Wednesday, April 20, 2016

NHỮNG Ý KIẾN về CUỐN TIỂU THUYẾT "THE SYMPATHIZER" CỦA NGUYỄN THANH VIỆT (Văn Việt)





Văn Việt
20 Tháng Tư, 2016

CẢM TÌNH VIÊN (The Sympathizer) của Nguyễn Thanh Việt, tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer 2016

Tác phẩm và Dư luận[i]

Vào tháng 5. 2015, Ban Tu thư ĐHHS được yêu cầu thẩm định tác phẩm này (lúc đó vừa xuất bản và có tiếng vang trên báo chí Mỹ), và sau đây là một phần của bản thẩm định đó. Xin được trích đăng lại, coi như một bài giới thiệu sách, để các bạn có thêm thông tin. Cũng cần nói thêm rằng, bản thẩm định này đã khiến Ban Tu thư quyết định không mua bản quyền cuốn này để dịch.

Truyện được viết dưới dạng một bản tường trình của nhân vật xưng “tôi” gởi cho một nhân vật được gọi là “cán bộ chỉ huy.” Bản tường trình kể chuyện đời của nhân vật chính từ lúc có nhận thức tới khi bị bắt và nhốt trong trại cải tạo ẩn danh nọ.

Nhân vật chính (từ đây gọi là Tôi cho gọn) có cha là giáo sĩ Pháp, người đã dụ dỗ và ăn nằm với một thôn nữ giáo dân giúp việc và đẻ ra anh. Là trẻ tây lai, Tôi bị khinh khi, xa lánh và thậm chí ăn hiếp trong cộng đồng cũng như nhà trường, và rất gắn bó với 2 người bạn từng bênh vực mình trong những vụ đánh lộn ở trường học. Hai bạn đó tên là Man (Mẫn, Mán, Màn…?) và Bon (Bốn, Bổn…?). Ba đứa chơi trò cắt máu ăn thề làm anh em kết nghĩa. Man lớn tuổi hơn, có lẽ do ảnh hưởng gia đình nên sớm có ý thức chống ngoại xâm và trở thành cán bộ cộng sản. Man có ảnh hưởng lớn đến Tôi nhưng không lôi kéo được Bon, anh này trở thành lính VNCH chống cộng quyết liệt.

Lớn lên, Tôi du học ở Mỹ, thấm nhuần ít nhiều văn hóa và lối sống của xứ này, giữ liên lạc đều với Man và trở thành cảm tình viên của cộng sản. Về nước Tôi gia nhập quân đội, lên tới đại úy, sống độc thân, chuyển qua lực lượng cảnh sát đặc biệt, làm tùy viên thân cận cho chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia, được gọi trống không là General (Tướng) trong truyện, của chính quyền VNCH. Vị trí này giúp Tôi thu thập và chuyển nhiều tin tình báo cho Man, nhất là trong Chiến dịch Phượng Hoàng.

Cuối tháng 4. 1975, Tướng quyết định di tản theo gợi ý của cố vấn Mỹ. Tôi lo mọi việc để có chỗ cho cả dòng họ và đàn em gần 100 người của Tướng, trong đó có cả Bon. Man chỉ thị cho Tôi đi theo để tiếp tục do thám các tướng lãnh di tản và cộng đồng người Việt.

Từ Mỹ, Tôi làm tốt công việc thu thập tin tức trong cộng đồng di tản và gởi báo cáo cho Man. Tướng quyết định lập tổ chức võ trang phục quốc, được một nghị sĩ Mỹ ủng hộ, và có chút nguồn tài chánh từ gia đình và cộng đồng di tản. Bon gia nhập đạo quân này.

Quan hệ với vị nghị sĩ Mỹ khiến Tôi được giới thiệu làm cố vấn cho một đạo diễn nọ đang làm một bộ phim về chiến tranh VN, quay tại Philippines. Việc này kéo dài sáu tháng. Man chỉ đạo Tôi phải cố gắng thay đổi cách nhìn của bộ phim đối với phe ta và với người Việt nói chung. Nhưng việc này nằm ngoài khả năng của Tôi.

Khi biết Tướng quyết định gởi nhóm quân đầu tiên về VN, qua ngả Thái Lan, Man chỉ thị cho Tôi ở lại Mỹ, tiếp tục bám sát Tướng và nghị sĩ Mỹ, nhưng Tôi lại muốn theo toán quân về VN để tìm cách cứu sống Bon vì không thể cho Bon biết chân tướng của mình và của Man được.

Man biết rõ lịch trình di chuyển của toán quân, nên tổ chức phục kích trên đất Lào, giết vài người và bắt sống số còn lại, đưa về một trại giam trong rừng, và chính Man xin chuyển về làm chính ủy ở đó.

Tôi bị biệt giam hơn một năm, phải viết đi viết lại bản tường trình cho đến khi “cán bộ chỉ huy” tạm hài lòng, trong khi Bon và đồng đội là tù binh và chỉ lao động chân tay. Khi dần học được cách viết theo kiểu người khác muốn, và nói những điều người khác muốn nghe (mà Tôi xem đó như tội ác ngang với giết người), Tôi được đánh giá là phần nào đã giác ngộ và có thể được gặp chính ủy.

Chính ủy Man, lúc này rất dị dạng vì bị bom napalm đốt cháy mặt và cổ, buộc Tôi phải trải qua nhiều hình thức tra tấn tinh thần khác nhau để khai nốt những điều cuối cùng mà ông ta muốn biết (vai trò của Tôi trong cái chết của hai cán bộ cộng sản thân cận với Man bị cảnh sát đặc biệt bắt giữ và tra khảo). Qua giai đoạn này, Man mới trở thành bạn với Tôi như xưa và có thể nói chuyện tâm tình các thứ.

Man dùng tiền do thân nhân của dân tù cải tạo đút lót vì muốn vào trại để thăm nuôi để đút cho “cán bộ chỉ huy” lập kế hoạch thả Tôi và Bon về Saigon, đồng thời tổ chức một chuyến tàu vượt biên để trả Tôi về Mỹ với lai lịch chưa bị lộ như xưa.

***
Tác giả đọc nhiều tư liệu và phóng sự về VN nên có thể viết chính xác về nhiều chuyện, như tình hình Sài Gòn cuối tháng 4. 1975, kỹ thuật hỏi cung và tra tấn của cảnh sát Sài Gòn, việc phục kích và bắt trọn ổ nhóm phục quốc trên đất Lào, chuyện hậu trường của bộ phim “Apocalyse Now” mà trong truyện đổi lại thành phim “The Hamlet”, v.v… Đây là nghiệp vụ gần như bắt buộc đối với các nhà văn, và cũng đáng làm bài học cho người đọc và người viết trong nước.

Với giới điểm sách Mỹ, họ thích nhất là những chương kể chuyện nhân vật tôi tham gia làm phim về VN tại Philippines, vì ở đó tác giả trình bày cái nhìn của đủ loại người “không da trắng” sống trên đất Mỹ (từ sinh viên du học, đến dân nhập cư, tị nạn, kinh doanh…) và cách họ ứng xử với dân da trắng, nhất là những khác biệt giữa cách họ nghĩ và cách họ ứng xử. Tác giả cũng trình bày thái độ thường gặp ở người da trắng đối với dân không trắng. Đây chính là một trong nhiều khía cạnh của nhân vật tôi mà tác giả tả là “kẻ luôn nhìn mọi chuyện ở cả hai mặt.”

Tác giả mô tả nhiều phương pháp hoạt động của dân gián điệp, cảnh sát, hay sát thủ (như cách viết thư bằng mật mã, cách chế loại mực vô hình từ những nguyên liệu dễ tìm, cách theo dõi trước khi ám sát, cách cải trang, tẩu thoát, cách hỏi cung hay tra tấn…) tuy không hẳn là mới mẻ nhưng vẫn thú vị với người đọc.

Truyện được viết từ điểm nhìn của nhân vật “Tôi” nên tác giả dễ dàng nêu lên những suy nghĩ hay trăn trở của mình về những vấn đề vẫn còn nóng hổi ở Việt Nam như cuộc chiến cách mạng vừa qua đúng hay sai, người dân nhận được gì từ cuộc cách mạng này, hay sự phân hóa trong lòng dân tộc và cả trong hàng ngũ chiến thắng sau khi tiếp xúc với thực trạng ở miền Nam. Tác giả cho nhân vật tôi là cảm tình viên của cộng sản, đương nhiên là cán bộ, thuộc bên chiến thắng, nên tránh được cảnh luôn phản đối hay thù ghét bên thắng cuộc. Nhân vật này từ lâu vẫn xem phe mình là chân lý cho đến khi công tác đẩy anh ta cọ sát với thực tại, buộc anh ta có những suy nghĩ khác đi, theo tinh thần “nhìn mọi chuyện ở cả hai mặt.” Đây cũng là điểm hấp dẫn của tác phẩm.


The Sympathizer là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Việt Kiều Viet Thanh Nguyen. Cuốn sách nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ các nhà điểm sách trên báo Mỹ.

Trước khi đọc cuốn này, tôi nghe nói đâu đó rằng nếu như Nỗi buồn chiến tranh là góc nhìn chiến tranh của một người miền Bắc Việt Nam thì The Sympathizer là góc nhìn về chiến tranh Việt Nam từ góc độ một người miền Nam. Đọc rồi thì thấy không hẳn như vậy.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4 năm 75, khi Sài Gòn sụp đổ và người Mỹ đang tháo chạy. Nhân vật xưng tôi, người kể chuyện, là một điệp viên Cộng sản cài trong bộ máy cảnh sát của chế độ Sài Gòn với vai trò trợ lý cho một viên tướng cảnh sát. Anh này được lệnh của cấp trên cùng thoát sang Mỹ để tiếp tục báo cáo tin tức về hoạt động chống phá cách mạng từ Mỹ của viên tướng kia cũng như của người Việt ở nước ngoài. Viên tướng rồi sẽ tổ chức được một lực lượng vũ trang nhỏ đưa về Thái Lan, dự định xâm nhập biên giới Việt Nam từ đó. Anh điệp viên, vì lý do muốn bảo vệ người bạn của mình, một chuyên gia ám sát do CIA đào tạo, đã chống lệnh cấp trên  mà cùng về trong chuyến đi này. Những gì đón chờ anh và đồng đội tại Việt Nam không quá khó để đoán ra.

Phần lớn cuốn sách là lời thú tội của anh viết trong trại giam. Vài chương cuối thuật lại những gì xảy ra trong trại giam, những găp gỡ bất ngờ, và khoảnh khắc anh nhận ra, among others, cái gì quý giá hơn độc lập tự do. Chúng ta đều biết đó là cái gì!

Cuốn sách không hẳn là góc nhìn về chiến tranh. Cuốn sách là góc nhìn vào chính mình của một người vừa thuộc về hai nơi chốn vừa chơi vơi không thuộc về nơi nào. Không thuộc về bên này cũng không thuộc về bên kia. Không thuộc về Mỹ cũng chẳng thuộc về Việt Nam. Thậm chí, để cho chủ đề không thuộc về đâu thêm trọn vẹn, tác giả còn cho nhân vật của mình là một đứa con lai nửa Việt nửa Pháp. Số phận của anh ta vì thế định mệnh là một số phận bi kịch.

Trừ vài chỗ hơi trầm trọng, thì The Sympathizer là một cuốn sách well-written, viết rất có nghề. Đoạn tả cảnh tháo chạy ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi hộp như xi nê hành động Hollywood. Đoạn tả cảnh tra tấn trong trại giam thì giống như phim Hitchcock. Nhiều đoạn viết về văn hoá Mỹ và văn hoá Việt Nam đích đáng. Chẳng hạn, viết về người Mỹ, thông qua phát ngôn của một Việt Cộng:”Americans are a confused people because they can’t admit this contradiction. They believe in a universe of divine justice where the human race is guilty of sin, but they also believe in a secular justice where human beings are presumed innocent. You can’t have both…They pretend they are eternally innocent no matter how many times they lose their innocence.” (Người Mỹ là một dân tộc hoang mang/rối rắm bởi lẽ họ không thừa nhận mâu thuẫn này. Họ tin vào một vũ trụ với công lý Chúa trời mà ở đó giống người là có tội, nhưng họ cũng tin vào một thứ công lý thế tục nơi con người được giả định là vô tội. Ngươi không thể có cả hai…Họ vờ mình vĩnh viễn ngây thơ vô tội bất kể họ đánh mất sự ngây thơ vô tội bao nhiêu lần rồi.) Hay đoạn viết về người Việt: “… the government doing its best to steal from the Americans, the average man doing its best to steal from the goverment, the worst of us doing our best to steal from each other.” (“… chính quyền cố hết sức để ăn cắp của người Mỹ, dân thường cố hết sức để ăn cắp của chính quyền, còn đám tệ nhất trong chúng ta thì cố hết sức để ăn cắp lẫn nhau.”)

Ngoài ra, đoạn tả mực ống trong cuốn sách này rất có thể khiến ta ngờ vực mỗi khi món mực ống được dọn ra trên bàn ăn, rằng liệu có thằng nhóc nào đã chơi ngẵng với con mực trước khi được cho lên chảo không?


Một số bình luận tiếng Anh (Hiếu Tân trích thuật)

Một cuốn tiểu thuyết đầu tay gây sửng sốt, sâu sắc, CẢM TÌNH VIÊN là câu chuyện về một con người mang hai tâm trạng, những niềm tin chính trị va chạm với lòng trung thành cá nhân. Trong cuộc đối thoại nhưng hoàn toàn đối lập với những câu chuyện kể về Chiến tranh Việt Nam diễn ra trước cuộc đối thoại ấy, cuốn tiểu thuyết này đưa ra một cái nhìn mới, lạ và quan trọng về cuộc chiến tranh ấy: cái nhìn của một người cảm tình cộng sản đầy mâu thuẫn.

Lúc đó là tháng Tư năm 1975, Sai Gon trong hỗn loạn. Trong biệt thự của mình, một vị tướng quân đội Nam Việt Nam đang uống whiskey, và, với sự giúp đỡ của một đại úy tin cậy, lập danh sách cho những người được phép ra nước ngoài trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đất nước. Viên tướng và các đồng bào của ông ta bắt đầu một cuộc sống mới ở Los Angeles, không nhận ra rằng một trong số những thành viên của họ, viên đại úy, đang bí mật quan sát và báo cáo về nhóm này lên một cấp cao của Việt Cộng. CẢM TÌNH VIÊN là câu chuyện của người đại úy này, một con người được nuôi lớn bởi một người cha Pháp vắng mặt và bà mẹ Việt nghèo; một người học đại học ở Mỹ, nhưng quay về Việt Nam để chiến đấu cho lý tưởng cộng sản. Cuốn sách kinh dị của Nguyễn Thanh Việt dẫn chúng ta vào nội tâm của người điệp viên hai mang này, một người mà những lý tưởng cao quí đòi hỏi phải phản bội những người gần gũi nhất với anh ta. Một cuốn tiểu thuyết gián điệp hấp dẫn, một khám phá sắc sảo về chính trị cực đoan, và một chuyện tình cảm động. CẢM TÌNH VIÊN thám hiểm một cuộc sống giữa hai thế giới và khảo sát di sản chiến tranh Việt Nam trong văn học, phim ảnh, và những cuộc chiến tranh mà chúng ta tham chiến hôm nay.

“CẢM TÌNH VIÊN có phần như một tiểu thuyết lịch sử hư cấu, có phần như truyện gián điệp li kì, có phần mỉa mai châm biếm. Cảm nhận của người Mỹ về người châu Á có ý nghĩa như một lời bình chua chát của cuốn sách… Nguyễn biết ông viết gì… Khởi đầu ông kể một câu chuyện xót xa của một con người, dù đứng ở phía bên này vẫn có thể có cách nhìn của phía bên kia.”
Jessica Gelt, Los Angeles Times

CẢM TÌNH VIÊN thuộc loại sách xuất sắc kể câu chuyện trên những bình diện khác nhau nhưng mang đến cảm giác chân thật. Tăm tối và khôi hài, một tác giả bạn vừa yêu vừa ghét vì sự thông minh, nhân bản, và cái cách anh ta vừa biện hộ vừa lên án bản thân. Nguyễn Thanh Việt cho chúng ta khám phá lại một giai đoạn đen tối trong lịch sử của chúng ta, chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó, qua những lăng kính khác nhau – từ quan điểm của một điệp viên Viet Cong (dù là một điệp viên có vẻ phù hợp với Mỹ những năm 1970). Douglas, Powells.com

“Bị kẹt trong cuộc nội chiến không có hồi kết, “con người lưỡng phân” này hành hạ và bị hành hạ khi cố gắng hàn gắn hai nửa của đất nước và của bản thân mình. Nguyễn Thanh Việt thực hiện cuộc hoà hợp này bằng tài kể chuyện điêu luyện tuyệt vời. CẢM TÌNH VIÊN là cuốn tiểu thuyết có tầm quan trọng văn chương, lịch sử và chính trị.” Maxine Hong Kingston, tác giả của The Fifth Book of Peace.

“Thành công tuyệt vời của CẢM TÌNH VIÊN là ở chỗ nó cho người Việt một tiếng nói và đòi hỏi chúng ta chú ý lắng nghe. Cho đến nay, cuộc chuyện trò chủ yếu chỉ là một phía – hay ít nhất, trong văn hóa đại chúng của Mỹ nó có vẻ thế… Trước đây chúng ta chưa từng có một câu chuyện như câu chuyện này… Nguyễn đã có nhiều cái để nói, và nói bằng một giọng thông minh sâu sắc, khôi hài, hiểu biết. Có rất nhiều đoạn văn đáng ngưỡng mộ. Nguyễn là bậc thầy của những câu kể mỉa mai và những chi tiết sắc nhọn, và cuốn sách này cùng mạch đập với những phi lí theo phong cách Catch-22.” Sarah Lyall, New York Times

Một tiểu thuyết đầu tay xuất sắc… [Nguyễn] mang đến một nhận thức rõ rệt về cuộc chiến tranh và những hậu quả của nó. Cuốn sách của ông lấp đầy một khoảng trống trong văn học, đem lại tiếng nói cho những người trước đây không có tiếng nói, trong khi nó buộc chúng ta nhìn lại những sự kiện 40 năm trước dưới một ánh sáng mới. Nhưng cuốn tiểu thyết bi hài này vượt qua bối cảnh lịch sử của nó, để rọi ánh sáng lên những chủ đề phổ quát hơn… Người kể chuyện – nhân vật chính không tên, một tính cách đáng nhớ dù ẩn danh, là một người Việt Nam Mỹ hóa với một trái tim và khối óc bị giằng xé. Cái tài của Nguyễn trong việc mô tả loại nhân cách lưỡng phân này có thể sánh với những bậc thầy như Conrad, Green, và le Carré… Vừa li kì cảm động vừa mỉa mai xã hội…Trong chương cuối, CẢM TÌNH VIÊN trở thành một thành công phi lí như có thể được viết ra bởi một Kafka hay một Genet. Philip Caputo, New York Times Book Review (cover review)

Nguồn:

Một trong những tác phẩm đầu tay được hoan hô nồng nhiệt năm 2015 là (Sympathizer) một tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam không giống bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào khác. Người kể chuyện, một trong những tiểu thuyết hấp dẫn nhất gần đây, là một người mang hai tâm trạng và lòng trung thành bị chia cắt, một người Việt lai Pháp, điệp viên ngầm sống ở Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc.

Đó là vào tháng Tư năm 1975, Sai Gon rơi vào hỗn loạn. Trong biệt thự của mình, một viên tướng quân đội Nam Việt Nam đang uống whisley và với sự giúp đỡ của viên đại úy tin cậy của ông, lập danh sách cho những người được phép ra nước ngoài trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đất nước. Nhưng viên tướng không hề biết rằng viên đại úy này là một điệp viên dưới vỏ bọc, hoạt động cho cộng sản, ông ta bảo anh ghi thêm tên mình vào danh sách, và cùng với viên tướng sang Mỹ. Khi viên tướng và các đồng bào của ông ta bắt đầu một cuộc sống mới ở Los Angeles, thì viên đại úy tiếp tục bí mật quan sát nhóm người này và gửi những bức thư mật mã về cho một người bạn cũ hiện nay là một cán bộ cấp cao của Việt Cộng. Bị nghi ngờ, viên đại úy buộc phải dự tính những hành động khùng khiếp, để khỏi bị lộ. Và khi anh yêu, anh thấy rằng những lí tưởng cao quí của anh va chạm mãnh liệt với lòng trung thành với những người gần gũi nhất của anh, một mâu thuẫn xem ra không cách giải quyết.

Một cuốn tiểu thuyết gián điệp hấp dẫn, một câu chuyện cảm động về tình yêu và tình bạn, một mô tả nhiều tầng về một chàng trai trẻ bị lôi cuốn vào những nghịch cảnh chính trị. CẢM TÌNH VIÊN khảo sát di sản chiến tranh Việt Nam trong văn học, phim ảnh, và những cuộc chiến tranh mà chúng ta tham chiến hôm nay.

Nguồn:


[i] Xem thêm bài giới thiệu The Sympathizer trên Văn Việt tháng 8/2015:

Philip Caputo
Phạm Nguyên Trường dịch






No comments: