Saturday, July 16, 2016

FORMOSA ĐỔ LỖI LÀM CÁ CHẾT CHO CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM (Người Việt)





Người Việt
July 15, 2016

ĐÀI BẮC (NV) – Một viên chức cấp cao Tập đoàn Formosa dẫn các quy định của Việt Nam để nói họ không gây thảm họa cá biển chết dọc 4 tỉnh miền Trung mà đẩy trách nhiệm lại cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Theo tờ Đài Bắc Thời Báo (Taipei Times) hôm 13 Tháng 7, ông Hồng Phú Nguyên (Hong Fu-yuan) chủ tịch của Tập Đoàn Nhựa và Sợi Formosa FPG (Formosa Plastics Group) đưa ra các dẫn chứng để nói rằng hai loại hóa chất (bị cáo buộc là họ đã dùng) làm cho cá biển chết tại khu vực gần nhà máy luyện gang thép của họ ở Hà Tĩnh “đều nằm bên dưới mức chuẩn cho phép” của nhà cầm quyền Việt Nam.

Theo ông này, hai xét nghiệm về các mẫu nước lấy tại 6 địa điểm trên biển gần cảng Vũng Áng, nơi đặt nhà máy luyện gang thép Formosa) vào các ngày 23 tháng 4, 2016 và 5 tháng 5, 2016 cho thấy mức độ hóa chất phenol đo được bên dưới 0.001 milligrams/lít, tức bên dưới mức cho phép theo chuẩn của nhà cầm quyền Việt Nam là 0.03 milligrams/lít. Đồng thời, nồng độ của cyanide là dưới 0.004 milligrams/lít tức là bên dưới mức 0.01 milligrams/lít mà Việt Nam ấn định.

“Người ta có thể dùng các con số này để phán xét xem chất thải do nhà máy (Formosa Hà Tĩnh) xả ra đã làm cá biển chết hàng loạt hay không,” ông Hồng Phú Nguyên nói trên tờ Đài Bắc Thời Báo.

Như vậy, theo ông này, nhà máy gang thép ở Vũng Áng đã không làm gì trái với các quy định về xả chất thải do nhà cầm quyền Việt Nam ấn định.

Sau khi chính phủ CSVN cho họp báo ngày 30 tháng 6, 2016 công bố nguyên nhân cá biển chết suốt dọc 4 tỉnh miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên- Huế, nói Formosa “nhận trách nhiệm” gây ra thảm họa cũng như chấp nhận bồi thường $500 triệu, đây là lần đầu tiên người ta thấy một viên chức cấp cao của tập đoàn này lên tiếng về vụ việc.

Không đủ thuyết phục

Cũng trong bài báo trên thuật lời bà Lâm Nhân Huệ (Lin Jen-hui) tổng thư ký Hội Thẩm Phán Môi Trường bình luận rằng những dữ liệu do ông Hồng Phú Nguyên đưa ra không đầy đủ, vì chúng thiếu những dẫn chứng căn bản như các vị trí được phối hợp lấy mẫu nước để xét nghiệm cũng như ai đã thực hiện các xét nghiệm đó.

Tập đoàn Formosa “chỉ tiết lộ kết quả xét nghiệm hai loại hóa chất trong khi còn nhiều loại hóa chất khác cũng được sử dụng. Điều đó cho thấy những dữ liệu mà ông ta đưa ra không đủ thuyết phục,” bà Huệ nói.

Theo bà này, lời tuyên bố của Formosa không đi đôi với những lời nhận trách nhiệm gần đây là đã làm ô nhiễm môi trường và đề nghị bồi thường $500 triệu.

“Nếu tập đoàn Formosa tin rằng họ bị kết tội oan uổng, tại sao họ lại xin lỗi và đề nghị bồi thường $500 triệu?” Bà Huệ hỏi như vậy và nói tập đoàn Formosa nên công bố kết quả cuộc điều tra của phía nhà cầm quyền Việt Nam.

Formosa bị xác nhận là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng biển là kết luận của nhà cầm quyền Việt Nam tại cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 30 tháng 6, 2016, khi thảm họa này sắp tròn ba tháng. Theo đó, nước do Formosa thải ra tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa nhiều độc tố như phenol, cyanide, chúng kết hợp với nhiều loại hóa chất khác, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến tận Thừa Thiên-Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt.

Sau thảm họa, ngày 25 tháng 6, 2016, Formosa đã hoãn khai trương lò luyện thép số 1. Tuy nhiên trong tương lai, nếu Formosa chính thức hoạt động và xả tới 45,000 mét khối nước thải/ngày đúng như mức mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam cho phép thì tầm vóc của thảm họa kế tiếp sẽ lớn gấp nhiều lần. Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.

Bài báo trên trang điện tử của tờ Taipei Times. (Hình chụp qua màn hình)

Tại cuộc họp báo hôm 30 tháng 6 nói trên, song song với việc xác định Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam thừa nhận, Việt Nam có đặt ra tiêu chuẩn (Tiêu Chuẩn 52), kiểm soát 12 thông số của gang thép, đồng thời xác lập một số quy chuẩn, trong đó có Quy Chuẩn 40 về nước thải công nghiệp với yêu cầu cao hơn Tiêu Chuẩn 52. Tuy nhiên đối với nước do Formosa thải ra, Việt Nam chỉ áp dụng Tiêu Chuẩn 52 dù “Tiêu Chuẩn 52 không bao quát!”

Viên bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam thú nhận chính quyền Việt Nam “chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa” và hệ thống quan trắc mà Việt Nam đòi hỏi ở Formosa “không quan trắc được phenol, cyanide” thành ra “pháp luật còn lỗ hổng,” kể cả lỗ hổng “không giám sát trong quá trình thử nghiệm.”

Ngày 16 tháng 6, ba dân biểu của Quốc Hội Đài Loan và đại diện một số tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có Liên Minh Theo Dõi và Thực Thi Công Ước về Nhân Quyền, Hiệp Hội Luật Sư Môi Trường, Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam ở Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp báo, đề nghị chính quyền Đài Loan phải điều tra xem Formosa có lên quan đến thảm họa cá chết tại Việt Nam hay không (?).

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung không đề cập đến trách nhiệm cá nhân của bất kỳ viên chức nào, kể cả những kẻ từng thẳng tay vứt các đề nghị giao Vũng Áng cho hải quân vì có núi cao che chắn, có độ sâu, độ rộng thích hợp để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng bảo vệ vịnh Bắc Bộ, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động lưu thông cả trên bộ lẫn trên biển từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc Việt Nam, để đặt Vũng Áng vào tay Formosa, cho dù điều đó đã được cảnh báo liên tục là có khả năng tạo ra đủ thứ nguy cơ đối với cả quốc phòng lẫn kinh tế.

Chỉ có Formosa xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam kèm cam kết bồi thường $500 triệu. Sẽ không có truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai vì theo ông Mai Tiến Dũng – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ – thì Việt Nam chỉ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại.”
Trong cuộc họp báo công bố thủ phạm và nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết, chính quyền Việt Nam chỉ xác định “Formosa đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,” chứ không xác định Formosa đã vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường của Việt Nam hay xả nước có độc tố sai với giấy phép đã cấp. Trong thảm họa cá chết, khi “pháp luật còn lỗ hổng” trong việc tiên liệu-kiểm soát nước thải của Formosa thì Formosa sẽ trả $500 triệu bồi thường như thế nào?
Hiện dư luận tại Việt Nam đang chú ý đến hàng trăm tấn chất thải rắn được nhà máy Formosa đưa đi chôn lấp không những tại nhiều địa điểm ở Hà Tĩnh mà còn cả ở tỉnh khác. Chúng độc hại đến đâu, chưa có kết luận nhưng ít nhất, người ta hiểu là có sự dấm dúi của một số viên chức ở một số cấp với Formosa để đổ bất hợp pháp chất thải công nghệ. (TN/GĐ)

-----------------------------------

Người Việt   -   July 15, 2016

Người Việt   -   July 15, 2016






No comments: