Bạn
tôi, Nguyễn Văn Phương đã bước chân
khỏi nhà tù Xuân Lộc lúc 7 giờ sáng nay 20/4/2016. Mười một giờ 45 phút, Điệp,
một người cháu và cũng là bạn tù của tôi và Phương gọi điện báo tin Phương vừa
về đến nhà. Qua điện thoại, tôi được nghe lại giọng nói thân quen của Phương
ngày nào. Giọng nói ấy tuy không còn sang sảng như những năm về trước, nhưng vẫn
giữ được nét mạnh mẽ như thuở nào.
Nguyễn Văn Phương
Nguyễn
Văn Phương sinh năm 1964 tại Sài Gòn. Anh bị bắt ngày 20/4/1999 và bị kết án 17
năm tù giam. Trong số 38 người chúng tôi, Nguyễn
Văn Phương chưa phải người bị kết án nặng nhất. Các anh Nguyễn Thanh Vân, Văn Ngọc Hiếu, Lê Kim Hùng chịu án 20 năm
và hiện vẫn còn đang bị đày đọa trong nhà tù.
Trong
suốt 17 năm, mặc dù điều kiện giam giữ của nhà tù cộng sản vô cùng khắc nghiệt,
nhưng anh luôn kiên gan bền chí, không khuất phục trước bạo quyền và không bao
giờ nhận tội dưới bất cứ hình thức nào.
Ba năm
cuối cùng của chặng đường tù, Phương bị kỷ luật rồi bị "kiên giam"
cho đến ngày mãn án. "Kiên giam" là hình thức biệt giam với điều kiện
rất khắc nghiệt, 24/24 bị đóng cửa buồng giam, biệt lập không cho tiếp xúc với
ai. Đấy là hình thức trừng trị cai tù dành cho Phương vị “tội” lên tiếng đấu
tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho tù nhân và tội không chịu “ăn năn hối cải”
dù đã trải qua 14 năm tù.
Người
tù kiên trung ấy kể lại: Ngày 23/1/2014, anh cùng một số bạn tù đề nghị trại
giam mở một cuộc họp, yêu cầu cai tù phải trả lời chất vấn về việc xâm phạm và
tước đoạt quyền lợi chính đáng của tù nhân.
Một số
tù nhân chính trị gồm: Nguyễn Văn Phương, Sơn Nguyễn Thanh Điền, Nguyễn Thanh
Vân, Cao Văn Tỉnh, Trần Hoàng Giang, Phạm Xuân Thân... tuyên bố sẽ đấu tranh bằng
cách tuyệt thực 3 ngày để chờ đợi, nếu phía trại không đáp ứng yêu cầu, họ sẽ
chuyển hướng đấu tranh bằng hình thức khác.
Sau 3
ngày không thấy động thái nào từ phía cai tù, vào lúc 3 giờ chiều ngày
25/1/2014, các anh đã có những phản ứng quyết liệt như đã thông báo từ trước. Một
số người thì hô to những khẩu hiệu yêu cầu Ban giám thị phải hành xử đúng pháp
luật; Nguyễn Văn Phương dùng hòn đá to tự đập vỡ đầu mình; Sơn Nguyễn Thanh Điền
vừa hô to vừa đá vào cửa buồng giam. Kết quả ngay chiều hôm đó, anh Phương và
Điền đã bị lực lượng công an trại giam khủng bố. Chúng áp giải hai anh về K1 và
tống vào buồng kỷ luật rồi cùm chân hai anh.
Sau 10
ngày bị cùm chân, Nguyễn Văn Phương và Sơn Nguyễn Thanh Điền bị tống vào phòng
biệt giam kể từ đó cho đến nay đã 3 năm trời. Hôm nay, Phương hết án tù 17 năm
và cũng kết thúc 3 năm bị biệt giam, nhưng Sơn Nguyễn Thanh Điền vẫn bị biệt
giam trong buồng kỷ luật, có lẽ cho đến ngày về.
Phương
bùi ngùi nói thêm: “Tụi nó (cai ngục) muốn giết những người tù như anh bằng
hình thức rất tinh vi và tàn nhẫn”.
Hai anh
bị biệt giam mỗi người một buồng. Cánh cửa buồng biệt giam đóng kín 24/24 giờ mỗi
ngày. Thức ăn chỉ là vài cọng rau muống già luộc và vài hạt muối. Mỗi thứ hai
và thứ sáu trong tuần được “bổ dưỡng đặc biệt” bằng vài lát cá kho hoặc miếng
thịt heo mỏng còn chưa cạo hết lông. “Tiêu chuẩn” ấy bắt người tù sống lây lất
qua ngày để khỏi bị chết đói, mang tai tiếng cho nhà tù.
Trong
trường hợp ốm đau, giải pháp duy nhất của cai tù là “mặc kệ”, may thì sống,
không may thì chết.
Hiện
nay tình trạng sức khỏe của anh Phương rất tồi tệ. Thị lực còn 30%, huyết áp
cao và bệnh thấp khớp ngày càng trầm trọng do từ lâu không được chữa trị.
Trước
khi bị bắt, 38 anh chị em chúng tôi đều sống lưu lạc bên Campuchia và Thái Lan,
nhà cửa đất đai ở Việt Nam đều không còn nữa. Vì thế, không riêng gì anh em tôi
hay Nguyễn Văn Phương, hầu hết những người còn lại đều không chốn nương thân
sau khi mãn hạn tù. Lê Văn Minh thuê một căn gác xép rộng chừng 10 mét vuông với
4 người chen chúc nhau. Nguyễn Hoàng Sơn thì nay đây mai đó. Chị Lý Ngọc Hà làm
thuê cho người ta và hàng đêm tá túc trong một cái chòi dột nát. Trần Hoàng Hải,
Trần Hoàng Giang... đều không có nơi ở cố định. Người thì cha mẹ đã chết, người
thì bị vợ con ruồng bỏ, bạn bè bà con họ hàng xa lánh, kỳ thị. Và nhà cầm quyền
thì không ngừng sách nhiễu. Các
anh Hà, Bình, Tuấn và một số anh em khác đã phải bỏ mạng trong nhà tù.
Ba mươi tám phận đời chúng tôi cũng nổi trôi như nhiều phận đời khác, như thân
phận quê hương này.
Bây giờ, dù đã 17 năm sau ngày chúng tôi bị bắt, một số anh em
khác như Nguyễn Thanh Vân, Sơn Nguyễn
Thanh Điền, Lê Kim Hùng, Văn Ngọc Hiếu, Trần Quang Thái... vẫn tiếp tục phải
ở lại chốn ngục tù.
Anh
Phương tâm sự với tôi, anh muốn nhiều người biết đến những tù nhân vẫn còn đang
bị giam cầm. Ước muốn riêng cho mình là anh có đủ khả năng đi khám và chữa bệnh.
“Đơn giản
thế thôi nhưng chắc cũng khó lắm, Tú ạ!”. Anh nói với tôi qua điện thoại bằng
giọng buồn buồn.
Trước
khi cúp máy, Nguyễn Văn Phương không quên gửi lời chúc mừng tôi mới thành hôn.
Vâng, tôi mới lấy vợ 3 hôm trước: Phạm Thanh Nghiên vợ tôi, cũng từng chịu 4
năm tù. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn là những người tù may mắn trong hàng vạn tù
nhân chính trị trên đất nước này.
21.04.2016
*
Có một người tù như thế
Phạm
Thanh Nghiên (#Danlambao) - Nếu bạn thấy
cảm động khi nghe câu chuyện về tôi, một người phụ nữ yếu đuối bước vào tù ở tuổi
31 với mức án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế thì hẳn bạn không khỏi thảng thốt,
xót xa và cảm phục khi biết đến một người tù chính trị khác mang tên Trần Hoàng Giang. Phải đến khi người tù
này trở về vào ngày hôm qua, 26 tháng 9 năm 2014 tôi mới biết đến Giang.
Trần
Hoàng Giang sinh năm 1980 tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bị bắt
ngày 28 tháng 2 năm 2000 tại Sài Gòn khi đang rải truyền đơn với nội dung kêu gọi
người dân chống lại ách cai trị của cộng sản bằng phương thức đấu tranh ôn hòa
bất bạo động. Giang bị bắt và bị kết án 15 năm tù giam với hai tội danh bịa đặt
là “Khủng bố” (điều 84) và “Tuyên truyền chống Nhà nước” (điều 88 BLHS).
Ngay
từ khi còn rất trẻ, Giang đã ý thức được trách nhiệm của mình với Dân tộc. Tôi
hình dung tuổi mười bảy, mười tám của Giang đẹp lắm. Nó đầy hoài bão với những
khát khao cháy bỏng. Không giống như tôi gần ba mươi tuổi vẫn còn ngờ nghệch,
ngu dốt và tăm tối. Tăm tối tới mức còn ôm ấp tấm chân dung của ông Hồ Chí Minh
trong cuốn nhật ký (chắc nhiều người ngạc nhiên về tôi lắm). Rồi sẵn sàng cau
mày, chau mặt và to tiếng với bất cứ ai “nói xấu Bác và đảng”.
Mười
chín tuổi Trần Hoàng Giang bước chân vào tù, chấp nhận bản án 15 năm và hy sinh thời thanh xuân đẹp đẽ nhất để đổi lấy Tự do
của Tổ quốc mình.
Tuổi mười chín, cái tuổi đầy hoài bão và cháy bỏng những ước mơ, tuổi để yêu và
đáng được yêu nhất của đời người.
Giang
mười chín tuổi nhưng dứt khoát không phải phút ngẫu hứng nhất thời hay phút
nông nổi của tuổi trẻ. Ngay từ những ngày đầu khi bước chân vào tù cho đến ngày
hết án gần 15 năm sau đó, người tù ấy vẫn mang trong lồng ngực trái tim nóng hổi
và khí phách ngang tàng thuở nào. Cựu Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú, một người
gần gũi với Giang kể rằng: Giang đã chống đối lao động để phản đối thói hách dịch
và những luật lệ vô lối do cai tù đặt ra: “Muốn cùm thì cùm, muốn giết
thì giết. Tùy” là câu trả lời của Trần Hoàng Giang trước đông đảo
những tên cai tù kéo đến uy hiếp tinh thần anh. Khi đó anh mới 24 tuổi và 4 năm
tù.
Cũng
theo lời kể của cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú, vào tháng 6 năm 2006,Trần
Hoàng Giang đã bị đưa đi “cùm nóng” sau khi hô “Đả đảo cộng sản!” chỉ
vì phản đối những chính sách hà khắc trong trại giam. Trần Hoàng Giang đã bị
cùm suốt hai năm trong phòng biệt giam kỷ luật với chiếc cùm “chữ V”. Theo mô tả
của những người đã từng nếm mùi cùm chữ V, thì đây là loại cùm đáng sợ nhất
trong số những loại cùm trong nhà tù cộng sản. Người tù nếu không cử động thì
sẽ rất khó chịu, cảm giác tê chân như sắp liệt, nhưng sẽ tóe máu, rách thịt chỉ
cần một cử động rất nhẹ. Cai tù thường trả thù những tù nhân chính trị bằng
cách cùm chân họ bằng loại cùm chữ V, nhất là sau khi đã cùm những người nhiễm
HIV vẫn còn dính máu và thịt người. Huỳnh
Anh Trí có lẽ là một trong những người bị cùm chân nhiều nhất và hậu quả là
anh đã bị nhiễm HIV rồi qua đời vài tháng sau khi ra tù.
“Đả
đảo cộng sản!” là khẩu hiệu người ta chỉ dám hô trên các phương tiện Internet,
hay nói thầm rỉ tai nhau vào những khi phẫn uất nhất, tức đã đảm bảo được yếu tố
an toàn. Năm 2007, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã hiên ngang hô bốn chữ “Đả đảo cộng
sản” trong phiên tòa man rợ kết tội ông. Hành động dũng cảm hiếm có này đã khiến
toàn bộ những kẻ có mặt trong khán phòng khi đó đang đại diện cho sức mạnh của
tà quyền phải bối rối và run sợ. Tên công an Nguyễn Minh Tân hoảng hốt lao tới
bịt miệng cha Lý. Hình ảnh này đã được ghi lại và đã trở thành “bức hình biết
thét”, nó được truyền đi khắp nơi trên thế giới vì lột tả được thực trạng nhân
quyền ở Việt Nam mà không cần một lời bình luận.
Trần
Hoàng Giang hô “đả đảo cộng sản” khi anh mới hai mươi sáu tuổi, ngay giữa ngục
tù. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận những hình phạt, những đòn thù nặng
nề nhất từ phía trại giam. Cai tù ra giá: “Chỉ cần anh rút lại lời nói đó sẽ được
tha” nhưng Giang kiên quyết từ chối.
Khi được
hỏi suy nghĩ của mình về việc ra tù trước thời hạn 5 tháng, Trần Hoàng Giang
nói vẻn vẹn ba chữ “đặc xá đểu” để nói về bản chất giả
dối, đểu cáng và lươn lẹo của Nhà nước này.
Có một
sự nhầm lẫn rất thú vị, nhưng cũng thương lắm. Khi nói chuyện điện thoại với tôi,
Giang tưởng tôi là “đàn ông” nên luôn miệng gọi tôi là “anh”. Vì không muốn làm
gián đoạn câu chuyện Giang kể nên tôi không đính chính. Kết thúc câu chuyện,
Giang luôn miệng xin lỗi và giải thích: “Tại tôi ở tù lâu quá rồi, mười
lăm năm chỉ toàn tiếp xúc với đàn ông nên giờ nghe giọng phụ nữ, tôi cũng không
phát hiện được. Chị bỏ quá cho tôi nhé?”.
Tôi
cúp máy, thấy cổ mình nghèn nghẹn.
Phạm
Thanh Nghiên
Hình: Từ trái qua: Huỳnh Anh Tú, Trần Hoàng
Giang, Nguyễn Bắc Truyển
No comments:
Post a Comment