Sunday, July 17, 2016

BẢO TỒN LUẬT PHÁP QUỐC TẾ Ở BIỂN ĐÔNG (Eleanor Albert, CFR)





Eleanor Albert, CFR
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Jul 17, 2016

Tòa án Thường trực Quốc tế ở The Hague hôm thứ Ba vừa qua đã bác bỏ những tuyên bố chủ quyền quan trọng của của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông. Andrew Erickson tại U.S. Naval War College nói rằng kết quả của phiên tòa nêu cao sự cần thiết đối với nền trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thiết lập sự ảnh hưởng của nước này.

“Điều này sẽ tốt đối với cả khu vực [châu Á-Thái Bình Dương] và vị thế của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng phán quyết của tòa án,” Erickson nói. Về phần mình, Hoa Kỳ cần phải thực hiện các cuộc tuần tra FONOPS mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ pháp luật và các chuẩn mực quốc tế.

East and South China Sea Claims. Photo: CFR

Ý nghĩa của tòa án Liên Hiệp Quốc là gì?
Tòa án đã duy trì sự trật tự dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế trong phiên xét xử vừa qua, nói rằng tất cả đều có thể sử dụng [vùng biển] mà không có sự thiên vị hoặc sợ hãi. Phiên tòa đã bác bỏ cơ sở pháp lý đối với đường chín đoạn của Bắc Kinh vốn chiếm hầu hết phạm vi trong toàn khu vực Biển Đông.

Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby hoan nghênh quyết định trên mang lại “sự đóng góp quan trọng đối với mục tiêu chung hướng đến giải pháp các tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông.” Tuy nhiên, Washington có thể đóng góp vào mục tiêu này bằng cách giúp duy trì quyền tự do hàng hải thay vì cưỡng chiếm bằng sức mạnh, và dẫn dắt khu vực này thông qua việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tại sao phán quyết vừa qua lại quan trọng?
Biển Đông là một động mạch quan trọng toàn cầu mà nhiều nước phải phụ thuộc vào đây để thúc đẩy giao thương qua lại. Nhưng nơi đây cũng đang có tranh chấp xung quanh các hòn đảo và bãi đá giữa nhiều quốc gia khác nhau. Chỉ có trật tự dựa trên nền tảng pháp quyền mới có thể giúp khu vực này được lưu thông một cách mở, tự do, an toàn, và thịnh vượng.
Tầm nhìn thế kỷ 21 về nền tảng pháp luật quốc tế của tòa án nhắm đến ràng buộc các quốc gia mạnh và yếu đúng chung lại với nhau, chống lại nỗ lực gia tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc theo phong cách thể kỷ 19.

Vụ kiện này cụ thể ra sao?
Trong những năm gần đây, Philippines chịu nhiều thiệt thòi vì Bắc Kinh liên tục xâm phạm lãnh hải của nước này ở Biển Đông. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Bãi Scarborough Shoal sau sự cố đối đầu giữa hai nước hồi năm 2012, và sau đó lực lượng Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát các bãi đá/đảo đang trong vòng tranh chấp tại đây. Bắc Kinh cũng không giữ lời hứa về một thỏa thuận mà Hoa Kỳ làm trung gian để trả lại nguyên trạng tại khu vực này.
Hành động của Bắc Kinh đã thúc đẩy cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III bắt đầu khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vào tháng Giêng năm 2013. Philippines biết rằng họ không thể chống lại sức mạnh của TrungQuốc và sự ủng hộ quốc tế chưa hẳn đã đủ, Manila đã tìm cách đưa vụ việc ra trước tòa án nhằm tìm hướng giải quyết tranh chấp.

Ý nghĩa pháp lý trong vụ này là gì?
Tòa Thường trực Quốc tế đưa ra phán quyết rằng các khía cạnh quan trọng trong yêu sách Biển Đông của Trung Quốc đều không có cơ sở pháp luật, và do đó bất hợp lệ. Đó là một phán quyết bất ngờ chống lại tuyên bố chủ quyền đen tối của Trung Quốc.

Tòa án cũng nhận định rằng các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền không tạo ra quyền tài phán trên vùng biển ngoài mười hai hải lý. Tương tự, tòa án cũng xác định rằng Đảo Itu Aba, còn được gọi là Đảo Taiping mà Đài Loan đang chiếm đóng và Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền, cũng không mang đủ tính năng một hòn đảo, vì vậy nó sẽ không hội đủ điều kiện để có đặc quyền kinh tế trong phạm vi hai trăm hải lý. Đây chỉ đơn thuần là một rạn đá với mười hai hải lý lãnh hải.

Ngược lại với chính sách mà Bắc Kinh tuyên bố rằng không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, tòa cũng tuyên rằng Trung Quốc đã thực sự vi phạm quyền và quyền tài phán của Philippines, can thiệp trái pháp luật quyền đánh cá truyền thống của Philippines, và tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với các vụ va chạm bằng cách ngăn chặn đường hàng không và hàng hải một cách bất hợp pháp.

Ngoài ra, phán quyết của tòa cũng nêu rằng các hoạt động của Trung Quốc đã hủy hoại môi trường biển, đặc biệt là các rạn san hô tại khu vực này. Cuối cùng, việc Trung Quốc xây dựng các “hòn đảo” nhân tạo đã không bổ sung thêm các quyền pháp lý hàng hải vào các tính năng của các đảo này, và Bắc Kinh đã khiến các vụ tranh chấp trở nên tồi tệ hơn trong thời gian qua.

Liệu bản án có được thực thi?
Việc này sẽ mất nhiều nỗ lực hơn tuyên bố của tòa án hoặc dư luận quốc tế để đảm bảo rằng tất cả các nước liên quan cam kết xử lý tranh chấp hòa bình và giữ ổn định ở Biển Đông.

Washington có thể giúp đảm bảo rằng luật pháp quốc tế tiếp tục được tuân thủ và phối hợp với các đồng minh trong khu vực cũng như các đối tác của mình nhằm ngăn chặn Bắc Kinh hành động bằng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ án và tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của tòa án và cho rằng tòa án quốc tế không có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp.

Vậy chúng ta xem theo dõi những chi tiết gì?
Việc này sẽ có lợi cho cả khu vực và vị thế của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng phán quyết của tòa án, điều mà chính Trung Quốc cũng đã ký kết. Tuy nhiên, nếu các phương tiện pháp lý không giúp giải quyết tranh chấp thì Bắc Kinh có thể xem xét đến việc sử dụng vũ lực, hoặc thậm chí đe dọa sử dụng quân sự.

Về vấn đề đó, “dân quân hàng hải” do quân đội kiểm soát và ngư dân của Trung Quốc có thể trở thành công cụ hấp dẫn phù hợp cho Bắc Kinh nhằm mang lại sức mạnh của mình để chống lại các tuyên bố chủ quyền của những nước láng giềng. Đây không phải là mối đe dọa về mặt lý thuyết: dân quân hàng hải của Trung Quốc đã thực hiện vai trò tiên phong trong nhiều cuộc đụng độ trong các vùng biển quốc tế, bao gồm cả sự cố tại Bãi Scarborough Shoal.

Trước đây Washington đã phạm một lỗi nghiêm trọng là không công khai lên tiếng phản đối lực lượng này của Trung Quốc. Chính quyền Obama phải nhanh chóng xem lại chiến lược trước khi Bắc Kinh dàn dựng sự cố tương tự và làm phức tạp thêm hoặc ngăn chặn các cuộc tuần tra FONOP của Hoa Kỳ gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Phán quyết trên ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông như thế nào?
Hiện nay đã có những phán quyết rõ ràng từ tòa án nên tôi rất lạc quan rằng chính quyền Obama sẽ tiến hành các cuộc tuần tra FONOPs một các khẩn trương và mạnh mẽ hơn với sự quyết tâm và dũng khí.

Tổng thống Obama và các cố vấn của ông đã từng bị chỉ trích vì chỉ cho phép FONOPs tuần tra rất hạn chế và thận trọng. Do vậy, một số nhà quan sát mạnh mẽ tố cáo rằng nó không xứng đáng đối với tên gọi FONOPs.

Nhưng tôi nghĩ Tổng thống Obama đánh giá cao tầm quan trọng của luật pháp và chuẩn mực quốc tế, và tôi tin ông ấy sẽ thấy sự khôn ngoan trong việc bảo vệ chúng một cách mạnh mẽ; do đó tận dụng cơ hội cuối cùng này chắc chắn sẽ giúp di sản châu Á–Thái Bình Dương của ông.

© 2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info




No comments: