Friday, July 15, 2016

"QUYỀN LỊCH SỬ" CỦA TRUNG CỘNG TRÊN BIỂN ĐÔNG LÀ QUYỀN GÌ ? (Trần Trung Đạo)






Trong vài ngày qua từ các trang mạng xã hội, diễn đàn, cho đến các tầng lớp, thế hệ Việt Nam trong cũng như ngoài nước, một luồng sóng cảm tình dành cho Philippines tràn ngập, nhiều hơn cả khi quốc gia này bị cơn bão Yolanda càn quét cách đây ba năm. Đây là một tình cảm rất tự nhiên giữa những người cùng số phận nhỏ nhoi nhưng phải đương đầu với một Trung Cộng to lớn và đầy tham vọng.

Ủng hộ Philippines không có nghĩa ủng hộ chủ quyền của Phi trên các đảo Philippines đòi hỏi mà là ủng hộ một nước dân chủ nhưng sức yếu chống lại một Trung Cộng bá quyền bành trướng.

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) không có nghĩa sẽ làm ngưng tranh chấp và phần thắng chỉ thuộc về Philippines vì rất nhiều quốc gia trong vùng có quyền lợi trực tiếp nhưng chưa chọn cách giải quyết tranh chấp qua phương pháp trọng tài. 

Ý nghĩa quan trọng trong phán quyết là quốc tế hóa được cuộc tranh chấp, tạo khả năng mặc cả đa phương giữa các bên liên hệ trước một hội nghị hay trước tổ chức trọng tài quốc tế, giới hạn chiếc bẫy “thảo luận song phương” chỉ nhằm “câu giờ” của Trung Cộng. 

Với những quốc gia chủ trương quốc tế hóa Biển Đông, chiến thắng của Philippines mở ra cánh cửa đàm phán xa hơn về quyền lợi và trách nhiệm một cách bình đẳng giữa các nước trong vùng. 

Với các cường quốc Mỹ, Nhật, chiến thắng của Philippines giúp cho họ thêm lý do quốc tế để can thiệp cụ thể và tích cực hơn trong tranh chấp. 

Một cái tát của PCA chỉ nhắm vào mặt Trung Cộng thôi, đó là việc phủ nhận quan điểm “quyền lịch sử”, lý luận cốt tủy mà Trung Cộng dùng để biện hộ cho “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. 

Như chúng ta đều biết, trong hầu hết các văn bản, tuyên bố, phát biểu, các lãnh đạo Trung Cộng luôn nhắc tới nhắc lui câu “quyền lịch sử của Trung Quốc” để cho rằng 90% của Biển Đông vốn thuộc về Trung Quốc không phải hôm nay mà từ hai ngàn năm trước. 

Nhưng tòa phán: "Tòa nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển, ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn".

Đặng Tiểu Bình và “quyền lịch sử”

Vào thập niên 1960, Đặng Tiểu Bình là trưởng phái đoàn đại diện Trung Cộng trong đàm phán với Liên Xô về chủ quyền của các đảo Trân Bảo, Ẩn Long và Hắc Hạt Tử trong khu vực sông Ussuri. Khi có phiên họp, phái đoàn họ Đặng không chỉ mang theo giấy tờ tài liệu mà còn chở theo nhiều toa xe lửa chứa đầy sách vở và đồ vật để chứng minh “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên các đảo này. 

Trung Quốc vốn là một nước đông dân, diện tích rộng, có nền văn minh phát triển sớm, có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, do đó, việc tổ tiên họ đã từng đến, từng đi đánh cá, từng đặt chân một đôi ngày, từng mô tả trong văn chương thơ phú về các hòn đảo đó thì cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Những tài liệu phía Đặng Tiểu Bình đưa ra hay vật dụng họ góp nhặt được dù bao nhiêu cũng không thuyết phục Liên Xô hay chứng minh những đảo đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Dĩ nhiên hai đàn anh CS không đưa tranh chấp ra PCA như ngày nay.

Sau hơn 20 năm vừa đánh vừa đàm, một hiệp ước biên giới Liên Xô - Hoa đã được ký kết lần đầu vào tháng 10 năm 1991, lần nữa vào tháng 10 năm 2004 với Nga và lần cuối cùng vào tháng 7, 2008 cũng với Nga. Cả Trung Cộng lẫn Nga đều biết, lý do chính của xung đột trước đây không phải là lãnh thổ mà là sự tranh chấp quyền lực của hai nước cộng sản đàn anh trong phong trào cộng sản quốc tế. Khi Liên Xô sắp sụp đổ, chủ quyền trên các đảo vốn không chứng tỏ một tiềm năng kinh tế nào không còn là yếu tố quan trọng để giằng co, tranh chấp nữa. Cái gọi là “quyền lịch sử” không đóng vai trò gì trong hiệp ước biên giới giữa Liên Xô và sau đó là Nga với Trung Cộng. 

Tân Hoa Xã giải thích “quyền lịch sử”

Theo báo Times, hôm 12 tháng 7 vừa qua, các đài truyền hình Trung Cộng cho chiếu một số tranh hoạt họa của Tân Hoa Xã như là cách để giải thích cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Cộng trên Biển Đông. 

Một trong số tranh hoạt họa là mẫu đối thoại ngắn giữa ba con thú đại diện cho ba thành phần trong vụ kiện. Một con cáo đại diện cho PCA, một con khỉ tí hon đại diện cho Philippines và con Panda dễ thương đại diện cho Trung Cộng. Con Panda trả lời câu hỏi tại sao Trung Cộng có “quyền lịch sử”, bởi vì “chúng tôi đã giong buồm và đánh cá trên biển Nam Trung Hoa ngay cả trước khi Chúa Jesus ra đời”

Việc cho rằng người dân Trung Hoa đã từng “giong buồm và đánh cá” nên Biển Đông thuộc Trung Cộng nghe phi lý đến mức buồn cười; tuy nhiên, đây lại là lý luận chiến lược mà Trung Cộng áp dụng trong đàm phán biên giới từ ngày lập quốc CS năm 1949 tới nay. 

“Quyền lịch sử” dưới mắt Hitler và các lãnh đạo Trung Cộng

Đối với quốc tế, “quyền lịch sử” của Trung Cộng đúng như PCA phán quyết không có giá trị gì nhưng với không ít dân Trung Cộng bị tuyên truyền tẩy não, đó lại là quyền “thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. 

Quan điểm cực đoan Đại Hán này là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình và nâng lên thành “Giấc Mơ Trung Quốc” dưới thời Tập Cận Bình. Họ Đặng và nay họ Tập cho rằng Trung Cộng không chủ trương xâm lược quốc gia nào hay dân tộc nào mà chỉ thu hồi lãnh thổ và lãnh hải vốn thuộc Trung Quốc. 

Lý luận ngụy biện và điên cuồng này là bản sao quan điểm của Hitler đã dùng để khai mào cho Thế chiến Thứ Hai khi y cho rằng Đức chỉ nhằm “phục hồi những lãnh thổ vốn thuộc về Đức nhiều thế kỷ”. 

Tương tự, khẩu hiệu “100 năm sỉ nhục” được các lãnh đạo Trung Cộng dùng làm củi để đun lò lửa dân tộc cực đoan tại Trung Cộng cũng không khác gì lời lẽ Hitler đã viết về hiệp ước Versailles trong Mein Kampf: “Mỗi điểm của hiệp ước đã ghi sâu vào ý thức và con tim của dân tộc Đức và đốt cháy họ cho đến khi tâm hồn của sáu chục triệu dân bùng lên ngọn lửa công phẫn và nhục nhã”.

Như vừa viết ở trên, ngay cả việc người dân Trung Hoa hai ngàn năm trước đã thật sự có giong buồm trên Biển Đông, có ghé Hoàng Sa, Trường Sa vài hôm để bắt yến, tức cảnh sinh tình hạ bút vài câu thơ và được đời sau ghi chép lại cũng không thể cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền lịch sử của Trung Cộng. 

Lịch sử thế giới để lại vô số tài liệu của các nhà thám hiểm, thăm dò, kể cả dấu tích của đoàn viễn chinh lừng danh Viking do Leif Erikson chỉ huy từng khám phá ra Bắc Mỹ vào thế kỷ 11 trước Christopher Columbus vào thế kỷ 15, nhưng không tổ chức quốc tế nào căn cứ vào các tài liệu lưu trữ để cho rằng chủ quyền biển đảo của một quốc gia phát xuất từ người đã thăm dò, thám hiểm hay khám phá ra vùng đất đó.

Một lãnh thổ, đất hay đảo, của một quốc gia phải là lãnh thổ được phát hiện, chiếm hữu, điều hành trong hòa bình, có tính pháp lý, đơn vị hành chánh chính thức, được ghi lại trong bản đồ của quốc gia đó và được quốc tế công nhận chứ không phải cưỡng chiếm bằng võ lực như Trung Cộng đã làm đối với Philippines và Việt Nam. 

Tập Cận Bình, kẻ nuôi cọp đang lo cọp sẽ ăn thịt mình, do đó, không lạ gì trong thời gian ngắn tới đây, y vẫn sẽ tuyên bố hung hăng kể cả những hành động gây hấn với các nước láng giềng để xoa dịu lò lửa cực đoan Đại Hán tại lục địa nhưng chính y cũng biết gió đã đổi chiều. 

“Quyền lịch sử” của Trung Cộng về chủ quyền trên Biển Đông thực chất chỉ làquyền ăn cướp.

15.07.2016





No comments: