Sunday, April 10, 2016

VỀ "HUYỀN SỬ GIA" KIM ĐỊNH & CÁC CHI, BÀNG PHẢI "HUYỀN SỬ HỌC" VIỆT NAM ? (Tạ Chí Đại Trường)





Tạ Chí Đại Trường
Chủ Nhật, ngày 10 tháng 4 năm 2016

Tựa đề trên là mới nghĩ ra độ mươi ngày nay, còn phần sau đây là lấy trong bài viết tháng 3-2002 cho William Joiner Center, thời gian làm một công trình ít nhiều gì cũng là “chạy đạn” cho Trung tâm này với kết quả, người viết được người ở xa (Làng Văn, Canada) xếp hàng phe phía “tả phái” (nôm na: “thân cộng”) đồng thời với những lời mắng mỏ động đến không phải chỉ riêng bản thân, như tính chất của báo chợ thường cho thấy. Dù sao thì cũng hưởng được một chuyến ngơ ngáo đi chơi vùng Ðông Bắc, thấy tận mắt hòn đá khoét con số 1620 mà có người diễn giải (xạo) là những kẻ đi trên chiếc tàu Mayflower (phục chế) đang nằm trên rạng đá lộng gió ngoài kia, đã từng đặt chân lên đấy. 

Trích đoạn thì thế nào cũng có những xộc xệch, và lạc hậu vì tính chất cũ kĩ của nó. Không thể làm hơn, và cũng không cần làm hơn vì vấn đề thật ra cũng không to tát cho lắm. Ngứa tay thì cũng thêm một vài điều có xác định cách biệt nhưng để không mất tính liên tục, tôi đã sửa lại các con số chú thích theo thứ tự của hình trạng mới. Nhưng đó là chuyện nhỏ, bài viết dù sao cũng đã ráng giữ đúng quy định bình thường của “ngành nghề”, theo sát chứng dẫn cụ thể – dù có thể là thiếu sót, chứ không chỉ ba hoa thiên địa để mang tiếng là hay hóng hay hớt. Ðọc lại cũng thấy có những điều dễ làm mất lòng quyền lực to nhỏ, người lớn em bé, kể cả bạn bè thân quen cũ nhưng đó không phải là lỗi tại tôi. Ai biểu mấy ông bà thầy ngoài đời, trong sách vở, không chỉ cho tui một cách học khác?

Nhân tiện, đây cũng là để cho Dũng đọc, như đã hứa.
Tạ Chí Đại Trường

*

2.
...

a. Hùng Vương của Việt Nam Cộng hoà và di chứng: triết lí huyền sử

Phần đất dưới vĩ tuyến 17 không phải là nơi “địa lợi” của việc khảo sát về Hùng Vương. Chúng ta sẽ thấy khuynh hướng chung của các nước xã hội chủ nghĩa dùng khảo cổ học để đi sâu vào quá khứ, đã là chính sách theo đuổi nhiệt thành ở miền Bắc, nơi có Hùng Vương khởi phát, có những tầng lớp đất đào bới cho là sẽ chứng minh được sự hiện diện của Hùng Vương, của thời sau, trước Hùng Vương với những bằng cớ chi tiết, cụ thể, không phải mơ hồ, có lúc sơ sài như trong sử sách. Ở miền Nam, ngay từ lúc đầu thành lập thể chế, chiến tranh đã lan rộng cùng khắp, không có cơ hội cho những khảo sát thực địa, trừ những phát hiện tình cờ giúp cho các chuyên viên Pháp (H. Fontaine, E. Saurin) cùng các phụ tá Việt của họ (hình như cũng chỉ là đứng-tên-chung) đi ra hiện trường yên ổn làm việc thăm dò.

Miền Nam, trong hướng tiếp xúc thẳng với thế giới phát triển sôi nổi sau Thế chiến II, với những biến cố thiết thân trước mắt, lại cũng không phải là nơi khuyến khích những cơ hội trở về với quá khứ. Các bản dịch sách cổ đầu tiên là của trường Luật dùng cho nhu cầu giáo dục chuyên ngành. Cơ quan phiên dịch chuyên ngành, nhờ sự yểm trợ quốc tế đã in được bản gốc Hán văn để đối chiếu, nhưng cũng không đi sâu vào quá khứ xa xưa. Các bản dịch Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã bắt đầu trễ hơn miền Bắc khoảng mươi năm, vì thế trở thành dở dang do biến nạn tháng 4-1975. Cho nên, ngày lễ giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch trôi qua cũng như những ngày kỉ niệm khác. Những lời hô hào trên đài phát thanh nhân dịp này để khích động chống cộng chẳng có chút tác dụng chính trị nào, vì đã bắt chước lối tuyên truyền của Hà Nội mà không có một lớp dân chúng quan tâm tới vấn đề lịch sử làm nền tảng. Ðiều đó rõ rệt khi một vài bài nghiên cứu Hùng Vương hời hợt đăng trên các tạp chí không gợi nên chút tò mò nào. Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt của Nguyễn Phương, Giáo sư Ðại học Huế, không rộn ràng vì cách giải thích con số 18 và tên Hùng là lấy từ các tôn hiệu vua nước Sở, mà từ giả thuyết cho rằng người Việt hiện tại có gốc Hán khiến phải phủ nhận cả một một thời đại Ðông Sơn dài trước đó (có mặt Hai Bà Trưng), tuy chính tác giả lại còn tiếc nên đem Ðông Sơn làm một phần quan trọng trong quyển Việt Nam thời khai sinh của ông [1] . Chuyện này không ảnh hưởng gì nhiều đến không khí học thuật ở đây mà chỉ gây đôi co vắng mặt với học giả miền Bắc, và tác động đến giới chính trị sử ở đó để ông Trường Chinh đưa ra chỉ thị “tác chiến chống những quan điểm sai lầm về sử học, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, của đế quốc phong kiến, của những sử gia phản động ở miền Nam”, rồi dây dưa mãi đến 1976 như một phản ứng lo sợ sau khi thống nhất. Phần lớn chú ý đến vấn đề Hùng Vương là của những người gốc Bắc như một hồi cố về quê hương, trong khung cảnh an bình tương đối ở thành phố – lại cũng là nơi chốn xa cách với quá khứ để gợi ước mơ. Và do đó, vấn đề Hùng Vương ở miền Nam đã rẽ sang hướng suy tư trừu tượng, không phải sử học nhưng lại có dáng sử học, kết hợp với tình tự quê hương dân tộc thành một niềm hãnh diện tự kiêu có dáng dấp tôn giáo của người xướng suất ra nó: ông Lương Kim Ðịnh, linh mục, giáo sư Triết thuộc Ðại học Văn khoa Sài Gòn.

Theo ông, những gì mà sách vở ghi lại đến nay về tương quan văn hoá Việt Nam - Trung Quốc đều phải đảo ngược lại hết. Chính người Việt đã là tộc người căn bản trong việc hình thành phần tư tưởng cốt lõi của Nho giáo – mà ông thường dùng chữ “Hán Nho” để chỉ thị – chứ không phải người Hán, “người Tàu”. Cho nên đúng ra phải gọi là “Việt Nho” mới phải.

Lí luận của ông dẫn đến những giải thích về cổ sử Việt - Trung theo một phương pháp mà ông gọi là dùng đến “huyền sử”. Theo ông, “huyền sử khác với lịch sử ở chỗ có dùng huyền thoại nhưng lại đáng tên sử vì được giải thích dưới ánh sáng của định chế, phong tục, cổ tục... nghĩa là những yếu tố có tính chất lịch sử.” Phương pháp này hợp với khoa học và là “yếu tố cần thiết trong việc đi tìm nguồn gốc nước ta” chỉ vì “bỏ huyền thoại thì chúng ta hầu không còn gì để làm tiêu điểm dò đường: sử liệu chỉ mới có từ Tống, một ít Ðường, rất ít Hán, trên nữa thì chỉ có Kinh Thư, lấy gạn cũng chỉ được đến nhà Thương.” [2] Tuy đề ra “phương pháp” trên nhưng ông cũng theo thời mới mà suy đoán mở rộng, bằng vào các sách vở viết về lịch sử Trung Quốc, về khảo cổ học Trung Quốc, đặc biệt là quyển của H. J. Wiens, Han Chinese Expansion in South China, 1967. Lấy cổ thư Trung Hoa (mà ông cho là của Việt) phối hợp với nghiên cứu của các tác giả phương Tây hợp ý, ông phân ra “Bốn chặng huyền sử nước Nam”:


1. Chặng đầu tiên là “Việt Điểu” vì là giai đoạn xuất hiện vật tổ Ðiểu: Hồng Bàng. Nơi xuất hiện là Thục Sơn (khoảng Tứ Xuyên ngày nay, các đất Ba, Thục ngày xưa), nước của Toại Nhân, Phục Hi, Thần Nông. Toại Nhân được cho là “xuống Nam thuỳ”, đó là dấu vết của Thục An Dương Vương xuống đất cổ Việt ngày nay. Thần Nông thì xuống Ngũ Lĩnh, mở đầu chặng huyền sử thứ hai của Việt tộc. Ðây là phần ông khai triển sâu vào trong quá khứ của một vài từ lẻ loi trong truyện Hồng Bàng thị ở Lĩnh Nam chích quái.


2. Giai đoạn “Việt Hùng” xảy ra ở hai châu Kinh, Dương – nên mới có ông Kinh Dương Vương, kéo dài đến chuyện đẻ trứng chia con và ông con trưởng Hùng Vương làm dấu ấn cho thời đại đó.


3. Trong phần giới thiệu tóm gọn khởi đầu thì ông gọi giai đoạn này là “Việt Ngô”, phần cuối của ba đoạn “huyền sử nước ta” cộng với giai đoạn “bán sử Nam Việt nữa” thành “bốn chặng huyền sử nước Nam.” Ở phần khai triển thì ông gọi giai đoạn ba này là “Việt Chiết Giang”. Ðây là chuyện của Việt Câu Tiễn thường nói trong sách vở. Theo ông, đây là khối mạnh nhất trong thời Chiến Quốc, và với sự thất bại của họ, “Việt tộc đã mất dịp nắm lại chủ quyền trên toàn lãnh thổ chịu ảnh hưởng chữ Nho của mình” (Chúng tôi nhấn mạnh).


4. Nam Việt của Triệu Ðà, theo ông “là hình ảnh cuối cùng của một nước Việt thuộc huyền bí xa xưa” và ta “có thể coi Triệu Ðà như là một cố gắng dẻo dai lập lại nước Văn Lang xưa”.

Chúng ta sẽ không nói trong chi tiết về những lí luận lan man, dây cà ra dây muống [3] để chống đỡ cho luận thuyết của ông. Chúng tôi chỉ nhắc lại những luận cứ “nghiêm túc” đã khiến người nghe được thuyết phục đến bây giờ, cả trong lẫn ngoài nước, dù với một vài thay đổi. Ông đã dựa trên nghiên cứu của H. J. Wiens về các tộc người khác Hán ở Nam Trung Hoa (điều này thì cũng thấy ở nhiều tác giả khác, kể cả Mã Ðoan Lâm của thế kỉ XIII trong Văn hiến thông khảo). Ông cũng dựa vào các nghiên cứu khảo cổ học, mượn cả những phát hiện mới nhất lúc bấy giờ như ở Non Nok Tha, Hang Thần... mà W. G. Solheim II quảng diễn, nhất là của tác giả Trung Hoa hiện đại thì càng tốt, để chứng minh rằng văn hoá vùng Ðông Nam Á rất cổ xưa, rằng vùng Tứ Xuyên (Ba Thục cũ) của tộc Man (“Môn, Mân, Việt, Mường, Thái...” mà trong đó Việt nổi bật, theo ông), đã phát triển xưa hơn vùng Hoàng Hà của tộc Hán, từ đó ảnh hưởng đến văn minh Hán. “Việt vào nước Tàu trước”, “chính người Bách Việt là chủ xướng Nho giáo” là hai “đề quyết động trời” như ông đã công nhận về sau, để ông viết nên quyển Việt lí tố nguyên. Và thế là ông cho mình có toàn quyền sử dụng để trích dẫn những cổ thư lâu nay vẫn được coi là của Trung Quốc: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch... kể cả suy diễn từ những thứ chỉ có tên như Lạc thư (“cũng gọi là Hồng Phạm”), Quy lịch... Nhưng tất cả những nối kết về dân, nước Việt hiện tại với thời xa xưa ở “Thục Sơn” đó lại bằng vào quyển Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) truyền kì của thế kỉ XIV, trong đó có ông Thần Nông liên hệ danh xưng với Xi Vưu, Viêm Ðế của dân Viêm Việt, chống đánh với ông Hoàng Ðế của lưu vực Hoàng Hà. Không nệ việc chính tác giả quyển sách đã tự đặt tên là “quái”, ông tha hồ tin tưởng coi đó là sự thật lịch sử, là Kinh: Kinh Hùng của dân Việt.

Như thế là theo với thời đại, Kim Ðịnh cho là đã củng cố luận thuyết của mình bằng các chứng dẫn từ các công trình nghiên cứu khoa học. Và phương tiện để thời nay đi sâu vào quá khứ thì không gì hơn là khảo cổ học. Tuy nhiên ông lại có hiểu biết quá nông cạn về môn này. Ngay khi ông đã qua Mĩ hơn mười năm sau, với chuyện trống đồng nhiều gấp bội, ông vẫn lẫn lộn tên một địa phương và tên đặt-để cho một nền văn hoá khảo cổ: “... quen gọi trống Ðông Sơn vì tìm ra được nhiều nhất ở làng Ðông Sơn tỉnh Thanh Hoá”! [4]Chính những loại khuyết điểm từ căn bản này đã làm sụp đổ mọi luận chứng, dù tác giả viết đến thiên kinh vạn quyển, có lôi bằng cớ chữ nghĩa uyên áo để trình bày ý tưởng của mình, chúng vẫn khó thuyết phục mọi người. Không hề gì, ông chỉ muốn mượn tiếng của các công trình khoa học để triển khai phương pháp “huyền sử” phục vụ cho luận thuyết của ông mà thôi.

Phương pháp “huyền sử’ đó không lấy gì làm mới, và căn bản cũng không có điều gì sai sót. Sử viết của triều đình vua chúa không nói đến sinh hoạt của dân chúng, xã hội bên dưới; với một vùng đất chưa có sử viết, thì người ta căn cứ vào sự làm chứng, có khi nghe ngóng của người nơi khác để có hiểu biết về tộc người, sinh hoạt nơi đó. Có điều, muốn trở thành tài liệu tìm hiểu quá khứ thì người ta vẫn phải chú trọng đến tính cách thời gian của tài liệu, biện biệt sắp xếp theo sự tuần tự xuất hiện của chúng để ghép vào với nhau, không nên lấy, ví dụ quyển Lĩnh Nam Chích Quái của thế kỉ XIV coi là có giá trị chứng cớ cho 4000 năm trước đó, ở một vùng cách nơi nó xuất hiện cả ngàn dặm! Chi li hơn, không biết rằng Lê Quý Ðôn đã thấy truyện Việt Tỉnh trong LNCQ là của người thời Tống Nguyên, nên Kim Ðịnh cứ tán rộng về Việt Tỉnh Cương với vua Ân, theo ông, có mặt trên vùng Chiết Giang, đánh nhau với Thánh Gióng. Ông lại dựa vào một sai sót của người bình chú LNCQ đời nay là ông Lê Hữu Mục để tán rộng về “bốn vĩ tích” của Lạc Long Quân. [5] Cho nên, về khảo cổ học, ông không cần biết đến cách phân loại kiểu thức vật dụng để tính thời gian tương đối của các lớp đất, hay cách tính tuổi tuyệt đối (tuy vẫn là tương đối một chừng mực) bằng phương pháp phóng xạ. Và khi sử dụng đến chúng thì đem ghép bừa bãi để chứng minh cho luận cứ của mình. Ông không cần điều đó vì đã đưa vào chữ “huyền sử” nên cho rằng mình có quyền đem tục ngữ, câu hát trẻ con, lí số thầy tướng... vào để chứng minh cho khám phá của ông là “Việt vào nước Tàu trước”, rằng Hán Nho vốn có căn bản là Việt Nho, nếu không nói thẳng là đã tước đoạt của Việt Nho.

Ðã nói, chúng ta phải quan tâm đến luận thuyết của ông chỉ vì có một số người nghe theo ông, lâu dài. Trước 1975 trong nước, ông là giáo sư đại học và khi nói tràn lan, bị vặn hỏi bí lối, ông phân trần rằng mình chỉ nêu giả thuyết để làm việc, có thể sai trong tiểu tiết, không dám dạy thẳng trong trường “lâu lâu nói chơi cho vui”... nhưng lại cũng khoe rằng đã có “nhiều sinh viên cao học làm bài theo đề tài... những quy luật của huyền sử (nhấn mạnh của ông)” dựa theo các sách của ông và những điều ông đã “thuyết trình với sinh viên trong ba năm qua” (1970-1973). [6] Sự hấp dẫn trong “lí thuyết” của ông có nguyên nhân từ bên ngoài xã hội nên ảnh hưởng còn thấy gần đây trong, ngoài nước – ngoài nước thì công khai đưa lên gần thành một tôn giáo, còn trong nước thì kín đáo giấu giếm theo thói quen không chịu kể xuất xứ ý tưởng vay mượn, hay bắt chước theo mà đồng thời lại bài bác đích danh Kim Ðịnh để chứng tỏ phát hiện độc lập của tác giả. Sự vô lí trong các luận cứ, cách thế “muốn nói gì thì nói” mà vẫn được người ta nghe theo, chứng tỏ một trình độ suy luận thấp của người thu nhận đã đành nhưng cũng cho thấy ông đã đánh đúng vào một tâm lí chung của thời đại: tinh thần dân tộc quá khích.

Có thể nói lí thuyết Kim Ðịnh bắt nguồn từ ý tưởng bốc đồng huênh hoang của nhà chính trị trong thời gian mất nước vào tay người Pháp, cụ thể là của triết gia chính trị Lí Ðông A / Nguyễn Ngọc (Hữu?) Thanh, Thư kí trưởng Đảng Ðại Việt Duy dân. [7] Mất nước, người ta tưởng tượng ra một nước Việt Nam thời độc lập huy hoàng, to rộng: Ông Ðảng trưởng Ðại Việt Quốc dân Ðảng Trương Tử Anh, người Phú Yên, đã để đảng viên tuyên thệ trước một bản đồ Ðông Nam Á có tên là Ðại Việt. [8] Lí Ðông A mơ ước đến một Ðại Bách Việt / Hồng Việt, một Ðại Nam Hải... chỉ vì quá khứ huy hoàng của một thời “văn hoá Môn” (mượn của nhà nghiên cứu phương Tây), “văn hoá Viêm Việt” (mượn trong cổ thư phương Ðông) rực rỡ của dân Việt, một chi nhánh khởi phát của nhân loại từ Pamir toả xuống, thấy dấu vết ở Bắc Trung Hoa (Thái Sơn), Dương Tử, Ngũ Hồ (có Hồ Ðộng Ðình), Ngũ Lĩnh, Phong Châu, ra các hải đảo phía đông nam, qua Ấn - Miến phía tây nam. Các đồ đệ của ông đi vào miền Nam sau 1954, lúc đầu cũng có ảnh hưởng ở hậu trường Ðệ nhất Cộng hoà, nhưng thời thế đổi khác, thực tế quyền bính lấn át mơ mộng chính trị, nên Duy dân Chủ nghĩa chỉ còn lại mơ hồ với chữ “nhân chủ” trong lí thuyết nhân vị của ông Ngô Ðình Nhu.

Lãnh tụ lập thuyết lúc còn trẻ, chết sớm không đủ khả năng triển khai sâu rộng, do đó còn dành việc cho người sau, không cần phải là đảng viên. Ông Kim Ðịnh có kiến thức Ðông Tây (bằng cấp Tây), căn cứ sách vở hiện đại nhiều và có vẻ sâu, với chức vị Giáo sư Ðại học, ông có đủ uy thế để khai thác những ý kiến mở đường đến những lập luận có bằng cớ cao xa hơn. Người trước chỉ nói đến Việt có mặt ở Thái Sơn, đỉnh cao (cụ thể) của tộc Hán, văn minh Hán, người trước chỉ nói đến Viêm Việt, “văn hoá Môn”, hoả tự... thì ông nay có thể liên hệ “Lạc [chữ Hán] bộ chuy là Môn tức tổ tiên xa nhất của ta”, đã chỉ rõ rằng “Việt vào nước Tàu trước” vì khu vực Thục Sơn của Viêm Việt (có Viêm Ðế / Xi Vưu) được “chứng minh” bằng khảo cổ học là xưa hơn khu vực Hoàng Hà, do đó Việt Nho có trước Hán Nho; các lối khoa đẩu tự, điểu tự trước Tần là của Việt vì biểu hiện cho Rồng, Tiên (khoa đẩu / nòng nọc quăn queo là rồng, tiên bay là từ chim!)... Ông học triết nhiều nên cũng có khả năng đào sâu chuyện tam tài, ngũ hành mà nêu tính “nhân chủ” xướng suất từ Lí Ðông A, trong tinh tuý văn minh Việt, theo ông. Ông lập thuyết lại cũng gặp “thời”, thời của triết Ðông nổi dậy ở miền Nam theo với tinh thần dân tộc, duy văn hoá của giai đoạn chống thực dân.

Thời giải thực sau Thế chiến thứ Hai đã gây mặc cảm cho các nhà tư tưởng châu Âu và sự tự tín của người phương Ðông. Khuynh hướng bảo thủ ít nhiều gì cũng thắng thế dù cả đối với những người theo chủ thuyết hướng về tương lai như người cộng sản. Người cộng sản Việt Nam, dưới sự khuôn nắn của tình hình thực tế, đã dung hoà được sự mâu thuẫn này trong cách thế bắt chước chủ thuyết Mao. Ở miền Nam thì với tình hình chiến tranh lan tràn, sự đổ vỡ xã hội càng lớn rộng, khuynh hướng bảo thủ, “trở về nguồn” càng có đà tăng tiến, có khi trong hỗn loạn như bất cứ sự kiện nào xảy ra giữa vòng biến loạn. Biểu tình bảo vệ truyền thống với các hội đoàn đảng phái nhắm các mục đích khác nhau. Tập san Sử Ðịa, tạp chí chuyên ngành duy nhất của miền Nam, do tư nhân bảo trợ, điều hành bởi nhóm cựu sinh viên Ðại học Sư phạm Sài Gòn, tập san đó trong những năm đầu thập niên 70, đã có thêm mục “Hiếu hỉ”, thăm viếng tuyên dương những bậc già lão có công với văn hoá, công việc giống như của một hội Trọng xỉ vào thời đã xa lắc xa lơ nào.

[2008: Khuynh hướng bảo thủ “trở về nguồn” không phải chỉ dữ dội như trong các cuộc biểu tình, với lời kêu gọi tìm về dân tộc, ẩn nấp trong ý thức độc tôn giới tính nam của các lời nhạo báng “phụ nữ Liên Ðái” mà còn xuất hiện cả ở những dạng hình “dễ thương” như loại trên này. Và cũng ngọt ngào như trong lời ca: “Về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc...” để đẩy tới dạng mơ mộng ngờ nghệch: “Này người yêu, người yêu em hỡi: Bên kia sông (?) là ánh mặt trời”! Ánh mặt trời đó sẽ đến, để người du ca thấy ra hình dạng thật của nó mà ngậm ngùi xếp đàn, trở về nhà lo cho thân xác.]

Ðại học Văn khoa Sài Gòn có giảng khoá triết Ðông của Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, với những lập luận mù mờ khó hiểu nhưng đầy nhiệt tình của người nói lôi thêm nhiệt tình của người nghe, trong đó có sự a dua thông thái, tình hình như thế đã dọn chỗ cho Giáo sư Kim Ðịnh thu hút sinh viên. Ông đang giảng triết, mà là triết Việt, Việt Nho, đúng là một khám phá gây niềm hãnh diện cho người Việt. Triết của ông đặt nền tảng trên “huyền sử” mà ông, vốn là một linh mục, đã quen với lối giảng giải huyền thoại của Cựu ước cho tín đồ, nay chỉ cần chuyển phương pháp vào đối tượng mới, quyển LNCQ, để từ đó bung ra. Ông linh mục Kim Ðịnh với Kinh Cựu ước thật dễ dàng chuyển sang ông triết gia huyền sử Việt với Kinh Hùng LNCQ. Ta cứ thấy ông nhắc mãi đến câu “Ðạo mất trước, nước mất sau” chứng tỏ mối liên hệ của phần tư tưởng cũ, mới trong người ông. Môn sử Việt lúc bấy giờ cũng đang phát triển ở trường Văn khoa này với các chứng chỉ riêng biệt cho cấp bằng cử nhân Sử, không như thời chúng tôi học vào đầu thập niên 60. Tuy nhiên, phần cổ sử theo sát những khám phá từ văn bản, khảo cổ nhọc nhằn không làm thoả mãn được khuynh hướng dễ tính của con người. Kim Ðịnh đã đem lại đáp ứng đó trong tình trạng khoa học nhập nhằng dâng cao với lí luận huênh hoang tuôn tràn ngoài xã hội.

Khảo cổ học miền Bắc có ưu thế hơn về địa vực, về sự ủng hộ của chính quyền với thâm ý chính trị thúc đẩy, đã hấp dẫn miền Nam qua một số sách hiếm hoi đi vào (thường thì bằng con đường Pháp, Phnom Penh), nên càng hấp dẫn hơn. Sách giáo khoa cạnh tranh trên thị trường của giáo sư soạn cho kì thi tuyển tú tài 1975 đã có phần nói về các giai đoạn Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn như một hiểu biết có cầu chứng về cổ sử Việt Nam qua con đường khảo cổ học. Vài năm trước đó, đã có một nhóm người thành lập diễn thuyết về trống đồng, Hùng Vương với các tên diễn giả lắp thêm họ Lạc vào họ khai sinh của mình. Họ không đủ uy tín để đi xa hơn ông giáo sư đại học Kim Ðịnh. Cho nên, dù là nói bừa bãi, lối giải thích:

“Mị Châu rất có thể là do đọc trại tiếng ‘mễ’ nghĩa là gạo (gốc chữ Việt)...”, hay “... có lẽ ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 hiểu được là Tam Miêu và Bách Việt. Tam Miêu là tháng 3, còn Bách Việt là mồng 10. Mười là số chẵn có thể thay số chẵn trăm...” [9]

cũng đã mở đường cho các “khám phá” khác sau này về cổ sử Việt dựa theo cách lí luận bắt quàng ngữ nghĩa, ngữ âm tương tự đó của ông. Kim Ðịnh vốn cũng bắt nguồn tư tưởng từ một chính trị gia như đã nói, nên ông có một quần chúng đảng phái tán thưởng theo, rồi cũng sẽ quy tụ vào ông khi cả hai đều bật khỏi gốc rễ ra hải ngoại.


3.
...

Các biến động mới cùng sự thất bại không thú nhận của việc nối kết thành quả khảo cổ học với thời Hùng Vương khiến cho vấn đề lại buông thả cho cảm tính, cho những khẩu hiệu phục vụ chính trị cấp thời của sử học...

Tâm nguyện kéo dài quá khứ và sự cạn kiệt tài liệu đi theo với khủng hoảng “đổi mới” lúng túng khiến ta thấy vấn đề Hùng Vương chuyển sang hình thức giả khoa học mà ta gọi là “sự mê tín trống đồng”, vốn cũng chỉ là sự phát triển tín điều cũ của ngôn từ mới trong đó, lạ lùng thay, bóng dáng ông Kim Ðịnh huênh hoang lại ảnh hưởng đến một vài học giả phía Bắc và lớp người trẻ tuổi hơn. Người mở đầu cho các tác giả Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt chước Kim Ðịnh có lẽ là ông Nguyễn Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Thời kì sau chiến tranh Trung - Việt 1979, ông cho đăng trên một số Khảo cổ học 1980, rằng trong một quyển sách (có dáng võ hiệp) tên Vô đỉnh nguyên vương của Kim Dụng (không phải Kim Dung), tác giả Trung Quốc đó công nhận người Tàu đã lấy Lạc thư của Việt làm của mình.

[2008: Người bên ngoài có thể lấy làm lạ rằng tại sao một luận cứ với bằng chứng khinh thường thiên hạ như thế này lại xảy ra ở một cơ quan nghiên cứu chuyên ngành mang tính quốc tế không thể bỡn cợt được. Ðó là do họ không quen với tính chất gọi là “dân chủ tập trung” áp dụng cho tinh thần nghiên cứu để phục vụ chế độ. 

Sách vở của Việt Nam Cộng hoà không “ghê gớm” như người ta hồi tưởng nuối tiếc nhưng thật ra cũng dồi dào đa dạng, và cả “rối loạn” nữa nhưng cái chết của chế độ lại mang đến cho nó một sự hấp dẫn riêng, nhất là trong bao nhiêu năm, học giả miền Bắc chỉ biết có chủ nghĩa Mác - Lê và sử dụng nó theo kiểu tóm gọn: “Trái với chủ nghĩa Mác - Lênin” để bài bác những ý kiến khác, như đã thường xuyên hiện diện trên tờ Giải phóng trên vùng đất của “tàn dư Mĩ nguỵ.” Cho nên sự hấp dẫn của Kim Ðịnh cũng còn thấy hơi hám ở những chức sắc khác của ngành khảo cổ học vào thời kì Ðổi mới. Có điều không chắc người ta đã thấy ra hậu quả trầm trọng cho tình hình nghiên cứu chung. Chuyên viên nói bừa cũng được coi là lời nghiêm túc, miễn là cứ nhân danh lí tưởng cao cả. Nghĩa là người ta đã để đánh đồng các công trình tìm tòi qua những chuẩn mực nghiêm túc của khoa học với với các suy luận lăng nhăng của tay ngang. Sự hiểu biết về sử Việt vốn đã bị ràng buộc vào các chuyện kể, các lời bàn-sử để có người tưởng hễ “biết được chữ là viết được sử”, thế mà các chuyên viên đã không làm bức tường ngăn chặn cho khu vực chuyên môn yếu ớt của mình, không giữ được sự trọng nể cho chuyên môn, lại mở đường cho các kẻ hóng chuyện, chộp được bất cứ câu, chữ “dữ dằn” nào là tung ra hù doạ luận thuyết rối mù – trong trường hợp của ngành khảo cổ học này là sự phát triển của những luận thuyết hậu-Kim Ðịnh, vượt-Kim Ðịnh, có các ông mở lối, chấp nhận ngang hàng. Nguyên tắc “hồn ai nấy giữ” không được tuân thủ để cho hồn ma đồng bóng Ngài/Ðấng lấn lướt xác thân con người ăn uống bình thường, len lách đi quá phạm vi “quần chúng” vốn đã dành tự do cho họ ở thế giới bên kia.]

Trong quyển Cơ sở văn hoá Việt Nam (bản 1998), ông Trần Ngọc Thêm, “Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt Nam học cho Khối Ðại học Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và chủ trì xây dựng chương trình môn Cơ sở văn hoá Việt Nam từ 1990” (theo lời tự giới thiệu), đã phân biệt sự đối kháng của văn minh du mục (Tây Âu và Trung Hoa) với văn minh nông nghiệp Ðông Nam Á (phía bắc đến tận sông Dương Tử) “một trong những cái nôi hình thành loài người”, trong đó “Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất đặc trưng của văn hoá khu vực”, còn lưu lại ông Thần Nông và câu chuyện Hồng Bàng Thị ở LNCQ. “Văn hoá nhận thức” (của Việt Nam) cũng là lí thuyết Âm dương (có cặp đôi Tiên Rồng, vuông tròn...), Ngũ hành, Hà đồ Lạc thư với các giảng giải lí số 3, 5, 9, “nhất điểu nhì xà tam ngư tứ tượng”... đổi xoay quanh với ông Kim Ðịnh. [10] Gần nhất là một tác giả trẻ, tuy có gộp thêm các truyện Trương Chi Mị Nương, Thạch Sanh... trong tập luận thuyết của mình nhưng vẫn mang đầy dẫy dấu vết Kim Ðịnh khi căn cứ trên quyển LNCQ để biện luận về một “xã hội Văn Lang thời các vua Hùng có một nền văn minh đạt đến đỉnh cao của nền văn minh nhân loại thời cổ đại với một lãnh thổ rộng lớn, bắc giáp Ðộng Ðình Hồ, tây giáp Ba Thục, nam giáp Hồ Tôn, đông giáp Ðông Hải”, có chứng minh bằng các đồ hoạ về Âm dương Ngũ hành, Hà đồ Lạc thư, Dịch, lí số... cùng với ca dao tục ngữ, văn chương kim cổ. [11]

... Sử gia được đào tạo theo tinh thần gọi là mácxít nhưng đậm nét Stalin, Mao cộng thêm tính cách từ chương xưa cũ, nay vẫn không thể thoát ra được, và từ đó nổi lên sự co rút theo tinh thần dân tộc của ca dao tục ngữ rất buồn cười. [2008: Trong những năm sau “Ðổi mới”, ông Trần Quốc Vượng thường đưa ra những giải thích ẩn tàng tính định mệnh cho những địa điểm lịch sử, những vùng địa lí Việt Nam, phát biểu theo một thứ ngôn ngữ phong thuỷ tân biên, kèm với các đồ hình bí hiểm, “sáng tạo” đó có vẻ cũng được các nhà nghiên cứu đàn em tán thưởng, đem ra ứng dụng cho các bài viết của mình. Chắc vì lẽ đó mà ta thấy xuất hiện qua truyền thông những dấu hiệu phong thuỷ trong cả việc điều hành thủ đô Hà Nội.]

Ngày trước tuy là giáo điều nhưng chủ nghĩa giai cấp còn mở đường vào thế giới, vào tương lai, nay thì “trở về nguồn” lại phát sinh những luận cứ chẳng có gì là khoa học cả, chưa kể là phản cả lí trí bình thường. Cách giải thích quá khứ đầy tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương...”, đầy mong ước hiện tại... khiến cho sử gia thấy “tổ tiên nguyên thuỷ của chúng ta” tồn tại đến hàng chục vạn năm theo núi Ðọ, Thẩm Khuyên..., với chuỗi văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn tiếp đến văn hoá Phùng Nguyên... Ðông Sơn, “tiến bước trên con đường cải tạo thiên nhiên và cải tạo mình” qua “bước văn minh nông nghiệp cách đây một vạn năm... đến hợp kim đồng thau cách đây khoảng bốn ngàn năm” làm nên “kì tích... tạo... tiền đề cho sự tồn tại một thời đại Hùng Vương rực rỡ...” [12] Các tác giả trên còn ngại ngùng núp lén sau các dòng chữ nhưng PGS. Nguyễn Cảnh Minh thì nói thẳng ra một thời dựng nước liên tục vĩ đại: “Sau hàng chục vạn năm (chúng tôi nhấn mạnh) gian khổ và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ tiến đến sự phát minh ra kĩ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước dùng cày có sức kéo là trâu bò; đời sống vật chất và tinh thần người nguyên thuỷ Việt Nam (chúng tôi nhấn mạnh) ngày càng được nâng cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội, đưa đến hình thành một lãnh thổ chung, một nền văn hoá, văn minh chung và một tổ chức chính trị, xã hội chung, đó là quốc gia và nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, đánh dấu một bước chuyển cơ bản trong lịch sử xã hội Việt Nam, mở ra một thời đại mới – thời đại dựng nước”. Từ “Người-vượn trên đất Việt Nam... sống thành bầy nguyên thuỷ”, rồi “tổ tiên nguyên thuỷ của chúng ta” (1983) qua đến “người nguyên thuỷ Việt Nam” (2000) quả là tinh thần dân tộc đã tăng tiến lên đến mức độ cưỡng đoạt lịch sử. Bùi Thiết, đứng đầu một phe “li khai” trong nước cũng không nói khác để cho Nxb. Thanh niên in sách của ông (2000), mở đầu Lời giới thiệu: “Nước Việt Nam có lịch sử đã mấy chục vạn năm trước, kể từ khi xuất hiện xã hội Người đầu tiên trên lãnh thổ đất nước”.

Họ đã vượt xa thời vua Hùng của Ngô Sĩ Liên và thời trống đồng Ðông Sơn của người mới vừa ở thế hệ trước và còn sống quanh đâu đó... Tâm trí còn co hẹp trong viễn tượng thế giới mở rộng hơn, thế giới toàn cầu hoá, nên càng phải bù đắp lại bằng sự hoang tưởng. Ðiều đó cũng thấy ở nhóm người di tản trong hoàn cảnh bị xô đẩy vào giữa thế giới quay cuồng mà mình thì co lại trong “cộng đồng” riêng biệt, nhưng không tránh được, cũng phải tiếp nhận thành quả của thế giới đó, để cho hỗn loạn của “truyền thống” càng gia tăng.

Muốn xét đến ảnh hưởng của Kim Ðịnh ở hải ngoại, nhất là ở Mĩ, nơi tập trung đông đúc số người tị nạn nhất, thì không thể bỏ qua tính chất tị nạn của người Việt nói chung. Ðầu tiên phải nói đến là tính chất di cư hàng loạt với số lượng lớn người Việt ra nước ngoài, chưa có tiền lệ. Sự hỗn loạn trong sinh hoạt tại nước người là do hoàn cảnh ra đi theo từng đợt ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ (người đi trước và ngay sau ngày “mất nước” 30-4-1975, “bán chính thức”, vượt biên, HO), do nguồn nhân sự phức tạp (dân di cư 1954, dân gốc miền Nam trước đó, người Hoa của “bán chính thức” và người Việt luồn vào, người thuộc các tôn giáo phồn tạp của Việt Nam Cộng hoà). Cộng đồng di tản nào thì, ít ra trong thế hệ đầu, cũng sống bên lề nước tiếp nhận, trong một chừng mực nào, nếu được khoan dung chấp nhận, vẫn phải mang tính chất bên lề không tránh khỏi đó. Tình trạng này càng không tránh khỏi đối với người lớn tuổi, dù đã mang quốc tịch nơi ở mới. Họ vẫn mang trong mình tâm hồn nơi cũ, có cố gắng thì khai thác thêm kiến thức theo sách vở mới nhưng vẫn trên căn bản cũ. Ở một xứ mà sự tự do tư tưởng trở thành bình thường, phương tiện bày tỏ tương đối thoải mái, lại giữa một số người cũng lạc lõng như nhau, không có một sự kềm thúc dư luận chặt chịa, người ta tha hồ “nói”, có khi đến quá đà loạn xạ, và điều đó đã xảy ra cả với những người trí thức có danh vọng trước kia. Ông Kim Ðịnh có điều kiện thuận tiện hơn, nên đã khai thác các thuận lợi cũ trong đà có “quần chúng” to rộng hơn.

Với người bật gốc ra khỏi xứ sở thì tôn giáo cũng là một cơ sở cần phải bám víu, một thứ tôn giáo mang căn bản cũ và những hình thức của tình thế thúc đẩy tham vọng mới. Ông Trần Văn Trường, “người xưng vua”, thuộc phái đạo Vô Vi, quảng cáo đăng đàn diễn thuyết (23-12-1997) “Nước Việt Nam cần có vua (một đấng Minh vương)... để khai trí mở huệ cho hai người anh em (Quốc gia và Cộng sản) thức tỉnh...”, rồi xoay chiều, làm náo loạn phố Bolsa (Orange County, California) hồi đầu 1999 khiến báo Register địa phương phải coi là sự kiện về cộng đồng nổi bật nhất trong năm. Thanh Hải Vô thượng Sư có quần chúng đồng chủng và sự yểm trợ bên ngoài trong tinh thần đồng văn hợp với thời đại truyền thông, đã có “tông đồ” tận trong nước và còn muốn lan qua khu vực quốc tế với toan tính thu phục tín đồ người Mễ vùng Nam California, làm run sợ cả một số người Công giáo Việt yếu bóng vía. Ông Kim Ðịnh có một tập họp quần chúng đảng phái Duy Dân như đã nói, và những người chịu ảnh hưởng từ trong nước, nay hoặc tách riêng làm những nghiên cứu Hùng Việt khác, hoặc theo ông, tập họp trong hội An Việt có hơi hướng tôn giáo cổ truyền và những giải thưởng dự tính, theo ông, như một loại Nobel mới.

Ngày trước, khi còn ở trong nước ông cũng đã bị người ta chỉ trích là có tinh thần “ái quốc quá khích”, viết “lơ mơ” khiến cho “người Tàu không thèm cãi lại mà chỉ cười, cười khinh”... Ông nói không dám đem vào dạy trong đại học mà thú nhận là “chỉ nói phớt qua, và là những lúc giải trí”, nhưng sự thôi thúc làm người “lập thuyết” – triết lí An vi, Nhân chủ, khiến ông viết sách thật nhiều, không chừa cả việc quảng bá trong học đường, rồi gượng gạo lúng túng bào chữa hay cố lấy chứng cớ uyên thâm để chống đỡ. [13] Nay thì ở ngoại quốc, sự vướng víu trách nhiệm không còn nữa, ông tha hồ quảng diễn như một giáo chủ.

Tham vọng giáo chủ của ông tỏ ra trong việc tập trung bài cũ, viết lại trên tư tưởng cũ, khai thác những hiểu biết mới, sắp xếp thành 5 bộ sách mà ông đặt tên là Ngũ Kinh khải triết (Ngũ điển), ý muốn thay thế Ngũ Kinh của Khổng Nho xưa. Năm bộ đó là Kinh Hùng, Sứ Ðiệp “có thể coi là đã cố định” và ba quyển “đang hình thành... ở vào thời kì dự tuyển”: Kinh Ngữ  “tập trung tục ngữ ca dao”, Kinh Lạc / Nhạc  “do các nhạc sĩ điều động”, Kinh Dịch  “thay đổi thêm bớt từ quyển Dịch Kinh linh thể”. Dự tính là thế nhưng thực tế ngay sau những lời này, ông đã giới thiệu một bộ Ngũ Kinh khác: Hưng Việt sử ca (thật ra tên sách năm 1986 có quảng cáo này chỉ là Hưng Việt), Kinh Hùng khải triết (triết lí về “Kinh Hùng” Lĩnh Nam chích quái, cũng lược thuật 15 truyện trong đó), Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc (bàn về Việt Nho, Việt tộc), Sứ điệp trống đồng, Văn Lang vũ bộ (từ hình nhảy múa trên trống đồng, bàn lan man về triết lí của Việt tộc). [14]

Bị đẩy ra khỏi nước, Kim Ðịnh tức giận, căm thù người cộng sản nhưng cũng có dịp biết đến các phát hiện khảo cổ học miền Bắc nhiều hơn. Có trống đồng với các hình vẽ, giải thích theo hướng tục phồn thực, có con dao núi Nưa, có rìu mũi cong... Ông cũng biết thêm về khảo cổ học Trung Quốc. Do đó ông có nhiều dữ kiện để đưa vào sách, minh chứng cho lí thuyết huyền sử của ông. Càng lúc ông càng thấy mình nói đúng. Các nền văn hoá Ngưỡng Thiều, Long Sơn chỉ có 6000 - 7000 năm, còn Hoà Bình đã “có gạo” (?) thì tới 8000 năm. Hơn nữa, Long Sơn thuộc ngành Rồng, Ngưỡng Thiều thuộc ngành Tiên, cả hai phải quy tụ vào Việt Nam mới đúng! Có cái giếng tuỳ táng đào được ở Bắc Ninh thì có thể liên hệ chứng minh được Việt tỉnh (giếng Việt) không cần biết đến ý kiến của Lê Quý Ðôn. “Trống Việt phong phú vô kể, có thể viết về trống Việt mãi mãi không hết”. Ví dụ, nhìn mặt trống có hình chim, hình người mang lông chim, đúng là nói về Tiên (bay), còn tang trống có hình chim lao vào miệng rắn theo ông Nguyễn Từ Chi của miền Bắc, đến với Kim Ðịnh trở thành Rồng, đúng là chuyện Âu Cơ – Lạc Long Quân. Vô số các bằng chứng mới cho thấy Khổng Tử rất thành thật khi nói ông “thuật nhi bất tác”, ông chỉ “thuật” chuyện cũ của Việt, vì Khổng Tử theo Nghiêu Thuấn (sách Trung Dung) mà Thuấn là Ðông Di, tức là Việt, như ông Kim Ðịnh nối kết điều Lê Văn Hưu đã chỉ ra một lần. [15] Ðến đây ta có thể thấy sự rối loạn tâm trí của một tầng lớp trí thức di tản đã lên đến tột độ, và cũng hiểu ra sự rẽ hướng đồng dạng ở những “tác phẩm” nghiên cứu thời cổ sử Việt khác.

Sách, báo văn học, nghiên cứu của người Việt di tản ở Bắc Mĩ, nhìn qua thì như một hiện tượng bất thường. Giá sách đắt ngay cả đối với tiêu chuẩn Mĩ, huống là với mức sống của người Việt. Với giá tiền ấy, sách không thể nào len vào trong nước được, kể cả khi qua khỏi sự ngăn cấm chính trị. Vậy mà sách vẫn in ra, chỉ vì sách xuất hiện phần lớn là do nhu cầu của người viết hơn là nhu cầu của người đọc. Nói “phần lớn” là vì vẫn có sách bán được theo nhu cầu tôn giáo (quần chúng đọc tiếng Việt còn đông ở lãnh vực này), theo tình thế ngăn cấm trong nước khiến bản thảo đi ra ngoài gợi ý tò mò (trường hợp Ðêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn...) “Phần lớn” sách tiếng Việt vẫn xuất bản vì nhu cầu thể hiện của tác giả mà sự in ấn không tốn kém gì lắm so với sức chịu đựng của chủ nhân, so với sự thôi thúc của nhu cầu kia. Ông lãnh tụ trong nước muốn chứng tỏ mình tài kiêm văn võ, thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Ông Trường Chinh còn là “thi sĩ” Sóng Hồng. Ông Xuân Thuỷ vẫn thường tức cảnh sinh tình trong Hội nghị Paris. Và người di tản ăn oen-phe cũng tỏ lộ nỗi buồn “mất nước”, nhớ tiếc quê hương, tâm tình phản kháng trong những lời thơ. Tướng lãnh, nhà chính trị viết hồi kí; cựu chiến binh dằng dai với quân trường Thủ Ðức, Ðà Lạt, với những trận đánh nhọc nhằn ngày nào nay trở thành vĩ đại trong tâm tưởng, trên những trang giấy... Những người của các ngành chuyên môn cao cấp cũng không chịu gói trọn thân mình trong sự an bình của nghề nghiệp đưa lại. Nằm trong main stream về phương diện nghề nghiệp, họ thấy mình tiếp xúc được với một khung trời kiến thức to rộng hơn mà lại không đủ chen chân vào cuộc sống tư tưởng của xứ sở mới, nên trở về với những suy luận cao xa thấy lúc trẻ ở quê nhà. Thế là sách vở của họ gặp được những đồng điệu của những lí luận bốc đồng trong nước, cùng một căn cơ Âm dương Ngũ hành, Dịch lí số... với cái khác là sách trong nước có phần “dân tộc” hơn, còn bên ngoài thì tuy không rời bỏ “dân tộc” nhưng thêm dáng vẻ quốc tế liều lĩnh hơn với các nguồn chứng dẫn, triết thuyết thế giới, nguồn thông tin kĩ thuật, nhân văn rộng, mới hơn.

Có vẻ những đồ đệ trực tiếp của Kim Ðịnh xuất hiện mới nhất là nhóm Ðạo sống Việt. [16] Cũng thoáng một triết lí chính trị vướng víu từ xưa qua từ “nhân chủ”. Cũng những chuyện bánh giầy bánh chưng, gậy thần sách ước..., vẫn các chứng dẫn khảo cổ học bộp chộp lấy từ những người không hiểu vấn đề. Cũng triết lí Rồng Tiên, nhưng bạo gan đi vào huyền sử với chuyện “Tổ chức bí mật núi Tản sông Cái” giúp Hai Bà Trưng. Tuy nhiên từ loại triết lí An vi ra ngoài nước mang tinh thần hồi cố hơn với tên An Việt của nhà xuất bản, đến đây lại trở thành một thứ tôn giáo dân tộc chống cộng chống Tây, tách rời một ít khu vực Hán Nho / Việt Nho mà ông Thầy dễ thoả hợp để đi vào tinh thần “thiền” của Phật giáo: “Trăm hay xoay vào lòng.”

Tác giả Nguyễn Xuân Quang là người vượt trội trong dáng vẻ khoa học với quyển sách bề thế Khai quật kho tàng cổ sử Hừng Việt. [17] Trong đó, ta cũng gặp những đề tài của Kim Ðịnh (Dịch lí số, số 9 ví dụ từ Hồng phạm cửu trù, chữ nòng nọc / khoa đẩu...) khai triển rộng ra (nòng nọc lan qua đề tài Thánh Gióng, An Dương Vương, chim bồ cắt muốn thay thế chim [?] Âu Cơ), và đi sâu hơn vào sự mê tín trống đồng: Giải đọc trống đồng là tên một đề sách khác được tác giả giới thiệu. Lối giải thích tràn lan kiểu tên Tần Thuỷ Hoàng với chữ “thuỷ” có nghĩa là “nước” (chứ không phải là “khởi đầu”), Bành (Tổ) là (Hồng) Bàng, (Âu) Lạc là Lo (âm Pháp, Anh của “lạc”), là Lô Giang = Hồng Hà, Hồng (Bàng) là Hồng (Hà; Fleuve Rouge của Pháp ngữ)... vốn của Kim Ðịnh [18] lại cũng làm điểm khởi đầu cho tác giả Khai quật... kéo dài thành những phát hiện chưa ai dám nói, như vua Hùng vốn phải là Hừng vì trống đồng có dấu hiệu thờ mặt trời, màu đỏ, liên hệ đến tên nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương... Kim Ðịnh cho rằng “trống đồng chắc phải có từ lâu đời lắm, ít nhất là đời nhà Hạ, mà nhà Hạ với Việt tộc thì về văn hoá là một... Phải coi trống đồng như bản văn hoá Việt hay nhất.” [19] Tuy nhiên, sự ưu việt của Việt tộc chỉ mới được ông chứng minh bằng cổ thư (Trung Quốc) và những lượm lặt khảo cổ học ngày nay. Với Nguyễn Xuân Quang thì nhờ phát hiện “L’annamite, mère des langues” của Ðại tá Frey, người Pháp, vào cuối thế kỉ XIX, nhờ các từ điển điện tử đa ngữ bây giờ cho nên ưu thế tột đỉnh của tiếng Việt trở thành điều hiển nhiên và có thể giảng giải, suy đoán từ cổ thư, từ hình tượng trên trống đồng để phát hiện ra “kho tàng cổ sử” Việt bị chôn vùi trong thời gian, phải nhờ người “khai quật” lại.
...

© 2008 talawas



[1]Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Ðại Huế xb. 1965. Tuy nhiên các bài viết tập họp trong sách này đã xuất hiện từ trước trên tạp chí Bách Khoa, kỉ yếu Ðại học Sư phạm Huế...
[2]Kim Ðịnh, Triết lí cái đình, USA: An Việt (bên trong: H. T. Kelton) xuất bản (?), không ghi năm, tr. 89-91. Phần quảng cáo cuối sách cho biết đã xuất bản ở Việt Nam năm 1971. Ông nói đã có 19 đầu sách in ở Việt Nam tính đến 1973.
[3]Tạm lấy một ví dụ ở Lời tựa Triết lí cái đình: “Ta về ta tắm ao ta”. Nhưng ao ta ở đâu? Hình dạng là thế nào? Tên gọi là chi? Hơn ở chỗ nào? Thưa ao ta ở xứ Nghệ, hình nó tròn vuông, tên nó là Hồ Ðộng Ðình. Ao là hồ, Ðình là nhà, Ðộng Ðình hồ là “ao nhà vẫn hơn”... Chỗ khác, ông giải thích: “Ao nước hình tròn lung linh nên gọi là động hồ, bao lấy cái đình thành ra Ðộng Ðình hồ” (tr. 41). Lấy tài liệu ở bản “Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” nói hồ Ðộng Ðình ở Nghệ An, chắc là thấy vô lí, ông liền giảng ra là an bình, tài giỏi... lan man qua “giao” (chỉ)! Cũng thấy ông cho biết bài “Bốn chặng huyền sử nước Nam” đã được thuyết trình tại trường Thiên Phước (một tư thục Nhà Dòng – Sài Gòn) do hội Hưng giáo Văn Ðông tổ chức ngày 15-11-1970.
[4]Kim Ðịnh, Hưng Việt, USA: An Việt xb., 1986, tr. 18.
[5]Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục dịch, truyện Ngư tinh. Ðây cũng là thêm một bằng chứng về khả năng chấm câu thiếu sót của văn tự Hán cộng thêm sự thích thú diễn ý của người nay: Nguyên văn đáng lẽ phải ngắt câu “Kim hô vi Phật Ðào Kinh, Long Quân mẫn dân bị hại...” được chuyển thành: “... Phật Ðào, Kinh Long Quân...” để lòi ra một tên khác của ông Lạc Long Quân và tạo nên kì tích cho ông này!
[6]Kim Ðịnh, Nguồn gốc văn hoá Việt Nam, Nguồn sáng xb., 1973, tr. 38, 90, 91.
[7]Tạ Chí Ðại Trường, “Việt Nam nhìn từ bên trong” trong Những bài văn sử, USA: Văn học xb., 1999, tr. 53-60.
[8]Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, USA: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 36.
[9]Triết lí cái đình... tr. 115, 131.
[10]Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998. Sách được tái bản 6 lần với độ dài ngắn khác nhau, từ bản thảo đầu tiên năm 1991.
[11]Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, Nxb. Văn hoá Thông tin, 1999. Ðáng chú ý là tác giả có địa chỉ nơi một đền thờ Hùng Vương thuộc TP. Hồ Chí Minh: “Nghiêm từ cung Quốc tổ Lạc Hồng”. Có thể xem thêm: Ðông Phong, Về nguồn văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1997. Sách này cũng thấy được in lại ở Mĩ trong tình trạng èo uột về tiêu thụ chứng tỏ có sự đồng điệu vượt lên cả những tính toán về tài chính. Vừa qua (5-2001), được tiếp xúc với một Việt kiều về nước làm ăn trong việc kinh doanh sản phẩm văn hoá, nghe ông ta phát biểu về lí thuyết Kim Ðịnh (mà hẳn không biết tác giả này), chúng tôi nghĩ rằng sự tái phát triển lí thuyết Việt Nho đã thực sự lan ra thủ đô Hà Nội trong một phần giới nghiên cứu.
[12]Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, sđd, tr. 18, 70-71.
[13]Kim Ðịnh, Nguồn gốc văn hoá Việt Nam, Sài Gòn: Nguồn sáng xb., 1973, có phần phụ trương 5 bài chiếm đến gần nửa quyển sách.
[14]Phụ trương cuối sách Văn Lang vũ bộ, USA: H. T. Kenton, không năm xuất bản. Cũng thấy ở Pho tượng đẹp nhất của dân tộc, An Việt, không năm xuất bản nhưng bên trong có nhắc lần nói chuyện tại Ðại hội Công giáo ở San Jose tháng 7- 1980; Hưng Việt, An Việt xb., 1986.
[15]Pho tượng... tr. 44-45, 59, 62-65
[16]Cũng là tên một quyển trong Tủ sách Việt Thường: Nhiều tác giả, Ðạo sống Việt, USA: Ngày nay xb., 2000. Người trung thành hơn có lẽ là ông Nguyễn Minh Triết, đã dẫn từ tác phẩm của Kim Ðịnh ra các nghiên cứu của ông: “Sự tích Tiên Rồng và vòng Thái cực”, Văn hoá Việt Nam, số 9, Mùa hạ 2000; USA, tr. 92-97; “Chử đồng tử với tình yêu và thuật trị dân”, Văn hoá Việt Nam, số 10, Mùa thu 2000, USA, tr. 104-109.
[17]Nguyễn Xuân Quang, Khai quật kho tàng cổ sử Hừng Việt, USA: Y học thường thức xb. (nghĩa là tác giả tự xuất bản), 1999, 613 trang.
[18]Văn Lang vũ bộ, sđd, tr. 181; Hưng Việt, chương 7
[19]Triết lí cái đình, sđd, tr. 54; Văn Lang vũ bộ, sđd, tr. 32






No comments: