Wednesday, April 27, 2016

HẬU TRƯỜNG THƯƠNG VỤ TÀU NGẦM PHÁP - ÚC (Phương Nga - RFI)





Đăng ngày 27-04-2016
.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, lãnh đạo tập đoàn DCNS Herve Guillou, bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault thăm trụ sở DCNS ngày 27/04/2016.Reuters/路透

Trên trang nhất các báo Pháp ra hôm nay, ngoài các thông tin liên quan đến chuyến viếng thăm Châu Âu của tổng thống Mỹ Obama, hay phong trào « Đêm quật khởi » của người dân Pháp để phản đối dự luật lao động mới, các báo đồng loạt dành ưu tiên cho sự kiện Úc quyết định chọn Pháp để ký hợp đồng đặt hàng 12 chiếc tàu ngầm, sẽ được sản xuất tại Úc, với tổng trị giá lên tới 34 tỉ euro, trong đó ước tính các nhà công nghiệp Pháp sẽ thu về 8 tỉ euro.

Việc Trung Quốc bành trướng trên các đảo thuộc biển Biển Đông, vẫn đang nằm trong tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực, khiến Úc phải rút thêm hầu bao chi cho quân sự. Khi nói về việc Úc quyết định trang bị thêm 12 tàu ngầm do Pháp sản xuất, nhật báo Le Monde có bài viết với tựa : « Tàu ngầm : hậu trường của một bản hợp đồng lịch sử ».

Chính thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố với giới báo chí rằng những chiếc tàu ngầm « hiện đại nhất thế giới » sẽ do chính công nhân Úc lắp đặt tại nước này, với nguồn thép của Úc. Những chiếc tàu ngầm này sẽ được sản xuất tại Adélaïde, thủ phủ của miền Nam nước Úc – nơi mà tỉ lệ thất nghiệp hiện cao nhất nước (7,7% vào tháng 02/2016). Thủ tướng Úc khẳng định : « Mỗi một đô la được chi cho quốc phòng, trong điều kiện có thể, thì phải được chi tại chính nơi đây ».

12 tàu ngầm mới này sẽ thay thế cho hạm đội 6 tàu ngầm Collins mà Úc hiện đang có. Giải thích cho quyết định này, thủ tướng Malcolm Turnbull nhấn mạnh đến tình hình biển đang diễn ra khá phức tạp trong khu vực, đặc biệt với sự bành trướng của Trung Quốc. Trong cuốn sách trắng về quân sự xuất bản tháng hai vừa rồi, Canberra giải thích : « Từ giờ cho đến năm 2035, khoảng một nửa số lượng tàu ngầm của thế giới sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương, nơi mà Úc có nhiều quyền lợi hơn cả » .

Thực ra, ngoài Pháp, còn có Nhật và Đức đã từng là hai ứng viên nặng ký trong cuộc đua tranh đóng tàu ngầm cho Úc. Khi lên nhậm chức vào năm 2013, thủ tướng lúc bấy giờ là Tony Abbott, thuộc phe bảo thủ, đã từng đề nghị với người đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe cung cấp tàu ngầm cho Úc. Báo chí Úc lúc bấy giờ cũng đã từng đưa thông tin liên quan đến cam kết ngầm giữa hai lãnh đạo Úc-Nhật. Tuy nhiên, quyết định này lại không được người dân trong nước hài lòng, bởi lẽ cũng vào thời điểm đó, phía Đức rầm rộ quảng bá cho việc nước này có thể cho sản xuất tàu ngầm tại Úc và tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho từ 5000 đến 7000 lao động.

Lúc đó tại Paris, không ai tin rằng nước Pháp sẽ có chỗ đứng trong cuộc chạy đua này, trừ chủ tập đoàn của Pháp DCNS, Hervé Guillou và Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian. Bản thân ông này, khi đi thăm Albani vào tháng 11/2014, nhân lễ kỉ niệm 100 năm Úc gửi quân sang Châu Âu, cũng đã đề cập hồ sơ này với người đồng nhiệm Úc mà không nhận được câu trả lời nào cả. Không nản chí, trở về từ sau chuyến đi này, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp đã bắt tay vào chuẩn bị dự án này, bằng việc cứ hai tuần lại cho tiến hành cuộc họp bao gồm các nhà công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tàu ngầm như DCNS, Thales, Tổng cục vũ trang, các chuyên gia của bộ và các đại diện của ngành hàng hải và đại sứ Úc mỗi khi ông này có mặt tại Pháp.

Cuộc chạy đua giữa Nhật – Đức – Pháp
Vào tháng 02/2015, gió bắt đầu đổi chiều. Thủ tướng Úc Tony Abbott – người vẫn từng có cảm tình với Nhật, cuối cùng đã thắp hy vọng cho hai tập đoàn TKMS (Đức) và DCNS (Pháp). Phải nói thêm là thậm chí vào tháng 12/2015, một đại diện của Úc khi dừng chân tại Paris vẫn còn tuyên bố xanh rờn về cuộc chạy đua này như sau : « Tôi muốn nói rõ ràng rằng sự lựa chọn sẽ là Nhật, các vị sẽ chỉ là thỏ mà thôi ». Chẳng có lý do gì khiến Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp phải từ bỏ, bởi lẽ cứ tiếp tục xuất hiện phòng khi Nhật bỏ cuộc.

Về phía Mỹ, đồng minh hàng đầu của Úc và đồng thời cũng là nhà cung cấp hệ thống vũ khí cho các tàu ngầm tương lai của nước này, cũng theo dõi rất sát sao cuộc chạy đua. Ngày 06/07/2015, trong cuộc gặp tại Washington với người đồng nhiệm Ashton Carter, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp đã yên tâm về việc Mỹ sẽ giữ thế trung lập trong cuộc đấu thầu này. Sau này, thông qua một nhân vật thân cận của tổng thống Mỹ Obama, Washington đã khẳng định rằng tàu ngầm của Úc là « một vấn đề đặc biệt quan trọng của quốc gia »« cho dù quốc gia nào trúng thầu đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước ».

Vào tháng 09/2015, cuộc tranh đua trở nên thực sự công minh, khi mà ông thủ tướng Tony Abbott bị thay thế bởi một gương mặt của đảng tự do Malcolm Turnbull. Hai ứng viên Pháp và Nhật có 2 tháng để trình bày giới thiệu sản phẩm của mình. Về phía Nhật, cùng với việc giới thiệu tổ hợp gồm Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Shipbuilding Corporation, họ còn cho quảng cáo rầm rộ trên báo chí, cũng như tại các sân bay của Úc. Thậm chí Tokyo còn cho gửi một tàu ngầm đến vịnh Sydney vào trung tuần tháng tư 2015.

Trong khi tập đoàn TKMS của Đức, được hậu thuẫn của Berlin và của bản thân bà thủ tướng Đức Angela Markel, cho tiến hành chiến dịch quảng bá thương mại với khẩu hiệu « The most advanced submarine you’ll never see » (« tàu ngầm hiện đại nhất chưa từng có »), các chuyến đi thăm của các Bộ trưởng, các nhà quân sự và các nhà công nghiệp Pháp vẫn tiếp tục diễn ra. Tháng 02/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhận định « Chúng ta có thể thắng cuộc ».

Đáng lẽ ra Úc dự kiến sẽ tuyên bố quốc gia thắng thầu trong vụ này vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, do bầu cử Úc sẽ diễn ra sớm hơn dự định, tức là vào 07/2016, quyết định chọn Pháp làm nhà thầu đóng 12 tàu ngầm tới đây tại miền Nam nước Úc, cùng với việc tạo ra 2.900 công ăn việc làm cho người lao động, rất có thể sẽ được dùng làm đòn bẩy cho phe của thủ tướng.

Vì sao lại là Pháp ?
Mặc dù Đức đề xuất xây dựng tại Úc các tàu ngầm nhưng bản thân nước này lại chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng loại tàu ngầm trọng tải lớn đến 4000 tấn như Úc yêu cầu, tức là gấp đôi trọng tải của loại tàu ngầm mà hiện nay Đức có thế mạnh. Đối với Nhật, Úc nghi ngờ về khả năng của nước này trong việc tiến hành sản xuất tàu ngầm cỡ lớn như vậy tại nước ngoài.
Về mặt chiến lược, Úc tìm kiếm đối tác có khả năng sản xuất loại tàu ngầm cỡ lớn, có thể di chuyển xa và một đối tác bền vững trong chiến lược – điều mà nước Pháp có thể đáp ứng được, thông qua việc bản thân nước này có chương trình phát triển tàu ngầm trong 70 năm tới đây. Ngoài ra, việc hợp tác với Nhật trong sản xuất tàu ngầm có thể khiến Trung Quốc – đối tác hàng đầu về kinh tế của Úc – phật lòng.

Liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ, Le Figaro có bài viết với tựa : « Bernie Sanders muốn tiếp tục màn trình diễn của mình », trong đó đề cập đến việc vị thượng nghị sĩ đảng Dân chủ này đã bị ứng viên nặng kí Hillary Clinton bỏ xa và tiếp tục mơ về một thành công nữa trên chính trường.

Vẫn liên quan đến Mỹ nhưng lần này là cuộc viếng thăm Đức của tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhật báo Le Monde dành nhiều bài viết liên quan đến chủ đề này, trong đó đáng chú ý hơn cả là tựa « Bài học của Obama dành cho Châu Âu ».

Bài báo nhận định tại thành phố Hanovre – Đức, tổng thống Mỹ Obama đã chứng tỏ tài năng diễn thuyết vô cùng khéo léo của mình khi ông hết lời ca ngợi những công trình chung của Châu Âu. Nếu so sánh với bài phát biểu của ông cách đây 8 năm khi ông này đang vận động tranh cử, thì bài phát biểu hôm đầu tuần vừa rồi, 25/04/2016 tại Hanovre cũng không khác xa nhau là mấy : « Chúng ta không thể tự cho phép mình bị chia rẽ …Không một quốc gia nào, cho dù có hùng mạnh đến đâu đi chăng nữa, có thể tự mình vượt qua được tất cả các thách thức của thế kỉ 21 … Châu Mỹ không có đồng minh nào tốt hơn là Châu Âu » và « Nước Mỹ và cả thế giới cần một Châu Âu mạnh, phồn thịnh, dân chủ và thống nhất ».

Nhìn sang Châu Á, vẫn là nhật báo Le Monde, với bài phân tích về việc lần đầu tiên trong vòng 16 năm, Đảng cầm quyền tại Hàn Quốc bị mất đa số trong bầu cử lập pháp, cho dù bà Tổng thống Park Geun-Hye từ chối thừa nhận thất bại này. Bài báo đề cập đến một số mặt trái của đảng cầm quyền : gia tăng bất công xã hội, tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, phản đối các điều khoản trong luật lao động cho phép sa thải dễ dàng nhân công … Tuy nhiên, thất bại này còn xuất phát từ việc phản đối phần lớn các chính sách độc tài và các biện pháp bóp nghẹt tự do trong xã hội, kể từ khi bà Park lên nắm quyền.

Nhật báo le Monde còn có bài viết đề cập đến nạn bán buôn phụ nữ và trẻ em tại Népal, đất nước mà năm ngoái đã từng phải gánh chịu thảm họa động đất, khiến gần 9.000 chết cùng với rất nhiều đổ nát. Một năm sau thảm họa đã khiến 8.900 người chết, và phá hủy 800.000 ngôi nhà tại Népal, trong khi quốc gia 30 triệu dân mà phần lớn là dân nghèo này vẫn đang vất vả tái thiết đất nước, các tổ chức phi chính phủ lại đang lo lắng về tình trạng gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em sang Ấn Độ.





No comments: