Saturday, February 28, 2015

Vụ Boris Nemtsov: Thế giới xúc động mạnh (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 28-02-2015 Sửa đổi ngày 28-02-2015 17:44

Cựu Thủ tướng Nga Boris Nemtsov, tháng 9 năm 2012.  AFP PHOTO / KIRILL KUDRYAVTSEV

Các lãnh đạo Phương Tây và đối lập Nga lên án vụ sát hại nhà đối lập Boris Nemtsov ngay giữa Matxcơva đêm qua 27/02/2015, trong khi đó Tổng thống Putin và các cộng sự nêu khả năng đây là một vụ « khiêu khích » nhằm làm bất ổn đất nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên án « vụ giết người tàn bạo » mà nạn nhân là « người bảo vệ không mệt mỏi để các công dân Nga cũng được hưởng các quyền giống như tất cả mọi người ». Nhà Trắng kêu gọi « chính quyền Nga nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra không thiên vị và minh bạch ».

Lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini cũng kêu gọi Nga điều tra « đầy đủ, nhanh chóng và minh bạch » vụ án. Tổng thống Pháp François Hollande tố cáo « vụ ám sát ghê tởm » nhắm vào một « nhà tranh đấu dũng cảm và không mệt mỏi vì nền dân chủ, một chiến binh ngoan cường chống tham nhũng ». Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc ông Putin làm sáng tỏ « vụ giết người hèn hạ » này.

Phản ứng trước vụ ám sát ông Boris Nemtsov, Tổng thống Ukraina Porochenko viết trên Facebook : « Ông là chiếc cầu nối giữa Ukraina và Nga, và cây cầu ấy giờ đây đã bị những viên đạn của một kẻ sát nhân phá hủy ».

 « Bị giết vì nói lên sự thật »

Nhà đối lập Mikhail Kassianov, cựu Thủ tướng dưới quyền của Tổng thống Putin trước đây, phẫn nộ : « Một lãnh đạo đối lập bị bắn gục ngay dưới chân Kremli vượt quá khỏi mọi tưởng tượng. Chỉ có một lý do duy nhất : Ông bị giết vì nói lên sự thật ».

Về cái chết của ông Nemtsov, một nhà đối lập khác, cựu vô địch cờ quốc tế Garry Kasparov nhận định : « Trong không khí thù hận và bạo lực mà (Tổng thống) Putin tạo ra ở nước ngoài và tại Nga, làm đổ máu là một phương tiện thể hiện sự trung thành, khẳng định sự cấu kết. (…) Vấn đề không phải là biết rằng liệu có phải ông Putin ra lệnh sát hại Boris Nemtsov hay không. Chính nền độc tài của Putin, chủ trương tuyên truyền thường trực chống lại những kẻ thù của quốc gia » là thủ phạm.

Boris Nemtsov là người đứng đầu phong trào phản kháng chưa từng có tại Nga nổ ra trong mùa hè 2011-2012. Ông cũng là người lên tiếng mạnh mẽ chống lại nạn tham nhũng khủng khiếp trong thời kỳ chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội mùa đông tại Sotchi 2014, với việc điểm danh rất nhiều công thự, phi cơ, trực thăng thuộc quyền sở hữu của Tổng thống Nga. Cuối những năm 1990, nhà cải cách Nemtsov từng đảm nhiệm chức Phó thủ tướng dưới quyền Boris Eltsin.

Vụ ám sát « chống nước Nga »

Sau vụ ám sát gây chấn động, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố « tất cả sẽ được làm để những kẻ tổ chức và thực thi hành động tội ác hèn hạ và ác độc này bị trừng phạt tương xứng ». Trong thông điệp của ông Putin gửi đến thân mẫu người quá cố, có đoạn : « Boris Nemtsov đã để lại dấu ấn trong lịch sử nước Nga, trong đời sống chính trị và xã hội Nga. Ông ấy luôn là người bày tỏ công khai và chân thực những quan điểm của mình ».

Theo hãng thống tấn nhà nước Nga Tass, Tổng thống Putin tuyên bố vụ giết người nói trên có vẻ như được thực hiện theo hợp đồng và đây « rõ ràng là một hành động khiêu khích ».
Thủ tướng Nga Dmitri Medvdev ghi nhận sự ra đi của nhà đối lập là « mất mát lớn lao đối với xã hội Nga, mà ông ấy luôn là người bảo vệ các quyền tự do và các giá trị của xã hội chúng ta », ông Nemtsov đã là « một con người trung thành với các nguyên tắc và một nhân cách lớn ».

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitri Peskov tuyên bố nhà đối lập « không hề là một đe dọa chính trị với V. Putin, và nếu như có so sánh với mức độ được lòng dân của ông Putin, thì Boris Nemtsov chỉ hơn một công dân thường một chút ».

Lãnh đạo đảng Cộng sản Nga Guenadi Ziuganov bình luận « rõ ràng là (có âm mưu làm) đổ máu để bạo loạn bùng nổ tại trung tâm Matxcơva ». Theo một lãnh đạo khác của đảng Cộng sản, có thể « đây là một khiêu khích nhằm kích động tinh thần bài Nga ở nước ngoài ».

Vladimir Vassiliev, một lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất, thân cận với Tổng thống Putin, cũng có quan điểm tương tự.

Nhiều nhà đối lập với điện Kremli đã bị giết hại trong những năm gần đây, trong đó đặc biệt nổi tiếng, có nhà bảo vệ nhân quyền Natalia Estermirova, luật sư Stanislav Markelov, nhà báo Anastasia Babourova, hay nữ phóng viên Anna Anna Politkovaskai. Những kẻ trực tiếp ra tay đôi khi bị bắt và bị kết án, nhưng chưa bao giờ là những thủ phạm đứng sau lưng

--------------------------------

Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 28-02-2015 Sửa đổi ngày 28-02-2015 17:51

Đêm hôm qua 27/02/2015, nhà đối lập kỳ cựu Boris Nemtsov, cựu Phó thủ tướng Nga, đã bị sát hại ngay tại trung tâm thủ đô Matxcơva. Boris Nemtsov là một trong những nhà đối lập chủ chốt chống lại chế độ Putin. Cuộc biểu tình của đối lập mà dự kiến ông sẽ tham gia ngày mai đã bị hủy bỏ và được thay thế bằng cuộc tuần hành tưởng niệm người vừa qua đời.

Nhà đối lập 55 tuổi bị bắn vào sau lưng, khi ông đi dạo với một phụ nữ trẻ trên cây Cầu lớn, ngay sát điện Kremli. Một người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga thông báo trên truyền hình Rossiya 24, « khoảng 23 giờ 15 phút, một chiếc xe hơi tiến sát hai người, một người trong xe xả súng, trong đó bốn viên trúng vào lưng ông, gây tử vong ».

Khoảng ba giờ trước khi bị bắn, trả lời câu hỏi của một đài phát thanh Matxcơva về đời chính trị của mình, Boris Nemtsov kể : « khi tôi còn trẻ, Eltsine (Tổng thống Nga lúc đó) từng muốn chọn tôi làm người kế nhiệm, nhưng ông ấy đã đổi ý và chọn Putin. Đó là sai lầm lớn nhất của Eltsine ».

Ngay sau khi có hung tin, nhiều người Mátxcơva đã tới đặt hoa nơi nhà đối lập bị giết hại. Cuộc tuần hành ngày mai, một trong những cuộc biểu tình quan trọng nhất của đối lập kể từ nhiều tháng nay tại Matxcơva sẽ được chuyển thành cuộc tuần hành tưởng nhớ người đã khuất. Theo hãng thống tấn nhà nước Nga Tass, Tổng thống Putin tuyên bố vụ giết người nói trên có vẻ như được thực hiện theo hợp đồng và đây « rõ ràng là một hành động khiêu khích ». Theo cơ quan điều tra Nga, vụ ám sát nhà đối lập đã được lên kế hoạch một cách hết sức chi tiết.

Thông tín viên RFI Veronika Dorman từ Matxcơva:  

 Boris Nemtsov trước hết là một nhà chính trị kiên cường và có nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt là, trong số các lãnh đạo đối lập, ông là người duy nhất đã từng cầm quyền. Boris Nemtsov đã là Phó thủ tướng và Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Boris Eltsin trong những năm 1990, và cũng từng là người lãnh đạo thành phố lớn Nijni Novgorod (thủ phủ kinh tế của Volga-Viatka, một trong 12 vùng kinh tế của nước Nga). Trong những năm gần đây ông là lãnh đạo đảng đối lập Parnas (đảng Tự do của Nhân dân).

Trong hàng ngũ đối lập, ông không phải là người mà đa số sẽ bầu chọn, nếu có cơ hội, nhưng ông là một trong những người bền bỉ phê phán Putin. Dù sao, ngay cả khi nhà lãnh đạo đối lập bị sát hại có thảo ra những báo cáo lên án sự tham nhũng của chế độ hiện hành, Boris Nemtsov không phải là một mối nguy hiểm thực sự đối với Tổng thống Nga, trong bối cảnh hệ thống hiện hành đã bị phong tỏa, còn đối lập thì bất lực.

Chính vì vậy, cho dù giả thuyết về vụ giết người do điện Kremli chỉ đạo có thể là ý tưởng đầu tiên đến với công chúng, nhưng đây không phải là giả thuyết duy nhất, thậm chí đó còn là giả thuyết ít có thể nhất. Trách nhiệm của ông Putin là đã tạo ra một bầu không khí thù hận tại nước Nga. Khi nói rằng đối lập là tay chân của nước ngoài và những nhà đối lập là những kẻ phản bội cần loại bỏ, Tổng thống Putin trên thực tế đã bật đèn xanh cho những đầu óc bất bình thường.

Trong những tuần gần đây, nhà đối lập Boris Nemtsov đặc biệt lên án những can dự gây bất ổn Ukraina của Nga. Mục tiêu của buổi phát thanh mà ông tham gia ít giờ trước khi bị giết là kêu gọi thính giả biểu tình ngày Chủ nhật chống chiến tranh tại Ukraina. Boris Nemtsov yêu cầu « Vladimir Putin ngừng hành động gây hấn » với Ukraina, theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế hết sức nặng nề mà nước Nga phải gánh chịu gắn liền với xung đột này.

Trong cuộc phỏng vấn sau cùng này, Boris Nemtsov cũng lên án « sự tàn bạo của Putin » đối với dân biểu, nữ phi công Ukraina Nadia Savtchenko, người được coi là « biểu tượng của tinh thần kháng chiến Ukraina », đang tuyệt thực từ hơn hai tháng nay trong nhà tù Nga để phản đối. Ông hy vọng cả triệu người xuống đường để gây áp lực lên Tổng thống Nga.

Ngay sau vụ ám sát, nhà đối lập Ksenia Sobchak khẳng định rằng cựu Phó thủ tướng đang chuẩn bị một báo cáo về sự hiện diện của quân đội Nga tại Ukraina, một thực tế thường xuyên bị Kremli phản đối, bất chấp nhiều bằng chứng đã được đưa ra.

Phản ứng trước vụ ám sát ông Boris Nemtsov, Tổng thống Ukraina Porochenko viết trên Facebook : « Ông là chiếc cầu nối giữa Ukraina và Nga, và cây cầu ấy giờ đây đã bị những viên đạn của một kẻ sát nhân phá hủy ».







No comments: