20.04.2016
Trong
bài “Từ nhận thức đến hành động”, tôi khen nhiều người ở Việt
Nam có nhận thức đúng về hiện tình của đất nước. Khen họ thấy được nguy cơ xâm
lấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Khen họ thấy được quốc nạn tham nhũng và sự
kiệt quệ của nền kinh tế Việt Nam. Khen họ cảm nhận được đúng sự xuống cấp của
văn hoá, giáo dục cũng như những vấn đề liên quan đến giao thông, y tế và xã hội.
Những nhận thức như vậy, theo tôi, khá chính xác. Nhưng liệu chúng có đủ để dẫn
Việt Nam đi vào con đường dân chủ hoá hay không?
Câu
trả lời: Không.
Để
có dân chủ, người ta cần có những tầm nhận thức khác, trong đó, có hai nhận thức
quan trọng nhất: sự thừa nhận cái khác và ý thức về quyền.
Cốt
lõi của dân chủ nằm ở sự thừa nhận cái khác. Thực chất của cái khác ấy là cái
riêng. Xã hội loài người bao giờ cũng đa tạp và phức tạp, vừa có cái chung vừa
có cái riêng. Nếu không tìm kiếm được cái chung, tập thể cứ tiếp tục phân hoá,
không thể hình thành xã hội được. Nhưng chỉ có cái chung và triệt tiêu mọi cái
riêng, xã hội không thể phát triển lành mạnh được. Trong suốt chế độ phong kiến,
kéo dài cả hàng ngàn năm, người ta chỉ áp đặt những cái chung lên mọi người. Chỉ
ở thời hiện đại, khi ý thức cá nhân chủ nghĩa hình thành, người ta mới biết tôn
trọng những cái riêng tư và riêng biệt ở mỗi người. Chính việc tôn trọng những
cái riêng ấy sẽ dẫn đến dân chủ.
Ở
Việt Nam, cho đến thời kỳ đổi mới vào khoảng giữa thập niên 1980, chính quyền vẫn
không thừa nhận những cái riêng. Thấy rõ nhất là trong văn học nghệ thuật, ở
đó, người ta chủ trương mọi bài viết, thuộc mọi thể loại, chỉ nhằm phản ánh
tinh thần chung của thời đại. Chế Lan Viên có câu thơ tiêu biểu cho chủ trương ấy:
“Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”. Để tránh cảnh “đứng riêng tây” ấy,
chính quyền tìm cách quản lý chặt chẽ giới văn nghệ sĩ. Mọi người đều đứng
trong một tổ chức: Hội nhà văn Việt Nam; tin vào một ý thức hệ: chủ nghĩa
Mác-Lênin; đi theo một phương pháp sáng tác: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa; có cùng một đặc điểm: tính đảng và một mục tiêu: phục vụ đảng. Hết. Văn
học nghệ thuật, do đó, dù được khuyến khích và hỗ trợ đến mấy, vẫn không thể
tránh được khuyết điểm này: đơn điệu. Cả trăm hay cả ngàn đoá hoa rực rỡ nhưng
tất cả đều chỉ có một loài hoa duy nhất.
Sau
này, từ ngày đổi mới, những ràng buộc khe khắt ấy dần dần được nới lỏng. Giới cầm
bút được khá nhiều tự do để theo đuổi những cái riêng của mình. Văn học
nghệ thuật Việt Nam, trong một thời gian ngắn, khởi sắc hẳn. Nhiều tác phẩm được
dịch sang tiếng nước ngoài và được giới độc giả cũng như phê bình ngoại quốc
đánh giá cao.
Tuy
nhiên, xã hội chỉ thừa nhận những cái riêng về văn học, nghệ thuật hay văn hoá
nói chung. Những cái riêng trong lãnh vực chính trị vẫn tiếp tục bị nghiêm cấm.
Trong khi dân chủ thực sự chỉ gắn liền với những cái riêng về chính trị: Người
ta được quyền có những suy nghĩ riêng về đất nước cũng như về chế độ. Ở Việt
Nam hiện nay, tất cả những người công khai theo đuổi những cái riêng về chính
trị ấy đều bị vu tội là tuyên truyền chống phá nhà nước nên bị trấn áp một cách
dã man. Nhiều người còn bị tù tội.
Nền
tảng thứ hai của ý thức dân chủ là ý thức về quyền.
Mọi
quyền lực (power) về phương diện chính trị đều dựa trên hai yếu tố: Giới lãnh đạo
thì có thẩm quyền (authority), còn dân chúng thì có quyền (rights). Thẩm quyền
là cái gì được uỷ thác từ những người có quyền. Hình thức uỷ thác phổ biến và
đáng tin cậy nhất là bầu cử một cách tự do, bình đẳng và minh bạch. Ở Việt Nam
cũng có bầu cử. Nhưng bầu cử ở Việt Nam lại có hai đặc điểm đi ngược hẳn lại
tinh thần dân chủ: Một, chỉ có đảng viên mới được bầu lãnh đạo. Mà thật ra,
không phải tất cả đảng viên. Chỉ có một số đảng viên được gọi là đại biểu mới
được bầu Ban chấp hành Trung ương, rồi chỉ có Ban chấp hành Trung ương mới được
bầu Bộ Chính trị, và, cuối cùng, chỉ có Bộ Chính trị mới được bầu người thực sự
lãnh đạo cả nước. Hai, dân chúng chỉ được bầu Quốc hội, nhưng ở đây lại có hai
điều: Dân chỉ được bầu những ai được đảng đề cử và bản thân Quốc hội lại không
có quyền lực gì cả. Chức năng chính của Quốc hội là hợp thức hoá những chính
sách đã được đảng quyết định.
Thiếu
sự uỷ thác, có thể nói, thẩm quyền của giới cầm quyền Việt Nam là hoàn toàn
không chính đáng. Cũng có thể nói, một chế độ chỉ thực sự chính đáng và thực sự
dân chủ khi, và chỉ khi, các quyền của người dân được tôn trọng.
Nhưng
nhà cầm quyền không tự nhiên tôn trọng các quyền của công dân. Ngày xưa, vua
chúa không hề tôn trọng các quyền ấy. Hiện nay, dưới tất cả các chế độ độc tài,
giới lãnh đạo cũng không hề tôn trọng chúng. Quyền không phải là cái gì tự
nhiên hay do bố thí. Quyền chỉ có khi người ta biết giành lấy. Lịch sử của dân chủ thực chất là lịch sử của
việc giành giật các quyền làm người và quyền làm công dân. Nhưng muốn giành
được các quyền ấy, điều kiện đầu tiên và tiên quyết nhất là người dân phải có ý
thức về quyền của mình. Một trong những vấn đề làm cản trở tiến trình dân chủ ở
Việt Nam hiện nay là, một mặt, nhà cầm quyền không tôn trọng các quyền của dân
chúng; mặt khác, chính dân chúng lại không ý thức và do đó, không dám nhân danh
những cái quyền của mình để đòi hỏi giới lãnh đạo phải chấp nhận dân chủ.
Khi
một số người dân nghe theo lời của giới lãnh đạo “đồng bào đừng lo, để cho đảng
và nhà nước lo”, họ đang tự từ khước các quyền tham gia vào các sinh hoạt chính
sự của mình. Đó không những là một sự vô cảm mà còn là một sự vô cảm dại dột. Với
sự dại dột ấy, dân chủ vẫn là một ước mơ xa vời.
Nói
một cách tóm tắt, trong tình hình Việt Nam hiện nay, muốn có dân chủ, người dân
không phải chỉ cần nhận thức đầy đủ và chính xác những vấn đề và những thử
thách mà đất nước đang đối diện. Người ta cần phải có ý thức sâu sắc về những
cái riêng, những cái khác và những cái quyền căn bản của mình. Chỉ có những ý
thức ấy mới làm người ta không thể chấp nhận được được sự độc tài toàn trị, và
từ đó, dẫn đến những hành động cần thiết và hiệu quả.
-------------------------
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
CÙNG TÁC GIẢ :
[12.04.2016]
[24.03.2016]
[01.03.2016]
[02.02.2016]
[29.01.2016]
[27.12.2015]
[05.11.2015]
[04.11.2015]
[28.10.2015]
[01.09.2015]
No comments:
Post a Comment