẫn về chính trị kinh tế của Nga. Trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây, Rumen Radev, một cựu tướng không quân, thân Nga đã trúng cử. Ngay sau đó, chính phủ Bungaria đã hủy hợp đồng sửa chữa các động cơ máy bay MiG với Ba Lan, chuyển sang ký hợp đồng với Nga.

Ba Lan: gôn vào lưới đội nhà

Về nguyên tắc, chính phủ Ba Lan lo ngại về tình hình các nước đã nêu trên đây. Ba Lan lo ngại vì bộ trưởng bộ ngoại giao mong muốn liên kết một số nước giáp giới với Nga. Nhưng xu hướng thân Nga ở các nước Slovakia, Moldavi, Séc và Hungarya phát khiến ý tưởng này trở thành một điều không tưởng. Những quốc gia kể trên chia rẽ nhiều hơn là liên kết, đây đúng là một nghịch lý cho lợi ích chung của EU.

Trên dòng sông Visla (Ba Lan – ND) sự tuyên truyền của Nga không mạnh như ở các quốc gia khác trong vùng. Chiều hướng chống đối phương Tây đã thể hiện qua chỉnh phủ mới được bầu cách đây hơn một năm. Đó là chính sách xuất phát từ bên trong đảng không phải do tác động từ bên ngoài. Đảng cầm quyền hiện nay của Ba Lan đã vi phạm các quy tắc lãnh đạo của EU như coi nhẹ nguyên tắc phân chia quyền lực, sự độc lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, coi nhẹ các yêu cầu của EU về rút bỏ những đỉều khoản mới về tòa án hiến pháp, không phù hợp với nguyên tắc dân chủ.

Chính phủ Ba Lan hiện nay nâng đỡ truyền thông cánh hữu.

Những phương tiện truyền thông cánh hữu thường đưa ra các chủ đề phản đối EU, chống người nhập cư… , họ áp dụng phương pháp tuyên truyền giống như các phương tiện truyền thông của Nga.

Đang tồn tại xu hướng của chủ nghĩa dân tộc ích kỷ ở Ba Lan cũng như ở châu Âu, sớm hay muộn sẽ dẫn đến kết thúc dự án châu Âu, đem lại lợi thế cho Nga. Moscow sẽ dễ dàng áp đặt những điều kiện để chia rẽ, làm suy yếu sự thống nhất của một châu Âu vững mạnh.
Warszawa tháng 01-2017

Ghi chú: Dịch từ nhật báo WYBORCZA Ba Lan





No comments: