26.01.2017
Tổng thống Donald Trump tin rằng có hàng triệu người
đã bỏ phiếu bất hợp pháp trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm
thứ Ba, mặc dù có chứng cứ rộng rãi cho thấy điều ngược lại.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho các nhà báo biết “Tổng thống không tin điều đó”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho các nhà báo biết “Tổng thống không tin điều đó”.
Các
giới chức chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 nói họ không thấy có
chứng cứ về gian lận bầu cử và trong lịch sử bầu cử tại Hoa Kỳ cũng không có
chuyện này. Ngay cả Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nhân vật cấp cao nhất của đảng
Cộng hòa trong Quốc hội, cũng nói ông không thấy có bằng chứng hậu thuẫn cho
tuyên bố của ông Trump.
Ông Trump đã giành chiến thắng với số phiếu cử tri
đoàn, là số phiếu quyết định ai sẽ đắc cử tổng thống, nhưng về số phiếu phổ
thông, ông thua đối thủ bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đến gần 3 triệu
phiếu.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố ông lẽ ra đã thắng
số phiếu phổ thông, nếu không có gian lận bầu cử. Nhưng ông chưa từng chưng ra
những chứng cớ nào để chứng minh tuyên bố của ông là có cơ sở.
Đây là phát
biểu mới nhất trong một loạt những phát biểu ‘lạc đề’ trong những ngày đầu của
chính quyền Trump, có nguy cơ làm lu mờ các mục tiêu sửa luật của ông, và nỗ lực
đẩy mạnh các đề xuất về chính sách.
Hôm thứ Bảy, một ngày sau khi nhậm chức để trở thành
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Trump phàn nàn rằng truyền thông đã hạ thấp số
lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông. Ông mô tả các nhà báo là “những người
gian manh nhất trên trái đất”.
-------------------------------
25.01.2017
WASHINGTON — Chưa đầy một tuần sau lễ nhậm
chức Tổng thống, các nghị sĩ Ðảng Dân chủ cảnh báo tân Tổng thống Donald Trump
rằng ông nên tập trung vào việc thực hiện những hứa hẹn mà ông đã đưa ra khi
tranh cử và thôi cố chứng minh cho những chuyện không đúng sự thật. Cảnh
báo này được đưa ra ngay sau khi ông Trump tuyên bố rằng lễ đăng quang của ông
có số người tham dự đông nhất từ trước tới nay, và rằng lẽ ra ông đã thắng cả số
phiếu phổ thông lẫn phiếu cử tri đoàn trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông Trump giành được 306 phiếu đại cử tri, so với bà
Hillary Clinton chỉ giành được 232 phiếu, bảo đảm thắng lợi bầu cử không thể
tranh cãi. Nhưng kết quả kiểm phiếu sau cùng cho thấy số phiếu phổ thông mà bà
Clinton giành được vượt số phiếu của ông Trump tới 3 triệu phiếu. Sau lễ nhậm
chức, ông Trump nói kết quả đó phản ảnh các vụ gian lận bầu cử. Phát ngôn viên
Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã xác nhận cáo buộc đó của ông Trump hôm thứ Ba 24/1:
"Trong phát biểu của tổng thống, ông nói từ 3 đến 5 triệu người có
thể đã đi bầu bất hợp lệ, căn cứ trên những nghiên cứu mà ông được xem. Nhưng tổng
thống nói rất rõ rằng ông thắng cử căn cứ vào 306 phiếu đại cử tri mà ông đã
giành được."
Chính quyền của ông Trump cũng quả quyết rằng lễ nhậm
chức tổng thống của ông có số người tham dự cao nhất từ trước tới nay, trái ngược
với tường trình và hình ảnh do truyền thông báo chí loan tải. Theo ước tính từ
nhiều nguồn, số người tham gia cuộc tuần hành phản đối của phụ nữ một ngày sau
lễ nhậm chức, cao hơn xa so với số người đến xem lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống
của ông Trump.
Những người theo Cộng hòa của ông Trump tìm cách
lánh xa vụ tranh cãi này. Nhưng khi bị các phóng viên báo chí hỏi dồn, Chủ tịch
Quốc hội Paul Ryan nói:
"Tôi đã phát biểu về vấn đề
này rồi. Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy là có gian lận bầu cử, và
tôi đã làm rõ, rất rõ vấn đề này."
Ông Ryan sau đó nhanh chóng đổi sang đề tài khác.
Nhưng các nghị sĩ Dân chủ đã gởi đi một thông điệp đến tân tổng thống nhấn mạnh
rằng ông sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì ông đã nói.
Thượng
nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số Dân chủ ở Thượng viện, nói:
"Ông không thể lãnh đạo một chính phủ, ông không thể giúp dân chúng,
ông không thể bảo vệ an toàn cho đất nước nếu ông không chấp nhận sự thật, những
dữ kiện thực tế. Đơn giản và rõ ràng như vậy. Nếu ông không bắt đầu làm như vậy,
thì đất nước này sẽ gặp rắc rối to. Và đó sẽ không phải là rắc rối của Ðảng Dân
chủ, hay Ðảng Cộng hòa, rắc rối của lập trường cấp tiến hay bảo thủ -- mà là rắc
rối vì người ta đã lẫn tránh sự thật."
Trong phát biểu hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Chuck
Schumer của bang New York cũng khiển trách các đảng viên Cộng hòa đã không phản
ứng đủ mạnh trước những tuyên bố không có cơ sở của Tổng thống Trump.
"Khi những điều không đúng sự thật được nói ra, các đồng sự của
chúng ta bên Đảng Cộng hòa có nghĩa vụ phải bác bỏ những điều đó, chứ không phải
tìm cách nói vòng vo, lẩn tránh vấn đề."
Ông Schumer còn nói rằng, trong cương vị tổng thống,
ông Trump không nên nói về bầu cử hay số người đến xem lễ đăng quang của ông,
mà nên chú tâm vào những việc như ông sẽ kiến tạo bao nhiêu việc làm mới.
Một trong những hứa hẹn khi ra tranh cử của ông
Trump là khôi phục ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ, và đàm phán lại các hiệp
định thương mại mà ông tin là phương hại tới người lao động Mỹ.
-----------------------
25.01.2017
ĐIỆN CAPITOL — Hôm thứ Ba, Thượng viện Mỹ chỉ
chuẩn thuận được một người trong số những nhân vật được Tổng thống Trump đề cử
vào các chức vụ chủ chốt trong chính phủ của ông: Thống đốc Nikki Haley được
chuẩn thuận vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Từ điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, thông tín
viên Michael Bowman của VOA tường thuật rằng các đảng viên Đảng Cộng Hòa tố cáo
các chính khách Dân Chủ là sử dụng các chiến thuật nguy hiểm để trì hoãn tiến
trình chuẩn thuận nhân sự, trong khi phe Dân chủ nhất mực khẳng định họ chỉ làm
nhiệm vụ của mình theo hiến pháp.
Cho tới bây giờ, các nhân vật đã được chuẩn nhận vào
Nội các chính phủ Tổng thống Trump gồm có Bộ trưởng Quốc phòng John Mattis, Bộ
trưởng An ninh Nội địa John Kelly, và Giám đốc CIA Mike Pompeo. Hiện chưa biết
số phận của hơn một chục nhân vật chủ yếu được ông Trump đề cử vì họ đang được
cứu xét tại Thượng viện.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer bày tỏ sự
bực dọc của ông:
“Chúng ta đang ngồi đây và đòi Tổng thống phải xúc tiến nghị trình của
ông tại một thời điểm khi mà các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang cố trì hoãn việc chuẩn
thuận một số đông nhân vật đã được đề cử vào nội các của Tổng thống Trump. Xin
quý vị hãy hoàn tất nhiệm vụ đó. Nền kinh tế và sự an toàn của đất nước chúng
ta tuỳ thuộc vào đó.”
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ thuộc nhóm thiểu số trong
Thượng viện tự họ không thể ngăn chặn các quyết định bổ nhiệm nhân sự, tuy
nhiên họ có thể trì hoãn việc biểu quyết trong nhiều ngày, là điều đã xảy ra
cho ông Rex Tillerson, người được ông Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Ngoại
giao, gây bực dọc cho các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Bob Corker phát biểu:
“Vào một thời điểm trong lịch sử đất nước khi mà biết bao nhiêu biến cố
đang xảy ra trên khắp thế giới, cản trở một người đang chờ được chuẩn thuận,
làm trì chậm tiến trình chuẩn thuận của người đó, thật tình tôi phải nói là một
hành động trả đũa tiểu mọn.”
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ tức thời
phản bác:
“Chúng tôi tự hào về công việc mình đang làm.”
Ông cùng các nghị sĩ Đảng Dân chủ khác bênh vực hành
động của mình là đúng đắn:
“Thử hỏi có phải chúng ta, cả các nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ, đều có
nghĩa vụ bảo đảm là mình phải xem xét kỹ lưỡng những người được đề cử? Họ sẽ nắm
quyền lực rất lớn trên cuộc sống của mỗi người dân Mỹ. Bỏ một chút ít thời giờ
để tìm hiểu xem họ thực sự nghĩ gì, và sẽ làm gì trong các tình huống nào, xứng
đáng với thì giờ chúng ta bỏ ra bây giờ.”
Các đảng viên Đảng Cộng hòa lưu ý rằng hồi năm 2009,
họ đã giúp một tay để đẩy nhanh nhiều nhân vật được Tổng thống lúc bấy giờ là
ông Obama đề cử trong suốt tiến trình chuẩn thuận.
Thượng nghị sĩ John Cornyn của Đảng Cộng hòa phát biểu:
“Tại thời điểm này trong chính phủ của Tổng Thống Obama, 5 ngày sau khi
ông nhậm chức, có tới 14 Bộ trưởng Nội các được chuẩn thuận. Cho tới giờ này,
chỉ có 3 người được chuẩn thuận vào chính phủ của Tổng thống Trump. Các bạn Đảng
Dân chủ của chúng ta cần phải bỏ lại sau lưng chuyện quá khứ, cuộc bầu cử đã
qua rồi, và giờ chúng ta có nhiệm vụ cai trị đất nước.”
Nhưng những nhân vật được ông Trump đề cử là những
nhân vật đặc biệt, cần phải được xem xét đặc biệt, theo các chính khách Đảng
Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer:
“Chúng tôi gọi đây là ‘Nội các
đầm lầy’, toàn những tỷ phú và chủ ngân hàng. Chưa từng có một nội các chính phủ
nào mà quy tụ nhiều người giàu có đến như vậy. Chưa từng có một nội các nào gồm
nhiều người có thể có những xung đột lợi ích tiềm tàng như vậy.”
Với thế đa số của họ tại Thượng viện, Đảng Cộng hòa
có thể chuẩn thuận tất cả những nhân vật được Tổng thống Trump đề cử, dù là có
sự hợp tác của Đảng Dân chủ hay không. Vấn đề ở đây là, họ có thể hoàn tất công
việc này nhanh chóng tới đâu?
No comments:
Post a Comment