Wednesday, July 13, 2016

Ý NGHĨA CỦA CHIẾN THẮNG PHILIPPINES (TS Dương Danh Huy)





TS. Dương Danh Huy - Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
THỨ TƯ, 13 THÁNG 7 2016 17:23

Phán quyết của Tòa Trọng tài mở một cổng lũ pháp lý, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế và nếu kiện thì sẽ thắng.

Sáng 12/7, trang nhà của Tòa Trọng tài Thường trực bỗng nhiên bị sập. Khi việc tương tự xảy ra vào tháng 7/2015, nguyên nhân được cho là tin tặc Trung Quốc. Có lẽ không phải tình cờ, 12/7/2016 là ngày Tòa ban hành phán quyết cho vụ kiện Phi-Trung về Biển Đông.

Philippines đã ra tòa để bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc. 15 điểm họ đưa ra có thể được chia thành 5 quan điểm chính:

1.    Do bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và do Trung Quốc không được đòi “quyền lịch sử” cho vùng biển bên trong đường 9 đoạn, các yêu sách biển của Trung Quốc bên trong đường này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Ngược lại, yêu sách EEZ của Philippines là hợp pháp.

2.    Đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây thuộc về EEZ Philippines.

3.    Trung Quốc đã có một số hành vi vi phạm EEZ của Philippines, bao gồm cả tại đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây.

4.    Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo tồn môi trường biển, đặc biệt là trong việc xây đảo nhân tạo.

5.    Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi dùng tàu thuyền chấp pháp một cách nguy hiểm, có thể gây đâm húc.

Với một văn kiện dài gần 480 trang, Hội đồng Trọng tài đã công nhận tất cả 5 quan điểm chính của Philippines.

Việc Hội đồng Trọng tài công nhận quan điểm 1, 2 và 3, trong đó quan trọng nhất là việc bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc bên trong đường 9 đoạn, dựa trên 2 kết luận then chốt. Thứ nhất, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ việc đòi “quyền lịch sử” cho vùng biển bên trong đường đó. Thứ nhì, Hội đồng Trọng tài đã kết luận rằng quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế. Hai kết luận trên và việc Hội đồng Trọng tài công nhận quan điểm 1 đã xóa sổ đường 9 đoạn như một đường yêu sách biển.

'Làm sáng tỏ nhiều vấn đề'

Thắng tất cả 5 điểm chính này là một chiến thắng vô cùng lớn lao cho Philippines, đặc biệt là khi chúng ta nhớ rằng có nhiều rủi ro về việc Hội đồng Trọng tài có sẽ chấp nhận rằng quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay không. Nếu không, Philippines đã thất bại trong 3 điểm đầu. May mắn thay, điều đó đã không xảy ra.

*
Trung Quốc đã tẩy chay phiên tòa và đã khẳng đinh lập trường bất hợp pháp là họ không công nhận thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cũng như sẽ không tuân thủ phán quyết. Thêm vào đó, hiện nay chưa rõ tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có nhượng bộ Trung Quốc không, và nếu có thì sẽ nhượng bộ thế nào. Mặc dù thế, phán quyết này đã mở ra một giai đoạn mới cho tranh chấp Biển Đông với những hệ quả sau.

Hệ quả thứ nhất của phán quyết là nó đã mở một cổng lũ pháp lý. Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều có thể đơn phương kiện Trung Quốc về các vùng EEZ và thềm lục địa phía nam Biển Đông, và từ nay các nước này biết là nếu kiện thì sẽ thắng. Thí dụ như nếu Trung Quốc lấn lướt trong vùng Nam Côn Sơn hay Tư Chính, Việt Nam có thể kiện, và nếu kiện thì sẽ thắng.

Không những thế Việt Nam có thể kiện nếu Trung Quốc dùng quần đảo Hoàng Sa để đòi EEZ lấn vào EEZ tính từ bờ biển lục địa Việt Nam. Tuy việc này có khó hơn vụ kiện của Philippines vì đảo Phú Lâm rộng lớn hơn đảo Ba Bình, nhưng lập luận Hội đồng Trọng tài dùng để bác bỏ EEZ cho đảo Ba Bình cũng có khả năng áp dụng cho đảo Phú Lâm. Quan trọng không kém, Việt Nam có thể dùng việc tòa khẳng định quyền đánh cá lịch sử trong lãnh hải 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để kiện Trung Quốc về quyền đánh cá lịch sử của ngư dân Việt Nam trong lãnh hải 12 hải lý của các đảo Hoàng Sa.

*
Hệ quả thứ nhì là sau khi quan điểm “Trường Sa không có EEZ” được công nhận, khả năng là Việt Nam sẽ chính thức theo quan điểm đó, cũng như các nước Đông Nam Á trong tranh chấp sẽ cùng đoàn kết trong quan điểm đó trong việc chống lại các yêu sách của Trung Quốc.

Hệ quả thứ ba là Mỹ và một số nước có thể ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn, thẳng thừng hơn. Trước đây họ còn bị ràng buộc, ít nhất là trên danh nghĩa, bởi nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.

Nhưng sau khi Hội đồng Trọng tài đã kết luận quần đảo Trường Sa không có EEZ, trong khi Trung Quốc cũng không được đòi quyền lịch sử trong EEZ của nước khác, thì nếu Trung Quốc lấn lướt trong bãi Tư Chính hay bồn trũng Nam Côn Sơn, chẳng hạn, thì đó không phải là tranh chấp mà là gây hấn trong EEZ và thềm lục địa của nước khác, và cộng đồng quốc tế có thể ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ mà không vi phạm nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.

Hệ quả thứ tư là phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến UNCLOS, thí dụ như là việc Nhật dùng đá Okinotorishima để đòi EEZ và thềm lục địa cũng phải bị cho là vi phạm UNCLOS.

Hệ quả thứ năm là với khả năng bị nhiều nước kiện, và nhiều khả năng thua kiện, Trung Quốc có thể rút ra khỏi UNCLOS, tương tự nước Nhật quân phiệt rút ra khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933. Nhưng nếu Trung Quốc rút ra khỏi UNCLOS thì điều đó cũng chỉ làm cho các nước khác không kiện họ được, nó không thể làm cho yêu sách của họ trở thành đúng, và nó cũng không làm cho thế giới không thấy được yêu sách của họ là sai.

(Bài đã đăng trên BBC)
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một thành viên sáng lập của nhóm Nghiên cứu Biển Đông.






No comments: