Friday, July 15, 2016

BIỂN ĐÔNG : VIỆT NAM CẦN SẴN SÀNG KIỆN TRUNG QUỐC (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-07-15

Chia rẽ ASEAN về vấn đề Biển Đông

ASEAN tức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không thể ra tuyên bố chung về phán quyết đường lưỡi bò do Tòa Trọng tài Thường trực The Hague công bố. Trong khi đó, Việt Nam nhanh chóng hoan nghênh phán quyết, nhưng có vẻ thận trọng khi cho biết đang nghiên cứu nội dung.

Học giả Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, từ saigòn nhận định về ý kiến cho rằng Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ ASEAN về vấn đề Biển Đông. Ông nói:

“Điều này không lạ lùng gì, đã có nhiều dự báo trước bởi vì  quốc gia nắm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN là Lào, nước này không tích cực lắm và bản thân ASEAN thì vẫn đang bị chia rẽ khá nhiều. Người ta vẫn mong chờ sự thống nhất đoàn kết từ ASEAN, nhưng có lẽ là trong thời gian tới. ASEAN như một con người phải trải qua từng giai đoạn mà ASEAN bây giờ thì chưa thể phát triển đến giai đoạn đó được…”

Trong cuộc họp báo chiều 14/7 ở Hà Nội, ông Lê Hải Bình phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, các thành viên trong ASEAN đều có trách nhiệm chung trong việc duy trì ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông. Theo báo chí Việt Nam, như VnExpress và Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hải Bình đã phát biểu như vậy, khi được hỏi về sự kiện ASEAN không thể ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp đặt đường chủ quyền 9 đoạn, thường gọi là đường lưỡi bò chiếm trọn biển Đông.

Báo mạng Một Thế Giới ngày 13/7 dẫn lời Giáo sư Ngô Vĩnh Long, khoa lịch sử trường Đại học Maine miền đông bắc Hoa Kỳ nhận định là, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague Hà Lan sẽ củng cố vị thế pháp lý của Việt Nam và sẽ giúp Việt nam trong việc vận đông sự ủng hộ của thế giới, khi Trung Quốc tiếp tục vi phạm vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam hay đe dọa sự an toàn của ngư dân Việt Nam trên biển Đông như Trung Quốc đã từng làm.

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long trình bày trên báo mạng Một Thế Giới, hai điểm đặc biệt quan trọng trong phán quyết 5 điểm của Tòa Trọng tài Thường trực. Thứ nhất, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền và các tài nguyên ở các khu vực biển trong phạm vi đường chín đoạn, tức đường lưỡi bò.

Thứ hai, các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa tự nó là dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế, cho nên tối đa chỉ có được 12 hải lý chủ quyền lãnh hải. Phán quyết còn nhấn mạnh thêm rằng, toàn bộ Trường Sa không có vùng độc quyền kinh tế EEZ 200 đặm. Như thế, theo lời GS Ngô Vĩnh Long, tất cả vùng biển nằm ngoài 12 hải lý của các cấu trúc đang được tranh chấp đều là vùng nước quốc tế.
Bản đồ vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Đường lưỡi bò đe dọa an ninh Việt Nam

Theo lời Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với báo mạng Một Thế Giới, hai điểm mà ông lưu ý vừa nói, rất có lợi cho Việt Nam vì đường lưỡi bò không những đã lấn chiếm vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam nhiều nhất mà còn đe dọa an ninh của Việt Nam trên biển cả cũng như các đảo và bãi ngầm đang quản lý.
Trao đổi với chúng tôi vào tối 14/7/2016 về tương lai Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, học giả Hoàng Việt trình bày ý kiến:

“Đối với Việt Nam có nhiều thuận lợi, đương nhiên cũng có những phần bất lợi nhất định của nó và cá nhân tôi cho rằng phần lợi nhiều hơn. Trong thời gian tới nếu Trung Quốc gây căng thẳng trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như hồi 2014, thì Việt Nam có thể tự tin, có thể mang Trung Quốc ra trước một tòa trọng tài giống như Philippines đã làm. Như vậy tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam, với sự ủng hộ của cộng đồng thế giới sẽ tác động rất lớn đến vấn đề này. Trước đây thì Việt Nam, Malaysia…những quốc gia trực tiếp tranh chấp Biển Đông đã nghĩ tới việc kiện Trung Quốc nhưng còn do dự, còn cân nhắc khả năng thẩm quyền của tòa cũng như khả năng phán quyết của tòa như thế nào. Nhưng có lẽ phán quyết của Tòa Trọng Tài ngày 12/7 vừa rồi, rõ ràng đã tạo ra hướng đi mới cho các quốc gia như Việt Nam…”

Dự kiến Trung Quốc có thể gây căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, không công nhận đường chủ quyền 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt  tại Biển Đông, đồng thời tuyên bố Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại vùng biển này. Theo VnExpress, trong cuộc họp báo chiều 14/7 ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực.

Ông Lê Hải Bình không cho biết, những biện pháp sẵn sàng để duy trì hòa bình cụ thể là gì, nhưng ông nhấn mạnh là Việt Nam bảo lưu các quyền, lợi ích pháp lý ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển được xác định theo UNCLOS Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cho biết thêm, Việt Nam đang nghiên cứu phán quyết và đã đề nghị Tòa cần đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo đảm các quyền và lợi ích quốc gia.

Trên báo chí nước ngoài có những luận cứ cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là pháp lý. Bởi vì theo UNCLOS một phán quyết như thế là ràng buộc về pháp lý, buộc các bên liên quan phải thực hiện. Tuy nhiên nơi ra phán quyết là Tòa Trọng tài Thường trực The Hague lại không có cơ chế nào để buộc các bên liên quan thực thi phán quyết.

Trao đổi với chúng tôi, Nhà nghiên cứu Biển Đông - Hoàng Việt nhận định:

“Thứ nhất là dù tòa có phán quyết đi chăng nữa thì rõ ràng là khó có thể khiến Trung Quốc xuống thang ngay lập tức. Tòa tuyên rằng việc Trung Quốc bồi lấp Đá Vành Khăn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền. Nhưng trên thực tế có thể đuổi Trung Quốc ra khỏi vùng đó hay không, đó là cả một câu chuyện. Và đương nhiên phán quyết của tòa cũng không làm cho Trung Quốc ngưng việc bồi lấp xây dựng phát triển các đảo nhân tạo thành căn cứu quân sự, như Trung Quốc đã làm tại Trường Sa, có khả năng Trung Quốc sẽ làm thêm ở các khu vực khác hoặc là ngay tại scarborough…”

Học giả Biển Đông Hoàng Việt thêm rằng, mặc dù không có một cơ quan nào để cưỡng chế các bên theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague, nhưng rõ ràng các quốc gia thượng tôn pháp luật như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Canada, Ấn Độ và Australia sẽ qua phán quyết mà có thể có những hành động để tác động tới tình hình thực tế ở Biển Đông.

Học giả Hoàng Việt lưu ý một điều rằng, những quốc gia nhỏ như Việt Nam mà trực tiếp tham gia tranh chấp, nếu không có thực lực mà lưỡng lự giữa những cái mà họ đang giữ bây giờ, thì vẫn có thể bị Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trong thực tế. Đây là một vấn đề rõ ràng, cho nên các quốc gia như Việt Nam và Philippines cũng nên hết sức thận trọng trong vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề vừa nêu, ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết hôm 12/7, từ Hà Nội Luật sư -Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển đã phát biểu với Đài RFA:

“Ngay từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra PCA, Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của tòa, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA. Điều đó rõ ràng và bằng hành động họ cũng bác bỏ mọi chuyện liên quan đến câu chuyện này.
Thế nhưng chúng ta nên nhìn theo góc độ: Trung Quốc không phải sống trên một hành tinh mà chung quanh không có quốc gia khác. Trung Quốc tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với cộng đồng các quốc gia. Đó là yếu tố chúng ta cần phải thấy. Do đó Trung Quốc không thể một mình một sân, một mình một luật chơi được…”

Báo chí Việt Nam qua phản ứng của giới chính trị quốc tế và ý kiến các học giả Việt Nam đã thể hiện một quan điểm chung về phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò, xem đây là chiến thắng của lẽ phải và công lý. Báo chí cũng nhân dịp này trở lại vấn đề, Hà Nội nên sẵn sàng cho một vụ kiện Biển Đông như Philippines đã kiện Trung Quốc và đạt thắng lợi.

------------------------

Tin, bài liên quan





No comments: