Sunday, April 24, 2016

TƯỞNG NIỆM 49 NGÀY ANH NGUYỄN NGỌC BÍCH : 3 ĐIỀU TRĂN TRỞ KHÔN NGUÔI (Bùi Tín)





24.04.2016

Anh Nguyễn Ngoc Bích mất ngày 4/3, đã gần 49 ngày, nhưng nỗi tiếc thương anh không hề thuyên giảm với thời gian. Cộng đồng hải ngoại mất đi một nhà hoạt động đa tài, xông xáo, rất hiệu quả.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.

Anh Nguyễn Ngọc Bích lãnh đạo Thông tấn xã của Việt Nam Cộng hòa ở vào thời kỳ nóng bỏng nhất. Anh điều hành Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do từ khi thành lập đến tuổi trưởng thành. Anh tham gia tổ chức Họp mặt Dân chủ suốt hơn 10 năm, với các cuộc họp hằng năm ở Hoa kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Philippines...không bao giờ vắng mặt.

Anh Nguyễn Ngọc Bích từng nhiều lần hướng dẫn chúng tôi đến gặp, nói chuyện với các Thượng nghị sỹ, Dân biểu và các nhà báo Hoa Kỳ. Anh chan hòa với mọi lứa tuổi, hoạt náo các buổi tối vui chơi giải trí, hát hò, ngâm thơ, kể chuyện, múa nhảy tự nhiên, hồn nhiên. Anh có những bài nghiên cứu chính trị, văn hóa chuyên sâu, những cuốn sách bổ ích, lôi cuốn về Nguyễn Du, về Hồ Xuân Hương, về Đoàn Thị Điểm, về Cung oán ngâm khúc…. Trong anh là sự kết hợp của một nhà truyền thông, một nhà phát thanh, một nhà báo, một nhà bình luận, một nhà giáo dục, một nhà văn đa diện, đa năng, đa tài, đa cảm, điểm đạm mà xông xáo, lanh lợi mà thâm trầm. Anh còn là nhà ngôn ngữ học uyên bác, nói và viết tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tất cả đều khá chuyên sâu, đặc biệt là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Quả thật ca ngợi anh Bích không biết bao nhiêu cho vừa.

Nhưng theo tôi, điều đáng ghi nhận nhất ở anh là chất Người, chất Nhân văn. Anh là con Người, con Người thương yêu hết mực con Người. Tận tụy, luôn nở nụ cười, sẵn sàng giúp đỡ mọi người không chút e ngại. Anh vui cái vui của thiên hạ, lo cái lo của thiên hạ, luôn nặng lòng với dân tộc, với nhân dân. Anh là hiện thân của tình nghĩa dân tộc, của Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Anh đau nỗi đau mất nước của dân miền Nam, luyến tiếc tự hào cao độ về Việt Nam Cộng hòa có bản chất ưu việt hơn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bị bức tử bởi người anh em ruột thịt phản bội lời cam kết danh dự ‘’ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam’’ và ‘’ không dùng vũ lực để thống nhất đất nước’’ và cũng bị phản bội bởi người bạn đồng minh lớn cạn nghĩ, chi phối bởi một phong trào phản chiến sai lạc.

Anh cũng rất mực thương yêu nhân dân miền Bắc quê anh, đau nỗi đau của Cải cách ruộng đất tàn ác, của vụ Nhân văn Giai phẩm bất nhân, của hàng triệu thanh niên miền Bắc chết vô lý sinh Bắc tử Nam. Anh dịch thơ của Nguyễn Chí Thiện, thân thiết chan hòa với Vũ Thư Hiên, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Điếu Cày... như quen thân từ rất lâu.

Sắp đến 49 ngày của anh Nguyễn Ngọc Bích, tôi chỉ xin nhắc đến ba điều tâm tình sâu sắc nhất của anh trước lúc ra đi. Đó là ba điều anh trăn trở nhất, tự nguyện cùng lực lượng Họp mặt Dân chủ và Hội nhà báo độc lập, mà anh là thành viên cốt cán, thực hiện trong thời gian tới. Hai năm nay, mỗi lần gặp anh, anh lại tâm sự, bàn luận cùng chúng tôi về những chủ đề này, coi là mấu chốt để phát triển phong trào trong nước, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, tranh thủ mạnh mẽ sự hỗ trợ quốc tế không bao giờ thiếu được. Anh coi đây là món nợ tinh thần làm anh thao thức mấy chục năm ròng và quyết trả nợ cho đời, cho dân tộc.

Vậy ba điều tâm tình trăn trở đó của anh là gì?

Anh luôn khẳng định ngay thật rằng chúng ta đã có ba thất bại rõ rệt trên mặt trận truyền thông, nhất là truyền thông quốc tế.

Một là chúng ta đã để cho phong trào phản chiến lan tràn khắp nước Mỹ, các trường Đại học Mỹ. Hàng chục vạn thanh niên Mỹ trốn lính, chạy sang Canada, Mexico, Bắc Âu. Các cựu chiến binh ở VN về vứt huân chương, quân hàm, đấm ngực phản tỉnh. Sau vụ Watergate, Tổng thống Richard Nixon mất chức, Quốc hội Mỹ quyết định chấm dứt viện trợ. Có những sự lầm lẫn đến quái gở, đó là khi phong trào phản chiến lên án chính quyền Hoa Kỳ nặng nề nhất và ca ngợi miền Bắc VN như đầu năm 1968 (Tết Mậu Thân) và năm 1972 (Mùa hè đỏ lửa) thì chính là lúc miền Bắc thua to nhất đến kiệt sức và cuối năm 1974 vẫn chưa chiếm được một quận nào trọn vẹn ở miền Nam. Sự mù quáng bi đát ngược đời là ở đó. Mặc dầu sau này đã có nhiều người tham gia phong trào phản chiến tỉnh ngộ, như Jane Fonda, như Joan Baez, như Pomonti ở Pháp, nhưng cả một nền văn hóa phản chiến tồn tại với vô vàn sách báo, phim ảnh lầm lạc làm ô nhiễm tinh thần cả thế giới lâu dài.

Cần nhận ra rằng trên đây là do những yếu kém trên mặt trận truyền thông, bị động đối phó và phải công nhận là tuyên truyền lừa mỵ của CS Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam ... đã sắc bén hơn đối phương. Anh Bích cho rằng ta không được quên món nợ lớn này, để vạch trần sai lầm của phong trào phản chiến, lẫn lộn trắng đen, chính nghĩa phi nghĩa, đúng sai, phải trái. Không thể buông xuôi cho đi vào quên lãng.

Phải làm gì? Phải chứng minh chế độ Việt nam Cộng hòa hồi trước tuy có khiếm khuyết vẫn là ưu việt so với chế độ độc đoán CS ở miền Bắc, rằng chế độ CS độc đảng là tối tăm, mê muội, lừa dối và độc ác, rằng Hồ Chí Minh không phải là người yêu nước, mà là ‘’người yêu nước Nga và nước Tàu’’, rằng con đường XHCN là con đường bế tắc mù mịt, rằng chế độ độc đảng là chế độ lạc hậu phản dân tộc và phản nhân dân, là nguồn gốc của muôn vàn đau khổ bất công xã hội.

Đề tài thức tỉnh trên đây không những tẩy rửa những lầm lẫn dai dẳng của phong trào phản chiến của thế giới, còn là đề tài rất thời sự để thức tỉnh bà con ta ở miền Bắc đang còn bị báo đài CS tuyên truyền làm cho mê muội, như gần đây một số công dân lạc hậu vẫn còn tham gia ‘’đấu tố’’ vu cáo trắng trợn các ứng cử viên độc lập khi chuẩn bị bầu cử quốc hội.
Hai là cuộc ‘’Chiến tranh Lạnh’’kéo dài từ năm 1947 đến 1991, hơn 44 năm, vói những cuộc chiến nóng bỏng ở Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Angola, Afghanistan. Có lúc chiến tranh nguyên tử suýt nổ ra như ở Triều Tiên (1952), Điện Biên Phủ (1954, Việt Nam), Cuba (1962). Cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc qua cuộc đấu tranh kiên trì, căng thảng giữa hai thế giới Dân chủ và Công sản, trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, tài chính, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Kết thúc đó có phần nào bất ngờ qua các chính sách Perestroika và Glasnost do Tổng thống Liên Xô Gorbachev đề xướng. Hai sự kiện có tính chất cột mốc kết thúc chiến tranh lạnh là sự sụp đổ của bức tường Berlin cuối năm 1989 và sự giải thể Liên Xô – cả Liên Bang Xô Viết và Đảng CS Liên Xô, vào cuối năm 1991. Theo anh Bích và nhóm HMDC chúng tôi sự tuyên bố kết thúc Chiến tranh Lạnh có vẻ vội vã, chủ quan và nguy hiểm.

Tiếng kèn thắng trận của cuộc Chiến tranh Lạnh lịch sử vang lên cuối năm 1989 và cuối năm 1991 do Tổng thống Ronal Reagan và Tổng Tổng thống George W.H. Bush đề xướng quá sớm, chủ quan, vì các vị này cùng các chuyên gia chính trị của họ, theo anh Bích và chúng tôi đánh giá, đã bị rượu champagne làm cho choáng váng thiếu tỉnh táo.

Họ không tỉnh táo để nhận ra rằng sự nghiệp chống Cộng toàn cầu không thể kết thúc xong xuôi khi vẫn còn cái đuôi Trung Quốc Cộng sản dài lòng thòng trên một nước đông hơn một tỷ 3 người, có mấy triệu quân và có bom nguyên tử , còn tàn dư CS không nhỏ ở Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba vẫn còn tác yêu tác quái đè đầu cưỡi cổ một khối nhân dân bất hạnh.

Cái sai chính trị là cả Tổng thống Nixon và Tổng thống Carter cùng Henri Kissinger có vẻ ‘’say mê Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình’’, coi như đã tách họ khỏi Liên Bang Xô Viết, tiếp sức cho Chiến tranh lạnh mau ngã ngũ. Việt Nam bị CS Tàu xâm lược cả phía Tây Nam và phía Bắc rồi bị trừng phạt cấm vận gần mười năm là do hậu quả của những lầm lẫn chiến lược như thế. Vậy mà có người còn cho rằng Đặng lập công ở VN để rửa hận cho Hoa Kỳ! Cái sai của Hoa Kỳ mất cảnh giác lớn là đã kết thân với Đặng Tiểu Bình, lờ đi vụ Thiên An Môn, và còn giúp cho nước CS này thực hiện nhanh bốn hiện đại hóa, để trở thành đối thủ nguy hiểm cho Hoa Kỳ và phương Tây, nay lại phải xoay trục vất vả để đối phó. Những sai lầm chiến lược như thế đã tỏ ra Hoa Kỳ thiếu những nhà chiến lược tỉnh táo nhìn xa trông rộng.

Hai sai lầm chiến lược trên đây dẫn đến sai lầm thứ ba trước mắt hiện nay là phương Tây và thế giới văn minh cùng một bộ phận trí thức Việt Nam đang còn ngộ nhận về bản chất CS của đảng CS Việt Nam, nghĩ sai lầm rằng họ có thể ‘’tự mình đổi mới’’, ‘’tự mình cải tạo’’, thực hiện từng bước dân chủ hóa, đa nguyên hóa, mơ tưởng hão huyền rằng đảng CS chia làm hai phái, phái giáo điều bảo thủ thân Bắc Kinh và phái tiến bộ đổi mới có xu hướng thân phương Tây. Họ bị cả gọi là hai phe ấy lừa bịp, vì cho đến nay xu hướng đổi mới có chăng là chỉ có trong bộ phận đảng viên trí thức đã cao tuổi, về hưu, không còn trong quyền lực lãnh đạo, do đó khó có thể có một Gorbachev VN xuất hiện. Anh Bích và tôi rất tâm đắc là nên chăng ta nên đặt vấn đề khác, có tính chất đột phá, sáng tạo là tất cả lực lượng xã hội dân sự quý hiếm nên mở rộng lực lượng nhanh đạt số lượng và chất lượng cao hơn, gắn bó keo sơn với nhau để hình thành một tổ chức mạnh có thể thống nhất hành động, nhất loạt xuống đường, theo ‘’con đường ôn hòa quyết liệt’’, chấm dứt mọi ảo tưởng hão huyền. Chỉ có con đường này mới tranh thủ được lòng dân và có thể phân hóa đảng CS. Đây là sức mạnh vô tận của những người không có quyền lực vẫy gọi nhau tổ chức lại thống nhất hành động, làm rung chuyển giới quyền lực như động đất, thế lực công an dù hung hãn cũng phải choáng ngợp dè chừng và ngả dần về phía nhân dân là anh chị em, chú bác, cha mẹ, người thân quen của họ.

Hôm tôi gặp anh Bích lần cuối, khi bàn về biển Đông , chúng tôi ngộ ra rằng mọi sự là do năm đời Tổng Bí thư liên tiếp bị cái bả Thành Đô mê muội. Từ Nguyễn Văn Linh hốt hoảng khi thấy bức tường Berlin sụp đổ, đến Đỗ Mười cùng Lê Đức Anh run sợ khi Đặng Tiểu Bình dạy cho bài học 1979 nhớ đời. Rồi anh nhà quê Lê Khả Phiêu bị phấn son của tình báo Hoa Nam làm cho ngây ngất trụy lạc, cho đến anh Nông Đức Mạnh dân Tày vội nhận dân tộc Choang Quảng Tây là cùng nòi cùng giống và Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp cái bằng kỳ quặc ‘’Tiến sỹ xây dựng đảng’’ không một nước nào có, chỉ biết sống chết với cái đảng đang thở hắt ra của ông ta, không còn biết Tổ quốc, dân tộc, nhân dân là gì.

Nên chăng một hội nghị Diên Hồng thời đại nên thành hình để bàn luận về tình hình và con đường cứu nguy dân tộc, rồi chuyển thành một Tòa án dân tộc điều tra, thu thập tài liệu về Hội nghị Thành Đô, về Mật đàm Thành Đô mà chính nguyên Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và nguyên Thủ tướng Lý Bằng đều kể rằng đã mang chữ ký của họ bên cạnh chữ ký của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nguyên Thủ tướng Đỗ Mười phía Việt Nam vào sáng ngày 3/9/1990. Bản mật ước này được ký sau lưng Quốc hội, sau lưng cả Ban chấp hành TƯ đảng, sau lưng nhân dân, có lẽ chỉ thông báo sơ sài cho các ủy viên Bộ Chính trị khóa bảy. Đó có thể là Mật ước bán đảo, bán vùng biển, bán rừng biên giới, bán quặng quý, cam kết dành riêng cho Trung Quốc các vụ đấu thầu xây dựng công nghiệp hóa chất, dầu khí, luyện kim, điện than và thủy điện, giao thông, vận tải, cả các công trình dân dụng, trụ sở cơ quan, trường học, nhà cửa, cửa hàng buôn bán..., nghĩa là bán đứng phần lớn hạ tầng cơ sở thiết yếu tài sản quý nhất của đất nước ta.

Canh bạc Việt Nam của Trung Nam Hải tháu cáy là canh bạc lớn nhất, lời lãi nhất, dễ dãi nhất trong lịch sử TQ. Đây cũng là sự phản bội trắng trợn nhất của đảng CS Việt Nam, tự chôn uy tín, danh dự xuống tận bùn đen. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh của nhân dân, trí thức, lao động, nông dân, nhà kinh doanh, phụ nữ, tuổi trẻ Việt Nam ta lại thuận lợi như hiện nay. Truyền thông nhanh nhậy hiện đại mang hàng triệu tấm lòng yêu nước thương dân đến với nhau với tình cảm thương yêu thắm thiết. Cả thế giới dân chủ ủng hộ ta mạnh mẽ. Nhiều chính khách Hoa Kỳ, các thượng nghị sỹ, dân biểu, bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, thương mại, tướng lĩnh, đô đốc và đích thân ba đời Tổng thống Hoa Kỳ đã sang tận nơi chìa bàn tay thân thiện, khẩn thiết nhất để kết bạn bền lâu, sao ta lại không nhiệt liệt đáp ứng với tấm lòng yêu nước rực sáng nhất.

Đúng vào dịp sắp tới kỷ niệm 49 ngày anh Nguyễn Ngọc Bích đi xa, bài báo này cũng là nén hương tiễn anh thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Mong anh yên lòng, những tư tưởng chính trị tâm huyết của anh đang được chúng tôi quảng bá và tiếp nối cho đến kết quả cuối cùng.

---------------------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments: