Tuesday, February 17, 2015

Dân Chủ 2016 và bài học tranh cử của Cộng Hòa năm 2012 (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Sunday, February 15, 2015 4:29:39 PM

“Con người mà! Ai chẳng thích thấy đấu đá, nhất là đấu đá chính trị,” cô Minie Valencia, một trong nhưng tham dự viên có mặt ở Viện Nghiên Cứu Brookings Institution nói với bạn bè hôm Thứ Hai vừa rồi khi tham dự buổi thảo luận về tình hình bầu cử Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ tới.

Lời nhắn gửi của cô với tất cả các ứng cử viên đang ước mong trở thành tân tổng thống Hoa Kỳ: “Nhớ lấy bài học từ Đảng Cộng Hòa hồi 2012,” tức đừng mất thì giờ đánh nhau, nên đi thẳng vào chuyện thiết thực hơn, cho cử tri biết lập trường và kế hoạch hành động của họ ra sao.

Bài học 2012 của Đảng Cộng Hòa chính là điều những chính trị gia Dân Chủ đang nghĩ đến. Ba năm trước đây cánh Cộng Hòa dồn hết tiền bạc và sức lực để “đánh” ông Mitt Romney chỉ vì ông cựu thống đốc Massachusetts là nhân vật nổi bật nhất, và tất cả các ứng viên khác đều nghĩ “phải loại trừ” ông ta nếu muốn trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng. Từ cuộc tranh luận này đến cuộc tranh luận khác, thay vì phải trình bày cho người dân biết chính chính sách hành động nếu đắc cử thì mọi mũi dùi đều được chĩa vào ông Romney, “khiến ông ta (Romney) bị mất máu quá nhiều trước khi thật sự trở thành ứng cử viên cho đảng,” theo nhận xét của nhà báo chuyên viết tin chính trị Dan Baltz của tờ The Washington Post. Lần này bài học đó được “rút tỉa thật kỹ lưỡng,” sẽ không có chuyện “quân ta đánh quân mình” xảy ra trong Đảng Dân Chủ, như lời trình bày của ông Bernie Sanders, một trong những người đang tính đến chuyện sẽ dự cuộc đua tiền về Tòa Bạch Ốc cho nhiệm kỳ tới.

Trong một buổi nói chuyện tại thủ đô Washington, DC, ông thượng nghị sĩ của tiểu bang Vermont cho người nghe biết rằng ông hiểu ứng viên sáng giá nhất hiện giờ “chính là bà Hillary Clinton,” một người phụ nữ “thông minh, tôi rất quý trọng” và chủ trương của ông “không phải nhằm chỉ trích bà Clinton vì chê bai người khác không phải là lối làm việc của tôi, mà làm sao chuyển tải cho cử tri biết tại sao họ nên ủng hộ tôi hơn là ủng hộ người khác.” Lập luận này cũng được cựu Thượng Nghị Sĩ James Webb nói đến khi trả lời câu hỏi của đài phát thanh NPR, đại để cho hay ông tranh cử “vì có kế hoạch giúp đất nước chứ không phải vì cạnh tranh với bà Clinton.” Ông cựu Thống Đốc Martin O'Malley của tiểu bang Maryland cũng vậy, nói rằng ông “chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện so sánh hơn thua” với bà Clinton, chỉ muốn tạo cơ hội cho cử tri biết mình là ai, ra tranh cử với mục đích gì, kế hoạch hành động như thế nào. Nói cách khác: Người dân luôn luôn nắm phần quyết định, trách nhiệm của người ra tranh cử là thuyết phục cử tri ủng hộ mình, giành cho được lá phiếu cần có ở vòng sơ bộ và sau đó, ở cuộc tổng tuyển cử.

“Đấu đá cá nhân chẳng mang lại lợi ích gì,” nhà chiến lược Tad Devine của Đảng Dân Chủ trình bày ý kiến cá nhân của mình. “Bất kể là người của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, ai ai cũng biết bà Clinton là nhân vật nổi bật nhất, vì thế điều duy nhất các ứng cử viên khác phải làm là chứng tỏ cho người dân Hoa Kỳ biết sách lược của họ khác sách lược của bà cựu ngoại trưởng ở chỗ nào, sách lược đó sẽ được thực hiện ra sao để giải quyết những vấn đề mà cử tri đang quan tâm.” Ông Devine cũng nhắc lại chuyện xảy ra hồi 2012, “các ứng cừ viên Cộng Hòa tấn công ông Romney, ông Romney một mặt đối phó chuyện nội bộ, mặt khác lên tiếng chỉ trích ông Barack Obama mà không cho biết chính sách ông ta sẽ thực hiện.” Tình trạng này dẫn đến kết quả “một số không ít cử tri nghĩ rằng Đảng Cộng Hòa chỉ biết chê bai, chứ không thật sự có kế hoạch hành động.”

Một trong những lý do khác khiến chuyện đấu đá cá nhân không xảy ra giữa các ứng cừ viên Dân Chủ “là chẳng ai được cử tri biết đến nhiều như bà Clinton,” theo nhận định của chiến lược gia độc lập Mark Schillinger ở Denver, Colorado. Ông cho rằng những ai muốn được cử tri Dân Chủ ủng hộ “đang bù đầu xem chính sách đối nội và đối ngoại của bà Clinton như thế nào, so sánh những chính sách đó xem họ hơn ở chỗ nào, khiếm khuyết ở chỗ nào, phải sửa chữa ra sao để tạo sự chú ý của người dân ngay trong năm nay trước khi cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên diễn ra.” Ông Schillinger tin rằng sẽ có một trận chiến chính trị diễn ra “nhưng không phải là trận đấu đá mang tính cá nhân như từng xảy ra ở Đảng Cộng Hòa hồi 2012,” bảo thêm “lợi điểm” các ứng cử viên Dân Chủ đang có “là Đảng Cộng Hòa sẽ dồn sức tấn công bà Clinton, chẳng cần tốn công sức vô ích, đã có người khác lo hộ chuyện đó rồi” chưa kể đến chuyện “tấn công một người phụ nữ là điều rất khó, tấn công một phụ nữ như bà Clinton là điều càng khó hơn nữa, không khéo lại bị phản ứng ngược.”

Ít nhiều, nhận xét đó đúng. Bà Lis Smith, phát ngôn viên của ông cựu Thống Đốc O'Malley cho hay trong những ngày tới “ông O'Malley sẽ đi vận động khắp nơi, giới thiệu mình với cử tri Dân Chủ ngoài tiểu bang Maryland, và trình bày cho mọi người thấy đường hướng ông muốn xây dựng quốc gia trong tương lai.” Thượng Nghị Sĩ Sanders cũng nhìn nhận “(tên tuổi và uy thế của) bà Clinton gấp tôi biết bao nhiêu lần,” có tấn công bà ta tới mức nào đi chăng nữa thì “Clinton vẫn là Clinton.”

Phía Đảng Cộng Hòa, lúc nào có cơ hội là các chính trị gia hàng đầu của đảng này lên tiếng chê bai bà Clinton, chẳng hạn như ông Cựu Thống Đốc Jeb Bush xem bà cựu ngoại trưởng là “người có ý tưởng cũ kỹ,” Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio từng phát biểu “bà ta (Clinton) là người của thế kỷ 20 trong lúc quốc gia cần người dẫn dắt ở thế kỷ 21,” hoặc khéo léo dùng “biểu tượng Clinton” để chỉ trích nhau, như Thượng Nghị Sĩ Rand Paul cho rằng đối thủ Jeb Bush “chẳng khác gì bà Clinton.”

Có lẽ cũng vì không lo chuyện bị tấn công, nên bà Clitnon chưa vội loan báo tin sẽ tranh cử, vẫn chỉ nói rằng “đang nghĩ đến chuyện đó.” Mới đây, phát ngôn viên Nick Merrill của bà cho biết “chúng tôi chưa quyết định ngày nào sẽ thông báo, nhưng nên nhớ nếu ra tranh cử tổng thống, bà Clinton sẽ chiến đấu không ngừng để lấy từng lá phiếu một.” Tin cuối cùng nghe được: sớm nhất là đầu Tháng Tư, trễ nhất là đầu Tháng Bảy mới biết bà Clinton có ra tranh cử tổng thống hay không, và theo ông Bob Shrum từng làm việc trong ủy ban vận động Al Gore và John Kerry, tấn công bà Clinton ngay lúc này “là điều không dễ vì bà ta chưa lên tiếng nói gì về chính sách, thành thử không ai biết sẽ phải nói gì với cử tri, không thể bảo chính sách của họ hay hơn chính sách của bà Clinton.”




No comments: