Trịnh Hội
Monday,
April 25, 2016 6:27:58 PM
Trong
những năm vừa qua thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được vài bài báo từ trong nước gán
ghép cho tôi và VOICE, tổ chức phi chính phủ mà tôi hiện đang điều hành, là
thành viên của đảng Việt Tân. Ðặc biệt hơn là từ An Ninh Việt Nam và tờ báo
Nhân Dân, tiếng nói chính thức của Ðảng Cộng Sản Việt Nam.
Ða phần
tôi chỉ cười trừ bỏ qua, cho là chuyện tầm phào. Hôm nào đọc xong muốn vui tếu
tôi còn cho đăng ngay lên trang facebook của tôi để bạn bè cùng thưởng thức. Ðể
chính họ thấy nó tầm phào đến độ nào.
Trịnh
Hội tại một hội thảo.
Nhưng
hôm nay tôi nghĩ tôi cần phải lên tiếng. Thứ nhất vì tuần trước VOICE đã có
thông cáo chính thức về vấn đề này. Tôi nghĩ qua bài viết tôi có thể làm rõ hơn
một số vấn đề vì mình là người trong cuộc ngay từ khi VOICE được cho ra đời.
Thứ hai
vì trong một bài viết mới đây gán ghép cho tôi và VOICE là thành viên của đảng
Việt Tân, người viết không phải là một nhà báo của tờ báo Nhân Dân mà là của một
người đang sống tại hải ngoại. Anh tên là Nguyễn Thanh Tú, hiện đang cư ngụ tại
Houston, Texas. Anh cũng là con của nhà báo Ðạm Phong, người bị giết cách đây gần
bốn thập niên trước.
Bởi anh
nêu đích danh tôi và cố tình gán ghép cho tôi và VOICE nên tôi nghĩ tôi cần phải
lên tiếng. Ðể cho anh và mọi người hiểu được rằng những nhận định của anh không
phải là sự thật.
Lý do
thứ ba đơn giản hơn nhưng lại quan trọng nhất đối với riêng tôi. Ðó là vì VOICE
hiện tại đang có nhiều người chung sức hoạt động, đang cố giúp những thuyền
nhân Việt Nam cuối cùng được định cư sau 27 năm sống vô tổ quốc, đang từng ngày
tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do, nhân bản hơn. Họ cần biết và nghe phản
ứng của tôi đối với những thông tin sai lệch đó.
Vì vậy,
cho tôi xin được phép giới thiệu về VOICE và về vai trò của tôi trong suốt
quãng thời gian từ khi nó được cho ra đời chính thức từ năm 2007 cho đến nay.
VOICE
là tên viết tắt của tổ chức phi chính phủ “Vietnamese Overseas Initiative for
Conscience Empowerment” được đăng ký vào năm 2007 tại California. Lúc ấy tôi vừa
mới lấy vợ và phải đi đi, về về giữa Phi Luật Tân là nơi tôi có văn phòng giúp
đỡ người tỵ nạn và gia đình mới của tôi ở California.
Cũng
xin nói thêm lần đầu tiên tôi sang Phi Luật Tân là vào năm 1997, 10 năm trước
khi VOICE chính thức được cho ra đời. Lúc ấy trong thời gian đầu tôi cộng tác với
các tổ chức Boat People SOS, LAVAS và Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Úc Châu để cố
giúp khoảng 3,000 thuyền nhân Việt Nam và gia đình của họ đi định cư ở các nước
thứ ba.
Tôi
dùng chữ “cộng tác” ở đây vì lúc ấy chúng tôi tuy cùng làm việc với nhau nhưng
tôi không phải là thành viên của các tổ chức ấy. Họ không trả lương cho tôi và
trong suốt 10 năm dài từ năm 1997-2007, tôi và các thiện nguyện viên khác mỗi
người chỉ được phát cho $100/tháng từ quỹ của văn phòng do chính tay tôi và các
bạn bè thân hữu quyên góp.
Trong
ba năm đầu, từ năm 1997 cho đến năm 1999, chúng tôi đã giúp được khoảng độ 500
người đi định cư ở các nước thứ ba. Sau đó tôi quyết định sang Mỹ với ý định sẽ
cùng tổ chức Boat People SOS vận động cho những thuyền nhân còn bị kẹt lại.
Rất tiếc
ý định ấy đã không thực hiện được vào thời điểm đó vì chúng tôi không có cùng một
mối quan tâm chung. Vì vậy chỉ sau vài ba tháng làm việc ở Mỹ tôi đã bay ngược
trở về Úc để tìm cách vận động.
Dù gì
thì đất Úc cũng là đất nhà mình, tôi nghĩ thế.
Ở vào
thời điểm đó nếu tôi chỉ làm một luật sư bình thường, áp dụng đúng theo luật lệ
đã đưa ra thì sẽ không có cách nào để giúp cho những người còn bị kẹt lại. Bởi
luật của các nước lúc ấy không cho phép họ được đi định cư.
Thế thì
tôi phải làm gì? Câu trả lời rất đơn giản vì thật ra chỉ có một cách duy nhất.
Ðó là tôi cần phải biến mình thành một nhà hoạt động, tranh đấu để các nước
thay đổi luật và chính sách của họ.
Năm ấy
tôi vừa bước sang tuổi 30. Cái tuổi các cụ thường bảo “tam thập nhi lập.”
Tôi
quay về Úc vì đó là nơi tôi biết rõ nhất để cùng hợp tác với các anh em, chú
bác tôi quen trong cộng đồng người Việt. Lúc ấy anh Ðoàn Việt Trung là chủ tịch
cộng đồng và anh đã cùng tôi bắt đầu công việc vận động thay đổi chính sách.
Thật
may mắn, chỉ trong vòng một năm, nước Úc mà đại diện là tổng trưởng Bộ Di Trú,
ông Philip Ruddock, đã đồng ý thay đổi chính sách và cho phép gần 200 thuyền
nhân được định cư ở Úc qua diện “tỵ nạn đặc biệt nhân đạo.”
Cũng nhờ
làm việc chung vào thời điểm ấy mà sau này và hiện nay anh Ðoàn Việt Trung là
chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị (Board of Directors) của VOICE. Tôi và anh đã có một
thời gian dài, hơn 20 năm làm việc cùng nhau. Tôi mến và phục anh không những ở
sự quyết tâm tranh đấu cho những đồng bào ruột thịt kém may mắn hơn mình mà còn
ở cả tính chính trực, công minh nhưng rất trầm tĩnh ở nơi anh.
Trịnh
Hội (trái) cùng các bằng hữu: Luật Sư Nguyễn Quốc Lân kế bên, Luật Sư Trần Kinh
Luân (thứ hai từ phải).
Sau khi
thành công ở Úc, tôi chuyển hướng sang Anh và Na Uy để vận động bằng cách xin
cho mình được một học bổng sang Anh học lên cao học. Và sau khi tốt nghiệp ở
Anh vào cuối năm 2002, tôi đã quyết định trở lại Mỹ để vận động.
Mỹ là
nước định cư lớn nhất thế giới. Mỗi năm nước Mỹ cho phép nhập cư 70,000 người tỵ
nạn so với khoảng độ chừng 30,000 người Canada nhận và 12,000 người Úc nhận.
Lúc ấy tôi chỉ cầu mong sao mình giúp được thêm vài trăm người được định cư, được
đoàn tụ với gia đình là đã hạnh phúc lắm rồi.
Thế
nhưng chỉ sau gần hai năm vận động ở Mỹ chúng tôi đã thành công.
Tháng 4
năm 2004, Mỹ ký kết với chính phủ Phi Luật Tân cho phép những thuyền nhân Việt
Nam tại Phi được định cư ở Mỹ. Chuyến bay đầu tiên mang 229 thuyền nhân Việt
Nam bị kẹt ở Philippines trong suốt 16 năm dài đáp xuống sân bay Los Angeles
đúng một năm rưỡi sau đó.
Tôi
dùng chữ “chúng tôi” ở đây đơn giản vì lúc ấy có rất nhiều người chung tay phụ
giúp tôi vận động. Từ những người tôi sang Mỹ mới quen như anh Nam Lộc, nhạc sĩ
Trúc Hồ, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích người vừa mới qua đời, cho đến những người
tôi đã biết trước và thân thiết như Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Luật Sư Trần Kinh
Luân của tổ chức LAVAS mà tôi quen từ những ngày mới sang Hồng Kông làm việc
thiện nguyện vào đầu thập niên 1990.
Chính
Luật Sư Luân là người đã mua vé máy bay cho tôi qua Mỹ. Luật Sư Lân là người
cho tôi mượn chiếc xe nhà của anh để lái. Ðấy là chưa kể đến vô số cá nhân và tổ
chức của người Mỹ như Refugee Council USA, Church World Service và bà Joan
Maruskin, Jesuit Refugee Service và ông Shep Lowman, v.v... Nếu không có sự giúp đỡ của họ
thì chắc chắn 2,000 thuyền nhân Việt Nam vẫn còn sống vất vưởng ở Phi Luật Tân
cho đến bây giờ.
Vào năm
2002 lúc tôi mới sang Washington DC để vận động thật lòng tôi không quen biết
nhiều. Qua anh Nam Lộc, tôi đã có dịp gặp và làm việc với cô Khúc Minh Thơ.
Cũng nhờ tôi quen với Hoàng Tứ Duy trước đó (người sau này trở thành phát ngôn
viên của Ðảng Việt Tân) vào khoảng cuối thập niên 1990 tại một trại hè được tổ
chức ở Melbourne, Úc Châu mà tôi đã làm quen với các bạn bè thân hữu cùng trang
lứa ở Washington DC, trong đó có Châu Nguyễn và anh Ngọc Chu là hai người mà
cho đến nay chúng tôi vẫn là những người bạn tốt của nhau.
Chính
Duy là người đã cho tôi vào ở nhà của Duy nhiều lần tại Washington DC để có chỗ
ăn ở và làm việc trong lúc vận động. Châu cũng thế và đã cho VOICE không biết
bao nhiêu cái laptop để các thiện nguyện viên có phương tiện làm việc.
Riêng
anh Ngọc vì là một nha sĩ nên chưa bao giờ tôi phải trả tiền làm răng mỗi khi gặp
anh cũng như mỗi lúc ăn xong, anh luôn là người đứng lên giành trả tiền. Vì lúc
ấy cả ba người đều biết tôi không có một xu dính túi. Vì tiền lương $100 mỗi
tháng của tôi không thể nào nuôi nổi tôi trong suốt gần 2 năm làm việc và sinh
sống ở Washington DC.
Nếu
không có những người bạn hết lòng với mình, với lý tưởng của mình như thế thì
chắc chắn một điều, tôi sẽ không đạt được bất kỳ kết quả nào. Trong quá khứ, hiện
tại lẫn tương lai, bất kể họ đi về đâu, sẽ làm gì hay tham gia vào đảng phái
nào, tôi sẽ luôn trân trọng những gì họ đã làm cho tôi và cho cộng đồng người Việt
tỵ nạn.Tôi vẫn thường nghĩ chỉ khi chúng ta gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ lúc ấy
chúng ta mới biết ai thật sự là bạn thân tình và ai chỉ là những người bạn sơ
quen, không thân thiết.
Ðấy
cũng chính là lý do mà vào năm 2007 khi tôi quyết định thành lập VOICE, tôi đã
mời cả ba người, Duy, Châu, và anh Ngọc vào làm thành viên trong Hội Ðồng Quản
Trị đầu tiên của VOICE. Người còn lại là Max Võ, một người bạn trẻ sinh ra và lớn
lên ở Canada mà tôi đã có dịp làm việc chung lúc tôi sang Canada vận động cho
người tỵ nạn.
Cho đến
bây giờ Max vẫn là thành viên (board member) Hội Ðồng Quản Trị của VOICE.
Lúc ấy
thú thật tôi không quan tâm đến việc bạn bè của tôi là đảng viên của đảng nào.
Ðối với tôi chỉ cần biết họ có phải là một người tốt, có cùng một quan điểm và
chia sẻ với lý tưởng của mình hay không.
Thế đã
đủ.
Và cũng
bởi thế nên khi về lại Việt Nam vào năm 2007, tôi không biết Duy là đảng viên của
Ðảng Việt Tân. Phải đợi đến khi tôi bị các anh công an kêu lên, kêu xuống tra hỏi
trong vòng 6 tháng về tất tần tật công việc của tôi và VOICE và đặc biệt về anh
bạn Duy của mình thì tôi mới vỡ nhẽ.
À! Thì
ra là thế. Vì tôi với Duy là bạn nên các anh cố đội lên đầu tôi cái mũ Việt
Tân. Cách đây 9 năm các anh đã bắt đầu làm điều đó và cho đến bây giờ vẫn có
người muốn làm điều đó. Cho dù tôi đã luôn xác nhận là tôi chưa bao giờ tham
gia vào bất kỳ tổ chức, đảng phái chính trị nào. Và ngày nào tôi quyết định
tham gia thì tôi sẽ rất hãnh diện để thông báo cho mọi người cùng rõ. Như tôi
đã từng lên tiếng cách đây 4 năm trong một bài viết blog đã được đăng trên
trang mạng của đài VOA và nhật báo Người Việt. Nếu muốn các bạn có thể đọc tại
trang link này:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146385&zoneid=187
Lúc
VOICE mới được thành lập tôi đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Hội Ðồng Quản Trị và người
đầu tiên chúng tôi mời làm Giám Ðốc Ðiều Hành (Executive Director) là nữ luật
sư kiêm MC hiện tại của trung tâm Asia, Lisa Thùy Dương. Cũng xin bật mí cho
các bạn biết thêm một tí là lúc ấy Thùy Dương đang làm thiện nguyện ở văn phòng
bên Phi. Mãi sau này qua Mỹ làm cho VOICE, Thùy Dương mới bắt đầu làm MC.
Sau ba
năm làm việc và giúp đỡ những người Việt tỵ nạn cuối cùng tại Phi được định cư ở
Canada, vào năm 2010, Thùy Dương, Duy, Châu và Anh Ngọc đã quyết định theo đuổi
việc làm riêng của họ nên cũng từ đó họ đã không còn cộng tác với VOICE như lúc
ban đầu.
Cũng vì
vậy kể từ đó tôi đã phải đảm nhận luôn việc làm giám đốc điều hành cũng như là
thành viên Hội Ðồng Quản Trị cho đến bây giờ. Và anh Ðoàn Việt Trung thay tôi
lên làm chủ tịch cùng với những thành viên mới trong đó có cả những người bạn Mỹ,
bạn Phi của tôi như Dan Wolf, Harry Roque cho các nhiệm kỳ kế tiếp (mỗi nhiệm kỳ
trước đây là 2 năm, bây giờ là 3 năm theo quy lệ của VOICE).
Sau hai
năm, thành phần ban quản trị lại tiếp tục thay đổi và hiện tại VOICE có tất cả
5 thành viên trong Hội Ðồng Quản Trị. Họ đều là những người bạn tốt, rất lâu
năm của tôi: Anh Trung, Max Vo, Jaclyn Fabre và Jessica Soto là hai người bạn nữ
tôi cũng đã quen hơn 20 năm qua.
Và các
bạn có biết không, chỉ cách đây vài tuần chúng tôi mới chính thức hỏi với nhau
là trong 5 người ai là đảng viên của đảng nào?
Anh
Trung bảo anh là đảng viên của đảng Lao Ðộng ở Úc. Jaclyn bảo cô có đăng ký là
người bỏ phiếu (registered voter) cho đảng Dân Chủ ở Mỹ. Còn Max là thành viên
của đảng Bảo Thủ ở Canada. Riêng tôi và Jessica thì chưa bao giờ tham gia vào đảng
nào.
Và
không một ai trong 5 người đang hay đã từng là thành viên của các đảng phái
chính trị Việt Nam.
Sự thật
là thế. Và thú thật nếu có thì cá nhân tôi thấy cũng chẳng có vấn đề gì. Việc đảng
Cộng Sản Việt Nam và những ai đó muốn thổi phồng, đánh tráo sự thật là việc của
họ. Việc tôi làm, tôi biết và biết rất rõ tôi là ai, đang làm gì và không cần
phải luôn vội đi thanh minh, thanh nga mỗi khi bị đánh phá.
Khi quyết
định chọn cho mình con đường tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam thông qua việc
phát triển xã hội dân sự, tôi đã biết con đường này sẽ đầy chông gai, trắc trở.
Trắc trở hơn nhiều so với những năm tháng tranh đấu cho người tỵ nạn. Vì vậy
tôi đã không ngạc nhiên khi thỉnh thoảng vẫn bị một vài bài báo trong nước, an
ninh Việt Nam loan tin bịa đặt.
Tôi
không thể kiểm soát những hành động, suy nghĩ của họ. Ðặc biệt là đối với đảng
Cộng Sản Việt Nam với hơn 4 triệu đảng viên và hoàn toàn có đầy đủ tiền bạc,
nhân lực để ra sức tiêu diệt những người như tôi.
Nhưng
chắc chắn một điều là tôi sẽ luôn làm chủ hành động và lời nói của mình, trong
việc nhận thức cho riêng mình: đâu là bạn, đâu là thù. Ðể xác định với một niềm
tin bất diệt là cuối cùng sự thật sẽ chiến thắng, chính nghĩa sẽ chiến thắng.
Và trước
khi dứt lời, tôi có đôi lời chia sẻ với anh Nguyễn Thanh Tú bởi anh đã nêu đích
danh tôi để lên án.
Thứ nhất,
trong bài viết của anh về tôi và VOICE, anh cho rằng vì tôi và Thùy Dương đã từng
được mời đến để làm diễn giả trong một số sự kiện mà anh cho là của Việt Tân tổ
chức vì vậy chúng tôi nhất định phải là thành viên của đảng Việt Tân. Ðó không
chỉ là một nhận định chủ quan, không hợp lý mà còn là một sự cố tình gán ghép sự
việc theo sự suy diễn riêng của anh.
Mỗi năm
tôi được mời làm diễn giả, MC cho hàng trăm sự kiện, chương trình khác nhau, từ
Âu Châu qua đến Úc, Á, Mỹ. Ðến để trình bày quan điểm của mình, về một vấn đề
mà mình quan tâm hoàn toàn chẳng cần mình phải là thành viên của ban tổ chức
anh ạ. Tôi cần phải cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi có cơ hội để trình bày là đằng
khác.
Nếu
trong tương lai tôi được mời về lại Việt Nam để nói về VOICE, chắc chắn tôi sẽ
trở về. Sự trở về đó không có nghĩa là tôi có liên quan gì đến nhà cầm quyền Việt
Nam. Tôi sẽ đến bất kỳ nơi nào và trao đổi với bất kỳ ai muốn nghe tôi chia sẻ
về câu chuyện 40 năm tỵ nạn Việt Nam, về tình hình nhân quyền tồi tệ trong nước.
Thứ
hai, cũng trong bài viết của anh, anh đã đặt câu hỏi tại sao tôi bảo tôi không
chơi thân với Duy nhưng lại mời Duy vào làm thành viên Ban Quản Trị lúc mới
thành lập? Thưa anh một lần nữa lý do cũng rất đơn giản đó là chỉ vì anh muốn
nói cho có nói, để anh dựng lên câu chuyện theo ý của anh mà không đọc những gì
tôi đã gửi trực tiếp cho anh, đó là bài viết blog của tôi đã được đăng 4 năm về
trước.
Tôi đã
viết rất rõ là lúc mới quen tôi không chơi thân với Duy vì đứa ở Mỹ, đứa ở Phi.
Nhưng sau này chúng tôi chơi thân. Ðặc biệt hơn nữa là từ khi tôi không được về
lại Việt Nam và chuyển sang Washington DC sinh sống và làm việc. Nếu anh đã đọc
nhưng vẫn không muốn hiểu thì đó là chuyện của anh. Riêng tôi, tình bạn thân
hay không thân giữa tôi và Duy chưa bao giờ liên quan đến anh, đến những người
khác, hay đến bất kỳ tổ chức, đảng phái nào anh ạ. Trong quá khứ, hiện tại hay
tương lai đó là điều chắc chắn.
Nhưng
điều cuối cùng mà tôi muốn thưa với anh đó là trên con đường đi tìm lẽ phải, đi
tìm công lý cho gia đình của anh, hay cho đất nước Việt Nam của chúng ta, không
một ai có và được quyền đạp lên công lý và lẽ phải để đạt mục đích. Tôi có một
niềm tin mãnh liệt vào luật nhân quả. Ai gieo nhân nào sẽ nhận quả ấy. Nếu anh sáng suốt, thành tâm và dùng công
lý để đi tìm công lý cho chính gia đình anh thì chắc chắn anh sẽ đạt được mục
đích. Và như đã chia sẻ trong lá thư email tôi gửi cho anh, nếu tôi có thể
giúp anh được trên con đường đó, xin anh cứ vui lòng cho biết.
Riêng
bây giờ, một lần nữa tôi xin thành thật cảm ơn tất cả các bạn đọc xa gần đã bỏ
thời gian để tìm hiểu thêm về câu chuyện của VOICE và tôi.
Chúc
các bạn một ngày mới thân tâm an lạc.
No comments:
Post a Comment